Nam Phong tạp chí/Quyển I/Số 1/Văn-uyển/Bài ký ngày kỷ-niệm quan Toàn-quyền Sarraut đến Hà-nội
BÀI KÝ NGÀY KỶ-NIỆM QUAN TOÀN-QUYỀN SARRAUT ĐẾN HÀ-NỘI.
Ngày 20 tháng giêng năm Đinh-tị là năm thứ ba mươi tư nhà nước Đại-Pháp sang bảo-hộ nước Nam mà năm thứ ba trận đánh long giời lở đất bên Âu-châu, ở la-ga Hàng-cỏ Hà-nội, mắt chói những cờ tam-sắc, tai điếc những pháo liên-thanh. Kèm thổi giọng quân-ca, súng bồng hàng chữ nhất. Tiếng chào mừng giậy đất, bóng xe ngựa rợp giời. Tầu hỏa Hải-phòng lên, Đồng-đăng xuống, Vân-nam về, kẻ quan, người lính, kẻ thân, người hào, kẻ đi học, người đi buôn, kẻ làm ruộng, người làm thợ, đi như nước chảy, đông như đám hội, già từ chín-mươi tuổi sắp xuống, trẻ từ bốn-năm tuổi sắp lên, sang từ những bậc đi ô-tô nhà, hèn từ những hạng gánh hàng-dong bán, vòng trong vòng ngoài, trông bộ ai cũng hết lòng mừng-rỡ, hết lòng cung kính, hết lòng sốt-sắng mà tiếp rước một người. Người ấy là ai ? Là người đại-chính-trị-gia, đại-văn-học-gia, đại-hùng-biện-gia, cầm cân nảy mực cho xứ ta, là quan Albert Sarraut, nguyên học-bộ-thượng-thư bên chính-phủ Pháp, nghị-viên bên hạ-nghị-viện Pháp, thái-úy trong trận đánh long giờ lở đất bên Âu-châu, ngày trước đã một lần làm Toàn-quyền Đông-dương, chỉ đường tiến-bộ cho ta, mà lần này sẽ giắt ta đi cho đến tới đó. Tôi may mà được dự vào cuộc ra đón ngài, tôi chúc ngài, tôi mừng ngài ; chúc ngài, mừng ngài đã hẳn rồi, mà tôi lại có bụng riêng chúc xứ ta, mừng xứ ta hơn là chúc ngài, mừng ngài nữa.
Xứ ta là xứ bán-khai, học thì ba quyển sách Tầu, nghe những tên triết-học khoa-học như truyện chiêm-bao ; thợ thì ba món đồ cùn, coi những sở máy sợi máy tơ như trò quỉ-thuật ; đi buôn thì mua đầu chợ bán cuối chợ, biết xuất-cảng nhập-cảng là cái gì ; làm ruộng thì trúng nhờ giời thất nhờ giời, biết cải-lương tiến-chưởng là cái gì. Cổ-ngữ rằng : « Không thầy đố mày làm nên ». Thực thế, không thầy mở mắt cho, thì khác nào đi bể không la-bàn, lênh-đêng chiếc lá giữa dòng, biết đâu là bờ bến ; thế tất phải đến một ngày một lụi, giây giời lựa-lọc, không thể dung được một giống người ngây-ngô như ta. Vậy mà kiếm thầy phải dễ đâu ! Đương buổi công-lợi chủ-nghĩa thịnh-hành, kẻ thì xướng đế-quốc, người thì bàn tiến-hóa, cá nhớn nuốt cá bé, đã thành ra công-lệ đời nay. Mấy ai có bụng thương người, không thị phú lăng bần, không ỷ nhớn hiếp bé, biết xét kẻ mồ-côi mồ-cút, mà nưng-đỡ cho, gây dựng cho ! Bát-ngát năm châu, có chăng là một mẹ nuôi ta, cảnh-tượng mẹ nuôi ta là cây cờ tự-do bình-đẳng đồng-bào Đại-Pháp đấy ! Muốn coi cái tính-chất của người một nước nào, thì phải xét cái học-thuyết của nước ấy ; học-thuyết nước Đại-pháp là duy-tâm mà không phải duy-vật, aí-tha mà không phải aí-kỷ : vì học-thuyết ấy mà nung-đúc ra cái tính cao-thượng, cái bụng nhân-từ, cái tình nghĩa-hiệp ; người thay mặt cho lịch-sử nước Đại-pháp là ông Nã-phá-luân, tự xưng là sứ nhà giời đi vãi hoa tự do ; mấy mươi nước Âu-châu, nhờ một tay ông mà nước nào cũng được tự-do, người nào cũng được tự-do ; bộ hiến-pháp của ông làm, bây giờ các nước cũng còn mô-phỏng.
Lịch-sử nước nào cao-thượng bằng nước Pháp, nhân-từ bằng nước Pháp. nghĩa-hiệp bằng nước Pháp. Ta còn trẻ thơ, chỉ trông cậy sao cho được thầy nhân-đức ; mà may gặp người thầy như thế, thì hạnh-phúc cho ta biết là nhường nào ! Tôi viết đến chỗ này mà tôi dừng bút, tôi sảng-sốt, tôi ngẩn-ngơ ; nghĩ ta đã có phúc gặp thầy, mà trong ba mươi tư năm giời, ta tiến-bộ sao còn chậm thế ? Ờ thôi phải : tôi biết rồi, tôi biết chắc rồi. Thày giỏi cách gì, dạy trẻ cũng phải theo từng bực, ví như tập viết chữ Hán, thì ban đầu phải dạy viết ván, rồi viết tô, rồi viết phóng, rồi thảo, hành, chiện, lệ, mới được. Khi Đại-pháp mới sang bảo-hộ nước ta, quan Paul Bert xuống xe, thì nhà đại-nghị đã sây, trường cơ-thủy đã lập ; phải chăng người mình biết mến thầy ham học, thì dần-dà một ngày một tới, có đâu chậm-lụt đến bấy giờ ; mà nghiệt, người mình lúc ấy còn mê-mẩn về nghề học vô-dụng, bao nhiêu thông-minh tài-tuấn, chui đầu vào đấy cả, còn lấy ai mà giắt-gíu bọn hạ-lưu, thầy nói thầy nghe, đã có ai chịu vào khuôn-phép ; coi như học-trò chữ tây hồi trước, cơm cho, áo cho, giấy cho, bút cho, mà phần nhiều người xứ ta, những con nhà giàu sang phải thuê những con nhà hạ tiện đi học thế ; khác nào thày mới khai trường, dạy trò viết ván, mà trò nhất-vị bỏ đi đánh khăng, thì thiên-lôi nào dạy được ; đã không chịu học thầy, thành ra chán thầy, nghi thầy, đến nỗi sinh phản-đối cùng thầy, kẻ cần-vương, người cách-mạng, nay điều này mai tiếng kia, làm cho thầy cứ mắc lo chỗ ăn chốn ngồi, không thì giờ dư mà khuyên nhủ được. Hỗi ôi ! thầy trò hai nước, người Nam với người Pháp, ăn ở cùng nhau chốc gần bốn chục năm, mà trong bọn sĩ-phu, chưa có một người nào dám đến trước mặt các quan bảo-hộ, đem thống-khổ mà tố-cáo với kẻ đỡ đầu mình ; chán thầy, nghi thầy như thế, mà nói gì học thầy, mà trông gì tiến-bộ ! Gặp thầy thật là có phúc ; có phúc mà ta không được hưởng nhờ, là lỗi tại ta, chớ trách thầy sao phải !
Trời sinh người Đại-Pháp, đã để dành cho một công-nghiệp lớn bên xứ Đông-dương, trời không nỡ lòng đào-thải xứ ta ; đã đặt ta lên chốc bụng một bà mẹ nuôi ta, là một nước cao-thượng nhất, nhân-từ nhất, nghĩa-hiệp nhất trong hoàn-cầu ; lại run rủi cho có một người thay mặt nước ấy ở xứ Đông-dương, là quan Sarraut. Ngài sang lần trước, thương lũ trẻ thơ chưa biết mến thày, tìm phương phủ-úy ; nhóm hội-đồng thương-nghị, lập học-đường cao-đẳng, việc phổ-thông giáo-dục, trường hương-sư, trường bách-công, trường học mắy, cho đến trường nữ-học, ngài càng chú ý lắm. Phật giảng kệ mà chim còn gõ mõ, tiên chỉ mê mà đá cũng gật đầu ; thiên-hạ có một chữ thành, là cảm phục người ta hơn hết. Quả nhiên tự đó, lũ trẻ thơ mới hết nghi thầy, mới khỏi chán thầy, mến thầy bao nhiêu, càng ham học bấy nhiêu. Kẻ lo đồng-hóa, người ỷ-pháp, lại ngập-ngập-hồ sợ thầy bỏ thầy đi, mà ôm chân thầy lại. Lần này ngài sang, nhằm giữa lúc mẹ nuôi ta vì cái chủ-nghĩa cao-thượng, nhân-từ, nghĩa-hiệp của lịch-sử, mà ra đứng tiên-phong trận đánh lòng giời lỡ đất bên Âu-châu ; lại nhằm giữa lúc ta nhờ thầy vẽ mặt, đã ràng-rạng một đôi câu, trước phản-chắc mà nay cũng quay đầu, trước tao-nhiễu mà nay đều vững bụng, kẻ xuất công, người xuất của, hột muôi bỏ bể, gọi là chút tình nghĩa sư sinh. Ngài đứng tòa thượng-thư, ở nơi chiến địa, mắt đã trông thấy máu da vàng của xứ ta, tai đã nghe lọt tiếng tung-hô của xứ ta, trong đám rừng thây non thịt chết vì chủ-nghĩa cao-thượng, nhân-từ, nghĩa-hiệp của lịch-sử mẹ nuôi ta mà sang xứ ta thứ này là hai thứ ; thì cái giây thân-ái ấy tức là cái giây giàng buộc cơ-đồ tiến-bộ của ta. Vậy mà không đáng chúc ư ? vậy mà không đáng mừng ư ?
Vái cùng trời phù-hộ mẹ nuôi ta, mau-mau giết hết lũ yêu-ma, mà vun lại mầm dân-tộc ; vạch trời một tiếng kêu lên rằng : Đại-pháp muôn năm ! Quan Toàn-quyền Sarraut muôn năm ! Đệ-nhị Đại-pháp-quốc là xứ ta muôn muôn năm !
tuyết-huy