Bước tới nội dung

Nói về hàm râu

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Mùa hè năm nay đi chơi Trường An một chuyến, sau hơn một tháng, ngây ngô ngốc ngác mà trở về. Những người bạn biết chuyện bèn hỏi tôi: "Anh thấy trên đó như thế nào?" Thế rồi mới dật mình nghĩ lại Trường An, nhớ đã thấy cây bạch dương rất nhiều, cây lựu rất lớn, dọc đường đã uống nước sông Hoàng Hà không ít. Nhưng mà những cai đó có gì đáng nói ư? Tôi bèn trả lời: "Chẳng có thế nào gì cả." Vậy rồi người bạn tiu nghỉu mà đi, tôi vẫn cứ tiu nghỉu mà ở, tự thấy thẹn vì một không lấy gì đáp lại những người bạn "chẳng hổ hỏi kẻ dưới"[1].

Hôm nay sau khi uống trà, thì xem sách, trên sách rây một giọt nước, tôi biết râu hàm trên của mình đã lại dài ra rồi. Giá như mở Khang Hy tự điển ra, các thứ râu của môi trên, môi dưới, bên mép, dưới cằm, đại khái mỗi thứ đều có tên riêng đấy, nhưng tôi không rỗi đâu mà có hứng thú làm như thế. Tóm lại là râu ấy đã lại dài ra rồi, tôi lại phải chiếu lệ cắt ngắn nó đi, trước là cho khỏi nhúng canh quện nước. Thế rồi tìm cái gương, cái kéo, bắt tay cắt nó, cốt làm cho nó bằng với mé trên, thành một chữ "nhất" viết lối lệ[2].

Tôi, một mặt cắt, một mặt bỗng lại nhớ đến Trường An, nhớ đến thời đại thanh niên của tôi, nẩy ra bao nhiêu điều cảm khái dây dưa chẳng dứt. Việc Trường An, nhớ không rành mạch lắm, chằng là khi vào chơi Khổng miếu, trong có một gian phòng, treo nhiều bức họa in, có tượng Lý Nhị Khúc[3], có tượng đế vương các đời, trong có một bức là Tống Thái Tổ hay tông nào đó, tôi cũng không nhớ rành mạch nữa, tóm lại là mặc một áo bào dài mà râu vểnh lên. Thế rồi một vị danh sĩ quả quyết nói rằng: "Cái nầy đều la Nhật Bổn giả tạo ra, anh xem râu nầy là kiểu râu Nhật Bổn đây."

Thật vậy, râu của người Nhật Bổn đúng là vểnh lên như thế, họ cũng chưa chắc không giả tạo họa tượng của Tống Thái Tổ hay tông nào đó, có đều giả tạo tượng hoàng đế Trung Quốc mà lại phải soi gương, lấy râu của mình làm mẫu, thì thủ đoạn và tư tưởng cũng lạ lùng lắm, thật không ai ngờ đến. Trong đời Kiền Long nhà thanh, Hoàng Dị đào được những họa tượng khắc đá của nhà thờ Hán Vũ Lương[4], râu của đàn ông phần nhiều đều vểnh lên ; lại những tượng tín sĩ trong các pho tượng Phật giáo từ Bắc Ngụy đến Đường mà chúng ta thấy, hễ là người có râu, phần nhiều đều vểnh lên, chỉ đến họa tượng đời Nguyên đời Minh, thì râu, đại khái chịu tác dụng của sức hút lòng trái đất mà dủ xuống cả. Người Nhật Bổn sao mà không sợ mất công, cặm cụi tạo ra bao nhiêu đồ xưa giả từ Hán đến Đường, đem đi chôn ở nơi núi sâu hang thẳm cồn trụi đất hoang khắp Tề, Lỗ, Yên, Tấn, Tần, Lủng, Thục của Trung Quốc làm gì ư?

Tôi cho rằng râu dủ xuống là kiểu Mông Cổ, kiểu người Mông Cổ đem vào, nhưng mà bọn danh sĩ thông minh của chúng ta lại coi nó là quốc túy. Những học sinh lưu học ở Nhật Bổn vì giận Nhật Bổn, bèn ngậm ngùi nhớ đến Đại Nguyên, nói rằng ; "Lúc đó nếu không có trời phù hộ thì cái đảo quốc nầy đã bị chúng ta diệt quách rồi![5]" Thế thì nhận thứ râu dủ xuống làm quốc túy cũng chẳng có gì là không được. Nhưng mà đã thế thì sao còn là con cháu của Hoàng đế? Sao còn nói người Đài Loan ở Phúc Kiến đánh người Trung Quốc là căn tánh nô lệ nhỉ?

Lúc đó tôi muốn tranh biện, nhưng rồi tôi liền nghĩ lại, không tranh biện. Người yêu nước lưu học ở Đức là ông X - vì tôi không nhớ tên, hẵng thay bằng X - chẳng đã nói tôi chê bai Trung Quốc là vì tôi đã lấy vợ Nhật Bổn cho nên vì họ nói xấu bổn quốc đó ư?[6] Tôi trước kia chẳng qua chỉ ra một vài khuyết điểm của Trung Quốc, còn phải làm lụy đến "nhà tôi" đổi quốc tịch đi thay, huống chi bây giờ là vấn đề có dính dấp đến Nhật Bổn? Thôi thì dù cho hàm râu của Tống Thái Tổ hoặc tông nào đó có bị oan chăng nữa, cũng chẳng đến nỗi có hồng thủy, có động đất, có gì tai hại lớn. Khi ấy tôi bèn gật đầu lia lịa nói: "ờ, ờ, đúng đấy." Bởi vì thực ra tôi so với trước kia hình như đã tròn lắm rồi, - tốt rồi.

Tôi cắt cái đầu nhọn râu bên trái của mình xong rồi, nghĩ, người Thiểm Tây đã mệt lòng nhọc sức, tốn cơm phí tiền, dùng xe hỏa đưa đi, dùng thuyền chở, dùng xe ngựa kéo, dùng xe hơi đón, mời đến Trường An giảng diễn, chắc họ không ngờ đâu tôi là một kẻ tuy đối với cái việc nhỏ xíu quyết không đến có cái họa giết mình mà cũng không chịu thẳng thắn tỏ bày ý kiến, chỉ "ờ, ờ, đúng đấy" mà thôi. Họ gỏn gọn là bị lừa.

Tôi lại soi mặt mình trong gương, nhằm chỗ khóe miệng bên phải, cắt cái đầu nhọn râu bên phải, thả rơi xuống đất, nhớ đến thời đại thanh niên của tôi...

Đó đã là chuyện cũ, ước chừng có đến mười sáu, mười bảy năm nay rồi.

Bấy giờ tôi từ Nhật Bổn trở về nước, trên mép để thứ râu vểnh lên giống như của Tống Thái Tổ hay tông nào đó, ngồi trong chiếc thuyền con, nói chuyện gẫu với anh lái thuyền.

"Thưa ông, ông nói tiếng Trung Quốc sõi lắm." Sau lại, anh lái thuyền nói với tôi như thế.

"Tôi là người Trung Quốc, vả lại là đồng hương với anh, thế nào lại..."

"Ha ha, ông, cái ông này còn biết pha trò nữa kia."

Nhớ lại tôi hồi đó không biết nghĩ thế nào, thật còn mười phần lúng tung shơn khi thấy bài thông tin của ông X. Tôi hồi đó không mang gia phả theo, thật không thể nào chứng minh mình là người Trung Quốc được. Dù cho có mang theo gia phả, mà trong đó chỉ có họ tên, không có ảnh tượng, cũng không thể chứng minh kẻ có họ tên ấy chính là tôi. Lại dù cho có ảnh tượng, người Nhật Bổn đã giả tạo được những tấm đá khắc từ Hán đến Đường, những tượng vẽ Tống Thái Tổ hay tông nào đó, có lẽ nào lại không giả tạo được một bộ gia phả bằng bản gỗ?

Tất cả sự đối phó với kẻ lấy câu chuyện thật làm câu chuyện pha trò, với kẻ lấy câu chuyên pha trò làm câu chuyện thạt, với kẻ lấy câu chuyện pha trò làm câu chuyện pha trò chỉ có một cách là: không nói chi hết.

Thế rồi từ đó tôi không nói chi hết.

Nhưng mà, giá như ở bây giờ thì ướ chừng tôi còn nói: "Hôm nay tốt trời lắm đấy nhỉ?... Cái làng bên kia gọi là làng gì nhỉ?..." Bởi vì thực ra tôi so với trước kia hình như đã tròn lắm rồi, - tốt rồi.

Bây giờ tôi nghĩ, sự người lái thuyền đổi quốc tịch tôi, đại khái không giống với cao kiến của ông X. Nguyên nhân nó chỉ ở nơi hàm râu thôi, bởi vì từ đó tôi thường thường chịu khổ vì hàm râu.

Quốc độ có thể mât, nhà quốc túy không có thể ít đi được, mà hễ nhà quốc túy không ít thì cái quốc độ ấy không coi là mất. Nhà quốc túy là người bảo tồn quốc túy ; mà quốc túy là hàm râu của tôi. Đó tuy không biết là theo phép "lô gíc" nào, nhưng cái thực tình bấy giờ đúng là như thế.

"Sao anh lại bắt chước dáng bộ của người Nhật Bổn, khổ người đã thấp bé, râu lại thế kia..." Một nhà quốc túy gồm ái quốc sau khi phát ra một tràng nghị luận đênh thép rồi, bèn đi đến cái kết luận ấy.

Đáng tiếc lúc bấy giờ tôi còn là một thiếu niên chưa trải sự đời, cho nên hằm hằm cãi lại. Một là, khổ người tôi vốn chỉ cao có bằng ấy, chứ không phải tôi cố ý kiếm cách ép bằng máy móc nào của ngoại quốc cho lùn bé lại, toan mạo làm người họ. Hai là, râu của tôi thật có giống người Nhật Bổn, nhưng mà, tuy tôi chưa từng nghiên cứu lịch sử kiểu râu của họ thay đổi như thế nào, chứ đã có thấy mấy bức tượng vẽ người đời xưa của họ, râu đều không vểnh lên, chỉ chĩa ra hay dủ xuống, không khác với quốc túy của ta bao nhiêu đâu. Chỉ sau khi Duy Tân, râu mới vểnh lên, đại khái là họ bắt chước kiểu râu nước Đức. Hãy xem hàm râu hoàng đế Uy Liêm, chẳng phải chỉ thẳng lên khóe mắt, đứng song song với sống mũi là gì? Mặc dầu về sau vì hút thuốc cháy đi một bên, rồi phải xén bằng hai bên cả, chứ thuở Minh trị Duy Tân ở Nhật Bổn, cái mép bên kia của ông còn chư abị hỏa tai...

Cuộc biện giải đó mất chừng hai phút đồng hồ, song le thế nào cũng không làm nguôi giận nhà quốc túy, bởi vì nước Đức cũng là ngoại quốc, huống chi khổ người tôi lại thấp bé. Lại huống chi nhà quốc túy rất chẳng ít mà ý kiến họ lại rập nhau, thành thử tôi biện giải bao nhiêu lần cũng không ăn thua, một lần, hai lần, cho đến mười lần, mười mấy lần, cả đến chính mình tôi cũng thấy là vô vị mà lại đâm bực mình nữa. Thôi được, vả lại thứ dầu keo dùng để uốn râu ở Trung Quốc cũng khó kiếm, từ đó tôi để mặc kệ nó.

Sau khi để mặc kệ, hai đầu râu mép trình ra cái hiện tượng hướng về lòng trái đất, đối với mặt đất thành ra góc thẳng chín mươi độ. Quả nhiên nhà quốc túy không nói gì nữa, hay là Trung Quốc đã được cứu rồi chăng.

Nhưng mà tiếp đó lại chác lấy phản cảm của nhà cải cách, ấy cũng là đáng lắm. Khi ấy tôi lại vuốt rẽ ra, một lần, hai lần, cho đến nhiều lần, cả đến chính mình tôi cũng thấy là vô vị mà lại đâm bực mình nữa.

Ước chừng trước đây bốn năm năm hoặc bảy tám năm, tôi ngồi một mình trong hội quán, riêng buồn về cái cảnh ngộ không may của hàm râu tôi, tìm cái cớ tại sao mà nó bị tai tiếng, bỗng sực tỉnh ra, biết cái mầm họa toàn ở cái đầu nhọn hai bên của nó. Thế rồi lấy gương, kéo, lập tức xén bằng nó đi, khiến nó không vểnh lên, cũng không dủ xuống, như một chữ "nhất" viết lối lệ.

"A, râu của anh lại thế nầy rồi?" Lúc đầu từng có người hỏi như thế.

"Ờ, ờ, râu của tôi thế ấy rồi đó."

Nhưng hắn không nói chi. Tôi không biết có phải là vì tìm không thấy hai đầu nhọn, nên không nói vào đâu được, hay là sau khi râu tôi đã "thế ấy" rồi, thì không còn gánh lấy cái trách nhiệm về Trung Quốc còn hay mất nữa. Tóm lại, tôi từ đó được thái bình vô sự thẳng đến bây giờ, cái điều bực mình là chỉ phải thường thường cắt xén mà thôi[7].

30-10-1924
(Dịch ở Phần)

   




Chú thích

  1. Đây là một câu sẵn có trong sách Luận ngữ, nguyên văn là: "Bất sỉ hạ vấn".
  2. Chữ "nhất" viết lối lệ cũng giống như chữ "nhất" viết lối chân, chỉ khác là cái lưng hơi ển lên.
  3. Lý Nhị Khúc tức Lý Ngung, một đại nho đầu đời Mãn Thanh, được gọi là Nhị Khúc tiên sinh.
  4. Nhà thờ Vũ Lương thuộc về đời Hán ở tỉnh Sơn Đông ; đây nói "đào được" vì nó đã bị lấp dưới đất.
  5. Đời Nguyên (Mông Cổ) Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) có cử đại binh đi đánh Nhật Bổn, giữa biển gặp bão, thuyền đắm, tướng sĩ chết hết, chỉ trở về được có mấy chục người. Câu nói đó có ý chỉ vào việc ấy. Nhưng đó là việc của người Mông Cổ, sao lại nói "chúng ta"? Sở dĩ dẫn câu nầy, ý Lỗ Tấn băm vào hai chữ "chúng ta".
  6. Em ruột của Lỗ Tấn là Chu Tác Nhân lấy vợ Nhật Bổn, do đó có người tưởng lầm là Lỗ Tấn.
  7. Đại ý bài nầy đả kích người đương thời về mấy điểm nầy ; căm hờn đế quốc (như Nhật Bổn) mà chỉ căm hờn ở những điều vụn vặt có khi không đáng căm hờn (như kiểu râu vểnh lên) ; bảo tồn quốc túy mà lại nhận lầm những cái không phải là quốc túy (như kiểu râu dủ xuống) ; nhân đó đến nỗi nhận kẻ thù làm đồng tộc với mình (như nhận nhà Nguyên Mông Cổ là chúng ta) và vu oan cho người lương thiện (như nói Lỗ Tấn làm việc cho Nhật Bổn). Trong một chuyện nhỏ là chuyện cái râu, tỏ ra cái ý thức của Quốc dân là chếch lệch, nên uốn nắn lại.
    Theo thể thức văn văn ngôn, thì bài văn nầy là bài không trang nhã. Bởi vậy khi nó đăng báo xong, có người chế rằng: "Lỗ Tấn lần nầy nói hàm râu, có lẽ lần sau nói thẳng tới cái đít như nhà văn mất dạy nọ ở Thượng Hải." Vì trước đó ở Thượng Hải đã có người làm bài phú "Phơi cái đít dưới mặt trời" (Thái dương sái bí cổ phú).
    Trong bài có câu "lấy câu chuyện pha trò làm câu chuyện pha trò", có lẽ Lỗ Tấn đã nói tiên tri về người ấy. Một câu chuyện tuy như là pha trò mà thực thì có ý nghĩa sâu sắc, thì phải cố mà hiểu, không được coi nó là câu chuyện pha trò.
    Cũng vì lời chế nhạo đó, Lỗ Tấn viết tiếp bài Từ hàm râu nói đến cái răng, và bài Luận về đéo mẹ nó, cũng có ý nghĩa sâu sắc lắm, nhưng ở đây chưa dịch.