Nam Hải dị nhân liệt truyện/10
10. — Hưng-đạo đại-vương[1]
Vương họ Trần tên Quốc-Tuấn, quê ở làng Tức-mặc, tỉnh Nam-định, con ông An-sinh vương Liễu, (anh ruột vua Trần Thái-tôn).
Khi trước An-sinh vương phu nhân, nằm mơ thấy một ông thần tinh vàng tướng ngọc, tự xưng là Thanh-tiên đồng-tử phụng mệnh Ngọc-hoàng xuống xin đầu-thai, nhân thế có mang. Đến lúc sinh ra vương, có hào-quang sáng rực cả nhà và có mùi hương thơm ngào ngạt.
Vương, khôi-ngô kì-vĩ, thông minh sớm lắm, lên 5, 6 tuổi, đã biết làm thơ ngũ-ngôn, và hay bày chơi đồ bát-trận. Khi gần nhớn, học rộng các sách, thông hết lục-thao, tam lược có tài kiêm cả văn võ.
Trong năm Nguyên-phong thứ bảy thời vua Thái-tôn (1257). Có giặc Mông-cổ lấn vào phận Hưng-hóa, vua sai vương cầm quân lên giữ mặt thượng-du.
Đến đời vua Nhân-tôn, Mông-cổ lại sai Thoát-Hoan đem bọn Toa-Đô, Ô-mã-Nhi chia đường sang đánh nước Nam, vương phụng mệnh thống lĩnh các quân của vương, hầu, hội cả ở trại Vạn-kiếp, để chống nhau với quân Mông-cổ. Bấy giờ thanh thế Mông-cổ đang mạnh, vương phải rước xa giá Hoàng-đế lánh vào Thanh-hóa. Hoàng-đế thấy sự-thế nguy cấp, muốn hàng, vương không nghe, tâu rằng:
— Nếu bệ-hạ muốn hàng, xin trước hết chặt đầu thần đi đã, rồi sẽ hàng cũng chưa muộn. Đầu thần còn thì xã-tắc cũng còn, xin bệ-hạ chớ lo.
Vua thấy nói cứng cỏi làm vậy, trong bụng cũng yên. Đến tháng tư, phá được quân Mông-cổ ở cửa sông Hàm-tử. Tháng năm, lại đánh vỡ quân Mông-cổ và chém được đại-tướng là Toa-Đô ở đất Tây-kết, Thoát-Hoan phải rút quân về Tàu.
Năm Trùng-hưng thứ ba, Thoát-Hoan lại đem bọn Ô-mã-Nhi, A-bát-Xích sang quấy thứ nữa. Vương sai Trần-khánh-Dư phục quân chặn đường, đốt phá được hết thuyền lương của giặc ở cửa bể Lục-hải, (thuộc huyện Hoành-bồ, tỉnh Quảng-yên). Thoát-Hoan cạn lương, muốn rút quân về, vương phục sẵn quân ở sông Bạch-đằng, đóng cột chông ngầm dưới nước, chờ lúc thủy-chiều lên ra khơi chiến, dử cho quân giặc đuổi đến chỗ mai phục, thì nước vừa xuống, thuyền giặc vướng mắc cột chông chìm đắm mất nhiều, mới thả quân mai phục ra đánh, bắt sống được Ô-mã-Nhi, và bắn chết được Trương-Ngọc, còn A-bát-Xích, Thoát-Hoan trốn được về Tàu.
Tự bấy giờ quân Mông-cổ sợ uy-danh của ngài, không dám gọi tên, chỉ gọi là Hưng-đạo-vương, và không dám sang quấy nhiễu nữa.
Khi Thoát-Hoan sang xâm thứ sau, có một tên ti-tướng là Nguyễn-bá-Linh, (tức là Phạm-Nhan) có yêu thuật, biến hiện trăm chiều, vương phải lập trận cửu-cung mới phá được. Khi bắt được Bá-Linh rồi, chém thế nào nó cũng không chết, vương lại phải dùng đến thần kiếm chém nó mới chịu.
Vương ba thứ phụng mệnh chống nhau với quân Mông-cổ, trải lắm phen gian truân, mà vẫn vững vàng niềm không núng, cho nên về sau phá được quân giặc, lập nên công to, để cho nước Nam lại vững như cái âu vàng.
Ngài nhân có công ấy, được tiến phong làm Thái-sư thượng-phụ Hưng-đạo đại-vương. Vua tôn kính coi như đạo cha, lập ra miếu sinh-từ ở Vạn-kiếp và khắc văn bia để tỏ công đức của ngài.
Ngài thường soạn ra một quyển sách gọi là: « Binh-pháp-yếu-lược », để ban cho các tướng, lại lập ra trận đồ cửu cung bát quái, thần diệu vô cùng.
Khi ngài già, về trí-sĩ ở Vạn-kiếp, hưởng thọ ngoài 70 tuổi mới mất, trên từ vua cho chí các quan, dưới đến trăm họ, ai ai cũng thương tiếc.
Bây giờ mỗi năm về hôm 20 tháng tám là ngày húy nhật ngài, thiện-nam tín-nữ đến lễ bái đến Vạn-kiếp thành ra một ngày hội to.
Chú thích
- ▲ Truyện « Hưng-đạo vương » tiểu thuyết có kể rõ các trận đánh quân Tầu.