Nhàn tưởng

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nhàn tưởng  (1928) 
của Tản Đà

書叢局書沱傘


NHÀN TƯỞNG


Tản-Đà

NGUYỄN-KHẮC-HIẾU


Tous droits réservés.



NGUYỄN-ĐẠO-KÍNH
N° 21, Rue Tirant — Hanoi
xuất-bản
1928

In lần thứ nhất
Giá: 0 $ 20
 

NHÀN TƯỞNG

1. — Đời là một chỗ bắt người ta phải ở.

2. — Ở đời mà không có sự-nghiệp, như xuốt đời đi ở chọ mà không có nhà.

3. — Đời người ta lúc bé đi chữ nhất, nhớn lên thời đi chữ nhân. Đi chữ nhất là có hai sự: sốngăn. Có sống thời phải có ăn, có ăn thời lại có sống. Đi chữ nhân là có ba sự: sống, ănlàm. Có sống thời phải có ăn, có ăn thời phải có làm; có làm thời mới có ăn, có ăn thời mới có sống. Trong thế-gian hoặc cũng có người, từ bé đến già, xuốt đời đi chữ nhất.

4. — Thế-gian đáng quí nhất mà đáng thương nhất, là người đàn bà còn trẻ tuổi mà ở hóa xuốt đời.

5. — Tài-hoa, đạo-đức, anh-hùng, người đàn ông nên có đủ ba cái tính-chất ấy.

6. — Người đàn ông quí ở tài, mà cũng phải có đức; người đàn bà quí ở đức, mà không cần có tài.

7. — Người đàn ông ở đời, đáng sợ nhất duy có là vợ: duy người vợ có đủ thế-lực phá hoại cái sự-nghiệp cả một đời người đàn ông.

8. — Việc lớn trong đời không làm nổi, việc nhỏ không muốn làm; cho nên dễ lười.

9. — Ở đời lắm lúc cũng muốn làm việc dễ, nhưng khổ vì việc khó không ai làm cho.

10. — Thiên-hạ khổ-tâm nhất, là cái việc tất muốn làm mà liệu sức tất không thể làm nổi.

11. — Sự đời đáng buồn nhất, là con cháu không bằng ông cha.

12. — Trong thế-giới chỉ có giống dân hèn, không có nước nào nhỏ.

13. — Giống người hèn mà phải chịu khổ, thực là lý-luật thiên-nhiên. Sự khổ đó tức là bắt phạt về tội hèn.

14. — Cái nghĩa-lý rất hay của người hèn, cũng là không có giá-trị.

15. — Chim lồng, cá chậu, núi non-bộ, những sự chơi đó có thể làm hại cái tư-tưởng vĩ-đại của người ta.

16. — Người đàn ông cũng nên hơi có một chút cái tính-chất tàn-nhẫn.

17. — Chưa chắc những kẻ thù của mình mà không phải là ân-nhân.

18. — Vô-luận yêu ghét nhau thế nào, người ta đã quen biết với nhau lâu, thường tất có lúc nhớ.

19. — Trong khi nhớ một người, tức là có phụ với nhiều những người khác.

20. — Đương lúc người này nhớ người kia, mà người kia lại nhớ người khác, thời hai cái tư-tưởng đi không gặp nhau.

21. — Bạn-hữu mà không có chỗ thân hơn vợ chồng, thời chưa đủ kể là bạn.

22. — Ở đời đáng quí, là người bạn chưa biết mặt mà tình thân.

23. — Người ta sau lúc chết mà nếu còn có thiêng, thời thực có nhiều bất-tiện.

24. — Ở đời nhiều sự không nên biết đến rõ.

25. — Việc đời tám chín, không hứng-thú mà phải làm.

26. — Tội-ác ở xã-hội ngày nay, không gì nhớn hơn lợi-dụng sự ái-quốc.

27. — Thương đàn yêu nước, là câu dạy về hạng người thứ hai. Nếu ai ai đều tự muốn làm nên hào-kiệt vĩ-nhân, thời xã-hội nhân-quần, tự có nhiều hạnh-phúc.

28. — Những kẻ đại tiểu-nhân, cứ nguyên-chất đều có thể làm nên hào-kiệt.

29. — Ở đời một tài chưa đủ, phải có đức; cả đức cũng chưa đủ, phải có phúc. Cho nên người ta thường nói « phúc đức. »

30. — Người ta cứ làm nên công-nghiệp to, thời cái lỗi nhỏ không đủ kể.

31. — Các vật ở đời, đê-tiện nhất là cái công-danh nhỏ con.

32. — Muốn có danh-dự giá-trị với một cái xã-hội nhỏ con, thời cái danh-dự giá-trị ấy tất cũng nhỏ con.

33. — Người ta nhớn bé không hơn nhau là bao nhiêu, mà không biết những đại-đức đại-tài chứa ở bộ-phận nào trong thân-thể?

34. — Trong xã-hội vẫn mong có hào-kiệt, mà hoặc có hào-kiệt, khỏi đâu xã-hội không ghét-ghen.

35. — Nếu không phải là sự lợi hại thật thiết thân, ít ai chịu nghe nhời ai nói.

36. — Trong cái xã-hội nhỏ con, mà chỉ những hiềm oán nghi kỵ lẫn nhau, thời ai biết cùng ai đi lại.

37. — Mình có sự đáng giận, mà người ta không giận, thực là một sự đáng cám ơn.

38. — Những kẻ chí hư ác, thường có chỗ hơn người.

39. — Tiết kiệm khiêm cung, không phải là cái đức tốt của hạng người đại trượng-phu, chân nam-tử.

40. — Tiền của chưa hẳn đã là vật đáng tiết-kiệm; ân, uy, cần, mẫn thời nên phải tiết-kiệm. Duy có một sự hiếu không thể nói tiết-kiệm.

41. — Kẻ có tiền, không có tài; kẻ có tài, không có tiền. Cho nên việc đời khó làm.

42. — Đợi có nhiều tiền mới làm việc, thời việc ấy không bao giờ có làm.

43. — Ai có tài gì, giời cứ bắt phải làm việc ấy.

44. — Người không có thực-tài mà học thói ngang-tàng, thời cũng như con ngựa không chạy giỏi mà lại bất-kham.

45. Tài đức chưa hơn ai mà tự đã ra người đứng-đắn, vậy thời giống như cây tre cằn.

46. — Ở đời nếu muốn sống một cách như cái cây, thời có nhẽ cũng không khó.

47. — Người mà không có lo-nghĩ, như cái cây để trong dâm.

48. — Phàm những người đứng chủ một công-việc, không cứ cái việc ấy to nhỏ thế nào, đều là có cái tư-cách tự-lập.

49. — Các hạng người trong thế-gian, không cứ khôn hay dại, sang hay hèn, làm thầy tớ lẫn nhau cả.

50. — Các giống người trong thế-giới, kết-cục rồi lai cả.

51. — Những câu nói cứu thời, thường không hợp chân-lý.

52. — Luân-lý như một cái bức rào rất đơn-sơ, chỉ ngăn-chắn được những người không muốn vượt.

53. — Không có sự chơi hư, thời không biết được nhiều tình-trạng trong xã-hội.

54. — Các sự chơi hư-dại, nếu không tự mình thấy cái đáng chán ở trong ấy, thời ít ai dễ chừa.

55. — Dẫu anh-hùng hào-kiệt, những cái lỗi nhỏ giữ được thời vẫn hơn.

56.— Sự khôn của một người, thường khi khó chịu cho nhiều các người khác.

57. — Bè-bạn sơ nhau, phần nhiều do ở vợ.

58. — Thế-gian những sự rất bất-bình, thường do ở những người rất thân-ái.

59. — Hai vợ chồng lấy nhau, nếu giầu sang từ mới đến già, thời tình nghĩa không biết thế nào là thật.

60. — Cầu tình nghĩa ở trong xóm bình-khang, cũng như cầu công-lý ở thế-giới.

61. — Càng những vật có thế-lực ở đời bao nhiêu, thường càng hay đểu-giả bấy nhiêu. Xem như đồng tiền.

62. — Ở đời có việc thực vẫn biết là phải, mà vẫn không cam lòng.

63. — Sự thanh-nhã có nhiều khi không quí.

64. — Nếu giang-sơn mà biết nói thời danh-sơn thắng-cảnh, ít có người dám chơi.

65. — Người ta đương lúc nghĩ muốn làm việc gì, tức như đã bắt đầu làm việc ấy.

66. — Việc đời không nên tính kỹ quá.

67. — Người ta không nên ghét cái gì đến quá lắm; bao những cái mà mình ghét lắm, thường hay dính vào mình.

68. — Thiên-hạ thường xấu-hổ cái sự không đáng xấu-hổ, mà không xấu-hổ cái sự đáng xấu-hổ.

69. — Hạng người nào lại ghen-ghét với hạng người ấy.

70. — Người đàn bà còn trẻ tuổi, bụng thương con không bằng lúc tuổi già.

71. — Người đàn bà con gái, khóc thời không đẹp mà mếu thời đẹp.

72. — Con kỳ-lân chép ở trong sách nho về thì cổ, có nhẽ tức là con girafe ở phương tây lạc sang.

73. — Đi xe lửa hoặc xe hơi, mà ngồi ngảnh mặt về đằng sau, có hại cho cái tư-tưởng tiến-bộ.

74. — Không nhân chúng-tình, thời khó làm nên công-nghiệp to; sợ dư-luận, cũng không thể làm nên công-nghiệp to.

75. — Bàn với người chí-thân, thường không có câu truyện cao-thượng.

76. — Người đời thường thích tiếng quân-tử, mà cái việc làm thường tiểu-nhân.

77. — Người ta được nhiều người yêu mình, nghĩ cũng là một sự bất-hạnh: cái nợ tiền-bạc có thể giả cho hết, cái nợ ân-tình không bao giờ giả song.

78. — Ở đời ít ai tránh khỏi sự nói dối.

79. — Những nhà văn-sĩ, có thể gọi là lắm nhời.

80. — Dù có nhà triết-học không tin sự quỉ-thần, đêm tối đi qua chỗ thao-ma, chưa chắc khỏi chột dạ.

81. — Ở đời nếu không phải sợ ai thời là nhất; nếu còn phải có sợ thời sợ vợ là hơn.

82. — Chắc ở người khác là hơn mình, thực là một sự rất hại.

83. — Thiên-hạ chưa mấy ai đã dại, chỉ vị tính nhầm, cho nên không khôn.

84 — Sau một cuộc gian nguy đã trải qua, nghĩ lại thường rất có thú-vị.

85. Người ta lúc ưu-cùng hoạn-nạn, mới biết sự thân sơ.

86. — Trong khi ưu-hoạn mà chí-nghiệp như thường, trừ-phi có can-đảm rất nhớn.

87. Mười cái dại, chưa dễ làm nên một cái khôn.

88. — Đi vay tiền mà không được, thời phải mất lãi không.

89. — Nhân-tình thế-thái, càng gặp cái đáng chán, thời đối với người có cảm-tình, cũng cảm-tình càng thêm.

90 — Lấy cảm-tình mà nghĩ, thời cân cả thế-giới với một người, chưa hẳn đã bên nào nặng hơn.

91. — Con người ta ở đời, lúc nào cũng coi cái sự sống như là thừa, thời mới mong có công-nghiệp vĩ-đại.

92. — Bốn bể chín châu, chưa quả đã xa hơn gang-tấc.

93. — Chữ “giận” chỉ nên để đứng trên chữ “mình”: Chỉ có mình giận mình là phải. Còn như đối với người: người không có việc gì với mình thời còn có việc gì mà giận; người đáng giận thời không bõ giận.

94. — Cái thú đêm thanh, như cả thế-giới chết mà có một mình sống.

95. — Giời ít chiều ai đến quá lắm.

96. — Sự rất đắc-ý, thường được ở trong khi bất-ý.

97. Trong thiên-hạ không có việc gì là không song.

98. — Ai cũng thường có cái cơ-hội hay, mà thường hay đánh mất.

99.— Trong thế-giới có một cái công-lý: thánh-hiền hào-kiệt, không cấm ai không được làm.

100. — Từ 25 tuổi giở về trước, làm phong-lưu công-tử; từ 26 cho đến 45 tuổi, làm cao-nhã văn-nhân; từ 46 cho đến 55, làm anh-hùng hào-kiệt; từ 56 giở về sau nữa, làm một nhà triết-học làm bạn với non xanh. Một đời người con giai như thế, có nhẽ cũng không uổng.

101. — Yêu-quí nhau về tinh-thần, quí hơn yêu-quí nhau về vật-chất. Cho nên đối với người thật yêu-quí, thời lo vì phúc-trạch, chưa bằng lo vì danh-tiết trong trăm năm.

GỬI NGƯỜI TRI-ÂM

Chu-kiều-Oanh có nói rằng: « Con người ta ở đời, thường hay lấy ít tri-âm làm giận, mà không biết thục tự mình đã phụ biết bao người tri-âm. » Tri-âm là ai? ai tri-âm với ai, thời ai tự biết với ai vậy. Nghĩ như: rau sắng chùa Hương, tấm lòng thơm-thảo; măng-đa Móng-cái, hậu-ý ân-cần. Quan hà-chan chứa ái, ân, nước mây như vẫn như gần như xa. Giời Kiến-an hai mươi mốt tháng ba, một cơn gió thổi; « mơ-màng, giấc mộng con, tân thế-giới, » cảm-tưởng bồi hồi. Tri-âm ai đó hỡi người! để ai sao khỏi như lời của ai!

Tôi tự khi An-nam tạp chí nghỉ việc, đi nam về bắc, lắng đắng không ra sao; lại càng trông thấy những chủng-tộc với giang-sơn, mà cảm hoài lai-láng: Dân hai nhăm triệu ai người lớn? nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con! Ngày tháng như chôi, mày râu đáng chán. Mỗi những lúc đêm quạnh đèn xanh chiều thu lá đỏ, nghĩ nhớ đến ai ai trong bốn bể nỗi u-sầu khôn dễ tả nên thơ. Nhất lại từ sau ngày hai-mươi-mốt tháng ba mới đây, giở xem lại bức thư in ở đầu tạp-chí số mười, lại trông thấy những nhời chúc-mong của ai tự năm xưa, mà cái lo đường xa gánh nặng, sông cái thuyền nan, càng thêm như gợi như khêu, không biết cùng ai tính-liệu vậy. Nay An-nam tạp chí chưa có sức tiến-hành, tôi cũng muốn nhân thể mà tĩnh-dưỡng một đôi năm, cho được hưởng cái hạnh-phúc nhàn-tịch. Trong thì-giờ nhàn-tịch, muốn thu-thập các văn khi xưa, in làm hai tập: Một tập là văn xuôi, là những bài văn xuôi để in tản-mác ở trong các quyển Khối-tình, Tản-đà tùng-văn, cùng trong các báo chí; một tập là văn tiểu-thuyết dài ngắn, cũng đã in ở các quyển Truyện Thế-gian, Tản-Đà tùng-văn khi xưa. Ngoài hai tập văn ấy, có in ra các quyển văn mới, hoặc làm hoặc dịch, phần nhiều cũng chỉ là những văn tiêu-nhàn khiển-muộn, như quyển Nhàn-tưởng đây, tạm gọi là có giao-du với xã-hội mà thôi; riêng ai thân-thế trăm năm, ai sẽ liệu tìm nơi ký-thác. Con tầm chưa thác, cuộc bể dâu còn sẽ lắm tơ duyên; cửa Vũ không xa, hội rồng cá thử rồi xem lớp sóng. Thôi vô-luận văn-chương với sự-nghiệp, chia làm hai hay hợp làm một, trong thiên-hạ đã có người tri âm. trong thiên-hạ tất cũng có người không phụ người tri-âm.

Cuối mùa xuân năm mậu-thìn (1928)
Tản-đà NGUYỄN-KHẮC-HIẾU
bái bút.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng ở Hoa Kỳ vì nó được phát hành lần đầu tiên ở bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ (và không được phát hành ở Hoa Kỳ trong vòng 30 ngày) nó được phát hành lần đầu tiên trước 1989 mà không tuân thủ các thủ tục bản quyền của Hoa Kỳ (gia hạn và/hoặc thông báo bản quyền) nó thuộc phạm vi công cộng ở quốc gia gốc vào ngày URAA (1 tháng 1 năm 1996 đối với đa số quốc gia, đối với Việt Nam là ngày 23 tháng 12 năm 1998).


Tác giả mất năm 1939, do đó tác phẩm này cũng thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyềncuộc đời tác giả và 80 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn. Tác phẩm này có thể cũng thuộc phạm vi công cộng ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyền dài hơn nhưng áp dụng luật thời hạn ngắn hơn đối với các tác phẩm nước ngoài.