Bước tới nội dung

Nam Hải dị nhân liệt truyện/28

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

28. — Lê-quí-Đôn

Lê-quí-Đôn quê ở làng Diên-hà, phủ Thái-bình, (bây giờ mới đặt riêng thành tỉnh).

Khi trước ở phủ ấy có một ngôi đất quí, mà ai táng vào thì dân động, lại phải nhổ đi. Các thầy địa-lý ai cũng khen kiểu đất đẹp mà không ai dám táng vào. Một hôm, có một ngưòi say rượu, lập tâm muốn táng vào ngôi đất ấy, mới nằm liều ở đấy, cho chết đi thì thôi. Nửa đêm thấy có thần nói truyện với nhau rằng: Chúng ta giữ đất này, mà có người muốn liều chết để chiếm lấy, chúng ta chẳng hóa ra phải tội với thượng-đế ư? » Một ông thần kia nói rằng: « Hãy thử sờ vào bụng nó xem còn ấm hay lạnh rồi ». Mới lấy tay sờ vào bụng anh ta, anh ta sợ phải đứng day chạy về.

Đêm hôm ấy, ông thần báo mộng cho người đàn anh trong làng rằng:

— Ngôi đấy này là để dành cho họ Lê ở làng Diễn-hà, dân chúng mày phải giữ, nếu để cho người khác táng vào thì dân chúng mày sẽ phải vạ cả.

Người ấy tỉnh dậy lo lắm, hôm sau hội dân lại bàn rằng:

— Ngôi đất ấy có thần giữ, nguời làng ta táng không được. mà để người xứ khác táng thì dân động. Các nhà địa-lý, thường thường đi lại, chỉ sợ tiếng ấy lộ ra ngoài, thì người quyền thế bắt hiếp dân mà táng, dân ta chẳng thiệt hại lắm ư? Bây giờ thần bảo để dành cho họ Lê làng Diên-hà, không biết bao giờ cho họ ấy đến táng, để dân ta đỡ một đoạn khó nhọc.

Giữa lúc đang bàn, thì có một cụ già vào ăn xin. Người làng hỏi:

— Ông cụ già kia ở đâu?

Thưa rằng?

— Tôi ở làng Diên-hà.

— Họ gì?

— Thưa tôi họ Lê.

Cả làng mừng, nói rằng:

— Ở đây có một ngôi đất to, thần cho họ Lê làng Diên-hà. Cụ có phải họ Lê, thì đem tiên-phần lại mà táng, về sau phát đạt, chẳng những cụ khỏi phải khổ sở, mà dân tôi cũng đỡ được một sự quan ngại.

Cụ kia mừng dỡ, về ngay nhà đem tiên-phần lai táng vào huyệt ấy. Về sau, con ông cụ ấy là Lê-trọng-Thứ quả nhiên đỗ Tiến-sĩ, làm quan rồi sau được phong là Trung hiếu công.

Trung-hiếu công muộn con, cùng với phu-nhân cầu tự ở chùa Quang-thừa huyện Kim-bảng. Phu-nhân nằm mơ thấy giời cho một con Kì-lân, mới có thai mà sinh ra Lê-quí-Đôn.

Quí-Đôn thông minh khác thường, mới lên hai tuổi đã biết đuợc hai chữ « hữu, vô ». Thử một trăm lượt cũng cứ trỏ vào chữ ấy. Lên 5 tuổi, cho học Kinh-thi, thì học đâu nhớ đấy, không chữ gì phải bảo đến hai lượt. Lên sáu tuổi, đã biết làm thơ, làm văn.

Khi 7, 8 tuổi cổi truồng đi tắm, có một quan Thượng vào chơi với ông Trung-hiếu công. Trông thấy đứa trẻ, hỏi thăm vào nhà ông kia, đứa trẻ ấy đứng giang hai chân ra và bảo quan Thượng rằng:

— Tôi đố ông biết chữ gì đây, hễ ông biết được thì tôi sẽ đưa ông vào nhà.

Ông kia thấy đứa trẻ con hỗn sược, không thèm nói gì. Đứa ấy cười ầm lên nói rằng:

— Chữ thái () thế mà không biết!

Ông Thượng thấy đứa kỳ dị, hỏi ra mới biết là con ông Trung-hiếu công. Lúc vào chơi nhà gọi lên mắng rằng:

— Mày là thằng rắn đầu rắn cổ, phải làm một bài thơ tự trách mình, nếu không làm được thì phải đòn.

Quí-Đôn vâng lời làm một bài thơ nôm rằng:

Chẳng phải liu điu vẩn giống nhà.
Rắn mà chẳng học chẳng ai tha!
Thẹn đèn, hổ lửa đau lòng mẹ,
Nay thét, mai gầm rát cổ cha.
Chém mép chỉ quen tuồng nói dối,
Lằn lưng cam chịu tiếng roi tra.
Từ rầy Châu, Lỗ chăm nghề học,
Chớ để người ta tiếng thế gia.

Ông kia thấy bé một tí tuổi, mà văn chương tài hoa, nức nở khen mãi không thôi. Lại một khi, Quí-Đôn đến chơi nhà lý-trưởng, nhác trông thấy một quyển sổ, biên những người thiếu thuế má, kẻ thì một vài quan tiền, người thì năm bảy đấu thóc. Quí-Đôn xem qua một lượt, rồi trả người lý-trưởng. Đến sau nhà ấy bị cháy, mất cả quyển sổ, các món nợ kẻ thiếu người đủ, không biết tra khảo vào đâu. Khi gặp Quí-Đôn phàn nàn về sự mất quyển sổ.

Quí-Đôn bảo rằng:

— Quyển sổ ấy tôi đã nhớ cả rồi, để tôi đọc cho mà sao lại, can gì mà lo.

Quí-Đôn đọc thì không sai lẫn một ly nào, nhưng người lý-trưởng cũng chưa dám quyết. Đến lúc chiếu sổ ra thu các món, thì phải cả, không ai cãi cọ gì, mới biết là Quí-Đôn sáng dạ.

Năm 18 tuổi, đỗ Thủ-khoa. Ai cũng chắc Quí-Đôn thi hội thì đỗ Trạng-nguyên. Có một ông quan triều bảo với ông Trung-hiếu-công rằng:

— Nước ta lâu nay không có Trạng, khoa này con ông hẳn đỗ được Trạng-nguyên.

Lại hỏi rằng:

— Nội các sách, công-tử đã xem được hết cả chưa?

Ông kia nói:

— Sách nhà tôi thì cũng nhiều, duy còn thiếu một bộ « Trinh-quán chính-yếu », vậy thì ngài có bộ ấy, xin cho cháu nó mượn xem vài hôm.

Ông kia cho mượn, nhưng bỏ ra vài tờ, để ra đầu bài, vì thế khoa ấy Quí-Đôn chỉ đỗ Bảng-nhãn.

Khi đỗ rồi, hai cha con cùng làm quan thời vua Hiến-tôn nhà Lê. Vua có khen rằng:

— Hai cha con nhà ngươi, cùng có bụng trung-quân ái-quốc, thế mới gọi là trung-hiếu truyền già!

Về sau. Quí-Đôn phụng mệnh sang sứ bên Tàu, các quan Tàu, thấy người thông-minh, ai cũng có lòng kính trọng.

Có một ông Tú-tài Tàu vào bậc hay chữ, thông cả thiên-văn địa-lý tướng-số. Nghe tiếng Quí-Đôn là người anh-tài nước Nam, có ý muốn thử. Một bữa rủ Quí-Đôn đi chơi chùa xem bài văn bia. Ngọn chùa ấy, ở cạnh bờ sông, cứ mỗi buổi chiều thì có nước thủy-triều tràn lên, ngặp cả bia. Khi Quí-Đôn mới xem xong thì nước đã kéo đến, ông Tú-tài dắt Quí-Đôn về chơi nhà, hỏi lại bài văn bia, thì Quí Đôn đọc cả bài, không nhầm một chữ nào. Ông kia chịu là thông-minh.

Ông Tú-tài kia bảo với Quí-Đôn rằng:

— Tôi xem tướng ông, về sau tất phải tội cách hết chức tước, Tôi có ngôi mộ ở trước chùa Quang-minh bên nước Nam, ông có về nước, trông nom sửa sang giúp cho tôi; sau 20 năm nữa, thì tôi chắc đỗ Trạng mà sang xứ bên ấy, thì tôi sẽ cứu cho ông.

Quí-Đôn vâng nhời từ về, tìm thấy ngôi mộ ấy sửa sang lịch sự. Về sau, con và một người học-trò Quí-Đôn, cùng có tiếng hay chữ. Đến khoa thi, vua Lê chúa Trịnh đánh cuộc với nhau: vua thì đoán con Quí-Đôn đỗ đầu; chúa thì đoán học-trò Quí-Đôn đỗ đầu. Nhưng Quí-Đôn dặn người học trò đánh cháo văn cho con mình; bởi thế người con đỗ đầu, mà người học-trò thì đỗ thứ hai. Vua được cuộc mà chúa thì thua. Chúa Trịnh xưa nay vẫn biết sức người học-trò hơn mà mình bị thua cuộc, lấy làm tức lắm. Rồi dần dà vỡ cái mưu gian, chúa Trịnh nổi giận, cách chức Quí-Đôn và cách cả khoa-mục của hai người.

Quí-Đôn phải cách buồn rầu lắm. Được vài năm, quả nhiên nguời Tú-tài Tàu đã đỗ Trạng-nguyên và sang sứ bên nước Nam. Khi sứ vào đến cửa ải, hỏi thăm biết Quí-Đôn phải cách rồi, mới lưu lại ở cửa ải, sai người mang một tấm vóc đề một chữ () và đưa giấy nói rằng:

— « Đố cả nước Nam biết là chữ gì, nếu không ai biết thì không sang sứ nữa. »

Vua và chua hội cả quần-thần lại hỏi, thì không ai biết là chữ gì. Vua, chúa lấy làm lo lắm. Các quan nói với chúa rằng:

— Việc này phải hỏi đến Lê-quí-Đôn mới xong. Xin chúa phục chức cho Lê-quí-Đôn, rồi triệu đến mà hỏi.

Chúa Trịnh bất-đắc-dĩ, phải trả hết lại chức tước của Lệ-quí-Đôn, rồi cho đòi vào triều-đình hỏi chữ ấy.

Lê-quí-Đôn trước còn từ tạ không biết, chúa lại trả khoa-mục cho con và người học-trò. Lê-quí-Đôn mới giải nghĩa chữ ấy và viết bốn chữ: « Phỉ xa bất đông » (匪 車 不 東) vào tấm vóc sai người đưa lên cho sứ Tàu.

Vua và chúa bấy giờ mới nghĩ ra là nó đố mẹo; chữ viết không ra hình chữ xa, mà cũng chẳng ra chữ đông. Mà trong kinh Thi có sẵn câu rằng: « Phỉ xa bất đông ». Đó là đố một câu, nhưng chỉ viết một chữ mà đủ ý cả 4 chữ.

Sứ Tàu thấy nói trúng vào ý mình mới sang sứ, đó là mẹo nó cứu cho Quí-Đôn đấy.

Tính ông Quí-Đôn trung tín thành thực, làm quan được bổng lộc, thường chia cho những họ hàng thân thích. Dựng vợ gả chồng cho người trong họ, trước sau cả thẩy 18 người. Những vợ con anh em bạn nghèo khó, cũng thường tư cấp cho ít nhiều. Mà xử vào trong mình rất tiết kiệm, thường chỉ mặc cái áo vải ăn cơm rau mà thôi. Lại hay xem sách, đã làm đến khanh-tướng, cũng vẫn học đến nửa đêm mới thôi. Xử với người ta thì cực nhũn, không có kiêu ngạo với ai bao giò

Đến khi trí-sĩ, làm một cái nhà gianh, sửa sang vườn cảnh chơi bời, cửa đề hai chữ: « Cấn-trai » để tỏ ý mình. Học-trò nhiều người làm nên đến khanh-tướng.

Một tay Quí-Đôn làm ra nhiều pho sách quí lắm, như là: Thánh-mô hiền-phạm-lục, Kim-kính lục-chú, Hoàng-việt văn-hải, Vân-đài loại-ngữ, Kiến-văn tiểu-lục Thái-ất quái-vận, Lục-nhâm hội-thông, Kim-cương kinh chú giải, vân vân.