Bước tới nội dung

Luân lý giáo khoa thư - Lớp Sơ đẳng/I/8

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

8. — Thờ phụng tổ-tiên.

Người ta, ai cũng có tổ-tiên. Tổ-tiên là cái gốc gia-tộc nhà mình, vì trước khi có cha mẹ, có ông bà, thì phải có tổ-tiên.

Tổ-tiên trước đã phải làm-lụng khó-nhọc mới gây dựng nên cái cơ-nghiệp nhà mình. Vậy nên con cháu, ai cũng phải nhớ đến cái công-đức ấy mà cố sức ăn-ở cho phải đạo, để khỏi phụ lòng các đấng tiên-nhân.

Ở nước ta, nhà nào cũng có bàn thờ ông bà ông vải, những ngày tuần-tiết và ngày giỗ-chạp, con cháu tụ hội đông-đúc, hương hoa cúng vái, rất là thành kính. Mỗi năm lại mấy kỳ đi tảo mộ, nghĩa là đi sửa-sang mồ-mả của tổ-tiên. Thật là một cái tục rất hay để tỏ lòng kính nhớ tổ-tiên vậy.

Tiểu dẫn.Lòng nhớ tổ tiên.

Đời vua Minh-Mạng, có một người ở Bắc-kỳ đỗ cử-nhân, được bổ vào làm hành-tẩu trong kinh. Nhưng vì nhà nghèo và không quen biết ai, cho nên mãi không được thăng bổ chức khác. Người ấy làm hành-tẩu đến mười lăm, mười sáu năm trời, lương bổng không đủ ăn, mà muốn về cũng không được. Tình cảnh tuy khổ-sở như thế, mà đến những ngày giỗ ông giỗ cha, cũng cố dành được ít tiền, mua hương hoa bày lên cúng lễ.

Một hôm, gặp ngày giỗ cha, người ấy đặt đồ cúng xong, ngồi ngâm thơ mà khóc. Chợt khi vua vi-hành, đi qua đến cửa, nghe thấy than khóc, mới vào hỏi:

« Sao mà thầy than khóc như thế? »

Người ấy nói rằng: « Hôm nay là ngày giỗ cha tôi. Tôi học-hành đã đỗ lên được, mà bao nhiêu lâu nay, không làm nên gì cho vẻ-vang đến ông cha, thậm chí đến ngày giỗ cha, cũng không có gì mà cúng, cho nên tôi nghĩ mà tủi thân, ngâm mấy câu thơ cho giải phiền.


Nhớ ngày giỗ cha.

— Vua nói: Tôi là người làm việc ở trong Nội, có được thân với các cụ thượng, vậy thầy có muốn gì, tôi có thể giúp cho thầy được.

— Người kia nói: Tôi chỉ muốn Triều-đình cho tôi trở về quê hương để kiếm nghề làm ăn mà phụng-thờ tổ-tiên. »

Vài hôm sau, người ấy quả nhiên nhận được giấy trong Bộ cho về quê quán. Về đến nhà, lại liền tiếp được sắc nhà vua bổ cho đi làm quan to.

Ấy cũng vì người ấy có lòng hiếu nghĩa mà cảm động được lòng vua và được hiền vinh.

Giải nghĩa.Tiên nhân = người sinh ra đời trước, tức là tổ tiên mình. — Tuần tiết = ngày tết, ngày lễ trong năm. — Hành-tẩu = người đỗ cử-nhân vào trong kinh (Huế) để tập sự ở các bộ. — Vi-hành = đi lén, nói vua ra ngoài chơi, không cho ai biết.

Câu hỏi. — Gia-tộc bởi đâu mà ra? — Tại làm sao mà ta phải nhớ công-đức tổ-tiên? — Ở nước ta thờ cúng tổ-tiên thế nào? — Người hành-tẩu ở Huế thế nào? — Đến ngày giỗ cha, người ấy làm gì? — Tại sao mà người ấy được làm quan?

Cách-ngôn.Bất vong kỳ bổn.