Bước tới nội dung

Luân lý giáo khoa thư - Lớp Sơ đẳng/II/7

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
CHƯƠNG THỨ HAI
TRUNG-KỲ


Tòa Khâm-sứ (Huế).


Nhà máy-nước (Huế).

Nhà thương (Huế).


Cầu Hàm-Rồng (Thanh-hóa).

1. — Xã. — Hương-chức.

Ở Trung-kỳ, cách tổ-chức các xã và cách quản-trị công-điền, công-thổ cũng như ở Bắc-kỳ.

Việc hàng xã thì do hương-hội. Cứ mỗi tháng mấy kỳ họp tại đình để bàn định. Đứng đầu hương-hội là tiên-chỉ hay thủ-chỉ, thường là bậc có tuổi-tác và có danh-vọng hơn cả.

Những việc hương-hội đã quyết định rồi, thì giao cho các hương-chức thi-hành. Hương-chức thì có: lý-trưởng, một hay hai phó-lý-trưởng, một hương-bộ, một hương-bản, một hay hai hương-mục, một hương-kiểm và hai hay ba hương-dịch.

Những hương-chức thì do dân chọn trong những người lương-thiện và có học-thức. Trong các hương-chức, thì lý-trưởng là hơn cả. Lý-trưởng là người làm môi-giới cho dân và quan trên. Lý-trưởng thì chọn trong những người kỳ-mục lương-thiện không can án bao giờ, có vật-lực và thông hiểu chữ nho và chữ quốc-ngữ. Lúc bầu lý-trưởng thì có quan phủ hay quan huyện về tận nơi làm chủ-tọa, họp tất cả chánh phó tổng, kỳ-mục và các viên hào dân hộ xã ấy để bỏ phiếu công cử. Công cử xong thì phải làm tờ bẩm lên tỉnh và tòa duyệt-y, rồi cấp bằng cho đi phục sự. Việc xong rồi, phải tư vào Bộ để bị-chiểu.

Toát yếu. – Ở Trung-kỳ thì các xã có hương-hội coi mọi việc. Đứng đầu hương-hội là tiên-chỉ hay thủ-chỉ. Những hương-chức là lý-trưởng, phó-lý-trưởng, hương-bản, hương-mục, hương-kiểm, hương-dịch. Lý-trưởng là người đứng đầu hương-chức làm môi-giới cho dân và quan trên.

Câu hỏi. — Ở Trung-kỳ, ai coi việc hàng xã? — Ai đứng đầu hương-hội? — Hương-chức có những ai? — Lý-trưởng làm gì? — Phải như thế nào mới được bầu làm lý-trưởng?