Luân lý giáo khoa thư - Lớp Sơ đẳng/I/12
12. — Anh phải làm gương cho em.
Con một nhà, thì anh là bậc trên cả. Vậy bổn-phận anh là phải làm gương tốt cho các em bắt-chước. Cách ngôn-ngữ, sự cử-chỉ, cái gì cũng phải cho đứng-đắn, cho hợp với luân-lý, chớ có cờ-bạc rượu-chè, chơi-bời ngang-tàng, chớ có tham-lam cay-nghiệt, hung-ác, nóng-nẩy, để cho đàn (đoàn) em dại trông thấy mà noi theo làm bậy. Hoặc trong các em có đứa nào hư, thì anh phải tìm cách mà dạy dỗ.
Tiểu dẫn. — Trần-An và Trần-Ích.
Trần-An và Trần-Ích là hai anh em. Anh thì chăm-chỉ làm ăn,
chẳng bao lâu trở nên giàu có. Em thì tính khí hoang-toàng
(buông-tuồng), lúc đầu cũng đi làm công cho một nhà buôn, nhưng
về sau vì lười-biếng, chơi-bời mà mất việc làm, phải đi kiếm ăn
Trần-An. Trần-Ích.
lần hồi. Có khi một đồng, một chữ không có, phải ăn gửi nằm
nhờ. Những lúc cực-khổ như thế, mới nằm nghĩ rằng: « Anh ta
thì giàu có mà ta vất-vả như thế này là tại làm sao? Có phải là
tại anh ta thì chịu khó làm ăn, mà ta thì chơi-bời lêu-lổng không?
Vậy ta nên trông gương anh ta mà tu-tỉnh lại, thì mới mong có
ngày khá được.
Ích nghĩ thế, rồi tự đó cố bắt-chước anh mà sửa mình, quả nhiên chẳng bao lâu cũng được giàu có như anh.
Giải nghĩa. — Ngang-tàng = ngược ngạo. — Tu-tỉnh = biết lỗi mà sửa mình.
Câu hỏi. — Anh phải làm gương cho em thế nào? — An và Ích tính khí khác nhau thế nào? — Ích khổ-sở làm sao? — Sau nghĩ thế nào mà biết tu-tỉnh?
Cách-ngôn. — Thượng hành hạ hiệu.