Bước tới nội dung

Luân lý giáo khoa thư - Lớp Sơ đẳng/I/43

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

43. — Sự nói xấu.

Sự nói xấu là cái tật cứ đi bới[1] móc chuyện xấu của người ta mà nói. Người nói xấu là có ý hoặc để thỏa lòng ghen-ghét, hoặc để khoe cái hay và che cái dở của mình. Người nói xấu là người hèn-hạ đáng khinh, vì chỉ nói những lúc vắng mặt người ta, để làm cho người ta mất danh-giá.

Vậy không những ta không nên nói xấu ai, mà cũng không nên nghe chuyện người ta nói xấu nhau.

Tiểu dẫn.Chớ nên nói xấu người ta.

Bảy đến chơi nhà Tám. Tám hỏi rằng: « Có chuyện gì lạ không?

— Tôi mới viết một bài báo để đưa anh xem có được không.

— Nói về chuyện gì thế?


Không nên nói xấu người ta.

— Lý-Khuyết-Hạ bây giờ sang-trọng lừng-lẫy, mà trước là người thế nào, anh có biết không?

— Không, người ấy trước thế nào?

— Trước hắn[2] ta đã can án ăn-cắp, phải ngồi tù mấy tháng. mà bây giờ được thế đó!

— Vậy à? anh viết báo nói chuyện ấy đấy à?

— Phải, chắc là bài này in ra, thì ai cũng muốn xem.

— Không nên đăng bài ấy, vì là một chuyện nói xấu người ta. Vả lại tuy người ấy trước làm xằng[3] phải tội, nhưng sau người ta đã biết tu-tỉnh lại, lập được thân, làm nên danh-giá, thế là một điều đáng khen. Nếu anh làm như thế này, thì có phải là đem chuyện xấu của người ta mà làm hại người ta không? Thôi, tôi không xem bài ấy nữa, mà anh cũng nên xé đi! »

Anh Bảy hiểu ý, nghe lời bạn nói, không đem bài ấy đăng báo[4] nữa.

Câu hỏi. — Thế nào gọi là nói xấu? — Thường tại làm sao mà người ta hay nói xấu nhau? — Tại làm sao người nói xấu lại đáng khinh-bỉ? — Anh Bảy định viết báo nói gì? — Anh Tám khuyên ngăn anh thế nào? — Sau anh Bảy làm gì?

Cách-ngôn.Quân-tử thành nhân chi mỹ.

  1. bưi
  2. anh
  3. quấy
  4. vô nhựt-trình