Nam Phong tạp chí/Quyển I/Số 2/Văn-học bình-luận/Nghĩa gia-tộc

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nghĩa gia-tộc  (1917)  của Phạm Quỳnh
Văn-học bình-luận

NGHĨA GIA-TỘC


Một nhà danh-sĩ đã có câu nói rằng : công việc người ta ở đời ví như con trẻ đánh thia-lia. Hòn cuội mới rơi xuống nước thành một cái quầng nhỏ trên mặt nước, rồi cái quầng nhỏ ấy lan ra mà thành một cái quầng nhớn hơn, cái quầng nhớn ấy lại lan thành một cái nhớn hơn nữa, cứ thế mãi cho đến khắp mặt ao.— Nghĩa là người ta ở đời không phải là sống một mình ; phàm việc gì, dù nhỏ đến đâu, cũng có quan-hệ đến kẻ khác, ba-cập ra ngoài như cái thia-lia trên mặt nước vậy. Đó là cái nghĩa liên-lặc sâu nó buộc người ta với nhau, thành từng đoàn-thể, để cùng nhau mà gánh vác việc đời. Cái đoàn-thể nhỏ nhất, mạnh nhất, bền nhất, hợp với nhẽ thiên-nhiên hơn cả là cái gia-tộc. Trong một nhà, cha con, anh em, vợ chồng, đều liên-lặc với nhau, sống để giúp đỡ, binh-vực, phù-trì lẫn nhau. Cho nên nước nào từ xưa đến nay, cũng vẫn lấy nghĩa gia-tộc làm trọng. Nhưng ngày nay khoa-học tấn-tới, nhân-trí phát-đạt, cái tư-tưởng người ta về việc xử-thế đã thay-đổi đi nhiều. Lòng người khao-khát tự-do, hình như muốn phá-đổ cả những chế-độ cổ đời trước. Cái gia-tộc cũng làm một cái chế-độ cổ, có từ khi loài người mới biết họp thành xã-hội. Cái chế-độ ấy có chịu được cái phong-trào mới thời nay không ? Có thể duy-trì được nữa không ? Hay sắp đến ngày phải chịu biến-cách to ?

Ông Henry Bordeaux làm bộ tiểu-thuyết Les Roquevillards (Truyện nhà Roquevillards), chủ ý muốn xét mấy cái vấn đề ấy. Ông cũng là một nhà văn-sĩ có danh-tiếng ở nước Pháp, thường làm sách để duy-trì phong-tục. Nên sách tiểu-thuyết của ông thực là những bài luân-lý hiển-nhiên mà thâm-thiết. Bởi vậy xem có cái khí-vị hồn-hậu, không giống những sách tuy văn-chương có hay hơn mà ý-nghĩa kiêu-bạc như phần nhiều sách tiểu-thuyết ngày nay. Ông không những là chước-thuật mà lại còn vận-động để thực-hành những chủ nghĩa hay. Thấy cái nghĩa gia-tộc trong nước ngày nay đã suy-vi, ông bèn xướng lập ra một hội đặt tên là Le Foyer (Gia-tộc bảo-tồn hội), làm một nơi họp-tập, mời các nhà danh-sĩ đến diễn-thuyết về những vấn-đề quan-hệ đến xã-hội. Hội ấy thực đã có công trong việc giáo-dục bọn trung-lưu trong nước.

Bộ tiểu-thuyết bàn đây, tuy xuất-bản đã lâu, nhưng cái ý-nghĩa vẫn còn hợp thời lắm. Đại-lược truyện như sau này :

Nhà Roquevillards là một nhà cựu-tộc ở đất Savoie. Đời đời giữ chức trọng về việc hình cùng việc quân. Có tiếng trong một xứ là nhà thế-gia nền-nếp. Khi bắt đầu truyện này thì ông François Roquevillard là trưởng một chi thứ đã sáu mươi tuổi. Ông làm luật-sự ở tòa án Chambéry đã hơn ba mươi năm, lại vừa giữ nghiệp nhà quê, làm ruộng giồng nho. Sinh được năm người con : người con giai cả làm quan ba lục-binh đóng ở thuộc-địa, người con giai thức thì mới đỗ tiến-sĩ luật ở Paris về, tập sự ở nhà luật-sư Frasne. Còn ba người con gái thì một người lấy chồng cùng tỉnh ấy, một người đi tu làm hộ-khán ở nhà thương Hà-nội, con gái út ở nhà thì đã có người giạm mặt. Ông bà song toàn, một nhà vui vẻ. Ông tính cương-trực, một lòng giữ tổ-truyền trong nhà. Bà hiền-từ một lòng thương con yêu chồng. Cả nhà ăn ở hòa-thuận, rất mực thương yêu nhau, tưởng không gì bền chặt bằng. Bỗng đâu sẩy ra một truyện, tan nát cửa nhà. Người con giai thứ hai tên l Marice từ khi ở kinh-đô-về tập sự ở nhà luật-sư Frasne, đã được ngót nửa năm. Luật-sư có bà vợ vốn đa tình, khi trước vị ép-uổng mà lấy ông, nhưng lòng chẳng ưa lòng, nên vẫn khao-khát nỗi lòng. Vậy bà chủ với thầy tập-sư không bao lâu mà sinh mến nhau, rồi đến thành mê nhau. Ông bà Roquevillard xem ý biết sự nguy hiểm cho con, muốn tìm cách ngăn-giữ, nhưng nước đã đến chân không được nữa. Nhân một hôm luật-sư đi xa có việc, anh chị răp nhau trốn sáng Ý-đại-lợi để phỉ tình loan-phượng. Khi đi bà luật-sư có lấy của chồng 10 vạn quan để tiêu dùng ở đất khách. Thầy tập-sự cũng vấu-víu chỗ nọ chỗ kia được mấy nghìn quan để cùng đi. Nguyên cái 10 vạn quan ấy là duyên-do thế này : Khi ông luật-sư lấy bà thì bà nhà nghèo sa-sút, không có tiền « đốt » [1] Nhưng ông mê nhan-sắc bà, không vị cớ ấy mà không lấy. Trong luật có điều rằng vợ chồng có phép cho của nhau được. Vậy bà không có « đốt » để cho trước pháp-luật hai bên ngang nhau, ăn ở với nhau về sau cho dễ. Khi làm hôn-ước ông viết cho bà 10 vạn làm của riêng. Cứ theo luật thì cái tiền ấy cũng coi được như là của riêng người vợ, trừ khi li-hôn thì mới hoàn lại người chồng mà thôi. Bởi vậy bà vẫn tưởng cái tiền ấy là của bà, muốn lấy lúc nào cũng được. Nên khi đi cứ đem đi, tưởng cái quyền mình được thế, không ngờ có thể sinh sự về sau được. Hôm sau luật-sư về thấy vợ mất tiền mất, căm-tức lắm. Pháp-luật sẵn trong tay, nghĩ ngay một kế báo thù quân bất-lương một cách thật đău. Nhưng cứ trong luật thì vợ ăn trộm của chồng không phải là tội. Như thế thì đành không làm gì được vợ, phải hại riêng một nh nhân-ngãi vậy. Nhưng cái tội quyến-dụ vợ người cũng chưa là tội nặng, phải làm thế nào cho người ta nghi rằng cái mười vạn quan ấy, chính tay anh nhân-ngãi ăn trộm, vừa dỗ vợ chủ, vừa cướp tiền chủ, thì mới thành án to được. Nghĩ được kế liền phát đơn thưa ngay. Tòa án sử Maurice Roquevillard, một năm tù, nhưng vắng mặt thì lập án khuyết-tịch. — Sự-tình như thế, nghĩ đến nhà Roquevillard mới sót-sa. Tiếng-tăm ấy đợi đến bao giờ cho tắt ! Ô-danh này rửa đến bao giờ cho sạch ! Thế là công-nghiệp ông cha, mấy đời danh-dự, nhất-đán ra ro cả, chỉ vị một cớ con dại, mắc tiếng oan-vu. Dù thế nào cũng phải gỡ được cái án này mới nghe ! Dù thế nào cũng phải vớt lại cái tiếng thơm một họ, giữ lấy cái hương-hỏa tinh-thần của tổ-tiên đời trước để lại, mà vì cái án oan này có cơ nguy-vong mất. Không phải rằng sợ hình-ngục khổ cho một người, nhưng sợ tiếng-tăm hại đến một họ. Vì vậy suốt một nhà nhất-tâm để cứu lấy một người, ai nấu đều quên cái lợi hại riêng, mà chỉ nghĩ đến vận-mệnh chung. Bà mẹ vốn yếu đuối, nghe thấy tin như sét đánh ngang tai, nửa thương nỗi con, nửa cực nỗi nhà, không được mấy lâu mà tạ thế. Người anh cả coi binh ở thuộc-dại, xin đổi đi đóng nơi hiểm-yếu, để chóng lập công-danh, rửa tội cho em, chuộc tiếng cho nhà. Sau chẳng may lam-chướng mắc bệnh chết ở rừng Phi-châu. Người em gái bên giường mẹ chết, tình-nguyện không đi lấy chồng, để lấy danh-tiết, lấy công-nghiệp hồi-dưỡng cho linh-hồn tổ-tôn. Ông bố thì không hề một phút ngã lòng, gập hoạn-nạn lại càng tin công-đức tổ-tiên. Chắc rằng con vô-tội, hết sức cứu ; khánh-kiệt gia-tài để đền người độc ác, hết tài hùng-biện cho vẹn tình máu mủ. Sau phá được án oan, rửa được tiếng nhà. Maurice Roquevillard nghe tin mẹ chết để nhân-ngãi ở Ý-đại-lợi mà về. Bố cãi cho được trắng án. Nhưng anh trẻ tuổi này cũng đáng khen thay ! Thế này mới thật là con giòng cháu giống : khi ở Ý-đại-lợi về, biết đầu đuôi kẻ thù vu oan cho mình, nếu chỉ cãi lên một câu rằng không phải mình lấy 10 vạn quan, là đủ đổi cái án lừa chủ ra cái án lừa chồng, mà mình chóng được thoát tội. Nhưng nhất định không chịu nói, không chịu xưng nhân-ngãi, không chịu để tiếng sấu cho tình-nhân, thậm chí đến nỗi cấm luật-sư cãi án không được đọc đến tên Frasne phu-nhân. Thế mới là giống tình-chủng, thế mới là giòng hiệp-khách ! Người ấy thật là đáng cha ấy, mẹ ấy, anh ấy, em ấy. Cái cách ăn ở cao-nhã như thế thì tội gì mà chẳng chuộc được, phương chi là tội tình !...

Cái kết-luận truyện này là ở mấy câu cha bảo con, khi mới ở ngục ra, đi thăm mả mẹ : « Con ơi ! bây giờ cha già rồi. Con sắp đến ngày phải nối nghiệp ta. Hôm nay ta được cái trách-nhiệm nói cho con nghe, thì con phải nghe ta. Con đừng cảm-động. Chốn này là hình-ảnh chốn thiên-niên [2]. Cái lòng thời người chết, ấy là cái nghĩa đời người bất-diệt đấy. Ví cái quá-khứ, cái tương-lai nó không đặt cho đời người ta có nghĩa, thì đời người là cái gì, đời ta đây là cái gì ? [3]Khi con theo đuổi cái phận riêng của con, là con quên cái nghĩa ấy vậy. Không có phận đẹp nào riêng cho một người, có nô-lệ mới có thanh-cao. Người ta hoặc thờ nhà, thờ nước, thờ giời, thờ cái mĩ-thuật, thờ sự học-vấn, thờ một cái lý-tưởng gì. Sấu hổ cho kẻ nào chỉ biết thờ mình ! Như con thì con được nhờ ta, nhưng con cũng phải lụy ta. Cái danh-dự con người ta là biết chịu lụy vậy...

« Con ơi, người lương-thiện với người bất-lương cách nhau không có mấy tí. Cái tình-dục thì sóa cái cách ấy đi, mà cái gia-tộc thì làm cho vững-bền nó lại. Song, con ạ, dù đến lúc này ta cũng không trách cái tình, nếu biết hiểu cái tình là cái gì. Cái tình ấy là lòng ta hi-vọng đến cái gì cao hơn ta. Con phải giữ lấy cái hi-vọng ấy ở trong lòng. Cái hi-vọng ấy là của con. Đến trước những việc hay, đứng trước cảnh tạo-vật, nếu con biết vững lòng can-đảm mà theo số-mệnh, thì con sẽ thấy sẵn cái hi-vọng ấy trong lòng. Con chớ có đánh lạc nó, con chớ nên đánh lạc nó nữa. Trước khi yêu một người đàn-bà, con phải nghĩ đến mẹ con, phải nghĩ đến chị con, phải nghĩ đến cái hạnh-phúc dễ giời đã dành cho con cũng được một đứa con gái mà dạy. Khi ta sinh con, cùng anh con, chị con, em con, ta mừng lắm. Ta hết sức che chở cho con. Đến khi ta chết thì con sẽ thấy như bức tường đổ, mà phải ra đối diện với đời. Đến bấy giờ con mới biết nhời ta nói là phải. » [4]

Xem như truyện trên này thì cái gia-tộc ở các xã-hội Âu-châu đương qua một bước nguy-cơ, đương phải chống-đối với cái phong-trào mới thời nay. Mà cái phong-trào mới thời nay thì chỉ vụ sự lợi-lộc, sự sung-sướng của từng người, lấy cái nhân-thân mộ tngười làm trung tâm thế giới. Gọi cái « cá-nhân chủ-nghĩa » (individualisme) là thế. Dù vậy thời-đại này là một buổi giao-thời, không lấy một chủ-nghĩ mà gồm được hết. Đời nay tuy bọn giữ cái « cá-nhân chủ-nghĩa » cũng nhiều, nhưng không phải là khắp cả. Đại-để là những bọn gập thời mà đột-khởi, thường không có căn-bản gì mà phẩm-hạnh cũng kém. Không có cản-bản cho nên dễ theo thời mà dễ phát. Phẩm-hạnh kém cho nên chỉ vụ lợi mà không hiếu nghĩa. Nhưng trừ ngoài bọn ấy, phàm những bực cao-thượng vẫn giữ chủ-nghĩa cũ, biết rằng cái gia-tộc là một cái cửa bể kín-đáo để cứu bọn ta trong buổi ba-đào này. Ngày nay tôn-giáo mỗi ngày một mất đi, hoặc là già-cỗi mà hết, hoặc là không thích-hợp với thời ; nhân-tâm không biết lấy đâu làm bờ-bến. Nếu không có gì cầm-chế lại thì tất thành cái hoạn to cho xã-hội. Đoái đi xét lại duy có cái gia-tộc là còn có thể duy-trì cho xã-hội được. Nếu biết gây dựng cho bền chặt, trên liền-tiếp với người đời trước, dưới mở đường cho người đời sau, lấy tình sâu nghĩa nặng mà giàng buộc nhau, chung-đúc thành một khối thiên-nhiên, thì thời-thế nào mà suy-di được, phong-trào nào mà lay truyển được !

Dưới đáy bể thường có hàng ức triệu những giống vật rất nhỏ tụ nhau lại mà lâu dần thành từng cây san-hô, sóng đánh cũng không đổ được. Cái gia-tộc tức là cây san-hô trong bể sinh-hoạt đời nay.

Phạm Quỳnh


   




Chú thích

  1. Tiếng tây là dot, là tiền tống-gia về nhà chồng.
  2. Nghĩa là chỉ cái mộ bà mẹ mà nói.
  3. Nghĩa là đời người không phải là chỉ quan-hệ cho từng người, thực là quan-hệ đến cả người đã qua đi rồi với người chưa đến. Cái quá-khứ, cái tương-lai nó định nghĩa cho đời người, không phải một cái hiện-tại mà thôi
  4. Pháp-văn đoạn này cũng hay lắm. Xin lục ra đây để các nhà tây-học thưởng-giám : « Mon enfant, je suis maintenant un vieillard. Tu vas bientôt mẹ succéder. Il faut m'écouter en ce jour où j'ai le devoir de te parier. Ne t'attendris pas. C'est ici l'image de ce qui dure. Le culte des morts, c'est le sens de notre destinée immortelle. Qu'est ce que la vie d'un homme, qu'est-ce que ma vie, si le passé et l'avenir ne leur donnaient leur véritable sens ? Tu l'avais oublié lorsque tu poursui vais ton destin individuel, et il n'est de grandeur que dans la servitude. On sert sa famille, sa patrie, Dieu, l'art, la science, un idéal. Honte à qui ne sert que soi même ! Toi, tu trouvais ton appui en nous, mais aussi tu dépendance. L'honneur de l'homme. c'est d'accepter sa subordination....
    « Si peu de chose, mon ami, sépare quelquefois l’honnête et le malhonnête homme. L’amour supprime cette barrière, la famille la consolide. Pourtant, même à cette heure, Maurice, je ne dirai pas de mal de l’amour, si tu sais le comprendre. Il est notre soupir après tout ce qui nous dépasse. Garde ce soupir dans ton coeur. Tu le retrouveras devant les belles actions, devant la nature, en te donnant à ta destinée sans peur et sans faiblesse. Ne l’égare pas. Ne l’égare plus. Avant d’aimer une femme, songe à ta mère, songe à tes soeurs, songe au bonheur qui t’est réservé d’avoir une fille et de l’élever. A ta naissance, comme à celle de ton frère et de tes soeurs, je me suis réjoui. De toutes mes forces, je t’ai protégé. À ma mort, je te le dis, tu sentiras comme l’écroulement d’un mur, et tu te découvriras face à face avec la vie. Alors, tu me comprendras mieux. »