Nam Hải dị nhân liệt truyện/11

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

11. — Nguyễn-Trãi

Nguyễn-Trãi hiệu là Ức-trai tiên-sinh, cha ông ấy là Tự-khanh công, nguyên người ở huyện Phượng-nhỡn. Ông cụ ấy hay địa-lý, mới đem tiên-phần sang táng ở làng Nhị-khê, huyện Thượng-phúc, rồi làm nhà và nhập tịch làng ấy.

Đời con là Nguyễn-Trãi, đỗ tiến-sĩ về thời nhà Hồ, làm đến Ngự-sử-đài chánh chưởng. Đến lúc nhà Hồ mất, ông ấy về ẩn ở núi Côn-sơn, có bụng muốn ra dẹp loạn cứu đời.

Bấy giờ có người ở làng Hoắc-sa tỉnh Sơn-tây tên là Trần-nguyên-Hãn, đi bán dầu kiếm ăn. Một bữa giời tối, đi qua làng Chèm, mới vào đền Chèm nằm ngủ. Nửa đêm nghe có tiếng ông thần làng khác vào rủ ông Chèm lên chầu giời. Ông Chèm nói có quốc-công ngủ trọ không đi được. Đến gà gáy ông thần kia giở về. Ông Chèm hỏi trên giời có việc gì, thì ông kia nói rằng:

— Thượng-đế thấy nước Nam chưa có chúa, có cho ông Lê-Lợi (tức Lê Thái-tổ) làm chúa, mà ông Nguyễn-Trãi thì làm bày tôi.

Trần-nguyên-Hãn nghe rõ câu ấy, chịu khó dò tìm đến nhà ông Nguyễn-Trãi, kể lại truyện ấy. Nguyễn-Trãi không tin, lại về đền ông Chèm cầu mộng, thì thấy thần báo mộng rằng:

— Việc thiên-đình bí mật lắm, không dám nói lộ ra ngoài. Có chị Tiên-Dong biết tường việc ấy, vả lại là liền bà, thì giời không trách đến, ông nên đem vàng đến đền ấy mà hỏi.

Ông Nguyễn-Trãi nghe nhời ấy, đến cầu mộng đền bà Tiên-Dong, thì mơ thấy bà ấy gọi bảo rằng:

— Nguyễn-Trãi! Lê-Lợi làm vua, mà anh thì làm bày-tôi, anh chưa biết truyện ấy à?

Ông ấy hỏi cặn kẽ lại thì mới biết ông Lê-Lợi là người làng Lam-sơn tỉnh Thanh-hóa. Mới cùng với Trần-nguyên-Hãn vào Lam-sơn, hỏi thăm đến nhà ông Lê-Lợi. Bấy giờ Thái-tổ còn hàn vi, khi hai ông kia đến, thì ngài đang mặc cái áo cánh cộc, vai vác bừa, tay dắt bò ở ngoài đồng về. Hai ông xin vào hầu, Thái-tổ mời nghỉ lại trong nhà. Xảy gặp hôm ấy nhà có giỗ, hai ông kia xuống bếp thổi nấu, trông trộm lên nhà trên, thì thấy ngài ấy cầm giao thái thịt, đang vừa thái vừa ăn.

Hai ông bàn riêng với nhau rằng:

— Bà Tiên-Dong nói lừa chúng ta đây, có lẽ đâu khí tượng thiên-tử mà lại thế kia bao giờ?

Liền cáo từ ra về, lại đến cầu mộng đền bà Tiên-Dong, thì thấy báo mộng rằng:

— Lê-Lợi làm vua, giời đã nhất định như thế rồi chỉ vì chưa có thiên-tinh giáng đấy thôi.

Hai ông lần sau lại đến thăm Thái-tổ, thì bấy giờ ngài đã được quyển thiên-thư. Khi ấy đang đêm đóng cửa xem sách. Nguyễn-Trãi đứng ngoài cửa dòm vào, rồi đẩy cửa, hai ông cùng vào. Thái-tổ cắp thanh gươm đi ra, hai ông cùng lạy phục xuống đất và nói rằng:

— Chúng tôi xa sôi lặn ngòi noi nước đến đây, là vì thấy ngài làm được chúa thiên-hạ, xin cho chúng tôi được theo hầu.

Thái-tổ cười, lưu hai người ở lại, mưu việc khởi binh. Ông Nguyễn-Trãi lấy mỡ viết vào lá cây tám chữ: « Lê-Lợi vi quân, Nguyễn-Trãi vi thần ». Về sau xâu cắn những lá ấy rụng xuống, người ta thấy vậy cho là sự giời định, đồn rực cả lên, bởi thế nhân dân tranh nhau theo về với ông ấy, quân thế mỗi ngày một thịnh.

Đến năm Mậu-tuất, mới bắt đầu ra đánh nhau với quân nhà Minh, ông Nguyễn-Trãi bàn mưu lập kế giúp vua Thái-tổ đánh hơn 20 trận. Năm Bính-ngọ, quân ta thắng trận, tiến sát đến Đông-đô, tướng nhà Minh là Vương-Thông giữ vững trong thành. Nhà Minh lại sai An-viễn hầu là Liễu-Thăng và Kiềm quốc-công là Mộc-Thạnh chia quân làm hai đường sang cứu Đông-đô. Thái-tổ đón đánh ở núi Mã-an, chém được Liễu-Thăng, và bắt sống được bọn Hoàng-Phúc, Thôi-tụ hơn 300 người, Mộc-Thạnh phải trốn về nước, Vương-Thông mở cửa thành ra hàng.

Tự bấy giờ hai nước lại thông hiếu, nội là tờ bồi giao thiệp với Tàu, do tự một tay Nguyễn-Trãi cả.

Vì có công được phong quốc-tính, gọi là họ Lê, mà thăng lên làm Vinh-lộc đại-phu nhập-nội hành-khiển, coi cả việc trong ba quân và được phong là Tế-văn-hầu.

Trần-nguyên-Hãn thì được phong làm quốc-công, đến khi mất, lại được phong làm thành-hoàng, bây giờ còn đền thờ ở làng Hoắc-xa.

Nguyễn-Trãi văn chương hùng dũng, có khí-lực, phàm các bài như là văn « Bình ngô đại-cáo » cùng là văn bia « Lam kinh thần-đạo », có chép vào bộ thực-lục, là tự tay ông ấy soạn ra cả.

Tính ông ấy điềm đạm, không ham mê danh lợi, thường có chí muốn từ chức về nhà. Ông ấy có một trại riêng ở tỉnh Bắc, gọi là Tiêu-viên. Đến thời vua Thái-tôn, Nguyễn-Trãi trí sĩ về ẩn ở trại ấy. Cuối đời Thiệu-bình, vua Thái-Tôn nhân đi chơi qua tỉnh Bắc, vào chơi trại Tiêu-viên, Nguyễn-Trãi đi vắng, có người nàng hầu là Thị-Lộ, ở nhà pha chè hầu vua, chiều hôm ấy vua mất, đình-thần cho là Thị-Lộ giết vua, bởi thế cả nhà ông Nguyễn-Trãi phải tội chu di.

Khi trước đánh nhau ở núi Mã-an, Nguyễn-Trãi bắt được Thượng-thư nhà Minh là Hoàng-Phúc, Hoàng-Phúc nguyên giỏi nghề địa-lý, khi ở nước Nam, bao nhiêu chỗ kiểu đất hay, đã biên ký lấy cả. Bấy giờ phải bắt, Nguyễn-Trãi có ý khinh bỉ. Hoàng-Phúc cười bảo rằng:

— Mả tổ nhà tôi có Xá-văn-tinh, chẳng qua chỉ phải nạn trong năm ngày là cùng, không đến nỗi như ông có đất phải chu di tam tộc.

Bấy giờ cũng cho nhời ấy nói xằng, về sau Hoàng-Phúc quả nhiên được tha về, mà Nguyễn-Trãi thì mắc nạn, mới biết nhời ấy là nghiệm.

Tục truyền khi ông Nguyễn-Trãi chưa đỗ, dạy học trò ở làng Nhị-khê, thường có sai học-trò dọn cỏ một cái gò ở ngoài đồng để làm trường dạy học. Đêm hôm trước, mơ thấy một người đàn bà vào kêu rằng: « Tôi, mẹ yếu con thơ, xin ông khoan cho ba ngày để tôi đem con tôi đi chỗ khác, rồi ông sẽ sai dọn cỏ » Sáng sớm, thức dậy ra đồng xem thì học-trò đã dọn sạch rồi, và bắt được hai cái trứng rắn.

Ông Nguyễn-Trãi hỏi học-trò thì nói rằng:

— Ban nẫy chúng tôi thấy con rắn ở trong đám cỏ rặm, đánh nó đứt đuôi mà chạy mất, chỉ bắt được hai cái trứng ở đây.

Nguyễn-Trãi nghĩ con rắn hẳn là người đàn bà báo mộng hôm qua, phàn nàn không ngần nào, mới đem hai cái trứng về nhà nuôi cho nở. Đêm hôm ấy, đang ngồi xem sách, có con rắn trắng leo lên xà nhà, rỏ máu trúng vào chữ đại (代) trong trang sách, thấm xuống ba tờ giấy. Nguyễn-Trãi biết là nó tất báo oán đến ba đời, đến khi hai cái trứng kia nở ra, thì một con dài, một con ngắn. Nguyễn-Trãi sai đem thả xuống sông Tô-lịch ở cạnh làng.

Khi Nguyễn-Trãi đã hiển đạt. Một bữa, ở trong triều về, đi qua hàng chiếu, giời đã tối sâm sẩm, gặp một đứa con gái đi bán chiếu, nhan sắc tuyệt trần, Trãi đọc lên bốn câu thơ để hỏi đùa.

Thơ rằng:

Ả ở đâu đi bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân thu chừng độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa được mấy con?

Người con gái ấy cũng đọc lên một bài đáp lại.

Thơ rằng:

Tôi ở Tây-hồ bán chiếu gon,
Nỗi chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân thu tuổi mới giăng tròn lẻ,
Chồng còn chưa có, có chi con!

Nguyễn-Trãi thấy nói đối đáp ngay được, lấy làm khoái chí lắm. Hỏi tên thì nói tên là Thị-Lộ, mới đem về cho làm nàng-hầu.

Vua Thái-tôn nghe tin nàng ấy đẹp và hay chữ, sai làm nữ-học-sĩ, thường thường cho ra vào trong cung.

Khi vua vào chơi nhà ở Tiêu-viên, thì ông Nguyễn-Trãi đi vắng, chỉ có Thị-Lộ ở nhà. Nàng ấy pha nước dâng lên vua xơi, vua uống phải thì mất ngay. Nguyên Thị Lộ tức là con rắn hiện hình ra làm người để nó báo thù. Khi nó pha nước thì nó nhả cái nọc độc vào trong chén nước, cho nên vua chúng độc mà mất.

Các quan bắt con Thị-Lộ vào tra hỏi, thì nó xưng là ông Nguyễn-Trãi xui nó, đình-thần mới chiểu luật bắt tội nhà ông ấy, mà bỏ con Thị-Lộ vào cũi đem quẳng ra sông Nhị-hà, thì nó lại hóa ra con rắn ở trong cũi chui ra đi mất.

Lúc nhà ông Nguyễn-Trãi đang phải nạn, có người vợ lẽ đang có mang, chạy trốn xuống ở tỉnh Nam. Về sau sinh được người con giai đặt tên là Anh Võ. Ở đã lâu, chủ nhà mới biết là vợ lẽ ông Nguyễn-Trãi.

Đến thời Quang-thuận, vua Thánh-tôn thương ông ấy mắc phải tội oan, ban chiếu giải oan, và phong tặng làm Thái-sư Tuệ-quốc-công. Sai tìm dòng dõi nhà ông ấy, thì mới tìm thấy Anh-Võ. Vua phong quan chức cho Anh-Võ, để nối dõi nhà ông ấy. Đến sau Anh-Võ sang sứ Tàu, đi qua hồ Động-đình, bỗng thấy con rắn ở dưới nước bò lên, rồi thì phong ba nổi lên ầm ầm. Anh-Võ biết lại là con rắn trước báo oán, mới khấn rằng: « Xin cho trọn việc nước, rồi đến lúc giở về sẽ xin chịu tội ».
Khấn vừa đoạn thì sóng gió lại yên. Đến lúc việc sứ xong giở về, quả nhiên lại nổi cơn sóng gió, đắm thuyền mà mất.

Vua Thái-tôn truy tặng cho làm Thái-sư Sùng-quốc-công.

Trong năm Cảnh-hưng, triều-đình duyệt lại các sắc phong của các ông khai-quốc công-thần. Khi duyệt đến sắc ông Nguyễn-Trãi, thì quan Thị-lang là ông Lê-quí-Đôn xé đạo sắc ấy ra nói rằng:

— Bọn loạn-thần tắc-tử, còn để cáo sắc làm gì nữa!

Nói vừa buông nhời, bỗng nhiên ngã gục ngay xuống, rồi thấy hai tên lính bắt đi, đưa đến một chỗ đền đài, tường dễu chung quanh, có các cây cổ thụ hàng mười ôm. Trong đền có vài chục chiếc ỷ. Ở mé hữu có một tấm sặp, trên sặp có một ông quan ngồi, đầu đội mũ, mình mặc áo bố-tử. Lính hầu xúm xít chung quanh. Hai tên lính bắt ông Lê-quí-Đôn quì ở dưới thềm, rồi ông quan ngồi trên sặp thét lên rằng:

— Ta là Tế-văn-hầu đây, người là sơ học tiểu-sinh, sao dám bỉ báng người có công tiền-triều, tội ngươi đáng chết!

Lê-quí-Đôn ngồi nín lặng, không dám ngẩng mặt lên nhìn. Bên cạnh có người đội khăn lượt mặc áo xanh, kêu van thay cho Lê-quí-Đôn, ông quan lại nói rằng:

— Công-danh sự nghiệp của ta, không thèm so sánh với ngươi, ngươi đừng tưởng ngươi đỗ Bảng-nhỡn mà đã khinh người, cho về mà thử xem bài « Bình-ngô đại-cáo » của ta, nếu ngươi làm hay hơn được bài ấy, thì xé sắc của ta cũng phải.

Lê-quí-Đôn tỉnh dậy, kinh hãi lắm, lập tức viết lại sắc của ông Nguyễn-Trãi. Vì thế sắc của công-thần không ai phải tước cả.