Ngọc lê hồn (Ngô Văn Triện dịch)/10

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ MƯỜI. Nợ tình

CHƯƠNG THỨ MƯỜI
Nợ tình

Trước mắt êm-đềm, trong lòng bứt-rứt; nghĩ ra nông nỗi, khôn siết ngậm-ngùi. Nàng tiếp được thơ chàng, liền viết thư trả lời. Trong thư có câu: « Tôi sang anh đi vắng, nếu anh ở nhà tôi đã không sang. Đốt thơ còn bớt lại một câu, chẳng qua là sự vô-tình, anh đừng bận nghĩ. Đến như đem hiến bức ảnh nhỏ, là vì sự không thể đừng được, nên không quản đến điều tai tiếng, cũng không mong được của đổi trao. Bởi Lê-Ảnh coi anh là bạn tri-kỷ mà anh cũng có lòng thương, coi Lê-Ảnh là bạn đồng-tâm. Song tự hỏi kiếp này, e không được giáp mặt người quân-tử nữa. Giồng ngọc đã không công trước, trả châu đành đợi duyên sau, không dám phụ anh, mà cũng không dám để lầm cho anh vậy. Hoa trôi bèo nổi, tan họp không thường. Ngày nay gần-gụi tấc gang, mà còn tựa xa-xăm muôn dặm, một phen gặp mặt, nghìn lạng khôn mua. Huống rồi đây anh ngoài dặm thẳm, thiếp chốn buồng sâu, còn mong gì hồn mộng đi về, mảnh tiên trao đổi? Tặng anh bức ảnh, là để tỏ tấm lòng ngày nay yêu mến, mà cũng là để làm một vật kỷ-niệm ở cái ngày quyết-biệt mai sau. » Chàng đọc thư ấy tựa như phải cái vụt ngang đầu, tựa như nghe tiếng chuông tỉnh mộng. Đương lúc lửa tình bốc lên ngùn-ngụt, bất gác dần dần do nóng mà ấm, do ấm mà mát, do mát mà lạnh, lạnh tưởng chết điếng; hồn bay vơ-vẩn, lệ ứa tran-hòa. Hồi lâu thở dài mà than rằng: « Biết nhau mà thế, thà rằng chẳng biết cho xong. Nếu bảo không duyên thì can gì gặp gỡ? Nếu rằng có duyên thì sao lại ngửa-nghiêng? Mê vì tình hay sao? Hại về số hay sao? Nặng về nợ hay sao? Tạo-hóa chêu người, lại nỡ tàn-ngược đến thế sao? Mông-mênh trong bể người, nào bạn tri-âm, lại tìm đâu thấy? Kiếp sống thừa lênh-đênh chìm nổi, còn có điều gì đáng tiếc, mà không « cũng cam sống thác với tình cho xong? » Nhân lại làm hai bài thơ tứ-tuyệt để trả lời nàng; trong thơ có câu: « Lời nguyền kiếp khác bền như sắt, thề bỏ xuân-xanh một kiếp này ». Nàng đọc thơ, trong lòng rất áy-náy không yên, lại phục thư cho chàng, khuyên-lơn hết lẽ, yên-ủy cạn lời, chữ nào cũng như từ trong gan, trong ruột kéo ra, viết thành bức thư, lòng son đã tan-nát ra làm mấy đoạn. Trong mấy ngày ấy, thư từ đi lại, lại càng nhiều lắm, mà trước nấm Mai-hương, ngoài hiên Lãm-thúy, mưa sầu rả-rích, mây thảm mịt-mù, đầy mắt đều những cảnh thương tâm, vào tai đều những câu đau ruột, trong cái thành sầu hắc-ám, không còn có lấy một tia sáng mặt trời!......

Đại-phàm sự tác dụng của ái-tình, khi bắt rất mau, khi mắc rất dữ, khi hút vào rất mạnh, khi nở ra rất to; song khi bắt, khi mắc, khi hút, khi nở, cũng phải trải qua nhiều tầng bậc, từ mỏng đến dầy, từ nông đến sâu, chứ không phải một bước mà đến ngay cái chỗ quấn-quít vấn-vương gỡ ra không được. Tức như Mộng-Hà với Lê-nương, cái tình lúc ban đầu chẳng qua như một sợi tơ mành vướng-vít bâng-quơ, sức lực rất là mỏng-mảnh. Đến sau vì giao-thiệp càng nhiều, yêu thương càng thiết, đến nỗi đem hết những lời gan ruột mà thổ-lộ cùng nhau. Giá phỏng Mộng-Hà lại là Tư-Mã, Lê-nương bắt chước Văn-Quân, thì vườn hoa không chủ, hiên thúy tiện đường, trộm ngọc thầm hương, khó gì chuyện ấy! Thế nhưng Mộng-Hà vốn không phải con người khinh bạc, Lê-nương lại nào phải chị ả dâm-bôn, dẫu có mê-mệt về tình, cũng không dám qua vượt ra ngoài vòng lễ-nghĩa. Khối tình dầu nặng, giấc mộng khôn tròn. Vì vậy cây mọc liền cành, đành chờ kiếp khác; thơ đưa hàng tập, mới hả lòng ai. Tài dẫu đáng kính mà cái ngu cũng nên thương vậy. Lời chàng thề nặng là xuất ở tấm lòng chân-thực, nàng càng thêm một lời khuyên-nhủ thì chàng lại càng thêm một phần đau khổ mà thôi. Chàng được thư nàng muốn nín không xong, bèn hòa lệ vắt máu, giãi mật phơi gan, thảo một bức thư, thề một lần sau cùng nữa. Thư rằng:

« Vừa được đọc thư, khuyên lơn hết lẽ, càng được rõ tấm tình của bạn mà càng thấy đau lòng cho tôi. Bạn ơi! Bạn ơi! sao cứ khuyên lơn nhau những câu vô-vị làm gì để tấm lòng này càng thêm đứt nát ra từng đoạn. Tôi không phải là kẻ gặp ai cũng chung tình mà cũng không phải là kẻ ăn lời phụ ước. Bạn thử nghĩ: Tôi sở-dĩ đến bây giờ mà vẫn chưa đính tơ duyên là vì cớ sao? Tôi sở-dĩ yêu bạn cảm bạn, mà cam chết vì bạn là vì cớ sao? Bạn đọc tập thơ « Hồng-lâu ảnh-sự » của tôi, hẳn cũng đã biết tấm lòng tôi ngày thường thế nào. Bạn đọc những thơ mấy lần đưa tặng của tôi, hẳn cũng đã biết tâm lòng tôi ngày nay thế nào. Bạn bảo tôi là người duyệt-lịch trong làng tân-học; lới ấy là lầm. Mười năm lận-đận, mấy chữ ngâm-nga, tấm lòng danh-lợi của tôi đã nguội đi lâu lắm. Đến nay việc đời biến thiên, cõi học dựng lên những ngọn cờ mới-mẻ, tôi hồ dễ đã theo làn đuổi sóng cùng mấy lũ đầu xanh đua đuổi ở trong chốn rừng văn bể học được sao! Năm nay sang đây, chẳng qua là vì cớ đói rét, tìm chốn nương thân, đâu dám nói đến chữ nhiệt-tâm giáo-dục! Bạn thử coi tôi, và xin xem trong đám tân-học có ai lại như tôi này không? Đến như trong làng nữ-giới tôi lại càng không dám chơi chèo. Tôi không phải là hạng Đăng-đồ, thư trước đã từng nói rõ. Hoa hèn cỏ nội, vốn chẳng vương tình, một gặp nên mê, hẳn là nợ sẵn. Thế nhưng cành cây rợm lá, ngậm-ngùi Đỗ-Mục thương xuân; cửa động cài mây, ngơ-ngẩn Ngư-lang rứt lối. « Trả hạt châu tuôn lệ mấy dòng. gặp nhau sao chẳng lúc còn không? » Bạn đã bạc-mệnh rồi, mà tôi đây ai bảo là không bạc-mệnh! Không nói chi trong đám quần thoa ngày nay không còn có người nào như bạn, dù lại có nữa, tôi cũng quyết không lại chung-tình với một người nào. Duyên kia đã thế thì đành, cũng liều bỏ quá xuân-xanh một đời. Đã không biết sống là vui, tấm thân nào biết thiệt-thòi là thương. Cùng bạn gieo nhân ở kiếp này, ắt là sẽ được thu lấy quả lành ở kiếp khác. Can chi còn mua thêm lấy một trường xuân-mộng, để càng nặng thêm một lần ma-chướng ở cái kiếp sau này! Đến như việc nối dõi tôn-đường thì tôi cũng đã từng nghĩ đến, tôi tuy ít anh em nhưng may còn có được một anh, năm ngoái cưới vợ đã sắp có con. Miễn là dòng-dõi tổ-tông, không đến nỗi vì mình mà hương lạnh khói tàn, thì cái tội bất-hiếu cũng có thể giảm đi được một đôi chút. Người xưa có câu: « Một lời đã nói, bốn ngựa khôn theo ». Nếu nói lời mà lại ăn lời, thì cũng chịu tội như những phường bạc hãnh. Thôi đi bạn ơi, xin đừng nói nữa. Tôi xin hỏi bạn: Bạn sở-dĩ yêu tôi là thương cái tài của tôi chăng? hay cảm cái tình của tôi chăng? Thương vì tài với cảm vì tình thì đàng nào trọng hơn? Đàng nào khinh hơn? Nặng về tình mà vẫn giữ điều lễ-nghĩa, lòng tôi đã yên như thế rồi, bạn hà-tất còn phải vì tôi áy-náy! May ra một lời thề nặng. động đến lòng trời, nghìn kiếp chết oan, hãy còn nấm đất; đinh-ninh lời ước, đành ngày nay thúy rẽ uyên chia; chắp nối tơ duyên, chờ kiếp khác loan chung phượng chạ. Từ đây sống được ngày nào thì trăng chiều gió sớm, xin cùng bạn san-sẻ cái huống-vị thê-lương. Họa chăng trời có lòng thương, cái duyên gặp mặt của hai người không phải chỉ đến thế mà thôi, sẽ cùng ai họp mặt chuyện-trò mà cùng kể lể cái nông nổi lênh-đênh chìm nổi. Điều đó thật rất là mong ước, nhưng cũng còn là một sự mơ-hồ không chắc chút nào. Than ôi! Tôi tự khuyên mình không xong; mà bạn cũng khuyên tôi không được, đến nỗi tôi lại đem những lời bạn khuyên mà khuyên lại bạn, lòng tôi khổ lắm thay! Ruột tôi đau lắm thay! Thăm-thẳm trời xanh, có hay chăng lẽ!.... Tôi người vốn yếu-ớt, đã vì tình dần-vật, lại bị bệnh giầy-vò; thổ máu hôm xưa, chính là bởi đau ngầm nên nỗi. Đại-phàm tuổi trẻ đa sầu ấy là thiểu phúc. Tôi tuổi mới đôi mươi mà trăm lo nghìn giận ở thế-gian đủ mùi nếm trải; sống thừa một kiếp, còn đáng tiếc chi, xin bạn đừng nên bận nghĩ gì đến tôi nữa ».

Cuối thư lại phụ bốn bài thơ tám câu. Thơ rằng:

I.— Thương xuân Đỗ-Mục ngẩn-ngơ phiền,
      Trước án, thơ sầu giở mấy thiên;
      Thông-tuệ vẫn là không phải phúc,
      Lỡ-làng thôi đã xót cho duyên;
      Trăm năm đành vẹn lời thề ước,
      Nghìn lạng khôn mua tuổi thiếu-niên;
      Muốn hóa làm mây bay khắp chốn,
      Mênh-mang trời hận vá cho liền.

II.— Trông gương mặt đã võ-vàng xanh,
       Tâm sự mười năm ngỏ với mình;
       Gió tối vò gan người chếch-mác,
       Trăng khuya đau ruột kẻ phiêu-linh;
       Hồn quê man-mác theo đuôi én,
       Mộng cũ bàng-hoàng rộn tiếng oanh;
       Đất khách thoi đưa ngày tháng chóng,
       Lên nong dâu hái đã trơ cành.

III.— Bể trời riêng hẹp một mình ai,
        Xót nỗi mình thêm ngán nỗi đời;
        Nghiên bút mà chi mang lấy nợ,
        Cỏ hoa âu cũng mượn làm tươi;
        Vòng trần quẫn bước đường tung bụi,
        Khúc hát thương xuân tiếng não người;
        Chén rượu cung đàn khuây-khỏa lấy,
        Đừng trông cập én nó bay đôi.

IV.— Túi nhẹ đường cùng lệ thấm khăn,
        Tri-âm gặp giữa áng thoa quần;
        Đinh-ninh xin nhớ lời thề nặng,
        Lạnh-lẽo chờ qua giấc mộng trần;
        Án tuyết đèn mờ ngơ-ngẩn bóng,
        Song tiêu mưa đập ngậm-ngùi xuân;
        Năm canh trằn-trọc đêm dài mấy!
        Tỉnh mộng buồn ngâm thơ mấy vần.

Bóp tim thành chữ, rỏ máu nên thơ; một bức tờ mây, muôn nghìn tâm sự. Nhìn một chữ, ngâm một câu, là quặn đau một khúc ruột già. Lê-nương xem thư ấy, đọc thơ ấy, tấm tình xót-sa, thật không còn thể nào nói siết. Giọt lệ mưa tuôn, tấc lòng dao cắt, thực không ngờ Mộng-Hà lại quá si đến nỗi nước này! Lời chàng như thế, lòng chàng đủ hay. Nếu sau này chàng quả y lời, sẽ chịu cam ở góa một đời, thì thôi còn gì là cái thú vui của đời người nữa. Tuy sự oan nghiệt ấy tự chàng rước lấy, song tình kia thực cũng nên thương. Ta tuy không giết Bá-nhân nhưng Bá-nhân vì ta mà chết. Chỉ vì hai chữ « liên tài », diễn nên một trường « thảm-kịch », ta còn mặt nào trông thấy ai nữa và biết lấy cách gì tự giải cho ta. Trời ôi! Trời ôi! Bể thảm mịt-mù, đã giam ta vào cảnh thê-lương, mà oan-nghiệt lôi-thôi, lại còn có kẻ tự đâm đầu vào lưới tình như Mộng-Hà liều chết theo nhau, không chịu dời ra một bước, mê-mê mẩn-mẩn, suốt ngày chìm nổi ở trong làn nước xoáy ái-tình, vớt cũng không lên, thì có lạ không? Bông hoa bạc-mệnh, hay đâu là cái vật bất-tường! Hại mình chưa chán lại hại người; lầm một không đủ lại lầm hai; nghĩ nỗi nước này thà rằng về sớm toàn-đài, khuất mắt cho xong; đất vàng non biếc, xương trắng má hồng, phút chốc cùng về cõi hư-vô hết thẩy. Còn hơn là lăn-lóc mãi ở vòng nhân-thế, có giận khôn tiêu, có tình khôn thỏa, khi nhăn mặt, khi chau mày, khi đau lòng, khi buốt ruột, Kiếm-thụ Đao-sơn, chịu đủ mọi nỗi khổ thống ở trong miền địa-ngục, có hay gì mà ham tiếc nữa ru! Si thay Mộng-Hà! Sao chàng nỡ liều thân như thế! Sao chàng chẳng xét tình như thế! Móc ruột moi gan, tỏ cho nhau biết, tình sâu một tấm, nào phải là ta không biết cảm; thế nhưng việc đã không thể sao được, thì say mê nhau lắm, nào có ích gì! Chi bằng ta buông thả lẫn cho nhau, để ai yên phận nấy là hơn, cớ chi lại thề thốt nặng lời như thế! Nay đã nói ra như thế, ta còn biết tính làm sao! Si thay Mộng-Hà! sao nỡ bức nhau chi lắm tá! Ta không biết kiếp xưa nặng nợ những bao nhiêu mấy, mà ngày nào mới trả cho xong!... Than ôi! Than ôi! Lê-nương cũng chẳng còn biết sao cho Mộng-Hà đổi dạ thay lòng, âu đành chỉ ngồi rù mà oán mà sầu mà thương mà cảm. Bấy giờ nàng đối với chàng chỉ có cái trách-nhiệm vì chàng khuyên lớn, chứ không có cái năng lực thay chàng giải quyết. Mà chàng thì lời đã nói ra, chí đã quả quyết, tất không phải mấy câu khuyên lớn phiếm có thể lay chuyển được lòng. Nàng cũng biết rõ thế mà không còn cách gì có thể vãn hồi, vì thế thương cảm cũng sâu mà oán hờn cũng lắm. Nàng còn oán chàng, là vẫn chưa bỏ chàng đi được; đã không bỏ chàng được, cho nên rồi không nỡ để chàng giữ trọn lời thề.

« Tình mà đúc lại, chính ở bọn mình ». Mịt mù cõi bụi, một nụ cười mua với khách phòng xuân; giằng-giặc đêm dài, muôn hàng lệ khóc cho người mệnh bạc. Một lời thề nặng, sống chết không quên; kẻ chép truyện này cũng không dám bảo Mộng-Hà là quá. Thế nhưng, gương kia đã vỡ tan tành, thoa kia còn chắp lại lành được sao! Gió đông rã cánh hoa đào, vườn xuân chi lại tìm vào hỡi ai? Người ta không may gặp cảnh ấy thì chỉ có tuốt gươm sắc để chém phăng tơ nghiệt, đem sức bền mà đè giấp lòng si, chưa điều nguyệt nọ hoa kia, thì dời bỏ nhau ra hại gì đâu chứ! Hai bên dời nhau thì cùng được yên lành, hai bên say nhau thì cùng phải phiền não, sự lợi hại đã rành-rành ra đó, thế mà kẻ đương cục mê-man lẩn-quẩn cứ muốn làm điều trái ngược để mong cưỡng mở lấy trời tình. Có biết đâu đem tình đánh chọi với tình, tất có một bên thua mà bị đau, có khi cả hai bên cùng thua mà đều chịu hại. Bọn mình dùng tình chỉ dùng vào chỗ nên dùng, chứ không nên dùng vào chỗ không nên dùng, tình mà cố muốn dùng, hăm-hở nhảy vót vào ải tình làm cái lối « nhất được nhì thua », thì lúc ban đầu chẳng khác như trong kinh nhà Phật gọi là « khủng bố điên đảo », rồi sau chịu đủ mọi đường phiền-não, trải quả bao nỗi cay chua, mà rút lại cũng vẫn không được tròn duyên đẹp phận; chẳng qua chỉ để được một câu chuyện ly-kỳ ở trong khoảng trời dài đất rộng, làm cho hao tốn nước mắt của người sau mà thôi. Người như thế há chẳng nên thương mà thực cũng nên cười. Kẻ cầm bút viết đến đây cũng lấy làm cảm cho chàng là người đa-tình, mà cũng không thể không lạ cho chàng là kẻ vô tình. Xét xem bụng chàng thì hình như muốn đem cái người đáng yêu đáng quý là Lê-nương, đặt cho vào chỗ chết thì mới hả lòng; ấy tình đã vào đến si, si mà thành ra độc là như thế đó!

Các bạn độc-giả hẳn cũng rõ cái nông-nỗi Lê-nương sau khi được thư của chàng thế nào. Muốn theo, theo, chẳng được, muốn rứt, rứt không xong, máu với hồn cùng bay, lệ và tim đều nóng. Nàng đã giận đầy trước mắt, vì chàng mà nỗi giận càng to; nàng đã sầu chĩu đôi vai, vì chàng mà gánh sầu càng nặng. Bởi nàng không nỡ để chàng vì mình mà mất hết một đời hạnh-phúc, nên muốn trù nghĩ lấy một cách lưỡng-toàn, sao cho lời thề kia không phải đến nỗi buông trôi, mà tấm tình nọ cũng không phải đến điều uổng phụ. Suy quanh tính quẩn, chẳng được kế gì. Nhân thế mà ăn chẳng biết mùi, ngủ không yên giấc. Một tấm thân yếu-ớt, chịu sao nổi đòi cơn mưa gió rập-vùi! Không đầy ba ngày như thế, mà ma-ốm tìm đường đến nơi, tiều-tụy bông-lê, đã giảm mất mấy phần xuân-sắc.