Bước tới nội dung

Nam Phong tạp chí/Quyển I/Số 2/Tiểu-thuyết

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Truyện cái dấu đỏ của Alfred de Vigny, do Phạm Quỳnh dịch
Tiểu-thuyết

TIỂU-THUYẾT


TRUYỆN CÁI DẤU ĐỎ[1]

Tiểu-thuyết Pháp của Alfred de Vigny

Phạm Quỳnh dịch ra quốc-ngữ


CHƯƠNG THỨ NHÌ


Truyện cái dấu đỏ

Trước hết tôi phải nói cho chàng[2] biết rằng tôi đẻ ở thành Bối-lôi-ti-đức. Cha tôi làm lính vệ-binh, cho nên từ năm lên chín tuổi tôi đã vào làm lính-tập con, được nửa xuất lương ăn, nửa xuất lương tiền. Nhưng tính tôi thích đi bể lắm; có một đêm được nghỉ ra chơi thành Bối-lôi-ti-đức, tôi trốn xuống dưới gầm một chiếc tầu buôn đi Ấn-độ. Ra đến giữa bể người ta mới trông thấy tôi, viên thuyền-trưởng không nỡ ném tôi xuống bể, cho tôi làm tên thủy-thủ con. Kịp đến đời Cách-mệnh thì tôi đã nên sự-nghiệp rồi, cũng làm thuyền-trưởng một chiếc tầu-buôn nhỏ, tầu coi cũng sạch-sẽ mà đã « quấy bọt bể »[3] trong mười lăm năm. Bấy giờ trong thủy-quân cũ của nhà vua, bỗng khuyết mất nhiều quân-quan, phải lấy trong bọn thuyền-trưởng các tầu buôn để thay chân vào. Nguyên khi đi bể tôi có làm được mấy cái thủ-đoạn, sau này tôi sẽ kể cho chàng nghe: bởi thế người ta mới cho tôi coi một chiếc chiến-thuyền hiệu là Mã-lạp.

Ngày 28 tháng 12 năm 1797 tôi được lệnh sắp tầu đi Cai-yên, chở 60 tên lính với một tên phải tội đi đầy, tên ấy là thuộc vào số 193 người phải tội tầu Đức-cát-đức đã mang đi mấy hôm trước. Tôi được lệnh phải đãi tên ấy một cách khoan-dung. Trong cái thư của tòa « Giám-quốc phủ »[4] gửi cho tôi lại có một cái thư nữa ngoài bao thư đóng ba dấu đỏ, ở giữa lại có một dấu nữa to quá chừng, có lệnh cấm không được mở cái thư ấy trước khi đi đến đường vĩ-độ thứ nhất, kinh-độ thứ 27, 28, tức là gần đường sích-đạo.

Thư ấy to nhớn, trông nó có một hình-giạng riêng. Nó dài, đóng thật kín, nhìn chỗ khác, hoặc soi qua phong-bì cũng không đọc thấy chữ gì. Tôi không có tính mê-tin, nhưng trông thấy cái thư ấy mà ghê. Tôi để nó xuống dưới nắp pha-lê một cái đồng-hồ nhỏ kiểu nước Anh cheo ở trên đầu giường trong buồng tôi. Cái giường ấy thật là cái giường của con nhà đi bể, chàng tất cũng đã được biết cái lối giường như thế.

Mà có dễ chưa được biết thật, chàng năm nay mới độ 16 tuổi chớ gì? Tôi chưa già mà đã lẫn.

Buồng bà Hoàng-hậu có nhẽ không sạch-sẽ chỉnh-đốn bằng buồng một con nhà thủy-thủ, vật nào có chỗ nấy, để đâu có cái đanh nhỏ khoan vào đấy. Không gì lay động được. Tha-hồ cho tầu lúc-lắc, không sô-đẩy được cái gì cả. Đồ dùng thì chế theo hình tầu, theo hình cái buồng nhỏ của từng người một. Cái giường của tôi tức là một cái hòm, mở hòm ra thì nằm vào đấy, đóng hòm lại thì làm cái ghế ngồi để hút thuốc. Có khi dùng làm bàn, bấy giờ thì lấy hai cái thùng rượu con trong buồng làm ghế ngồi. Sàn buồng của tôi đánh bóng như gỗ gụ, sáng như gương soi. Thôi! Kể cái buồng ấy thì vừa sinh vừa đẹp. Mà cả cái tầu của tôi cũng là đáng giá lắm. Trong tầu lắm khi chơi đùa thật là thỏa-chí; lần ấy bắt đầu đi cũng là vui vẻ, cho đến lúc... Nhưng phải kể cho lần lượt đã.

Bấy giờ đương có cái gió tây-bắc tốt. Tôi đang loáy-hoáy để cái thư xuống dưới nắp pha-lê đồng-hồ, thì anh chàng phải tội vào trong buồng tôi, tay rắt một chị con gái nhỏ đẹp chừng 17 tuổi. Anh ta thì nói với tôi rằng anh ta 19 tuổi, người cũng đẹp giai, tuy mặt hơi xanh, đàn ông mà mầu da như hắn ta thì khí trắng quá. Tuy vậy mà thật ra tư-cách kẻ trượng-phu, lâm-thời xử-sự đến cổ-nhân cũng vị tất đã hơn, xét sau này thì biết. Hắn cầm cánh tay tiểu-thư, tiểu-thứ thì tươi cười vui-vẻ như đứa con trẻ. Hú-hí như một đôi chim cưu vậy. Tôi trông thấy cũng vui mắt, bèn bảo rắng:

« Thế nào, các con đến chơi với lão chủ thuyền đấy à; tốt lắm. Ta đem các con đi hơi xa một tí, nhưng mà càng hay, lại được dịp thêm biết nhau. Xin tiểu-thư thứ cho ta tiếp khách không mặc áo thế này. Ta đương đóng cái thư nỡm to tướng này lên trên kia, có ai giúp hộ một tí không »?

Thật là một đôi con trẻ quí-hóa. Anh chồng bé cầm búa, chị vợ nhỏ cầm đanh, tôi lấy cái gì đưa cái ấy. Chị chàng thì vừa cười vừa hỏi tôi rằng: Cụ chủ ơi, bên tay phải nhé? bên tay trái nhé? Vì tầu chạy súc-sắc, cái đống-hồ cứ đưa bên nọ sang bên kia. Đến bây giờ tôi còn phảng-phất nhớ cái tiếng thỏ-thẻ: Cụ chủ ơi, bên tay phải nhé? bên tay trái nhé? Nó muốn nói đùa tôi cho vui. Tôi bảo: « Chị chàng này ác, nhé; tôi lại bảo anh ấy mắng cho một lúc bây giờ. » Nó ôm ngay lấy cổ chồng hôn một cái. Trông rất là khả-ái, cứ thế mà tôi với hắn làm quen nhau, thành bạn ngay được.

Lại thêm chuyến đi bể ấy cũng thuận-hòa vui-vẻ, khí-giời được vừa ý luôn. Trong tầu chỉ rặt những mặt đen đủi cả, cho nên ngày nào bữa cơm tôi cũng cho gọi hai anh-chị lên ngồi ăn cho vui. Khi đã ăn bánh ăn cá xong rồi, hai vợ chồng cứ ngồi nhìn nhau như xưa nay chưa trông thấy mặt nhau bao giờ. Bấy giờ tôi mới cười ồ lên, nói bỡn chúng nó, chúng nó cũng cười với tôi. Ai trông thấy ba người ngồi như thế, không biết truyện-trò thế nào, cũng phải buồn cười là một lũ dở-người, nhưng mà trông thấy đôi lứa thiếu-niên thương-yêu nhau như thế cũng vui mắt thật. Hai đứa ngồi đâu cũng vui vẻ, ăn gì cũng ngon lành, mà nào ăn có gì đâu, cũng ăn một thứ bánh lương như mọi người trong tầu mà thôi, khi nào tôi ăn cùng với chúng nó thì tôi mới điểm thêm một ít rượu mạuh Thụy-điển, một chén con thôi, cho nó ra cái phong-thể ông chủ tầu. Hai chúng nó ngủ thì có một cái võng, tầu chạy lăn lông-lốc, chẳng khác gì hai quả lê tôi để trong cái khăn mặt ướt này. Hai đứa bao giờ cũng vui-vẻ bằng-lòng. Còn tôi thì tôi cũng cứ làm như chàng vậy, tôi không hề hỏi-han gì hắn cả, mà nghĩ phận tôi là cái người chở tầu, cần gì mà phải biết tuổi tên lai-lịch của người ta! Tôi chở hẳn sang bên kia bể bất quá cũng như chở đôi chim phí-thúy mà thôi.

Được một tháng thì tôi coi hắn như con tôi vậy. Cả ngày hễ tôi đến thì hắn đến ngồi cạnh tôi. Anh chàng thì ngồi viết ở cái bàn, tức là cái giường đó. Khi nào tôi bảo thì hắn giúp tôi để tính đường kinh-vĩ, không mấy nỗi mà hắn làm cũng thạo bằng tôi; có khi tôi trông thấy làm giỏi quá mà ngạc-nhiên hẳn. Chị chàng thì ngồi lên mặt cái thùng rượu nhỏ mà khâu.

Có một ngày hai người đương ngồi như thế, tôi mới bảo rằng:

« Anh chị thử trông bọn ta ngồi họp nhau như thế này có rõ thật ra một cái cảnh gia-đình không? Tôi không muốn hỏi-han đến việc riêng của anh chị làm gì, nhưng mà tôi chắc rằng hai người bây giờ dễ cũng chỉ vừa đủ tiền tiêu mà thôi, mà xem ra hai người cùng yểu-điệu cả thế này thì đến Cai-yên cầy cuốc như các người đi đầy khác thế nào được. Ta chẳng nói giấu gì hai người, cái đất ấy thiệt là độc-địa, nhưng ta đây đã rầu xương rãi nắng quen, ngưới đã như cái da con lang già phơi nắng rồi, nếu có đến ở đấy cũng còn sướng như tiên. Tôi chẳng muốn hỏi cái ý riêng của anh chị làm gì, nhưng tôi xem ra anh chị cũng có bụng mến tôi, nếu thật thế thì tôi bằng lòng bỏ ngay cái tầu mục này, vả bây giờ nó cũng cũ lắm không dùng gì được nữa, mà tôi cùng với anh chị đến đấy sinh-cơ lập nghiệp, anh chị nghĩ thế nào. Tôi cửa nhà chẳng có, nghĩ cũng buồn. Anh chị làm bạn với tôi. Tôi sẽ giúp được nhiều việc, tôi lại mới buôn lậu được một ít đồ hàng, ta buôn-bán mà làm kế sinh-nhai, đến ngày tôi nhắm mắt lại thì cái cơ-đồ ấy để cho anh chị ».

Hai người đứng ngẩn ra mà nhìn nhau, trông bộ như không tin rằng tôi nói thật. Con bé ấy thì chạy ra ôm lấy cổ chồng như mọi khi, ngồi lên trên đầu gối chồng, đỏ mặt lên mà khóc. Anh ta cũng ôm lấy vợ vào trong tay, trông mắt cũng có nước mắt. Hắn ta chìa tay ra với tôi, mặt xanh hơn lúc thường. Vợ nói nhỏ vào tai, đương nói thì bới tóc sổ ra, như một cuộn thừng bỗng dơi tuột ra. Vì chị ta nhanh-nhảu thoăn-thoắt như con cá vậy. Tóc vàng chươi-chưới phủ lên cả vai chồng. Chàng không được trông cái tóc ấy, rõ như đống vàng thật. Hai người cứ nói nhỏ với nhau mãi, anh ta thì chốc-chốc lại hôn vào chán vợ, chị ta thì cứ khóc, tôi đợi mãi sốt ruột mới hỏi rằng:

— Thế nào, có ưng như thế không?

Anh ta nói:

— Thưa ông, ông tử-tế quá, nhưng mà chỉ ngại một điều... ngại một điều: ông ở cùng với kẻ có tội đi đầy thế nào được, vả...

Nói đến đấy hắn cúi mặt xuống.

Tôi nói rằng:

— Tôi thì tôi chẳng biết anh có cái tội gì mà đến nỗi phải đi đầy. Rồi sau này anh kể cho tôi nghe. Mà chẳng muốn kể nữa cũng được. Tôi xét bộ-giạng anh cũng không phải là người có cái ác-tâm gì. Ta chắc rằng trong một đời ta còn nhiều tội hơn các con, các con ạ. Thương thay con trẻ chịu oan! Như bây giờ cái chức-trách ta còn phải canh-giữ các người, thì thế nào ta cũng chẳng để cho thoát, cự lại với ta thì ta có cái gan chặt cổ ngay như cắt cổ hai con chim vậy. Nhưng đã đặt cái quân-phục một nơi, thì bấy giờ ta chẳng biết phân-biệt ông đại-tướng với thằng tội-nhân là ai nữa.

Hắn ta lại lắc đầu một cách buồn rầu mà nói rằng:

— Con chỉ ngại rằng ông là quan trưởng tầu mà lại có tình-ý riêng với chúng con thì sợ có điều nguy-hiểm cho ông chăng. Chúng tôi còn tuổi thanh-niên cho nên hay cười-cợt đùa-bỡn, chúng tôi thương-yêu nhau cho nên mặt thường vui vẻ; nhưng lắm lúc tôi nghĩ đến sự tương-lai mà đau-đớn trong lòng, tôi không biết vợ tôi đây sau này ra làm sao. »

Hắn lại ôm đầu vợ vào ngực mà hỏi vợ rằng:

« Ta nói với ông chủ thế có phải không? Ông hỏi mình thì mình cũng nói thế chứ? »

Tôi cầm lấy cái điếu hút thuốc, đứng lên, vì tôi thấy trong mắt đã ươn-ướt, mà cái tính tôi không quen khóc.

Tôi nói: — Thôi được! Thôi được! Rồi xong việc cả. Tôi hút thuốc thế này dễ tiểu-thú khó chịu, xin hẵng ra ngoài một chốc.

Chị ta đứng dậy, mặt đỏ lừng lững, nước mắt nhễ-nhại, như đứa con trẻ phải mắng. Nhìn vào cái đồng hồ cheo của tôi mà nói rằng: « Thế mà không ai nhớ đến cả! Thế cái thư kia để làm gì? »

Tôi thấy chột dạ, nghe hắn nói thế như rức ở chân tóc vậy.

« Chết nỗi! Thế mà ta quên đấy. Lại còn cái truyện ấy mới rầy nữa! Nếu đã đi quá đường kinh-độ bắc thứ nhất rồi, thì đến phải đâm đầu xuống bể mà chết thật! May sao mà chị chàng này lại nhắc mình đến cái thư nỡm ấy! »

Tôi mở ngay bản-đồ đi bể của tôi ra xem thì thấy hãy còn ít ra một tuần-lễ nữa mới đến, bấy giờ đã thấy trong đầu nhẹ bớt, nhưng mà trong lòng vẫn còn áy náy, không biết làm sao.

Tôi nói rằng: — Tôi sợ là vì Giám-quốc-phủ hay coi nghiêm cái điều vâng-mệnh lắm, không cho là truyện chơi được. Thôi, bận này thì nhớ rồi. Ngày giờ đi nhanh quá đến nỗi ta quên hẳn truyện cái thư ấy. »

Ấy thế mà, ông ạ, ba người cứ nghểnh mặt lên nhìn cái thư ấy mãi, hình như nó sắp nói gì cho mà nghe. Có một điều tôi lấy làm kinh-ngạc, là mặt giời chiếu qua chấn-song soi vào cái nắp pha-lê đồng-hồ, trông cái dấu đỏ nhớn ở giữa với mấy dấu con phảng-phất như một cái mặt người ở trong đám lửa.

Tôi nói bỡn hai người kia rằng: — Trông có khác gì cái đầu với hai con mắt thô-lố ra không?

Chị chàng nói với chồng rằng: — Anh ạ, trông nó giống như vết máu vậy thôi.

Chồng thì nắm lấy tay mà nói rằng: — Không phải, mình nhầm đấy. Trông nó giống như cái giấy mời cưới chứ! Thôi mình đi nghỉ đi. Việc chi mà bận lòng đến cái thư này làm gì? »

Hai đứa cùng chạy như có cái ma-quái gì đuổi theo sau mà chèo cả lên trên gác tầu. Một mình tôi đứng với cái thư to tướng ấy, tôi còn nhớ bấy giờ tôi vừa hút thuốc vừa cứ nhìn mãi, tựa-hồ như cái mắt đỏ của cái thư ấy nó buộc lấy mắt tôi lại, nó như cái mắt con rắn độc mà hút lấy mắt mình vậy. Trông cái thư bấy giờ rõ như mặt người xanh-sám, cái dấu đỏ nhớn ở giữa to hơn hai con mắt, khác nào như mồm con hổ-lang há rộng hốc ra... tôi nhìn lấy làm bực tức trong người, bèn lấy cái áo cheo ra ngoài đồng-hồ, để không trông thấy cái thư kinh-ngạc ấy nữa, mà cũng đành không xem đồng-hồ nữa.

(Còn nữa xem kỳ sau)



   




Chú thích

  1. Xem Nam-phong số thứ 1.
  2. Người làm sách bấy giờ còn tuổi trẻ. Viên trung-tá trước gọi là ông nay gọi là chàng là có ý đã thân rồi.
  3. Quấy bọt bể nghĩa là đã đi bể nhiều.
  4. Giám-quốc phủ là chính-phủ ở nước Pháp về thời đại Cách-mệnh, từ năm 1795 đến năm 1797. Sau bị Nã-phá-luân phá đổ. Chính-phủ ấy cũng không có tiếng tốt trong lịch-sử, được có mấy năm mà việc nước ở trong ở ngoài đều không được lợi cả.