Ngọc lê hồn (Ngô Văn Triện dịch)/12

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ MƯỜI HAI. Tình địch

CHƯƠNG THỨ MƯỜI HAI
Tình địch

Tơ tình không rứt, chén thuốc khôn dằn. Lê-nương ốm đã vài tuần mà bệnh vẫn không thấy bớt. Luôn ngày mê mệt, như bị ma làm chẳng buồn nói cũng không buồn ăn, không ra thức cũng không ra ngủ. Không bao lâu mà cái nhan-sắc hoa hờn nguyệt thẹn, đã hoa gầy nguyệt ám, trông chẳng ra người. Một khung giường gấm, đã hóa ra muôn đợt thành sầu, góc chăn bên gối, thêu đầy những hoa lệ mau thưa, mà cũng chỉ một nàng trông thấy! Xương bệnh kheo khư, hơi tàn thoi-thóp, lối dạ-đài còn cách chẳng bao xa. Tội nghiệp vì đau mà nên nỗi thế?!

Than ôi! Tôi viết đến đây, tôi lấy làm nguy cho Lê-nương, tôi không thể dong thứ cho Mộng-Hà được. Nhẫn tâm thay Mộng-Hà! Đã đem một phong thư làm cho nàng ốm, lại đem một phong thư làm cho nàng ốm thêm, hình như cố ý khiến nàng đến chết thì mới hả lòng, bụng dạ như thế còn ra người gì nữa! Than ôi! Xương khô trên bãi, kẻ từ tâm trông thấy động lòng; tiếng khóc bên mồ, người lữ-khách nghe vào biến sắc. Chàng với nàng cái cảm tình đối với nhau vào hạng người nào trong xã-hội, sao nỡ đem những lời chua sót làm cái « bùa chóng chết » cho nhau thế ru! Đời không thiếu chi kẻ hữu-tình, dễ ai không phải vì nàng mà hờn thay tức mướn!

Tuy-nhiên, chàng không phải không biết nàng ốm vì cớ gì, vả cũng không phải không biết bệnh nàng nên dùng thuốc gì. Khốn nhưng, lời thề chót nói, há lẽ thu về! Muốn đối chứng bố thuốc cho nàng tuy khỏi được cái ốm một thời, nhưng phí mất mối tình ngày trước. Chàng sở-dĩ không chịu cổi lời thề trước, vì ý nghĩ rằng: « Nàng ốm thì ta cũng cùng ốm, nàng chết thì ta cũng cùng chết; sống chết là việc nhỏ, chứ lời thề bóp tim chắt máu, thì trời dài đất rộng, phải giữ gìn chớ để tiêu tan. » Lúc viết thư hỏi thăm, cũng biết nàng xem tất bệnh lại càng tăng, nhưng vì bất-đắc-dĩ mà phải viết. Chao ôi! Lê-nương đã đành là ốm, Mộng-Hà tuy không ốm, nhưng không ngày nào là không ở trong trời sầu đất thảm, đem lệ mưa mà tắm giội đầy người, ngày thâu gan ruột rối bời, mộng hồn vơ-vất đêm dài năm canh. Từ bữa nghe tin nàng ốm đến nay, chẳng biết đã vì nàng hao tổn biết bao nước mắt, võ-vàng biết mấy dong-nhan. Đôi nơi cách mặt, thực thì bốn mắt đều khô. Giá hai người bấy giờ được gặp mặt nhau, có lẽ đều trông nhau mà nức-nở khóc không thành tiếng. Kẻ chốn song thơ, người trong giường bệnh, nỗi sầu cảnh khổ, cùng nhau ai có khác chi ai!

Lửa lựu phun hồng, tiền sen nở biếc. Cảnh ấy là bao giờ thế nhỉ? Chẳng phải là đã đến độ nghỉ hè của các trường học đấy ư? Mộng-Hà xa nhà mấy tháng, thắc-mắc lòng quê, đương mong độ nghỉ đến nơi, để được ra khỏi thành sầu, trở về đất cũ, trước là mẹ già được yên ủy tấm lòng mong mỏi, sau là cùng Kiếm-huynh bấy nay xa cách, cầm tay hỏi chuyện, được cùng nhau vui cuộc đoàn-viên. Nay kỳ nghỉ đã đến nơi, mà bệnh nàng không bớt chút nào, dẫu nóng muốn về cũng đành phải trùng-trình mấy bữa. Chàng không thể dời nàng ra được, dễ hồ lại dời nàng đương cơn ốm yếu mà về được hay sao! Song bệnh của nàng có phải trong đôi ba bữa mà khỏi được đâu, nàng còn chưa khỏi một ngày thì chàng cũng còn phải dùng-dắng lưu lại một ngày. Trong mấy ngày đó, tấm tình thương nàng và tấm tình nhớ mẹ nhớ anh cứ đánh nhau lục-đục ở trong lòng, một tầng sầu hóa mấy tầng sầu, người ta nào phải sắt đá đâu, chịu đựng làm sao cho nổi! Than ôi Mộng-Hà! cũng đến ốm mất!

Túm lẫn không buông, đôi bên cùng hại. Nguy thay cho Lê-nương mà thực cũng nguy thay cho Mộng-Hà! Thế mà ai có hay đâu, bệnh nàng ngày nay với bệnh chàng hôm xưa, ốm giống nhau mà khỏi cũng giống nhau. Chỉ trong vài ngày mà nàng được khỏi ốm, chàng được về quê, cái hiểm-tượng đáng lo đáng sợ thế nào mà chỉ một chốc đã khói rãn mây tan không còn dấu vết. « Trời kia mưa gió không thường, người ta họa phúc khôn lường sớm hôm ». Câu nói của cổ-nhân thật là đúng lắm.

Nguyên vì bấy giờ gặp dịp các trường nghỉ hè, trong phòng bệnh Lê-nương, ngoài Bằng-lang và con Thu ra lại thêm được một người hầu bệnh. Nàng được người ấy, nhân nghĩ ngay được một cách đối phó với chàng, nỗi lòng đã yên, bệnh-ma phải lánh. Người hầu bệnh ấy là ai? chính là cứu-tinh của Lê-nương, mà là một kẻ thù địch của Mộng-Hà đó.

Tôi viết đến đây xin tạm gác bút mà có một lời báo trước với độc-giả rằng: « Các ngài đọc truyện từ trước đến đây, mới biết Mộng-Hà với Lê-nương là chủ-nhân của « Ngọc-Lê Hồn » mà không biết ngoài ra lại còn một người chủ mà khách, khách mà chủ nửa. Trước khi người ấy chưa xuất hiện thì « Ngọc-Lê Hồn » là một cuốn tình-thư, sau khi người ấy xuất hiện rồi thì « Ngọc-Lê Hồn » là một thiên hận-sử, tình-tiết có lạ, kết-quả không hay. Người ấy là ai: là cô con gái út họ Thôi tên là Quân-Thiến.

Độc-giả có còn nhớ chương thứ nhất trong « Ngọc-Lê Hồn » nói về chuyện chôn hoa không? Hoa của Mộng-Hà chôn là những bông hoa lê đã rụng, nhưng trong sân chẳng còn gốc tân-di đương nở nữa ư? Hoa lê là ảnh-tượng của Lê-nương, còn cây tân-di đang khoe hồng đua thắm, mơn-mởn tốt-tươi kia lại là cảnh-tượng của người nào? Độc-giả hẳn vẫn canh-cánh bên lòng về chỗ ấy. Đẹp thay hoa tân-di! Vị mỹ-nhân kia thực đã giống hoa như hệt. Song người ấy xuất-hiện mà cai tình của Mộng-Hà và Lê-nương lại càng chìm-đắm vào một cảnh khổ! Vì thế kẻ cầm bút này còn những dùng-dằng mà chưa nỡ chép ra.

Kẻ chép truyện lại còn một điều nghi-hoặc, xin vì người đọc mà giải quyết cho xong. Mộng-Hà ở trọ nhà họ Thôi đã gần ba tháng có từng biết trong bọn con cháu Thôi-ông, ngoài Lê-Ảnh Bằng-lang ra lại còn có Quân-Thiến nữa không? Các ngài thử giở trên chương thứ hai xem bài thơ vịnh hoa tân-di của Mộng-Hà, cuối bài chả có hai câu: « Đề thơ không phải tay tài-tử, riêng đối cùng hoa những thẹn-thùng » đấy ư? Bài thơ ấy không phải là mượn hoa vịnh phiếm, ngoài ra không có ý-tứ gì. Thế nhưng Quân-Thiến đi du-học ở trường nữ-học Nga-hồ, mỗi tháng có một bận về thăm nhà, chẳng qua chàng trộm liếc dong-quang, chỉ được có một lần khi chàng mới đến. Nay xin trước hết thuật qua cái lịch-sử của Quân-Thiến. Thôi-ông sinh được trai gái hai người, người con lớn là cha Bằng-lang, mà con thứ tức là Quân-Thiến. Quân-Thiến lên 10 tuổi thì mất mẹ, chiếc thân côi-cút, coi Lê-nương như chị ruột, Lê-nương cũng coi như đứa em chung giọt máu đào. Năm ấy Lê-nương 18 tuổi, con nhà gia-thế, nghề bút nghiên vốn có tập-tành. Nàng thì thông-minh vốn sẵn tư trời, nhân thế lại thờ Lê-nương làm thầy dạy học. Trong chốn khuê phòng quần-áo mặc chung, sách đèn có bạn, cái tình cùng nhau thân-mật, tưởng chị em ruột thịt chưa dễ ai bằng. Vậy mà chưa được bao lâu, Lê-nương đã phượng rẽ loan chia, ôm hờn trọn kiếp. Nàng cũng chỉ có một anh cả, lìa tan bỗng chốc, nỗi đau-xót cũng chẳng kém gì Lê-nương. Cảnh nhà cơ khổ, thân-thế lênh-đênh, âu cũng cùng phường mệnh-bạc. Từ đấy hai người càng quấn-quít thân yêu nhau lắm, bạn-bầu hôm sớm, hầu như không thể dời nhau ra được một ngày. Ngày thường tuy có những bà con họ ngoại, chị em láng diềng, mộ cái phong-tư tài-điệu của hai người, thường hay dắt-díu đến chơi, trò-chuyện ra bề thân-thiết lắm; song hai người thường tiếp-đãi bằng một cách lạnh-nhạt hững-hờ. Vậy mà họ vẫn quấy rầy, khi thì mời đi hội « Đạp-thanh », lúc lại rủ bày trò « Đố-lá ». Hai người nhân thế sinh chán, tạ tuyệt cả mà không chơi với bọn họ nữa. Chị em thường cười bảo nhau rằng: « Bọn họ đều là tục vật cả. Óc đen như mực, mặt phị tầy mâm, phấn trát son tô, trông mà tởm mắt, ai thừa thì giờ mà chơi-bời với họ » Than ôi! Ngạn-ngữ có câu: « Ngu-si hưởng thái-bình ». Bọn họ ngu tục, nhưng số tốt duyên may, một đời được hưởng cái gia-đình hạnh-phúc. Còn những người không tục nọ, mặt đẹp như hoa, tài thanh như nước, thì lại bị trời già ghen-ghét, ôm hờn trọn kiếp, uống lệ quanh năm; bạc-mệnh nghìn thu, đã thành lệ sẵn. « Vô-duyên thiên-hạ còn nhiều kẻ, há phải riêng gì một Tiểu-Thanh ». Than ôi! Lời Tiểu-Thanh nghiệm lắm thay! Lê-nương với Quân-Thiến cũng cùng phường Tiểu-Thanh cả đấy.

Quân-Thiến tuổi càng lớn lên, người càng xinh đẹp, chiều thanh vẻ lịch, tót bậc trần ai, mà cuối mắt đầu mày, thường lộ ra cái vẻ kiêu-kỳ ngạo-nghễ. Mùa thu năm Mậu-thân (1908), đến học ở trường nữ-học Nga-hồ được cùng các hiền-nữ-sĩ bốn phương giao-thiệp, cõi mắt mở-mang, học-hành tấn-tới, ngày thường bị giam cấm ở trong chỗ then cài cửa đóng, bao những nỗi buồn-rầu bức-tức, bấy giờ đều trút sạch lâng-lâng. Mỗi khi về chơi thường nói chuyện với người nhà rằng: « Cái nữ-giới mù-mịt tối-tăm, ngày nay mới thấy phóng ra năm ba tia sáng. Vậy mà trông quanh các chị em bạn gái vẫn thấy vùi lấp dưới mấy từng ngục tối, không biết bao giờ họ mới giác ngộ ra! Tôi chẳng tiếc gì mà chỉ tiếc thay cho chị Lê. Lấy như cái tư-chất thông-minh, cái tâm-linh sáng-suốt của chị ấy, giá được nghiên cứu về đường tân-học, cùng các chị em thanh-niên đua đuổi ở trong cái thế-giới khoa học, tất có thể đẩy gạt nghìn kẻ mà hơn hết mọi người. Tiếc cho sinh chẳng gặp thời, tài làm hại mệnh; lầm-lỡ tuổi xanh, thân trong-sạch dễ mà chuộc lại, âm-thầm ngục tối, phúc tự-do đành đã chìm đi, nẻo tương-lai mình hoặc e-rè, bước ký-vãng chị khôn chống đỡ. » Chị Lê! Chị Lê! Sao anh mất sớm, mà chị sinh cũng sớm thế ru mà!

Từ sau khi Quân-Thiến đi học ở trường Nga-hồ, Lê-nương vắng-vẻ bạn lành, lại càng buồn lắm. Dẫu gặp ngày lành cảnh đẹp, cũng thường uất-ức không vui, trông người ngắm mình, muôn vàn sầu tủi. May được Quân-Thiến mỗi tháng cũng về chơi một lần, mà mỗi lần về tất ở ba bốn ngày mới đi, chứa nỗi biệt ly hàng tháng, cùng nhau trò-chuyện mấy đêm, may cũng được đền-bù đôi chút. Quân-Thiến lại hay nói khôi-hài, thường làm cho Lê-nương phải bựt cười. Hai người không ngủ suốt đêm, ôm chăn đợi sáng. Sau khi cách-biệt thì đôi ngả lại mượn bút thay lời, trong một tuần ít cũng được vài phong thư gửi. Lê-nương chiếc bách lênh-đênh, lòng đời đã nguội, nàng coi ngoài Quân-Thiến, không còn ai là một người thân-ái thứ hai. Hay đâu, tơ nghiệt hãy còn, dây oan chưa rứt, Quân-Thiến đi mà Mộng-Hà đến, bể hận sóng tung, trời tình mây vẩn, trong tim óc nàng lại in thêm bức ảnh nữa vào. Nàng tuy đã dời tấm lòng yêu sang với Mộng-Hà, song đối với cô em, ngậm-ngùi khi cách-biệt, buồn-bã lúc chia phôi, tin-tức đi về, sau trước vẫn không hề lạnh-lạt.

Khi Mộng-Hà mới đến cũng do gặp khi Quân-Thiến về thăm nhà. Chàng đứng ở trong cửa sổ trông ra tuy cũng kinh là người đẹp, song thấy trong vẻ đẹp lại có vẻ nghiêm, khiến người ta không dám nhìn lâu chốc-lát. Sau khi trông thấy, cũng chỉ thoảng đi như đám mây nổi ở giữa trời lơ-lửng, trong bể óc không còn lưu lại một chút hình-ảnh gì. Đến như Quân-Thiến đối với chàng lại càng ra ý hững-hờ lắm. Nàng vốn ở trường nhiều mà ở nhà ít, ngày thường chỉ biết trong nhà có một người tên là Mộng-Hà, còn như mặt mũi thế nào, phẩm-hạnh làm sao, thì nàng đều mịt-mờ không biết; tức đến họ là gì, quê chàng ở đâu, nàng cũng không được tường. Tính nàng đoan trọng chứ không như những kẻ nhi-nữ tầm-thường, bấy giờ đương chuyên tâm về việc học hành, ngoài bài vở nhà trường không hề hỏi-han đến việc gì cả, không phải là vô tình quá thế, chỉ vì không được rỗi thì giờ. Ngay đến sau khi về nhà, trừ cái thì giờ nói chuyện với Lê-nương, lại suốt ngày còm-cọm bên án như một ông đồ già, hoặc ôn bài cũ, hoặc xem sách mới, nhất-thiết việc nhà đều không nhìn gì đến. Vì vậy cuộc giao-thiệp của Mộng-Hà và Lê-Ảnh, nàng tuyệt-nhiên không biết tý gì. Mà Lê-Ảnh cũng hết sức bưng che, câu chuyện riêng tây không dám để cô em được biết.

Vào cửa mỉm cười, trông nhau buồn ngắt. Quẹt kêu trước cửa, tiếng hững-hờ sao! yểng hót ngoài song, giọng phiền-não mấy! Quân-Thiến cùng Lê-nương cách-biệt đã lâu; trong khoảng hai tuần-lễ tới đây lại vì phải dự-bị sắp đến kỳ thi không có thì giờ rỗi viết thư thăm hỏi. Nay việc thi đã đoạn, buông chèo về quê, sau khi cùng chị Lê xa cách lâu ngày đương mong được cùng nhau song biếc cầm tay, buồng hương họp mặt, đèn khuya đôi bóng, trò-chuyện nói cười, rồi đây ngày hạ còn dài, cảnh gia-đình còn lắm trò vui, có thể đem về cuộc xum họp những ngày, bù lại nỗi phân-ly mấy tháng. Thuyền chạy như bay, quê cũ gần kề trước mắt. Ngọn cỏ bên đường, cánh hoa trước gió, buổi trước trông ra thì đều là cái mối cưu sầu rước giận, ngày nay vì trong lòng vui-vẻ mà những cảnh-tượng ấy tiếp xúc vào mắt, xinh đẹp thay một bức tranh tình! Tấm lòng mong nhớ của chị Lê hẳn cũng chẳng khác gì ta, nay thấy ta về không biết là sẽ vui-vẻ đến thế nào vậy.

Cơm trưa khói bốc bốn bề, thuyền lan một lá áp về bến xưa. Thuyền vừa đỗ bến Dung-hồ, một người con gái từ dưới thuyền bước lên, áo lụa giầy da, tay cầm một vài quyển sách, coi nhẹ-nhàng như én bay trước gió, một người lái thuyền xách cái va-ly theo sau lếch-thếch, trông qua cũng biết là người nữ-học-sinh từ trường học về. Người nữ-học-sinh ấy là ai? Chính là Quân-Thiến. Quân-Thiến sau khi lên bờ, trông thẳng ngõ nhà mà về, gót giầy lốp-cốp, dáng mặt vội-vàng, trông mất hẳn cái vẻ nhàn-tĩnh lúc bình-nhật. Bởi vì dạ khách mây vần, lòng quê lửa cháy, nên cái vẻ vội-vàng lật-đật, đều lưu-lộ cả ra một cách vô-tình. Chẳng bao lâu đã về đến cổng, về đến cổng mà bóng người vắng tanh, lại chẳng bao lâu đã vào đến sân, vào đến sân mà tiếng người lặng-ngắt. Quái lạ! Mới xa cách trong vài ba tháng, mà cửa nhà đã hưu-quạnh đến thế này ư! Hoặc-giả là mình chiêm-bao chăng? Cổng trở ra trông cái gì cũng thấy vui cười, cổng trở vào trông cái gì cũng thấy rầu-rĩ. Mười phần vui-vẻ, biến làm trăm nỗi ngẩn-ngơ, mối cảm não người, đổi dời chóng quá! Bấy giờ Quân-Thiến như dại như ngây, đứng ngẩn người ra một hồi, rồi lại đi quanh mái hành-lang, không muốn bước vào nhà vội. Thoắt chốc trong nhà có một người đi ra, trông thấy Quân-Thiến liền gọi rằng: « Ơ kìa cô đã về! Để tôi đi báo tin ông biết ». Quân-Thiến trông thì là con Thu. Bèn bước vào nhà thì Bằng-lang cũng chạy ra đón kéo áo Quân-Thiến mà gọi rằng: « A a! Cô đã về! Có mua quà gì cho cháu không? » Quân-Thiến cười mà rằng: « Có có! » Nói rồi liền ôm lấy Bằng-lang vào lòng mà vỗ đầu xoa trán. Lại hỏi rằng: « Mợ cháu đâu? » Bằng-lang buồn-rầu nét mặt mà rằng: « Mợ cháu mệt đã lâu nào đã khỏi đâu! Cô về may lắm! Mợ cháu được cô bầu-bạn làm vui, may ra có thể bớt dần được ». Quân-Thiến nghe nói cả kinh, vội để Bằng-lang đấy chạy lên nhà trên thăm cha rồi xuống ngay phòng bệnh thăm Lê-nương.