Nam Phong tạp chí/Quyển I/Số 2/Văn-học bình-luận/Sử-luận

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Sử-luận  (1917) 
của Đái Cát Phu, do Phạm Quỳnh dịch
Văn-học bình-luận

SỬ LUẬN

Bài Sử-luận sau này là của một ông nho tầu về đầu nhà Thanh, Đái-Cát-Phu tiên-sinh (戴褐夫), bàn về cái phép làm sử cũ của ta rất tinh-tường. Chúng tôi định làm một bài chuyên-luận về phép làm sử theo lối khoa-học ngày nay, để giúp cho các nhà sử-học nước ta biết cái phương-phép mới của một môn học cũ rất thịnh-hành ở phương Á-đông ta. Bài chuyên-luận ấy bảo-báo sẽ đăng về sau. Nay hẵng dịch bài Sử-luận này, tuy là văn-chương cũ, bàn theo cái tư-tưởng cũ, nhưng nhời bàn thực là sác-đáng, có nhiều ý-kiến hợp với sử-học ngày nay. Một nhà làm sách ở nước Tầu tự ba trăm năm trước mà nghị-luận về phép làm sử chẳng khác gì một nhà sử-học chuyên-môn ngày nay, thì cũng là một sự lạ vậy. Đái tiên-sinh có cái trác-kiến hơn người đương thời, cho nên thường nghị-luận về văn-chương một cách rất thâm-thiết, không giống những nhà văn-sĩ cũ ở nước Tầu nước ta ngày xưa. Đọc bài luận sau này thì biết. [1]

Ph. Q.


Thánh-nhân ngày xưa vì sao mà làm ra sử ? sử là để chép những sự thay-đổi lợi-hại trong chính-trị điển-chương, cùng những sự thành-bại được-thua, người hay-dở-gian-ngay, để dương điều thiện, dèm điều ác, mà làm phép răn cho muôn đời. Bởi thế cho nên thánh-nhân kinh-luân thiên-hạ mà không lo hoặc phải điều tệ, là nhờ có sử giữ-gìn cho. Ấy sử quan-trọng như thế. Nhưng phép làm sử khó, người làm sử ít có, thực đã lâu lắm vậy.

Nay thử lấy một nhà mà xét, nhiều là vài ba mươi người, ít là mươi mười lăm người. Mắt ta trông thấy người, tai ta nghe thấy nhời, thế mà đàn-bà con trẻ cãi-cọ nhau, bởi đâu mà gây nên, hoặc có khi ta không thể thấu được tình ; kẻ tôi-đòi làm việc chăm hay lười, hoặc có khi ta không thể biết được hết. Suy rộng cho đến một ấp, một nước, người lại càng nhiều, việc cũng lại càng phân-tạp mà không thể xét cho cùng được. Tuy có ông quan minh, xét đoán mọi việc, song cũng còn sợ nhời nói thất-thố, bị chúng sai lừa, đến cùng cũng không rạng tỏ được hết. Huống mình là người ở mấy mươi trăm năm về sau, mà truy-luận đến di-tích người đời trước ; việc không phải tự mình được chép, ví như nghe kiện, hai bên nguyên-bị chưa đến, chỉ nghe miệng những người đi đường kẻ bàng-quan, chỉ bằng ở những nhời nói ra nói vào khác nhau, những câu khen chê yêu ghét không đâu, theo như thế mà định phải trái gian ngay, thì há được công-bằng vậy thay !

Ôi, những người cùng sống một thời với ta, ta khen không được đúng, tất có người cứ thực mà sửa lại ta, ta chê không được phải, người ấy tất cùng ta mà tranh-biện, không chịu nghe ta. Bằng ta là người ở mấy mươi trăm năm về sau mà lại muốn truy cái di-tích người trước, khen cũng duy ta, chê cũng duy ta, cái người ta khen ta chê ấy không thể tự chín suối lên mà tự minh với ta được.

Ông Mạnh-Tử nói : Tin cả ở sách thời chẳng bằng không có sách. Ta đối với các nhà làm sử cũng nghĩ như thế vậy. Nhưng thế thì làm sử há lại không có phép ư ?

Làm sử là nhờ có hai thứ : một là quốc-sử, hai là giã-sử. Quốc-sử là bởi các quan biên-chép, hoặc phô-trương thái-quá, hoặc ẩn-hủy không tường. Xét công-tội những bực quần-thần, đầu đuôi ngành-ngọn mọi việc, nhiều khi không được hết nhẽ, không thể không tham chứng giã-sử được. Mà giã-sử ấy thì thường lại hay theo cái lòng yêu ghét riêng, bầy cái ý-kiến riêng của người làm sử ; hoặc nữa không có tật gì, mà thường thường lại phải nhời không được đạt, ý không được thông, việc không được sác. Một việc mà mỗi người chép một khác, một người mà khen chê không giống nhau. Than ôi, người trông thấy nói một khác, người nghe được nói một khác, ta biết đâu làm phải vậy thay ! Kinh Thư nói rằng : « Ba người cùng đoán, nên nghe nhời hai người. » Ta lấy hai người làm phải thì ta theo nhời hai người. Ta lấy hai người không phải thì ta lại theo nhời một người. Nhưng dẫu bấy nhiêu người cùng phải cả, nhời nói cũng chưa đủ theo hết được, lại phải xét đến đời người mới được. Như một việc tất có thủy-chung một việc, một người tất có lai-lịch một người. Gồm lấy cái thủy-chung ấy, hạch lấy cái lai-lịch ấy, bàng-tham hỗ-chứng, mười phần cũng có thể biết được tám chín vậy. Đức Thánh nói rằng : « Chúng yêu ta cũng nên xét, chúng ghét ta cũng nên xét. » Ta xét mà khá yêu, cũng chưa tất là không khá ghét, ta xét mà khá ghét cũng chưa tất là không khá yêu. Chúng không thể xửa lại được, mà cũng không nên quá theo. Ta phải để mình vào cái địa-vị ấy, lượng cái tình mà đạc sự biến, ấy bàn việc đời phải như thế. Ta đã xét cái đời người ấy thế nào rồi, ta lại nên ám-tưởng cái đời người làm giã-sử ấy thế nào nữa ? Là người hay, hay là người dở ? Nhời bàn phải hay là trái ? Là người trong cuộc ? Là người thân trông thấy, hay là người xa nghe được ? Cái việc làm ấy là phải làm mà làm, hay là không phải làm mà làm ? Xem cái ý bầy-bàn, xét cái cơ khen chê, chứng vào sách khác, tham vào quốc-sử, hư-tâm mà cầu, bình-tình mà luận, mới biết rằng ở trong có cái khá theo, có cái không khá theo, mười phần cũng được tám chín phần vậy.

Than ôi ! sử làm khó như thế. Mà tự cổ dĩ lai, các nhà làm sử không mấy người được trọn vẹn cả mà không sai điều gì. Ông Tăng Củng 曾 鞏 nói rằng : « Xưa gọi nhà lương-sử ấy, sáng tất phải đủ khắp được nhẽ muôn việc, đạo tất phải đủ thích cho thiên-hạ, trí tất phải đủ thông những ý khó biết, văn tất phải đủ phát những tinh khó hiểu, nhiên-hậu mới gọi được là sứng-đáng. » Lại nói rằng : « Sử ấy là để sáng đạo trị thiên-hạ. Nên người làm sử tất phải có tài trong thiên-hạ, nhiên-hậu mới gọi được là sứng-đáng. » Như thế mà xét thì người làm sử há chẳng khó có vậy thay !

Tự xưa sưng là lương-sử ấy, không ai hơn hai nhà Mã, Ban. Nhưng học Tư-Mã tuy có cái tài hùng-kiệt, chùm khắp trăm đời, mà không khỏi điều phải điều trái lẫn-lộ, câu nhặt câu chép sai nhầm ; thế thì cái trí tuy đủ thông được những ý khó biết, cái văn tuy đủ phát được những tình khó-hiểu, mà cái sáng chưa đủ khắp được nhẽ muôn việc, cái đạo chưa đủ thích-dùng cho thiên-hạ. Đến như văn họ Ban, so với họ Tư-Mã lại còn không bằng. Ôi, hai nhà Ban Mã, há chẳng phải là những bực có tài trong thiên-hạ ư ? Mà còn có điều sở-hám như thế, huống là những nhà làm sử tự Ngụy Tấn về sau, chỉ biết chẻ rọc cái thể, thêu vẽ cái nhời, mà nghĩa-lý mất hết cả ! Nên ta nói rằng làm sử khó có người là thế.

Vả lại người làm sử tất phải hội lấy nhẽ mọi việc chính-trị điển-chương thay-đổi lợi-hại thế nào, cùng việc thành-bại đắc-thất, người hay-dở tà-chính, nhất nhất phải thấu suốt ở trong bụng, rồi sau mới cầm bút mở giấy, phát phàm khởi lệ, định làm một quyển sách, thì sách ấy mới có thể khiến cho người đọc về sau như sinh thời bấy giờ, như tức là người ấy, mà khá lấy làm phép răn. Ví như người thợ nhớn làm cái nhà to, tất trước định quy-mô phương-hướng đã đắc nghi rồi, tả hữu đã ngắm xét rồi, gian giữa gian bên đã đặt nền rồi, bấy giờ mói vào trong rừng trong núi, nhìn rộng xem kỹ, cây nào khá dùng làm gỗ, cây nào khá dùng làm cột, cây nào khá dùng làm rầm làm rui, hòn đá nào khá làm nền làm bực, bèn họp cả các thợ lại, búa dìu đều đập, thừng mực đều căng, chỉ trong khoảng giây phút là thành một tòa nhà thiên môn vạn hộ vậy. Lại ví như nhà lương-tướng dùng quân, kỷ-luật tất phải cho nghiêm, thưởng phạt tất phải cho đúng, hiệu-lệnh tất phải nhất định, tiến lui tất phải đều nhau, đầu đuôi tât phải ứng nhau, vận-dụng khéo cho quân được nhất-tâm, biến-hóa tài không ai suy lượng được, như thế mới kha làm tướng được trăm vạn quân mà điều-lý không lẫn, động tay đủ khiến, binh tuy nhiều mà càng chỉnh, phép tuy kỳ mà thực chính. Ta trộm lấy làm lạ người đời sau làm sử, qui-chế không lập, pháp-luật mang-nhiên, cất chân vấp-váp, chạm việc ngửa nghiêng, như chỉ có cây gỗ một tầm tấc mà không biết sếp đặt, chỉ có một bọn năm người mười người mà sai khiến trái đường, ầm-áo dối loạn, không khá ngăn cấm được, lại còn mong làm nhà nhớn, coi bịnh nhiều làm sao được ? Nên ta nói làm sử khó là thế.

Vả làm cái nhà nhớn tuy nhiều thợ cùng làm, nhưng biết thể-yếu duy có một người thợ nhớn đạc lượng cái tài-liệu mà thôi. Dùng binh tuy quân lính nhiều, các tì-tướng mãnh-dũng, nhưng cầm mệnh-lệnh trong ba quân duy có một ông đại-tướng mà thôi. Làm sử cũng vậy, tuy chưng khảo sách vở, sếp đặt phương sách có nhiều, mà cầm bút mở giấy, phát phàm khởi lệ, cũng chẳng qua một người lương-sử mà thôi. Tôi lại lấy làm lạ rằng những người làm sử đời sau, không nghe thấy ai là có cái học bác-thông chư-sử, chưa được biết ai là có cái tài « bút-tước chi pháp ». Làm sử chia nhau ra mà cùng đi cóp nhặt, thì ai ai cũng có thể làm được, người đi đã có người kia lại, thường thường một quyển sách chưa thành mà đã quay tay đến mấy mươi trăm người,hết ngày qua thời, mà rút lại cũng đến không thành được.

Ôi, nhà lương-sử phải mấy trăm năm mới thấy một lần. Nếu ai ai cũng làm được thì cái tài trong thiên-hạ không phải là khó nữa, ông Tử-Trường, ông Mạnh-Kiên nối vai nhau mà phát-hiện ra vậy. Họp những thợ vụng lại mà làm một cái đồ dùng, họp những bọn nhu-phu lại mà coi một quân, thì đồ dùng khỏi méo sao được. quân khỏi thua sao được ? Thế cho nên có họ Tư-Mã, họ Ban, họ Âu-dương, làm người đại-tượng, người lương-tướng thì sách Sử-ký, sách Hán-thư, sách Ngũ-đại sử mới thành được Sách Tân Đường-sử không phải tay họ Âu-dương định, nên sánh với sách Ngũ-đại sử không bằng. Như thế thì phàm nhà chuyên-học về sử phải là người có tài trong thiên-hạ, như ông Tăng Củng nói : sáng đủ lấy khắp được nhẽ muôn việc, đạo đủ lấy thích dùng cho thiên-hạ, trí đủ lấy thông những ý khó biết, văn đủ lấy phát những tình khó hiển. Có được như thế mới gọi được là nhà lương-sử. Nhưng có người lại nói rằng sử khó làm như thế, người làm sử cũng khó có như thế, bao giờ lại được những bực như họ Tư-Mã, họ Ban, họ Âu-dương cho thực sứng đáng ; cái đó cũng là do người trên sở trọng mà thôi. Người trên sở trọng tại kinh-học, thời thiên-hạ những người thông-kinh ra nhiều. Người trên sở trọng tại sử-học, thì thiên-hạ những người lương-sử tất cũng ra nhiều, có lo gì là sử khó làm cùng người làm sử khó có vậy thay !

(Dịch trong sách « Đái Cát-phu văn tập »)


   




Chú thích

  1. Đái Cát-phu tiên-sinh tuy không có danh-tiếng trong văn-học lịch-sử nước Tầu, An-nam dễ không mấy người nghe đến bao giờ, song thực là một nhà văn-sĩ có biệt-tài. Văn-chương của tiên-sinh có cái tính-cách khác hẳn lối văn-chương cũ. Chúng tôi hiện đương nghiên-cứu về tiên-sinh, định làm một bài luận về cái thân-thế cùng sự nghiệp văn-chương của tiên-sinh.