Nho giáo/Quyển I/Lời phát đoan

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nho giáo của Trần Trọng Kim
Lời phát đoan

LỜI PHÁT DOAN

Thường những công cuộc của người ta đã thiết-lập ra, là bao giờ cũng phải có cái tinh-thần và cái hình-thức. Tinh-thần là phần linh-hoạt ở trong, mà hình-thức là phần hiển-hiện ra ngoài. Hai phần ấy phải điều-hòa với nhau, phải nương-tựa vào nhau thì nới hoàn-toàn được. Thí-dụ: Lễ thì phải có kính là tinh-thần, mà nghi-tắc là hình-thức; nhạc thì phải có hòa là tinh-thần, mà chuông trống là hình-thức. Nếu có lễ mà không có nghi-tắc, thì biết thế nào là lễ; có nhạc mà không có chuông trống, thì lấy gì làm nhạc. Hoặc là dùng lễ có đủ nghi-tắc mà không có kính, dùng nhạc có đủ chuông trống mà không có hòa, thì lễ và nhạc chỉ là hư-văn mà thôi, không có nghĩa-lý gì cả. Một học-thuyết, một tôn-giáo cũng vậy, nếu trong hai phần ấy mà người ta chỉ chuyên-trọng về một phần nào, thì phần kia tất phải hư hỏng mà dẫu việc hay đến đâu rồi cũng hóa ra dở.

Nước Nam ta xưa kia tôn sùng Nho-giáo, cho là chính-đạo độc-tôn. Luân-lý, phong-tục, chính-trị, bất cứ việc gì cũng lấy Nho-giáo làm cốt. Nhưng vì những người theo Nho-học xưa nay thường hay trọng cái hình-thức bề ngoài thái-quá, để đến nỗi cái tinh-thần sai lầm đi mất nhiều. Cách học tập của người mình lại chỉ vụ lấy từ-chương, chuyên về khoa-cử để làm cái thang lợi danh. Vậy nên cái học-thuyết của Khổng Mạnh càng ngày càng hư hỏng, thành ra chỉ có danh mà không có thực.

Những người học-thức trong nước mà trí-lự hẹp-hòi, tinh-thần kém-cỏi, thì nhân-chúng tiến-hóa làm sao được? Vả số nhiều người mình lại cứ quen một mặt thuận-thụ, theo cái khuôn nhất-định của tiền-nhân để lại. Việc phải trái hay dở thế nào, cũng chỉ ở trong cái khuôn đó, chứ không chệch ra ngoài được, sự phê-bình phán-đoán càng ngày càng hẹp lại, không biết còn có cái tư-tưởng gì khác nữa mà so-sánh cái hơn, cái kém, thành ra như giống sên, giống ốc, cứ yên phận nằm trong cái vỏ cứng không thay đổi được cái gì cả. Phàm những sự vật, bất cứ sự vật gì, hễ không thay đổi là hư hỏng. Đến khi thời-thế biến đổi, bỗng chốc có cái tư-tưởng mới, cái thế-lực khác tràn vào, mà nhất là cái thế-lực ấy lại mạnh hơn và hoạt-động hơn, thì làm thế nào mà đứng được? Người trong nước lúc ấy như đang ngủ mê, thức dấc dậy, ngơ-ngác không biết xoay-xở ra thế nào. Lúc đầu còn tìm cách kháng cự lại, sau thấy càng cựa-cạy bao nhiêu, lại càng bị đè bẹp xuống bấy nhiêu, thế bất-đắc-dĩ mới đành chịu bẹp. Dần dần tỉnh ra, thấy người ta phú cường lẫm-liệt, mà mình thì cứ suy nhược mãi đi, rồi lại thấy thiên-hạ ai biết bỏ cũ theo mới, thì cũng được cường thịnh, bấy giờ mới khởi xướng lên việc bắt-chước người ta mà thay đổi mọi đường. Trừ những người có quyền-lợi riêng, không muốn thay đổi, cố bíu lấy cái vỏ cũ để cho toàn danh-phận, hoặc những người nghèo khổ ngu dại ở chỗ thôn-giã, mờ mờ, mịt mịt, chẳng biết việc đời là việc chi chi, còn ai đã hơi có kiến thức một đôi chút, là đánh trống khua mõ, rủ nhau làm những việc cải-cách trong nước. Ai cũng yên-trí rằng cái văn-hóa cũ của mình không ra gì, cho nên xã-hội mình mới suy-đồi, thì chi bằng đem bỏ cả đi, mà theo cách duy-tân. Từ đó mới gây thành cái phong-trào bỏ cũ theo mới. Cái phong-trào ấy mỗi ngày một mạnh, đến nỗi mới độ vài ba mươi năm nay, mà cái tinh-thần văn-hóa cũ của ta đã mai-một đi mất nhiều lắm rồi. Thậm-chí những nhà dòng-dõi thi-lễ, trước còn không chịu theo tân học, nay lại tự mình bài-bác các cái học cũ kịch-liệt hơn những người thường.

Có một điều nên lấy làm lạ, là tại sao một cái học-thuyết mà mình đã sùng-thượng hơn hai nghìn năm nay, và đã duy-trì xã-hội mình từ thượng-cổ đến bây giờ, mà bỗng chốc đổ nát chóng như thế. Thiết tưởng ta có thể tìm cái duyên-do bởi từ đâu mà ra, và xét xem cái cuộc biến-đổi ngày nay hay dở thế nào.

Cái duyên-do sở dĩ tại làm sao mà người mình bỏ cái học cũ chóng như thế, là bởi nhiều lẽ, ta có thể phân giải được như sau này: Nguyên từ xưa trong nước chỉ trọng nghề văn-học, lấy khoa-cử mà cất nhắc người lên làm quan làm tư. Khoa-cử lại chỉ lấy Nho-giáo làm cốt, chứ không có cái học gì khác nữa. Trong nước thì công-nghệ không có, thương-mại không ra gì, trừ cái nghề đi học để thi đỗ làm quan ra, thì chỉ có nghề canh-nông là cái thực-nghiệp của dân. Dân làm ruộng ở nhà quê, thường lại là người hèn-hạ, phải chịu sưu thuế và việc vua việc quan, đầu tắt mặt tối, không có quyền lợi gì. Vậy nên ai là người có thiên-tư hơi khá một tí, muốn chiếm được chút địa-vị tôn-quí trong xã-hội, thì chỉ có nghề đi học. Mà sự học của ta ngày trước tuy nói chuyên-trị các Kinh Truyện của thánh hiền, nhưng kỳ-thực chỉ mài-miệt làm câu văn cho hay, nhớ chữ sách cho nhiều, và biết cho đủ lề-lối để đi thi được đỗ. Khi đã đỗ rồi là người hiển-đạt, có danh-vọng trong làng, trong nước. Vậy nên ai cũng đua nhau về việc học. Đến nay thời-cục đã biến đổi, khoa-cử bỏ đi rồi, sự học cũ không phải là cái cầu ở con đường sĩ-hoạn nữa, thì Kinh Truyện xếp lại một chỗ, mà đạo thánh hiền cũng chẳng ai nhắc đến nữa. Đạo Nho kết-quả đến đó cơ-hồ sắp hết vậy.

Song đó mới là cái thế-lực bề ngoài, còn về phần thâm-thúy ở trong, thì một dân chuyên làm nghề canh-nông như dân ta, là chỉ vụ lấy sự hòa-bình, cốt thế nào cho ở trong nhà cha hiền con thảo, anh nhường em kính, ra ngoài đối với mọi người thì cần lấy lễ nghĩa để sự giao-thiệp được êm-ái hòa-nhã là đủ. Việc cư-xử làm ăn chỉ chủ ở cách giản-dị, không muốn có điều gì khó-khăn, miễn là được an nhàn thì thôi. Ấy là cái thái-độ rất thích-hợp với cái tính cách hiếu-tĩnh, không hiếu-động của phần nhiều người mình. Việc chính-trị cũng vậy, vua quan không ai muốn những sự phiền-phức, sợ làm nhiễu dân. Phàm cử-chỉ hành-động, cái gì cũng muốn thong-thả ung-dung cho ra cái cảnh-tượng thái-bình, bởi thế cho nên sự cần-dùng rất ít, mà sự tiến-hóa cũng không có gì, chỉ cần theo cái luân-lý của Nho-giáo, để giữ lấy cái nền hiếu nghĩa trung tín, cốt cho xã-hội được yên-trị thì thôi. Nay cái phong-trào tân-học mạnh lên, người ta ai cũng đua nhau tranh khôn tranh khéo, để chiếm giữ lấy quyền-lợi, chứ không chuộng những điều đạo đức, nhân nghĩa cho lắm. Người mình trông thấy thế, tưởng rằng giữ cái thái-độ cũ không được, phải theo thời mà biến đổi, cho cái văn-hóa cũ là dở, muốn trừ bỏ đi, để theo cái văn-hóa mới cho kịp người ta. Cái văn-hóa cũ của ta nhân thế mà mai-một chóng lên mấy phần vậy.

Trong khi những thân-sĩ trong nước háo-hức muốn bỏ cũ theo mới như thế, bọn thiếu-niên tân-học, phần thì thấy những bậc phụ huynh chê-bai cái học cũ của mình, phần thì không biết rõ cái tinh-thần cái học ấy hay giở thế nào, chỉ thấy lắm điều câu thúc khó chịu, lại càng đem lòng khinh bỉ cái văn-hóa cũ hơn nữa, cho là hủ-bại, không thích-hợp với cái cảnh-ngộ đương thời. Lại gia dĩ bọn ấy khí huyết đang hăng, đang thích những sự tự-do bình-đẳng v. v., và lại được theo lối tân-học, sự tri-thức rộng hơn gấp mấy phần những người cựu-học, cho nên không ai ngờ có cái hay, cái tốt của sự học cũ ngày trước mà đoái-hoài đến nữa. Bọn thiếu-niên ấy ai đi học đã thành-đạt rồi, đều chiếm được cái địa-vị, dẫu thế nào mặc lòng, cũng đủ làm cho nhân chúng quí trọng. Bởi vậy cho nên người trong nước ai có con em cũng cố cho theo đòi chút tân-học, để hòng đường lập nên danh phận. Đã hay rằng cách sinh-nhai ở đời không thế không được, nhưng đó cũng là một cái căn-do làm cho chóng mất cái văn-hóa cũ vậy.

Lại còn một lẽ nữa làm cho người ta ai cũng muốn bỏ chóng hết cái lưu-tệ của cái văn-hóa cũ, là theo học thuyết của Nho-giáo thì phân ra tôn ti trật-tự rất nghiêm. Ai đã được giữ cái địa-vị tôn-quí ở trên, thì có quyền được bắt người ti-hạ ở dưới phải kính trọng mà phục-tùng mình. Song phải cần một điều là người trên phải có tài đức xứng đáng, ai cũng kính-phục, thì cái trật-tự ấy dẫu tôn-nghiêm thế nào, người ta cũng không ai ta-thán. Nếu cái tài đức người trên mà không đủ làm cho người ta kính phục nữa, thì càng giữ cái trật-tự ấy bao nhiêu; người ta lại càng cho là trái lẽ và khó chịu bấy nhiêu. Nhất là ở vào thời-đại này, mới cũ chưa rõ hẳn ra thế nào, nhiều người ngờ rằng cái trật-tự cũ làm ngăn-trở cho sự tiến-hóa, cho nên muốn bỏ đi, để theo cái mới, họa may có được phần hay hơn chăng. Bởi thế cái lòng muốn thay đổi lại càng mạnh lắm vậy.

Đại-để những cái căn-do làm cho văn-hóa cũ của ta chóng mai-một đi như ta đã trông thấy ngày nay, là cứ như thiển-kiến, thì bởi có bấy nhiêu lẽ mà thôi.

Xét ra cho kỹ, sự bỏ cũ theo mới của ta hiện thời bây giờ, không phải là không cần-cấp, nhưng vì người mình nông-nổi, không suy-nghĩ cho chín, chưa gì đã đem phá-hoại cả đi, thành-thử cái xấu, cái dở của mình, thì vị tất đã bỏ đi được, mà lại làm hỏng mất cái phần tinh-túy đã giữ cho xã-hội của ta được vững bền hàng mấy nghìn năm nay. Phàm người ta muốn bỏ cái cũ đã hẩm nát, tất là phải có cái mới tốt hơn, đẹp hơn, để thay vào. Nay ta chưa có cái mới mà đã vội-vàng bỏ cái cũ đi, thành ra đổ nát cả, mà không có cái gì thay vào được. Ấy là cái tình-trạng nước ta ngày nay là thế, khác nào như chiếc thuyền đi ra giữa biển, đánh mất địa-bàn chỉ-nam, không biết phương-hướng nào mà đi cho phải đường, cứ lênh-đênh mãi, không khéo lại bị sóng gió va vào đá vỡ tan mất cả. Đó là điều ta nên biết, để tìm cách mà chữa lại được chút nào chăng.

Ngày nay ta sở dĩ ngơ-ngác, không biết đi về đường nào cho phải, không biết bấu-víu vào đâu để làm cốt về đường lý-tưởng là vì ta bỏ mất cái lòng tín-ngưỡng. Xưa kia ta sùng-bái đạo Nho, tin rằng cái tôn-chỉ đạo ấy hay hơn cả, dẫu đem ra thực hành không được hoàn-toàn, nhưng vẫn cho là học chưa đến, chứ không ai cho là đạo không hay. Đến nay vì thời-thế biến-đổi cái văn-hóa của Âu-tây tràn sang, cách cư-xử, sự hành-động đều bị cái thế-lực mới đổi khác cả đi, người ta thì cường-thịnh và khôn-ngoan đủ điều, mà mình thì suy-nhược và thua kém mọi đường. Nhất là về đường vật-chất, mình so-sánh với người, hơn kém khác nhau xa lắm. Người mình trông thấy thế, không xét xem sự kém hèn của mình bởi đâu mà ra, vội-vàng bỏ những điều xưa nay mình vẫn tín-ngưỡng, mà bắt-chước cái mới của người ta.

Tính bắt-chước vốn là cái tính tự-nhiên của loài người, dẫu ở nước nào cũng thế cả. Nhưng giá ta có sẵn cái tinh-thần tốt rồi, chỉ bắt-chước lấy những điều có bổ-ích thêm cho cái tinh-thần ấy thì thật là hay lắm. Chỉ hiềm vì mình để cái tinh-thần của mình hư-hỏng đi, mà lại mong bắt-chước sự hành-động của người ta, thì sự bắt-chước ấy lại làm cho mình dở hơn nữa. Vì đã gọi là bắt-chước là chỉ bắt-chước được cái hình-thức bề ngoài mà thôi, còn cái tinh-thần ở trong, phi lâu ngày nhiễm lấy được mà hóa đi, thì khó lòng mà bắt-chước được. Thành thử bao nhiêu những sự bắt-chước của mình, chỉ là làm loạn cả tính tình, tư-tưởng và phong-tục của mình. Có lắm người vọng tưởng rằng mình cố bắt-chước được người ngoài, là mình làm điều có ích cho sự tiến-hóa của nòi giống mình. Không ngờ rằng sự bắt-chước vội-vàng quá, không suy-nghĩ cho chín, lại thành cái độc gây ra các thứ bệnh cho xã-hội của mình vậy. Đó là một điều lầm-lỗi của số nhiều những người tân-học thời nay. Mà sự lầm-lỗi ấy chỉ mỗi ngày là một thêm ra chứ không bớt đi được.

Mỗi một dân-tộc có một cái tinh-thần riêng, cũng như mỗi cây có cỗi rễ ăn sâu xa xuống dưới đất. Hễ cây nào cỗi rễ tốt, hút được nhiều khí-chất, thì cành lá dườm-dà, cây nào cỗi rễ xấu, hút không đủ khí-chất, để nuôi các phần thân-thể, thì tất là cành lá còi cọc đi. Cái tinh-thần của một dân-tộc cũng vậy, gây thành từ đời nào không thể biết được, lưu-truyền mãi mãi mới thành ra cái kết-quả ngày nay. Dân-tộc nào cường thịnh là vì đã biết giữ cái tinh-thần của mình được tươi tốt luôn; dân-tộc nào suy-nhược là vì đã để cái tinh-thần hư-hỏng đi, không biết tìm cách mà nuôi nó lên. Nay ta muốn biết tại làm sao mà phương Tây phú cường, phương Đông suy nhược, thì tưởng ta phải biết rõ cái tinh-thần Nho-giáo và cái tinh-thần Tây-học khác nhau thế nào.

Văn-hóa của Nho-giáo chủ ở sự theo thiên-lý mà lưu-hành, cốt giữ cái tình-cảm cho hậu, trọng những điều đạo đức, nhân nghĩa, ưa cái tính chất-phác và những việc giản-dị. Bởi thế cho nên cái tính-chất người mình hay trì-thủ, thích sự yên-lặng, chỉ vụ lấy được hòa bình mà sinh-hoạt ở đời. Cái văn-hóa ấy rất thích-hợp với cái tính tình của những dân-tộc chuyên nghề canh-nông như dân-tộc ta. Văn-hóa phương Tây chủ ở sự theo nhân-dục mà hành-động, cốt lấy sự mở-mang nhân trí làm trọng, dùng lý-trí mà suy-xét mọi điều, để tìm cách ngăn-ngừa những cái thế-lực tự-nhiên, lập thành một cuộc sinh-hoạt rất hùng cường. Bởi vậy các môn khoa-học rất thịnh hành, nhân-dân chuộng những điều trí-xảo, số nhiều người tài giỏi khôn-ngoan, mà ai cũng muốn sự hoạt-động mạnh-mẽ. Cái văn-hóa ấy thích-hợp với tính tình của những dân-tộc chuyên về việc công-nghệ và việc thương-mại. Văn-hóa của Nho-giáo thì có thể làm cho đời người tuy không được rực-rỡ chói-lói cho lắm, nhưng thường làm cho người ta có cái sinh-thú rất hay. Văn-hóa phương Tây thì làm thành cuộc đời rất mỹ-lệ, tài trí đều mở-mang, cái gì cũng theo qui-củ xếp đặt thành ra cơ-thể chắc-chắn vững-vàng. Nhưng cũng vì thế mà sự cần-dùng càng ngày càng thêm ra, sự cạnh-tranh rất kịch-liệt, sự sinh-hoạt có lắm điều phiền-phức, nhân-sinh hình như lúc nào cũng chật-vật vất-vả, không mấy khi trong bụng được nhàn-hạ thư-thái.

Hai cái văn-hóa ấy thật là tương-phản với nhau, và bên nào cũng có cái sở-trường và cái sở-đoản cả. Nhưng cái gốc thịnh suy là bởi cái lối theo khác nhau. Người mình xưa kia chỉ biết trì-thủ một mặt đạo-đức mà không nghĩ đến sự tiến-thủ về đường trí-tuệ và khoa-học, thành thử lâu ngày cái tinh-thần hư-hỏng, đến nỗi cái sở-đoản không bỏ đi được, mà cái sở-trường cũng mất mòn đi. Người ta thì cứ gắng sức tiến-thủ về đường trí-tuệ, tuy vẫn có cái sở-đoản, nhưng cái sở-trường càng ngày càng tăng lên. Bởi đó mà thành ra cuộc ưu thắng của người và cuộc liệt bại của mình vậy. Giả sử nay ta biết hồi tỉnh lại, cố gây lấy cái sở-trường của mình, và lại học thêm lấy cái sở-trường của người, thì chắc có thể dần dần gây nên cái tinh-thần tốt đẹp mạnh-mẽ, đủ làm cho ta cũng cường-thịnh được. Là vì một đường ta không bỏ mất cái căn-bản đã tạo-tác ra tâm tính của ta, một đường ta lại học được thêm cái hay của người, để theo thời mà biến đổi cho thích-hợp với cái lẽ đương-nhiên, như vậy thì dẫu thế nào, cái kết-quả về sau cũng có phần hay được.

Nay ta muốn biết rõ cái sở-trường và cái sở-đoản của Nho-giáo, thì chi bằng ta thử xét kỹ xem cái nguyên-ủy từ đầu khởi phát ra làm sao, về sau biến đổi ra thế nào, và cách ta thi-hành cái đạo ấy sai lầm tự đâu. Như thế ta có thể hiểu rõ được cái phần tinh-túy của Nho-giáo, và biết được tại làm sao mà thành ra hư-hỏng. Đó là cái chủ-đích bộ sách này vậy.

Ngày nay ta bàn đến Nho-giáo thì cũng chỉ xét những điều thiết-thực về đường luân-lý và chính-trị, chứ không mấy khi bàn đến phần đạo-lý tối-cao của Nho-giáo. Thành thử ta chỉ hiểu được cái phần thiển-cận mà thôi, còn cái-phần thâm viễn thì vẫn mập-mờ không rõ. Vậy nên trước khi bàn đến Nho-giáo theo như chính-văn trong các Kinh Truyện, ta hãy nói lược qua cái tôn-chỉ đạo ấy sở-chủ về những điều gì.

Nho-giáo là một học-thuyết có thống-hệ và có phương-pháp. Cái thống-hệ của Nho-giáo là theo cái chủ-nghĩa thiên địa vạn vật nhất thể và cái phương-pháp của Nho-giáo thường dùng là phương-pháp chứng-luận, lấy thiên-lý lưu hành làm căn-bản. Nhưng phải biết rằng cái học-thuật của ta thường hay chú trọng ở lối dùng trực-giác. Sự tư-tưởng trong học-thuyết cũng như phương-pháp trong mỹ-thuật, phải dùng trực-giác mà xem cả toàn-thể, thì mới thấy cái tinh-thần. Nếu dùng lý-trí mà suy xét từng bộ-phận một, thì thường không thấy rõ gì cả. Thí-dụ xem những bức hội-họa của Tàu, nếu lấy trực-giác mà xem, thì thấy có nhiều vẻ thần-diệu lắm, nhưng lấy cái lý-trí mà suy xét, thì không ra thế nào cả. Vì rằng cái vẽ của Tàu chủ lấy cái đẹp cái khéo ở tinh-thần, chứ không cốt ở cái chân-hình bề ngoài. Có khi đối với cái hình-thức thì không được đúng lắm, nhưng đối với cái tinh-thần cả toàn-thể, thì thật là tinh-xảo vô cùng. Về đường học-vấn cũng vậy, phần thì người Tàu thường hay theo trực-giác mà tư-tưởng, rồi rút các ý-tứ vào mấy câu tổng-yếu rất vắn tắt để làm cốt, thành ra khi đọc những câu ấy phải lấy ý mà hiểu ra ngoài văn-từ mới rõ được hết các lẽ; phần thì lối chữ độc âm, tượng hình, tượng ý của Tàu khó khiến cách lập ngôn theo đúng được những sự vận-động của cái tư-tưởng, và bộc-bạch được hết các ý-tứ. Cũng bởi thế, cho nên mới nói rằng: bất dĩ từ hại ý, nghĩa là xem sách phải lấy ý mà lĩnh-hội cho rõ cái tư-tưởng của người làm sách, chứ không nệ ở văn-từ mà bỏ sót ý. Lối Tây-học thì không thế, nhất-nhất là phải theo lý-trí mà suy-luận, lần theo sự-lý nọ sang sự-lý kia, liên-tiếp dắt-díu nhau. Cách lập-ngôn lại sáng rõ, là nhờ lối văn-từ rất tinh tế, dễ khiến, lời với ý lúc nào cũng theo sát nhau được, bao nhiêu sự vận-động của tư-tưởng cũng có thể tả rõ ra được phân minh hết cả. Bời thế cho nên những người đã quen lối Tây-học, xem sách Hán-tự, cho những học-thuyết của Tàu không có phương-pháp. Đó là bởi không hiểu rõ cái lối học của người Tàu, chủ ở sự phải suy nghĩ ra mà hiểu, phải lấy ý mà hội, chứ không chủ ở sự theo lý-trí mà suy-luận và phu-diễn hết cả ra ở văn-từ. Kỳ thực thì cái tư-tưởng của người Tàu vẫn có phương-pháp, nhưng cái phương-pháp ấy chỉ cốt ở trong tinh-thần cả toàn-thể, chứ không ở cái hình-thức từng bộ-phận có thể phân tích ra được như lối văn-từ của Tây. Vậy muốn tìm cái phương-pháp của Nho-giáo, thì phải dùng trực-giác mà xem, phải lấy ý mà hội, thì thấy rõ cái mối liên-lạc trong các đoạn tư-tưởng, tuy về phần hình-thức thì lỏng-lẻo, rời-rạc, nhưng về phần tinh-thần thì suốt từ đầu đến cuối chỉ là một mà thôi.

Nho-giáo cho vũ-trụ sở-dĩ có, là vì có cái lý độc-nhất tuyệt-đối. Lấy nghĩa cùng tột hết cả, thì gọi lý ấy là Thái-cực; lấy nghĩa bao-quát khắp cả thế-gian, thì gọi là Thiên; lấy nghĩa làm chủ-tể cả vạn vật thì gọi là Đế, hay là Thiên-đế. Song lý ấy siêu-việt vô cùng, không sao biết rõ được cái tĩnh-thể là thế nào, cho nên Nho-giáo công-nhận có lý ấy, rồi chỉ xét cái động-thể của lý ấy đã phát-hiện ra, để làm tôn-chỉ. Cái tôn-chỉ ấy chủ ở đạo nhân, có sẵn cái trực-giác để hiểu lẽ biến-hóa của trời đất, khiến cho lúc nào cũng theo được lẽ ấy mà vẫn đắc kỳ trung. Ấy đại-khái cái tôn-chỉ của Nho-giáo là thế. Nay nhân tiện ta xét qua cái triết-học đã phát hiện ra ở bên Tây, xem hai bên giống nhau và khác nhau thế nào.

Vào cuối thế-kỷ thứ VI và đầu thế-kỷ thứ V trước Tây-lịch kỷ-nguyên, trong khi ở nước Tàu có Khổng-tử phát-huy ra cái học-thuyết của Nho-giáo, thì ở bên Âu-tây có những nhà hiền-triết, người xứ Hy-lạp như bọn ông Héraclite thuộc phái Ioniens cũng đề xướng lên cái học-thuyết, lấy sự biến-hóa trong vũ-trụ làm chủ-nghĩa, cho vạn vật chỉ có động, chứ không có tĩnh, và cho ngoài sự biến-hóa của vạn vật ra, thì không có gì là thực cả.

Thuở ấy lại có những người như bọn ParménideZénon d'Elée thuộc phái Eléates xướng lên cái học-thuyết phản-đối với học-thuyết của phái Ioniens, cho vạn vật đều là ảo-ảnh cả, chỉ có cái lý độc-nhất là thực có mà thôi. Hai phái ấy công-kích nhau rất kịch-liệt.

Cùng đồng-thời với hai phái ấy, lại có Pythagore, tị-tổ phái Pythagoriciens, lấy số học mà lập ra cái học-thuyết theo chủ-nghĩa thiên địa vạn vật nhất thể (panthéisme) cho vạn số cùng đồng một thể với cái lý độc-nhất.

Sau những học-phái ấy, vào cuối thế-kỷ thứ V trước Tây-lịch kỷ-nguyên, có Socrate khởi xướng ra cái đạo nhân-sinh triết-học, lấy nhân-sự làm trọng, cho việc ngoài nhân-sự là việc của Trời, người ta chỉ nên chú-ý về sự tìm lẽ chí-thiện trong đạo luân-lý, để làm chuẩn-đích cho sự hành-vi ở đời. Ông lấy sự mình tự biết cái bản-tính của mình (connais-toi toi-même) làm cơ-bản sự học luân-lý.

Vậy đem những tôn-chỉ của các học-phái ấy ở Tây-phương mà so với tôn-chỉ của Nho-giáo, xem ra Nho-giáo tổng-hợp được cả những cái lý-tưởng vừa nói trên kia. So với phái Ioniens, thì Nho-giáo theo sự kinh-nghiệm mà nhận cái lẽ biến-hóa của vạn vật làm chân-lý, nhưng trên cái chân-lý ấy lại nhận có cái chân-lý tuyệt-đối là lý Thái-cực làm chủ-tể cả vũ-trụ, So với phái Eléates thì Nho-giáo tuy nhận có lý Thái-cực, nhưng cho lý ấy siêu-việt quá, nhân trí không thể biết rõ được cái tĩnh-thể của lý ấy, ra thế nào, vậy nên chỉ xét cái động-thể của lý ấy, cho vạn vật do sự biến-hóa của thiên-lý mà sinh ra, và vạn vật là thực có, chứ không phải là ảo-ảnh.

Nho-giáo dùng Dịch-học, lấy cái vạch đứt và cái vạch liền mà biểu-thị sự biến-hóa của thiên-lý, và lấy số cơ ngẫu mà tính ra vận-mệnh xoay vần của thế-gian, tức là tương hợp với cái số-học của phái Pythagoriciens. Nhưng có một điều hơi khác, là Nho-giáo cho vạn vật do Trời sinh ra, song vật nào cũng có tính-cách tự-do để hành động, mà theo cho hợp thiên-lý, mà sau khi chết rồi, hình như cái tinh-thần vẫn còn giữ cái tính-cách đặc-biệt mà lưu-hành, mà biến-hóa, chứ không hỗn-hợp hẳn vào Đại-toàn-thể, như cái lý-tưởng của học-phái « thiên địa vạn vật nhất thể » ở bên Tây.

Nguyên cái học của Nho-giáo vẫn có hai phần: Phần hình-nhi-thượng-học và phần hình-nhi-hạ-học. Phần hình-nhi-thượng-học tức là phần tâm-truyền (enseignement ésotérique) nói về những lẽ huyền-bí của tạo-hóa, thì để riêng cho số ít người có tư-cách đặc-biệt mà lĩnh-hội được cái đạo-lý sâu xa. Phần hình-nhi-hạ-học tức là phần công truyền (enseignement exotérique) nói về cái nhân-sinh triết-học, thì đem dạy chung cả cho mọi người. Khổng-tử tuy có nói rằng ngài không dấu-diếm ai điều gì, nhưng phải hiểu rằng đó là ngài nói về phần công-truyền, chứ phần tâm-truyền thì chỉ để ai có biết và có thể hiểu được, ngài mới chỉ bảo cho. Xem như thầy Tử-Cống nói rằng: « Phu-tử chi ngôn tính giữ thiên đạo, bất khả đắc nhi văn giã », thì rõ là cái đạo của ngài có một phần chỉ để riêng cho những người tâm đắc mà thôi. Môn-đệ ngài có người nói trong sách Luận-ngữ rằng: « Tử hãn ngôn lợi, dữ mệnh, dữ nhân » hoặc là: « Tử bất ngữ quái, lực, loạn, thần » v. v., là vì những điều ấy thuộc về cái học tâm-truyền, cho nên ngài ít nói đến. Cũng bởi vậy, những sách nói về thiên-đạo như kinh Dịch và sách nói về nhân-đạo như kinh Xuân-thu đều là sách dạy cái học tâm-truyền, cho nên lời văn rất vắn tắt, ý nghĩa rất khó hiểu, chỉ có những người đã được truyền thì mới hiểu rõ mà thôi. Cái học tâm-truyền ấy đến hết đời Mạnh-tử, thì không ai học được nữa. Vì thế hậu-nho xem những sách ấy không hiểu hết các ý nghĩa, rồi mỗi người bàn ra một cách, thành thử cái học càng ngày càng sai lạc đi mãi.

Vậy cái học tâm-truyền của Nho-giáo ngõ hầu tương-tự như cái học của Pythagore, mà cái học công-truyền của Nho-giáo là cái học nhân-sinh triết-học, chú-trọng về nhân-sự, lấy sự chính-tâm tu-thân làm gốc, thật là tương-hợp với cái học của Socrate, cốt lấy luân-lý làm trọng.

Dẫu ngày nay ta không thể biết được cho thật tường-tận các cái lý-tưởng về phần tâm-truyền của Nho-giáo đời trước, nhưng theo những điều ta còn sở-cứ được ở trong các Kinh Truyện, thì ta cũng có thể biết là Nho-giáo có một phần uyên-bác lắm, và lại có thống-hệ rất rõ-ràng: lấy lý Thái-cực làm căn-bản độc-nhất, rồi xét cái động-thể của lý ấy, biết rõ sự biến-hóa của vạn vật, suốt đến cái lẽ vạn vật đều bẩm-thụ một phần thiên-lý, và tìm thấy cái mối chí-thiện trong thiên-lý, để làm mục-đích cho đạo luân-lý của loài người.

Tóm lại mà nói, thì cái học-thuyết của Nho-giáo có ba điều cốt-yếu. Về đường tín-ngưỡng, thì có cái quan-niệm thiên nhân tương dữ; về đường thực-tế, thì lấy sự thực-nghiệm làm trọng; về đường trí-thức, thì lấy sự trực-giác làm cái khiếu biết đối với các sự vật.

Về cái quan-niệm thiên nhân tương dữ của Nho-giáo, thì ai xét không kỹ, tưởng là cũng giống như cái học-thuyết thiên địa vạn vật nhất thể (panthéisme) của những nhà triết-học bên Âu-châu về thế-kỷ thứ XVII và XVIII vừa rồi, như Spinoza người nước Hà-lan, FichteHegel người nước Đức. Cái học-thuyết ấy cho Trời với vạn vật cùng đồng một thể, và cái bản-thể của Trời hiển-hiện ra trong sự biến-hóa của vạn vật. Cái học ấy có cái lý-thuyết rất cao, nhưng chưa đúng hẳn cái lý-thuyết của Nho-giáo đời trước. Nho-giáo dẫu theo cái lý-thuyết thiên địa vạn vật nhất thể, nhưng chỉ nói vạn vật chịu một phần thiên-lý của Trời phú cho mà thôi, chứ Trời vẫn là một thể độc-lập. Tuy có nói thiên-lý lưu-hành khắp cả vũ-trụ, là một cách nói cái ý cho Trời ở đâu cũng có, mà lúc nào cũng có sự biến-hóa và sự hành-động, nhưng không bao giờ nói Trời ở trong vạn vật, mà cũng không bao giờ nói vạn vật chung qui lại hợp thành một thể với Trời. Trời với vạn vật tuy đồng lý đồng khí, nhưng vẫn riêng, tựa như con một cha mẹ sinh ra, đồng khí đồng huyết, thế mà vẫn khác nhau. Nho-giáo chỉ nói rằng: Trời sinh ra người có phú tính cho, tức là phú cho một phần thiên-lý. Phần thiên-lý ấy là cái tâm, là cái tinh-thần của người ta. Nhờ cái tinh-thần ấy người ta mới biết cái cỗi gốc của người là do ở Trời, và người với Trời có thể tương cảm tương ứng với nhau. Nhưng người ta bao giờ cũng có cái tư-cách đặc-biệt để tự cường tự kiện mà hiểu biết, mà hành-động cho đến chí-thành, chí-thiện. Những người tu-dưỡng đến bậc chí-thành, tức là những người giữ được cái bản-tính của mình thuần-túy như của Trời phú cho, thì có thể giúp được việc hóa-dục của Trời. Sự sống chết chỉ là việc biến-hóa tự-nhiên của trời đất. Chết là hư-hỏng cái hình-hài mà thôi, còn cái tinh-thần vẫn không mất, và vẫn giữ được cái tính-cách riêng của mình mà lưu-hành, mà tiến-hóa. Những người đã tu đến bậc nhân, bậc thành, thì sau khi chết rồi lên ở trên Trời, như trong kinh Thi nói rằng: « Tam hậu tại thiên » hay là « Văn-vương trắc giáng tại Đế tả hữu ». Chính là cái nghĩa cho tinh-thần người ta không bao giờ mất vậy.

Nho-giáo tuy không nói rõ, song xét kỹ ra thì hình như cho là hễ người ta mà ai cố gắng tu-dưỡng, thì cái tinh-thần lên đến Trời, mà không thì cứ chìm đắm ở chỗ vật-chất, không thoát ly ra được. Thiết tưởng đó là cái vi-chỉ của Nho-giáo nói ở chương XX, XXI và XXII trong sách Trung-dung là sách nói về cái triết-học rất cao của Nho-giáo.

Về cái quan-niệm trọng thực-nghiệm, thì Nho-giáo vốn có cái tôn-chỉ chú-trọng về đường thực-tế. Có người cho cái học trọng thực-nghiệm y chính là cái học của Auguste Comte, người nước Pháp, xướng lập ra trong thế-kỷ thứ XIX vừa rồi, cho sự tìm cái nguyên-nhân của tạo-hóa là không sao thấy được, chi bằng cứ xét sự thực và các công-lệ tự-nhiên để làm cái học của người ta. Auguste Comte theo cái lý-tưởng ấy mà lập ra một môn triết-học lấy sự thực-nghiệm làm chủ-nghĩa, lấy sự biến-hóa của nhân loại làm tôn-chỉ và lấy sự thờ những bậc thượng-trí làm tôn-giáo. Do cái triết-học ấy mà ông lập thành một đạo luân-lý rất cao, chủ ở lòng thí-xả và lòng bác-ái. Đem cái học-thuyết ấy mà so với đạo luân-lý của Nho-giáo, thì có nhiều điều giống nhau thật, song cái tinh-thần thì có khác, là vì Nho-giáo tuy trọng sự thực-nghiệm, nhưng vẫn lấy thiên-lý làm cơ-bản, vẫn nhận có Trời làm chủ-tể, và vẫn lấy sự giữ bản-tính cho đến bậc chí-thành làm cốt-yếu. Vậy về đường tinh-thần, Nho-giáo vẫn có phần cao hơn và có thể khiến người ta cố gắng được hơn cái học thực-nghiệm của Auguste Comte.

Nho-giáo sở-dĩ biết rõ đạo Trời cùng cái lẽ chí-thiện trong đạo luân-lý, mà biết một cách rất rõ-ràng chắc-chắn, là vì chú-trọng ở cái khiếu biết tự-nhiên của Trời phú cho. Cái khiếu biết ấy gọi là lương-tri, theo lối nói ngày nay, gọi là trực-giác, tức là sự biết rất nhanh, rất rõ, suốt đến cái tinh-thần cả một toàn-thể. Lấy cái khiếu biết ấy mà xem xét mọi sự vật, nghĩa là lấy con mắt tinh-thần mà trông suốt đến cái tinh-thần của các sự vật, thì không bao giờ sai được. Cách dùng trực-giác như thế cần phải có công-phu lắm, vì phải bỏ hết cái tư tâm tư dục đi, rồi đem cái tinh-thần minh-mẫn của mình chú vào cái tinh-thần của sự vật mình xét, thì mới thấy rõ được cái chân-hình chân-tướng của sự vật ấy.

Cái học dùng trực-giác của Nho-giáo có phần tương-hợp với cái học của Henri Bergson, là một nhà triết-học trứ-danh ở nước Pháp, đã phát-huy ra ở bên Âu-châu ngày nay, chủ lấy trực-giác mà xét các chân-lý. Tuy rằng lối Tây-học thì bao giờ cũng tinh-vi và đúng phương-pháp khoa-học hơn, nhưng đó là phần hình-thức bề ngoài, chứ lấy phần tinh-thần mà so-sánh cái học của Nho-giáo với cái học của Henri Bergson, thì thấy có nhiều điều không xa nhau là mấy. Ta càng xem kỹ cái học của Henri Bergson, ta lại càng thấy rõ cái phần cao-minh của Nho-giáo.

Nhưng đây chỉ nói lược qua cái đại-ý của các học-phái bên Tây, để độc-giả biết cái tinh-thần Tây-học cùng với cái tinh-thần Nho-giáo tương đồng tương dị là thế nào, mà phê-bình và phán-đoán cho khỏi sai lầm. Chủ-ý là để làm cho rõ cái học-thuyết của Nho-giáo, chứ không phải là để kê-cứu cho tường-tận các học-phái bên Tây. Song cứ bình-tình mà xét, giả sử đem bóc lột cái vỏ văn-từ của Tây và Đông khác nhau đi, rút lấy cái tinh-thần của Nho-giáo và các học-thuyết ở Tây-phương đã nói trên kia, thì thấy cái tư-tưởng của nhân loại, dẫu Đông Tây mặc lòng, có lắm khi cũng rung động theo một dịp tương tự như nhau, và thường hay gặp nhau ở trên một con đường vậy. Chỉ khác nhau ở sự thực-tiễn, mỗi phương có một phong-thổ, có một tập-quán, cho nên sự hành-động không được tương hợp. Những sự khác nhau ấy há chẳng phải là thiên-lý lưu-hành biến-hóa tùy thời, tùy thế, mà điều-hòa cho vạn sự các đắc kỳ sở hay sao? Khác là khác cái hình-thức ở bề ngoài, chứ cái tinh-thần chủ-động ở trong thường cũng là một mà thôi. Vậy bất kỳ đông-học hay tây-học, nếu ta biết lấy cái tinh-thần mà suy xét mọi sự vật, ắt là ta biết rõ cái tôn-chỉ của các thánh hiền đều chủ ở sự làm cho cao cái phẩm-giá của nhân loại. Các nhà tân-học nước ta ngày nay tưởng không nên vội-vàng cho cái học cũ là dở, chỉ nên suy-xét cho kỹ, xem cái hay cái dở do tự đâu, để tìm cách mà bồi bổ thêm vào thì chắc sự học-vấn tương-lai của người mình ắt có thể tiến-ích vậy.

Nho-giáo từ đời Xuân-thu trở đi, nhờ có Khổng-tử đem phát-huy ra, làm thành một cái học-thuyết có tôn-chỉ rõ-ràng, có thống-hệ phân minh, cho nên về sau nói Khổng-giáo tức là nói Nho-giáo vậy.

Khổng-tử ngắm cảnh-tượng của tạo-hóa mà xét việc cổ kim, đạt được cái lẽ biến-hóa của trời đất. Ngài muốn người ta theo cái đạo ấy mà hành-động, khiến cho nhân-sự và thiên-lý cùng thích-hợp với nhau theo đạo thái-hòa trong vũ-trụ. Ngài tin rằng người ta sinh ra đã bẩm-thụ cái lý khí của trời đất, tất là cùng với trời đất có thể tương cảm tương ứng với nhau được. Sự tương cảm tương ứng ấy lúc nào cũng có, nhưng khi ta để lòng tư-dục mạnh lên, rồi chỉ dùng lý-trí mà tính toán những điều hơn thiệt riêng của mình, thì cái tinh-thần rối loạn đi, cái trực-giác thành ra ám muội, dẫu có cảm có ứng, ta cũng không biết được. Nhưng nếu ta biết nén cái tư-dục xuống, giữ cho lúc nào cũng có cái thái-độ điều-hòa, cái bình-hành hoàn-toàn, thì cái trực-giác thành ra mẫn-nhuệ, trông cái gì thấy ngay được đến phần rất sâu-xa, u-uẩn.

Giữ được cái thái-độ điều-hòa và cái bình-hành hoàn-toàn, tức là giữ được cái trung. Cứ ở trong cái trung ấy mà hoạt-động, mà lưu-hành theo thiên-lý, rồi cứ đôn-đốc cái tình-cảm cho thật hậu, thì tất là đến bậc nhân. Người nào tu-dưỡng đến bậc nhân, thì cái tinh-thần rất hoạt-động, xem xét điều gì cũng biết rõ thực hư, và sự hành-vi bao giờ cũng hợp với đạo thái-hòa của trời đất. Đã nhân mà lại thành, là bậc thánh. Thành là chân-thực, đúng như cái lý tự-nhiên của trời đất. Người chí-thành tưc là người đã khiến mình trở nên thuần-túy như cái nguyên-tính của Trời phú cho, thì tự khắc biết được hết cái tính của muôn vật, và có thể giúp sự hóa-dục của trời đất mà sánh ngang với trời đất. Bởi thế cho nên mới gọi là thánh. Cái tôn-chỉ đạo Khổng rút lại chỉ có thế mà thôi. Còn những điều hiếu nghĩa lễ trí trung tín đều bởi đó mà ra cả.

Cứ như ý-kiến của Khổng-tử, thì vạn vật ở trong vũ-trụ cứ biến-hóa theo lẽ điều-hòa và lẽ tương-đối mà lưu-hành mãi mãi, không lúc nào nghỉ. Thiên-đạo đã không nhất-định, thì ở đời có việc gì là việc nhất định được. Vậy ta cứ nên tùy thời mà hành-động, miễn là lúc nào cũng giữ lấy cái thái-độ điều-hòa, cái bình-hành hoàn-toàn thì sự hành-vi của ta bao giờ cũng được trung chính. Làm việc gì cũng giữ cho trung-bình, vừa phải, không thái-quá, không bất-cập, ấy là theo cái đạo trung-dung rất phải rất hay. Khổng-tử đem cái tôn-chỉ ấy mà lập thành một cái đạo nhân sinh triết-học tức là cái đạo luân-lý rất êm-ái, rất hòa-nhã, đủ làm cho người ta có cái vẻ thư-thái vui-thú, không có những điều lo-sợ buồn-bã.

Có người nói rằng Nho-giáo đã theo thiên-lý mà lưu-hành, để cầu lấy cái sinh-thú ở đời, thì sao không để cho người ta được phóng-khoáng tự-do như Lão-giáo, mà lại đem nhân nghĩa lễ nhạc để hạn-chế sự hành-vi của người ta, làm thành ra có lắm điều câu-thúc khó chịu. Xin trả lời rằng Nho-giáo sở-dĩ khác Lão-giáo chỉ bởi có thế mà thôi. Lão-giáo thì cầu lấy sự phóng-khoáng tự-do, không muốn bận đến mình, cho mọi việc đã có Đạo là cái lẽ chí-cao chí-cường làm chủ-trương rồi. Nho-giáo thì cho nhân nghĩa lễ nhạc là cái dụng của thiên-lý, mình có làm được những điều ấy thì mới theo được thiên-lý mà lưu-hành. Vậy cái sinh-thú của mình là cầu lấy được thung-dung tự-đắc ở trong những điều ấy. Còn những sự câu-thúc vụn-vặt, thì không phải là tôn-chỉ của Nho-giáo, đó chẳng qua là về sau những người nho-học hiểu lầm cái tôn-chỉ ấy cho nên mới bó-buộc mình vào những lễ nghi chật hẹp, làm cho sai lạc mất cái tinh-thần thuần-túy của Nho-giáo. Kỳ thực là những điều nhân nghĩa lễ nhạc có cái ý nghĩa rất sâu-xa rất rộng-rãi, ai đã theo được con đường ấy mà đi, là không có điều gì là câu-thúc khó chịu cả. Xét ra cho kỹ, Nho-giáo trọng những điều nhân nghĩa lễ nhạc, chính là một việc rất quan-hệ về đường tâm-lý học. Đã hay rằng việc sinh hóa do ở thiên-lý, nhưng người ta ai cũng có tư-dục. Nếu không có cái gì giữ cái tư-dục cho có chừng mực, và khiến người ta biết theo đường thẳng mà đi, thì rồi dần dần cái tư-dục mạnh lên, đem ta đi vào những đường quanh-co, lâu thành ra không biết đường nào là phải mà đi nữa. Bởi thế thánh-nhân mới định rõ thế nào là nhân, thế nào là nghĩa. Nhân là để cho được yên và vui, nghĩa là để cho biết điều trung-chính mà làm. Lại định ra lễ, để gây thành những tình-cảm tốt, để tài-chế sự hành-vi của người ta và để phân ra trật-tự cho phân-minh, không có điều gì hồ-đồ rối loạn; chế ra nhạc để khiến trên dưới điều-hòa mà cùng nhau hành-động cho thích-hợp với cái đạo thái-hòa của trời đất. Nhân nghĩa lễ nhạc tự-hồ những con đường đã làm sẵn, đi ngang đi dọc thế nào đã có nêu, có mốc chỉ rõ cả rồi, ta cứ yên lòng mà đi, không phải nghi-ngờ lo-sợ điều gì nữa. Ấy là một cách làm cho ta ung-dung ở trong qui-củ, tức là được yên và vui. Đã được yên và vui, rồi cứ theo lẽ tự-nhiên của tạo-hóa mà đối thời dục vật, như thế chẳng phải là gây thành một cái sinh-thú ở đời hay sao?

Ta nên biết rằng cái học của Khổng-tử chủ ở đạo nhân. Nhân là cái thể yên-lặng, rất dễ cảm dễ ứng, mà bao giờ cũng có tình-cảm rất hậu, đối với sự vật gì cũng có lòng cảm-xúc, và hành-động lúc nào cũng trúng-tiết và hợp thiên-lý. Người có nhân thì có trực-giác rất mẫn nhuệ, cái gì thoáng qua cũng trông thấy rõ-ràng, hiểu biết ngay được mọi ý nghĩa tinh-vi và suốt đến cái công-lý chung cả toàn-thể, không phải từ từ lần theo từng mối một, mới thấu tới cái chân-lý. Người không có nhân thì cái trực-giác mờ tối, trông cái gì cũng không thấy rõ ngay được, cho nên mới phải dùng lý-trí mà suy-tính những điều tư lợi.

Lý-trí là cái năng-lực để suy luận mà biết mọi việc. Song lý-trí chỉ hiểu biết được cái tính-chất và cái hình-thể ở bề ngoài của các sự vật mà thôi. Bởi thế cho nên lý-trí chỉ cho ta biết được những cái mà ta có thể định được nghĩa, tức là chỉ cho ta biết được cái vỏ ở ngoài, chứ không cho biết được cái tinh-thần linh-hoạt ở trong các sự vật. Cái tinh-thần ấy có khi tự-nhiên ta biết được, mà không có thể nói rõ ra được. Thường những điều ta nói ra được, hoặc vẽ ra được, lại không phải là cái tinh-thần nữa. Vậy nếu ta bỏ cái trực-giác là cái biết của tâm, mà chỉ chuyên dùng lý-trí, thì thường hay làm cho ta sai lầm.

Đây ta phải hiểu rõ cái học của Khổng-tử thường lấy nhân, trí, dũng, làm ba cái đạt-đức của người quân-tử. Vậy cái trí tự-nhiên hợp với thiên-lý là rất quí. Song người đời hay có cái ý xuyên-tạc dùng trí mà làm những việc đa-sự, trái với lẽ thường, cho nên mới thành ra dở. Mạnh-tử là người tự xưa đến nay hiểu đạo Nho hơn cả, nói rằng: « Cái đáng ghét trong cái trí là vì cái ý xuyên tạc, chứ như cái trí trị thủy của vua Vũ, thì không có điều gì là đáng ghét. Vua Vũ trị thủy làm điều vô-sự, nghĩa là cứ thuận cái tính của nước mà cho nước chảy. Cái trí ấy thật là lớn vậy »[1].

Cái trí xuyên-tạc ấy là cái trí-thuật, tương phản với cái trí tự-nhiên. Hễ lúc nào ta bỏ mất cái trí tự-nhiên đi mà dùng trí xuyên-tạc, thì cái trí xuyên-tạc ấy cứ tùy-tùng cái tư-dục mà khiến người ta thiên về đường tư-lợi, thành ra làm mất cái lẽ điều-hòa, cái bình-hành tự-nhiên.

Vậy nên Khổng-tử chủ dạy người ta cầu lấy đạo nhân, để theo trực-giác mà hành-vi, nghĩa là cầu lấy trí tự-nhiên hơn là cầu lấy cái trí-thuật để suy tính những điều hơn thiệt. Cái trí-thuật thường hay mượn cái lý-trí để làm tối mất chân-lý. Lý-trí của người ta dẫu minh-mẫn thế nào, cũng có cái giới-hạn, không hiểu biết được nhanh và sâu-xa như trực-giác. Có lắm điều cứ để tự-nhiên theo trực-giác thì biết rõ ngay được, mà dùng lý-trí đề suy xét, thì nghĩ-ngợi mãi không ra mành-mối. Là vì những sự biết mẫn-tiệp và sâu-xa là thường do trực-giác, chứ không phải là do lý-trí. Song khi đã biết điều gì rồỉ, tất phải dùng lý-trí mà kiểm-soát lại, để biết cho rõ những điều đã do trực-giác mà biết. Bởi vậy không nên quá tin ở lý-trí, sợ nó làm mất cái trung, tức là không thích-hợp với cái lý tự nhiên của trời đất. Người ta mà chuyên-trọng lý-trí thái-quá, thì có thể khôn-ngoan tinh-xảo lắm thật, nhưng càng khôn-ngoan tinh-xảo bao nhiêu thì lại càng làm cho đời người thành ra một cuộc chiến-đấu rất thê-thảm bấy nhiêu, không lợi gì cho cái sinh-thú ở đời.

Thiết tưởng đó là cái đặc-sắc của Khổng-giáo. Không phải là xưa nay người Tàu không biết có cái học-thuyết nào khác nữa, xem như về cuối đời Xuân-thu, cùng gần đồng-thời với Khổng-tử, đã có Mặc-tử xướng lập lên một học thuyết, tưởng đời nay chắc hẳn có nhiều người sùng bái. Nhưng Khổng-giáo thì chủ lấy trực-giác mà theo thiên-lý, Mặc-giáo thì chủ lấy lý-trí mà khiến nhân dục. Khổng-giáo thì cứ để tùy cảm mà ứng, cốt cầu lấy sự ung-dung thư-thái, Mặc-giáo thì bất cứ việc gì cũng tìm cái lẽ: để làm gì, hay làm thế nào, trí-não cứ phải suy hơn tính thiệt, lúc nào cũng phải lo nghĩ, được cái này muốn cái nọ, bụng người ta thật là chật-vật vất-vả. Khổng-giáo muốn tiến-hóa theo lẽ tự-nhiên, cầu lấy trật-tự phân-minh, trên dưới hòa-thuận, Mặc-giáo cầu lấy sự tiến-thủ, lo hạn-chế cái thế-lực tự-nhiên, thật là thích hợp với cái tư-tưởng và cuộc sinh-hoạt ngày nay vậy. Hai cái học-thuyết ấy đã xung-đột nhau, để chiếm lấy cái thế-lực ở xã-hội nước Tàu trong hàng mấy trăm năm. Nhưng vì Khổng-giáo có phần cao-minh hơn và lại thích-hợp với tính-tình người Tàu, cho nên mới chiếm được cái địa-vị độc-tôn, mà Mặc-giáo thì phải tiêu-ma đi mất.

Xét ra cho kỹ, thì đạo nhân của Khổng-tử có cái sở-trường là đem nhân-đạo điều-hòa với thiên-đạo, làm cho đời người có cái vẻ ung-dung thư-thái. Nhưng trong cái sở-trường ấy có những cái sở-đoản, thiết-tưởng ta cần phải biết. Một là đạo nhân không phổ-thông được cho đại đa số của nhân-chúng, chỉ có một phần ít người có tư-cách đặc-biệt, mới tu được đến bậc nhân mà thôi, còn người thường vẫn cứ bị vật-dục quyến dũ, hay khuynh-hướng về đường công-lợi. Tuy thánh-nhân có dự-bị lễ nghĩa để tài-chế cái tư-dục của người ta, cho khỏi chếch-lệch thái quá, song cái thế-lực của lễ nghĩa cũng không lan ra được đến hạng người hạ-lưu không có học-thức. Thành-thử phần nhiều người trong xã-hội vẫn đắm đuối ở trong vật-dục, mà đạo thánh hiền tuy hay thật, nhưng không thi-hành được khắp thiên-hạ. Hai là một cái học-thuyết chú-trọng trực-giác như Nho-giáo, thì chỉ thi-thố ra được ở thời-đại nhân dân còn có tính chất-phác, sự làm ăn còn giản-dị, chứ khi nhân-trí đã biến-thiên, khoa-học đã thịnh-hành, cuộc sinh-hoạt thành ra phiền-phức như thời nay, thì cái học-thuyết ấy vị-tất đã có mấy người chịu theo, mà có theo nữa, cũng chưa chắc đã theo được đúng. Vì là trực-giác tuy có mẫn-tiệp, các nhà học-vấn thời nay vẫn cần đến luôn, song nó chỉ là cái lợi-khí của một hạng người thượng-trí dùng được mà thôi, còn số người thường thì dùng trực-giác không được chắc-chắn. Dùng trực-giác, thì chỉ cậy ở cái tia sáng của tinh-thần mà thôi, nhưng khi mà tâm người ta không chính, ý không thành, thì biết đâu cái tia sáng ấy lại không bị cái thế-lực của tập-quán, hay cái thế-lực khác làm cho nó không chiếu đúng vào chân-lý được. Vậy nên phải dùng lý-trí mà kiểm-soát những điều mình đã biết, để biết chắc sự biết của mình là xác-thực. Bởi thế cho nên ngày nay người ta tuy vẫn công-nhận trực-giác là cách để hiểu biết rất quí, rất tốt, nhưng vẫn cần phải dùng lý-trí để thí-nghiệm hoặc để phân-tích những lẽ mình đã biết, cho rõ-ràng chắc-chắn. Song phải cần có một điều là đừng để cho lý-trí làm nô-lệ tư-dục, thì sự dùng lý-trí là một việc rất hay. Tưởng ý ấy không trái cái tôn-chỉ của Nho-giáo, vì Nho-giáo cốt phải tùy thời mà biến đổi để cho hợp đạo trung. Vậy thì nay ta phải dùng cả trực-giác và lý-trí. Trực-giác là để biết, mà lý-trí là để kiểm-soát. Đó là cái phương-pháp của khoa-học ngày nay phải như thế. Không có cái phương-pháp ấy không phải là khoa-học.

Nay ta ở vào thời-đại khoa-học đang tiến-bộ, ta không thể trở lại theo lối sinh-hoạt thời cổ được. Song cái tinh-thần của Nho-giáo vốn có phần rất mỹ-mãn, và đã có rễ ăn sâu-xa vào tủy não của người mình. Nếu ta không hiểu cái tinh-thần ấy cho đến nơi đến chốn, chưa gì đã vội đem cắt bỏ đi, thì vị tất đã lợi cho tương-lai của xã-hội mình. Vậy nên mong rằng ta giữ được cái nền đạo-đức cũ mà tham chước với sự sinh-hoạt đương-thời, để cho tâm với trí cùng tiến-hóa, cùng điều-hòa được với nhau, thì có lẽ cái đạo của thánh-hiền cũng có thể sáng rõ ra được, và nhân loại không đến nỗi lờ-mờ như người đi đêm vậy. Nho-giáo trọng sự chính tâm, tu thân, nhưng vẫn lấy điều trí tri, cách vật, làm cốt-yếu. Vậy đem Nho-giáo mà dung-hợp với khoa-học ngày nay, tưởng cũng không phải là trái với cái tôn-chỉ của Khổng Mạnh, phải tùy thời mà biến đổi. Miễn là lúc nào cũng giữ lấy nhân nghĩa làm gốc, thì càng thay đổi bao nhiêu lại càng thích-hợp với cái chủ-nghĩa của Nho-giáo bấy nhiêu.

Nho-giáo truyền đến đời Tây-Hán, vì nhờ có quân-chủ bảo-hộ mới thịnh-hành dần dần lên. Song lúc Hán sơ, Lão-giáo và Mặc-giáo còn đang có thế-lực, Nho-giáo chưa chiếm được cái độc-quyền ở trong xã-hội Tàu. Đến cuối thế-kỷ thứ hai trước Tây-lịch kỷ-nguyên, vua Vũ-đế nhà Hán nghe lời thỉnh-cầu của Đổng Trọng-Thư, mới bắt các học-giả phải chuyên-trị lục nghệ và bãi truất bách gia. Từ đó về sau Nho-giáo thành ra quốc-giáo và những người nho-học mới chiếm được cái địa-vị tôn-trọng ở triều-đường. Kế đến đời Đông-Hán vào quãng thế-kỷ thứ nhất sau Tây-lịch kỷ-nguyên, Nho-giáo mới thật là cực-thịnh. Vì thuở ấy không những là những người nho-học được trọng-dụng ở triều-đình mà thôi, còn có các danh-nho mở trường dạy học, môn-đệ có khi đông đến hàng mấy nghìn người, đem Nho-giáo truyền-bá ra khắp chỗ dân-gian. Ấy là thời-đại Nho-giáo thịnh đến cực-điểm vậy.

Song cũng vì Nho-giáo chiếm được cái quyền độc-tôn, mà thành ra có nhiều điều hư hỏng. Vì theo lẽ tự-nhiên của trời đất, thì trong thế-gian không có cái gì là cái không biến. Có biến thì mới sống, không biến là chết. Đó là cái lẽ huyền-bí của tạo-hóa, dẫu có muốn thế khác, cũng không sao được. Học-thuyết, tôn-giáo, chính-trị nào cũng vậy, hễ không theo cái công-lệ ấy, đều là hư-hỏng cả. Phàm khi đã nhận một cái hình-thức làm nhất-định, ai cũng cho là hoàn-toàn, không dám phê-bình đến, không dám sửa đổi gì nữa, lâu ngày thành ra cái vỏ cứng, rồi cứ khô dần đi, không có cái khí sinh-hoạt làm cho ngày ngày càng mới thêm, càng tươi tốt thêm, thì tất là cái tinh-thần mất mòn đi, sau chỉ còn có cái xác không mà thôi. Ấy là chính lúc Nho-giáo cực thịnh, tức là lúc bắt đầu suy vậy,

Về sau các học-giả lại thiên về mặt khoa cử, tuy nói là chủ lấy Nho-giáo làm cốt, song chỉ chuyên-trị về đường từ chương thi phú, gây thành cái học hư-văn. Mãi đến thế-kỷ thứ XI và XII sau Tây-lịch kỷ-nguyên, bọn Tống-nho vì có cái ảnh-hưởng Lão-học và Phật-học, mới đem cái tinh-thần Nho-giáo mà phát-huy ra. Nhưng tập-tục đã lâu đời, cái lưu-tệ vẫn không bỏ đi được, và bọn Tống-nho lại thường hay câu-nệ về những tiểu-tiết, thành thử cái tôn-chỉ của Nho-giáo cứ sai lầm mãi. Tuy vậy, bọn Tống-nho cũng đã vãn-hồi được ít nhiều cái tinh-thần của Nho-giáo cũ, nhưng sau cái thời-đại trung-hưng ấy, Nho-giáo qua sang đời Minh, đời Thanh, lại kết thành một thứ vỏ khô, cứng-cỏi hơn trước. Bởi thế cái tinh-thần lại càng suy nhược lắm nữa.

Đến nay thời cục biến-đổi, cái thế lực tân-học mạnh lên, lòng người thiên về đường trí xảo, tình-cảm càng ngày càng đơn bạc, văn-hóa vật chất cực thịnh, Nho-giáo tự-hồ cái nhà cũ đã hẩm nát hết cả, động đến là đổ bẹp xuống. Đó là cái lỗi của bọn Nho-học không biết theo đúng cái tôn-chỉ của Khổng-tử, phải tùy thời mà biến-đổi cho hợp lẽ tự-nhiên, cho nên mới thành ra cái kết-quả tồi-tụy như ngày nay. Giả sử ta biết nhận cái lỗi ấy, rồi tìm cách mà sửa đổi lại cho hợp thời, thì biết đâu sau này Nho-giáo dung-hòa với khoa-học, lại không thành ra cái học có giá-trị lắm hay sao?

Dẫu thế nào mặc lòng, có một điều là ai đã hiểu tường-tận cái tôn-chỉ Nho-giáo, thì cũng phải công-nhận là một đạo rất cao-minh của nhân loại đã phát-huy ra từ xa đến nay. Tuy rằng người ta đem thi-hành ra không được hoàn-toàn, có nhiều người hiểu lầm, song ai đã tấm-tắc cái tinh-thần, thì cũng có cái nhân-cách tôn-quí đặc-biệt, khác hẳn người thường.

Đó là việc sau này ta sẽ xét rõ theo từng thời-đại. Nay hãy nói qua cái tôn-chỉ của Nho-giáo để độc-giả biết cái đại-cương. Vì có biết cái tôn-chỉ của Nho-giáo sở-chủ về lẽ gì, thì sau xem các mục, các tiết, mới biết rõ được các manh mối vậy.

  1. Mạnh-tử: Ly-lâu hạ.