Bước tới nội dung

Ngọc lê hồn (Ngô Văn Triện dịch)/11

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ MƯỜI MỘT. Sóng lòng

CHƯƠNG THỨ MƯỜI MỘT
Sóng lòng

Tiết hạ vừa sang, hơi xuân còn lạnh, chiều trời độ ấy, thật dễ hại người. Ngoài song mây sầu bảng-lảng, nắng lạt tờ-mờ, khí-sắc âm-thầm, bao phủ trên một cái sân không vắng-vẻ. Một gốc ba-tiêu, bên song đứng sững, gió lay phơ-phất, lá mở như cờ, trông tựa như một người con gái đương ôm ngực thở dài, trong lòng có chứa-chất nỗi gì u-uất. Lạ thay! Ba-tiêu cũng buồn về nỗi gì mà nõn cứ cuốn lại như thế! Nắng non lạt-lẽo, bóng cây in vào cánh song the như mờ như tỏ, đổi mầu xanh-thẫm ra làm mầu thủy-mặc lờ-nhờ. Bấy giờ ngoài song vắng-ngắt không ai, duy có cây ba-tiêu dưới bóng mặt trời, nghển cổ dòm vào trong song, tựa-hồ như lấy làm lạ cho người bên trong, sao mọi ngày thường vẫn dậy sớm soi gương chải đầu, mà nay đã gần đến trưa rồi, cánh song hãy còn cài im-ỉm! Hoặc-giả ban tối thức khuya, mà lúc ấy vẫn tê-mê chưa bừng mắt dậy, hay vì đêm hè người mệt mà bấy giờ còn tả-mả chưa ngóc đầu lên. Thế mà bên trong thì Lê-nương đương nằm trên tấm đệm thêu, hơi thừa hổn-hển, hồn lạc bàng-hoàng, mái tóc lòa-xòa, nét mày nhăn-nhó, trông hình-trạng rất là tiều-tụy. Chẳng phải ban tối thức khuya cũng không phải đêm hè người mệt, than ôi! Lê-nương ốm rồi! Lê-nương ốm nằm một mình trong chốn buồng sâu, chẳng có ai là kẻ bạn-bầu; vồn-vã thăm-nom chỉ có Bằng-lang với con Thu, thì bấy giờ lại đều chạy ra ngoài cả. Bức màn nửa buông, lò thuốc tắt ngấm, rèm che sầm-sập, lặng-ngắt như tờ, một chốn buồng xuân, phút biến thành cái bãi tha-ma mộ-địa, Lê-nương đương lúc một mình trằn-trọc, cập mắt choàng mở, trông thấy cái bóng đen lù-lù hiện ra ở trên cửa sổ; nàng tưởng là người, rên lên vài tiếng, mà bóng ấy vẫn cứ yên lặng, nhìn kỹ mới biết là bóng cây ba-tiêu. Than ôi! xương bệnh rã-rời, buồng thu lạnh ngắt, những nỗi quạnh-hưu, bực-rọc, thực đã thê-thảm thứ nhất ở nhân-gian. Thế mà chỉ có một gốc ba-tiêu ngấp-nghé ngoài song, thỉnh-thoảng như tỏ ý thăm-nom, nông nỗi đau lòng, thôi còn có bút nào tả hết! Hôm ấy may trời tạnh sáng; chứ giá lại mưa tuôn sầm-sập tiếng mưa gieo trên lá ba-tiêu nhặt-khoan thánh-thót, đưa vào tai người ốm, thì « Ba-tiêu ngoài cửa người trong cửa, một giọt mưa sa một giọt sầu », tình-cảnh ấy lại càng thê-thảm biết bao nhiêu!

Lê-nương vì cảm lòng Mộng-Hà mà thành ốm. Lời thề của chàng chính là cái ngòi bệnh cho nàng. Song nàng ốm lại còn có một nguyên-nhân khác nữa. Người xưa có câu: « Lo làm hại người, nhọc làm ra bệnh ». Lo với nhọc chỉ có một cái cũng đủ phải ốm người. Nàng bị chàng giầy-vò, thương tâm kể đã là đến mực. Song nàng gần đây lo buồn dẫu lắm, mệt nhọc cũng nhiều, trước thì vì nhọc mà bệnh đã gây dừng, sau vì lo mà bệnh càng tăng-tiến. Nguyên nàng làm nghề tàm-tang, kể cũng phát-đạt, mỗi đến khoảng cuối xuân đầu hạ, ngọn lúa vàng hoe, cành dâu xanh biếc, người hái dâu lất-phất đầy đồng. Sau nhà họ Thôi cũng có mấy mẫu ruộng dâu, trong nhà cùng làm nghề chăn tằm, do Lê-nương giữ phần việc ấy. Nàng vốn không phải một người đàn bà khỏe mạnh, việc cắp rổ hái dâu tuy đều thuê mướn, nhưng việc cúng thần tằm, dọn nhà tằm, ngày sang nong, đêm rắc lá, khi nóng bức phải quạt, lúc ẩm lạnh phải xông, săn-sóc chăm nom bận-rộn chẳng khác gì chăn nuôi con đỏ. Mỗi khi tằm ăn dỗi, nàng phải vất-vả vì tằm suốt đêm không ngủ, sau ba ngày tằm chín được bắt nên né không biết là đã hao-tổn biết bao tâm huyết vào đấy mới được trông thấy cái tổ kén vàng. Tằm ngủ người chưa ngủ, tằm già người cũng già, mà bức thư của chàng đưa trao lại đúng vào dịp ấy. Cái lo với cái nhọc hai đàng giao chiến, một tấm thân yếu-ớt chịu đựng như thế, nàng dù muốn không ốm dễ mà được sao!

Dử bệnh sẵn mồi, đuổi sầu hết phép; chiếc thân trơ-trọi, trăm mối ngổn-ngang, tình-cảnh nàng ốm ngày nay, lại còn khổ hơn chàng bữa nọ. Lạ gì con gái hay sầu, khách tình lắm cảm, buồng lan chiếc bóng, chân không dời khỏi nhà một bước; rèm lan cửa giấy, buồn-bã nhiều bề, gió mát trăng trong, lữa-lần bỏ phí, chân tay cất nhắc, đã mất tự-do, tình-cảm âm-thầm, càng mau phát-đạt. Giá những lúc thường mạnh-khỏe, thì ngày vắng thêu hoa, đêm dài đọc sách, còn được có lúc mà khuây-khỏa nỗi sầu. Nhất-đán bệnh-ma kéo đến, buồng vắng nằm rên, thôi thì giọt lệ quanh giường, lửa sầu cháy chiếu, buồn xưa giận mới, đưa đến bỗng dưng, nỗi nọ đường kia, rập đi không được, trong dạ bồn-chồn xôi nổi, đó tức là sóng lòng. Than ôi, Lê-nương! Ruột vò chín khúc, đứt chẳng đứt cho! Cái nỗi đau-đớn lúc bấy giờ thật không còn nói sao cho siết. Nhớ lại lúc buồng đào phong khóa, cùng các chị em chọi lá thi hoa, sớm gương trưa lược, sự vui sướng lúc ấy, ngày nay nghĩ lại đã thành ra như chuyện kiếp nào. Lại nhớ lúc ưa duyên đẹp phận, đủ lứa no đôi, trăng tròn sánh vai, buồng xuân chung gối, những tưởng trời dài đất rộng, nào ngờ gương vỡ bình tan, đời mà đến thế thì thôi, đời phồn-hoa đã là đời bỏ đi! Tình xưa chưa nguội, kiếp khác còn hòng; tằm vấn-vương tơ, kiến quanh-quẩn lối.

Bao nhiêu những việc nhà cửa, những chuyện buồng khe, ngày thường không từng nhớ đến bao giờ, lúc ấy cũng theo ngọn sóng lòng mà kéo đến lô-xô, y như việc mới ngày hôm trước. Sau cùng thì nghĩ đến cuộc giao-thiệp với Mộng-Hà. Lệ tràn trong nguyệt, thư gửi dưới đèn, hai tháng đến nay, đã ương gieo biết mấy mầm tình mà kết quả là một bức thư chàng vừa gửi đó. Nàng tuy ốm nằm mề-mệt mà vẫn không sao quên được chàng, suy trước tính sau, mong tìm lấy một cách đối phó. Mấy lớp sóng lòng, tung lên giẹp xuống, ôm gối nằm thở, không biết bao lần. Chợt có đôi chim én lách qua khe mành vào bay quanh phòng, cất lên những tiếng kêu rất mực não-nùng, y như ứng họa với tiếng nàng kêu rên, chứ không thấy hòa vui như ngày trước nữa. Én ơi! Én ơi! Sao mày đa-tình thế! Thế mà con người đa-tình kia chỉ còn có cập én đa-tình nọ kết làm bạn hiền trong khi ốm yếu, cái nông nỗi đáng thương biết là bao nhiêu!

Tình sinh ra bệnh chăng? Bệnh sinh ra tình chăng? Bệnh của nàng chính là vì chàng, chính là vì bức thư của chàng. Tình chàng mà chưa gỡ ra xong, bệnh nàng cũng chưa mong khỏi được, đó là lẽ có thể đoán chắc. Thuốc vào chối cổ, mình võ giơ xương, trăm mối lòng phiền, mười phân bệnh nặng. Không phải là nàng muốn liều thân như thế, chàng còn tiếc thân chẳng được, dễ-hồ nàng tiếc thân được sao! Người ta bảo bệnh sâu, nhưng nàng thì cho rằng bệnh sâu chưa thấm bằng tình sâu, người ta bảo bệnh nặng, nhưng nàng thì cho rằng bệnh nặng chưa khổ bằng tình nặng. Ngạn-ngữ có câu: « Bệnh tâm chữa thuốc tâm ». Bữa nọ chàng chẳng đã từng ốm đấy ư? Nàng đem hai chậu hoa thơm, một phong chữ gấm, chữa cho chàng mà bệnh chàng khỏi hết như không. Nay nàng ốm, hồ dễ thuốc nào mà chữa nổi được đâu, chàng nếu còn nhớ ơn nàng, thì nên vì nàng mà tìm phương cứu chữa. Kỳ-thực bệnh nàng tăng giảm, chỉ trông vào lòng chàng có chuyển đổi hay không thôi đó. Chàng nếu muốn cho nàng khỏi ốm thì không có khó-khăn gì cả, chỉ cần viết một bức thư, cho chuyện trước là lời nói bỡn, quyết từ sau rứt mối tơ-mành, đập vỡ trời tình, lấp bằng bể hận, như vậy thì bệnh nàng làm gì mà lại chẳng khỏi ngay! Thế nhưng nếu chàng quả đem cách ấy chữa cho nàng, thì e nàng vừa khỏi ngày nay mà chàng đã lại ốm ngày mai, ốm có thể đến chết. Chàng mà đến chết thì nàng lại sẽ ra thế nào? Rút lại thời đời này kiếp ấy, hai người không thể nào quyết tuyệt được nhau. Xét lý luận tình, hai người đều có cơ ốm cả mà cũng đều có cơ chết cả. Chết còn chẳng tiếc đời, ốm có gì đáng nghĩ, ma tình hại người đến nỗi như thế, thật đã là thảm-khốc lắm thay!

Tường khuất trăng soi, rèm ngăn gió lọt. Cùng ai than-thở, ngoài song con yểng im hơi; chiếc bóng trơ-vơ, trên gối đôi uyên gợi cảm. Trong cái phòng bệnh, lạnh-lùng hiu-quạnh, nửa ngày không ai thăm hỏi, lâu lắm mới nghe thấy có tiếng cùng người ốm trò-chuyện thì là Bằng-lang đã vào. Trẻ con thơ dại, song cũng biết yêu mến người thân. Thấy mẹ ốm nằm một nơi, cũng buồn-rầu mà không đùa nghịch như ngày thường nữa. Bấy giờ đương ngồi tựa bên giường, lấy tay sờ vào ngực mẹ mà gọi rằng: « Mợ ơi! Mợ yếu đấy ư? Mợ có muốn uống thuốc không, để con nói với ông sai người mời thầy thuốc đến? » Nàng sẽ nói rằng: « Con đừng vẽ sự. Con có biết lòng mẹ cay đắng không? Trong lòng đã cay đắng lại uống thuốc cay đắng vào thì còn sống làm sao được! » Bằng-lang nghe nói khóc òa lên rằng: « Mợ cay đắng thế nào? Để con chịu thay cho mợ ». Nàng cầm tay Bằng-lang rồi cười mà rằng: « Bằng con! Con còn dại chưa biết. Việc ấy có chịu thay sao được! Con đừng lo, mợ không yếu đau gì đâu ». Bằng-lang mới thôi khóc mà hớn-hở mừng, rồi lấy một phong thư ở trong túi ra đặt lên trên gối mà rằng: « Sáng hôm nay lúc thầy con chưa ra trường, con kể chuyện mợ yếu với thầy, thầy liền viết thư này bảo con cầm về đưa mợ ». Nàng hơi có vẻ giận mà rằng: « Ai bảo mày hay hớt thế? » Kế rồi thở dài một tiếng, sẽ mở thư ra tựa gối đọc xem. Bằng-lang ngồi bên không nói, trong nhà lại lặng yên phăng-phắc. Nàng đọc bức thư thăm của chàng. Thư rằng:

« Nghe tin chị mệt, những xót-xa lòng. Chị mệt thế nào? ốm vì sao? Cùng nhau gần-gũi tấc gang, mà như cách mấy trùng non nước. Ước sao mình được nhẹ-nhàng như cái én, bay lọt mành thưa, vén bức màn loan trông tỏ mặt hoa cho khuây-khỏa tấm lòng nhớ thương. Đọc Liêu-trai thấy truyện Tôn-tử-Sơ hóa làm chim yểng để bay vào buồng A-Bảo mà tâm-thần những mơ-màng ao-ước. Tuy-nhiên, nhân-duyên đã lỗi, gặp-gỡ thêm buồn, dù có được trông thấy mặt nhau chẳng qua chỉ nhìn nhau tuôn bốn dòng châu, lấy đâu được nét mặt tươi-cười vui-vẻ; nhìn nét mặt sầu của chị trong cơn ốm yếu, càng làm cho khêu gợi lửa phiền trong dạ, thì chẳng bằng không gặp còn hơn. Than ôi chị Lê! Mộng rứt hồn say! Cảnh tôi hôm trước, cảnh chị ngày nay! Chị ốm vì sao? Ai lạ gì vậy? Trăm mối tơ sầu, mồi dử bệnh vẫn là có sẵn; một lời thề nặng, bùa dục đau đưa đến bất kỳ. Tôi không thư trước, chị cũng tất đau, nhưng hẳn không đến nỗi chóng thế. Mộng-Hà! Mộng-Hà! tài hèn số xấu, lại đem tấm thân quái gở mà làm hại lây đến chị rồi! Thương tâm thay! Ma bệnh hung tàn, ám vào mình chị! Tin buồn chua xót, đưa đến tại tôi! Vũ-trụ rộng lớn, ngày tháng trong lành, ai ngờ lại làm khổ đôi mình đến thế! Tôi muốn chữa cho chị khỏi bệnh mà khổ không có thuốc, tôi muốn dỗ cho chị nguôi lòng mà thực không có lời, tôi muốn khóc vì chị cho đỡ tủi đỡ buồn mà thực đã hết cả nước mắt. Tôi không thể giữ cho chị khỏi ốm, tôi lại biết giữ sao cho tôi khỏi ốm nữa đây! Gần đây sầu càng mang nặng, lòng đã kém vui, nay nghe chị ốm, gan ruột rối nhầu, e chẳng bao lâu mà tôi cũng theo chị cùng ốm. Nay có một lời thưa lại mong chị rủ lòng thương xét cho. Chị ơi! tôi viết đến đây lòng tôi đã đau-đớn muôn vàn, khóc không thành tiếng, viết không thành chữ. Lời thề của tôi thực là bởi vạn-bất-đắc-dĩ. Những tuồng bạc-phúc, đều giống đa-tình, dồ-dại như tôi, nào có phải tự-nhiên mà thế. Chị mà ở góa trọn đời, là bởi số, tôi cam đứng vậy suốt đời, là bởi số; biết là bởi số mà cứ quấn-quít với nhau cam liều sống chết để đến nỗi như thế cũng là bởi số. Tôi chẳng tiếc mình, thì chị cũng bất-tất thương tiếc cho tôi mà nhất là đừng nên mang bệnh vì tôi nữa. Hơi thở hãy còn, lòng si chưa chết. Mong chị sầu khuây giận nén, gượng bệnh cho lành; kẻo e người vắng lầu không, ngậm hờn bao siết ».

Bức thư ấy nét bút run-rẩy, mầu mực nhạt-nhùng, trong vẻ già giận, thỉnh-thoảng lại lộ ý thê-lương, mới trông không còn biết chữ Mộng-Hà, đủ biết khi hạ bút, trăm mối cảm tự trong lòng xô xuống cánh tay, tay cũng rung chuyển theo lòng, cho nên nét chữ mới mất cả dáng cách ngày thường như thế. Sau thư lại phụ một tờ giấy, trong đề 8 bài thơ tứ-tuyệt, khe dòng vổ chữ, lệ châu rơi-rắc, lấm-chấm đầy như cánh hoa mai. Liếc mắt nhìn qua, dù chửa đọc đến thơ cũng đã đủ đau lòng đòi đoạn. Thơ rằng:

I. — Sóng lúa vàng hoe liễu kém xanh,
       Xuân qua ngơ-ngẩn siết bao tình;
       Chưa già lòng đã bao sầu cảm,
       Đọc khúc Giang-nam luống giật mình.

II. — Sáu ngày lận-đận một ngày thư,
        Não ruột người thay bạn ốm ư?
        Sầu cũ chưa đi sầu mới đến,
        Ngổn-ngang trăm mối rối hơn tơ.

III. — Giáp mặt hoa đào có dễ đâu,
         Mộng hồn mong được tới thăm nhau;
         Gió đông cố ý ngăn rào khách,
         Mảnh giấy xin đem gửi dạ sầu.

IV. — Nửa bức tờ mây mực mấy hàng,
          Tương-tư hai chữ đã đầy trang;
          Biết chăng cùn đến bao ngòi bút,
          Khéo vẽ-vời cho đúng tấm thương.

V. — Trận ốm đưa xuân mới nhẹ-nhàng,
         Chim hôm déo-dắt gợi niềm thương;
         Tương-tư khoảng đất vuông vài thước,
         Lệ tưới thu sang mọc hải-đường.

VI. — Cành liễu chênh-chênh dọi bóng tà,
          Một mình thơ-thẩn bước vào ra;
          Chiêng đồng khuất bóng người không thấy,
          Mù-mịt sương trùm ngọn núi xa.

VII. — Sương hôm lạnh ngắt sớm cài song,
           Bóng chiếc thầm gieo lệ mấy dòng;
           Hồn mộng về đâu đêm ấy nhỉ?
           Hoa lê tan-tác bóng trăng lồng.

VIII. — Canh tà ngồi đối ngọn tàn đăng,
            Lối lạc Thiên-thai ước được chăng?
            Đêm lạnh-lùng sao, chăn giá ngắt,
            Lệ ai chan-chứa đóng thành băng.

Nàng xem xong, vẻ mặt nhợt đi, trong lòng chẳng khác như bị một nhát thương đâm mạnh, tai ù mắt quáng, như tỉnh như mê, hơi thở phò-phè, lệ rơi tầm-tã; mình trơ như gỗ, mà hai tay hơi run. Như thế một lúc lâu, Bằng-lang lay gọi mấy lần, nàng mới dần-dần tỉnh lại. Mở mắt nhìn con, toan khóc lại nín, sợ làm cho đứa trẻ phải khiếp sợ chăng. Mấy mảnh thư hãy còn cầm ở trong tay, nàng sẽ bỏ vào phong bì rồi ném ra bên gối; thở ra một tiếng hình như đã không còn có sức mà thở được dài hơi. Rồi bảo Bằng-lang rằng: « Mợ buồn ngủ lắm. Con đi chơi, đừng quấy mợ nhé! » Nói rồi nhắm mắt lại làm như ngủ thật. Bằng-lang bèn sẽ rón-rén đi ra. Than ôi! Lê-nương có phải ngủ thật đâu, chẳng qua nàng muốn giấu con để gạt thầm mấy dòng lệ thương tâm thôi đó.