Bước tới nội dung

Mấy lời thỉnh giáo lại cùng sư Thiện Chiếu

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Mấy lời thỉnh giáo lại cùng sư Thiện Chiếu  (1930) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Thần chung, Sài Gòn, số 290 (8.1.1930)

Về sự phê bình Phật học tổng yếu

Tôi đọc cả ba bài đáp lại của Sư thì thấy cái khổ tâm của sư trong sự viết cuốn sách Phật học tổng yếu là dường nào. Sự đó là một vấn đề khác, đợi có dịp tôi sẽ bàn thêm ; đây xin nói về sự dịch sách. Vì tôi nhận cho sự nầy là quan hệ cho cả học giới nước ta về hiện tại và tương lai, chẳng những riêng về Phật học.

Về khoản theo đúng từng chữ của kinh văn, Sư không biểu đồng tình, có viện dẫn nhiều lẽ để cãi lại. Song những lẽ mà Sư đã bày ra đó tôi chưa dám tin là chắc, tôi còn có chỗ biện nạn lại, nên phải thỉnh giáo Sư lần nữa.

Sư nói : Phật học không nê cố văn tự, cốt chỉ để minh tâm kiến tánh mà thôi. Song khi mượn văn tự, cũng như mượn ngón tay để chỉ mặt trăng, mượn cái nơm để bắt con cá. Nói vậy là có ý tỏ ra rằng khi thấy trăng rồi thì không cần dùng ngón tay nữa, khi bắt được cá rồi thì không cần dùng cái nơm nữa, và khi minh tâm kiến tánh rồi, cũng không cần dùng văn tự nữa.

Phải, tôi vẫn biết lẽ đó. Mà tôi nghĩ : Cái lẽ đó gồm suốt cả các thứ học, chẳng luận chi một mình Phật học. Văn tự chẳng qua là cái chìa khóa để mở cái tủ tri thức, khi mở được rồi thì có ai dùng chìa khóa nữa làm chi ? Song trong khi chưa mở được, bạch Sư, phải cần dùng chìa khóa. Mà đã dùng thì chìa khóa phải đúng với ống khóa thì mới mở được.

Tôi học toán kỷ hà[1] là cốt để đo đất. Trong khi tôi học đo, về những cái đường (ligne), cái góc (angle), nghĩa nó thế nào, tôi phải hiểu cho thiệt đúng, thì sau tôi mới đo đất được. Nếu tôi hiểu sai đi thì làm thế nào cho đạt được cái mục đích của tôi ?

Nói một món học kỷ hà, mà món học nào cũng vậy cả. Phật học cũng vậy. Thoát ly văn tự, là sau khi đã thành đạo rồi kia, cũng như khi tôi học kỷ hà đã thành nghề rồi kia ; chớ còn mang cái chữ học, – Phật học – thì làm sao thoát ly được ? Mà đã không thoát ly được thì cần phải cho đúng, cho đâu ra đó.

Tôi thiệt chưa biết đến Phật học – biết được ít nhiều danh từ, tôi không dám gọi là biết, – nhưng tôi biết rằng sách của Phật là nhiều hơn sách của các tông giáo khác. Vả, “Thích-ca Mâu-ni chưa hề viết ra một chữ” thì sao có sách đâu được nhiều như vậy ? Cái lẽ ấy, tôi xin lấy sự tôi biết về các giáo khác mà suy ra.

Như đạo của Khổng Tử, vì tại những người nối theo, cắt nghĩa mỗi người sai lầm một ít, trải đời nọ sang đời kia, càng nhiều người cắt nghĩa thì càng sai, mà càng sai lại càng nhiều người cãi, vì vậy mà sách chất hàng đống. Phật giáo, tôi tưởng, cũng một kiểu ấy. Như tam tạng, trừ luật tạng không nói đến ; còn kinh tạng là lời của Phật, luận tạng là lời của các bồ tát để giải kinh, khốn nhau là tại hai tạng đó. Về kinh, các đệ tử chép chưa chắc đã đúng như lời Phật, do đó mới sanh ra luận, luận lại nhiều gấp mấy kinh. Sở dĩ sách nhiều như vậy là tại mỗi người nói một thế rồi sanh ra biện bác cùng nhau, chớ chẳng có gì lạ hết.

Đó là tôi nói cái đại khái, dầu có chỗ sai, cái đại khái cũng vẫn không ngoài lẽ ấy. Ý tôi muốn nói rằng : giả sử Khổng Tử, Thích-ca nói thế nào, người ta cứ chép thế ấy, cắt nghĩa thế ấy, thì thôi, khỏi có sự lôi thôi cho hậu học.

Lấy nguyên tiếng Phạn mà chép lời Phật còn như vậy đó huống chi mình lấy tiếng An Nam mà dịch ra, lại dịch cách vách bằng sách Tàu, chớ không dịch thẳng tiếng Phạn. Bởi vậy nếu có thêm bớt một chữ nào thì, thưa thiệt cùng Sư, tôi phải cho là quan hệ. Chẳng những quan hệ thôi, tôi còn muốn nói là nguy hiểm.

Tôi xin chủ trương cái thuyết trước của tôi mà lặp lại rằng : Hễ kinh văn nói thế nào thì phải nói theo thế ấy.

Như cậu “Phụ tác bất thiện, tử bất đại thọ”. Sư dịch rằng “Cha làm điều chẳng phải, con không chịu thế được”. Tôi cho chữ “được” đó là dư, sợ sai ý kinh, thì Sư nói không hại chi, và nói rằng nếu bỏ chữ “được” đi thì thành con cháu bất hiếu. Lời của Sư đó tôi lấy làm quan hệ lắm, tôi chưa dám để lọt tai.

Không phải tôi cho Sư nói quấy, nhưng tôi không biết hồi đó Phật có ý nói như Sư hay không ?

Hoặc giả hồi đó Phật lấy cái tư cách “duy ngã độc tôn” mà coi nhứt thiết loài người đều là chúng sanh hết thảy, cốt chỉ giảng minh cái luật nhân quả mà thôi, chớ không kể hiếu hay bất hiếu, từ hay bất từ. Cho nên cứ nói thẳng băng rằng “Cha làm chẳng lành, con chẳng chịu thế, con làm chẳng lành, cha chẳng chịu thế”, mà chẳng thèm nghĩ đến sự “được” hay là “không được”. Nếu ý của Phật hiệp với ý tôi dè chừng đó thì trong câu ấy không có chữ “được” là phải.

Có một điều nữa tôi lấy làm khó nghĩ. Nếu theo ý Sư, trong câu ấy phải có chữ “được”, thì sao trong nguyên văn chữ Hán, lại không nói rằng : “Tử bất năng đại thọ” ? Mà trong văn tự của Tàu, chữ “năng” vốn đã có trước khi kinh Phật truyền sang.

Theo tôi tưởng, có lẽ Sư thâm nhiễm Khổng giáo mà không tự biết. Tức như trong khi Sư đưa hai chữ “bất hiếu” vào đây, là khi cái quan niệm về luân thường của Khổng giáo nó nhắc cho Sư nhớ điều đó. Phật là Phật, Khổng là Khổng, nếu đem cái nầy pha vào cái kia thì mất cái bổn sắc của nó vậy. Bởi vậy, tôi chẳng những cho là điều quan hệ, mà cho là điều nguy hiểm. Tôi thì tôi muốn giống chi cho ra giống nấy.

Trong bài phê bình của tôi, tôi đã nói rằng tôi cho chỗ ấy là trọng hơn hết. Nay Sư lại bác ngay chỗ đó đi, thành tôi phải viết bài nầy thỉnh giáo lại

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Kỷ hà : tức là kỷ hà học (geométrie), nay gọi là hình học