Nho giáo/Quyển III/Thiên I

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

NHO-GIÁO

QUYỂN III

THIÊN I

HÁN ĐƯỜNG THỜI-ĐẠI

NHO-GIÁO ĐỜI LƯỠNG-HÁN
(202 trước Tây-lịch — 220 sau Tây-lịch

I. — TÌNH-TRẠNG NHO-GIÁO ĐỜI HÁN

Từ đời Mạnh-tử trở đi, Nho-giáo cùng ngang thế-lực với Lão-giáo và Mặc-giáo, rồi đến cuối đời Chiến-quốc, hình-danh-học hay pháp-học hưng-thịnh lên, các nhà có quyền-thế khuynh-hướng về mặt pháp-luật và khinh-bỉ bọn nho-học, thành-thử Nho-giáo mới phải một độ trung-suy. Đến đời Tây-Hán, Nho-giáo mới dần dần tiến lên, có đủ thế-lực át được cả các học-phái khác, và chiếm được cái địa-vị nhất-tôn trong xã-hội Tàu. Kế đến đời Đông-Hán, thì Nho-giáo cực thịnh, không những là những người Nho-học đều được trọng dụng ở Triều-đình, mà đến chỗ dân-gian đâu đâu cũng tôn-sùng Nho-giáo.

Tuy nhiên Nho-học ở đời Lưỡng-Hán bề ngoài thì thật thịnh, mà bề trong thì kém đời trước nhiều. Vì sự học thủa ấy chỉ chú-trọng ở lối huấn-hỗ và lối từ-chương mà thôi. Lối huấn-hỗ tuy có cái lợi làm cho nghĩa sách sáng rõ ra, nhưng lại chỉ chăm chăm ở từng câu, từng chữ, mà bỏ mất cái ý nghĩa hoằng-đại. Bởi thế cho nên trong thời ấy không có mấy người học quán-xuyến được cái đạo thâm-viễn của thánh hiền. Cũng vì thế mà Nho-học thủa ấy có phần hoành-bác hơn đời xưa, nhưng lại kém phần uyên-thâm. Đó là cái đặc-sắc của Hán-nho vậy.

Tình-thế Nho-giáo lúc Hán sơ. — Nhà Tần mất rồi, trong nước có hai người nổi lên tranh nhau, là Hán-vương Lưu Bang và Tây-Sở-vương Hạng Vũ. Hai người đánh nhau trong năm năm, sau Hán-vương diệt được Tây-Sở, thống nhất thiên-hạ, rồi lên ngôi hoàng-đế, tức là vua Cao-tổ nhà Hán.

Vua Cao-tổ khi mới khởi lên, còn quen cái thói thủa ấy, hay khinh-bỉ những người nho-học, hơi có việc gì trái ý, thì mắng-nhiếc, gọi là bọn thụ-nho, thậm chí có khi vứt cả mũ của bọn nho-sinh xuống đất và lại làm cho ô-uế thêm nữa. Cao-tổ thường mắng Lục Giả rằng: « Nãi công cư mã thượng nhi đắc thiên-hạ, an sự Thi Thư 乃 公 居 馬 上 而 得 天 下,安 事 詩 書: Ta ngồi trên mình ngựa mà được thiên-hạ, sao phải học Thi Thư ». Tuy vậy, vua Cao-tổ là người có tài trí, biết phân-biệt hiền ngu, cho nên bọn bác-sĩ cũ nhà Tần như Thúc-tôn Thông và bọn nho-sinh như Lục Giả và Lịch Tự-Cơ theo giúp được nhiều việc. Nhất là khi thiên-hạ mới định xong, những người tướng tá phần nhiều là quan võ, vào chỗ triều-đường thường hay tranh cướp nhau ồn-ào, không có kỷ-cương gì cả. Lúc ấy Thúc-tôn Thông mới lục phép-tắc của đời cổ mà đặt ra triều nghi, làm cho tôn-nghiêm ngôi vua và trên dưới có trật-tự. Vua Cao-tổ biết rằng mình có thể ngồi trên mình ngựa mà lấy được thiên-hạ, nhưng không thể ngồi trên mình ngựa mà trị được thiên-hạ, cho nên khi ngài đi qua nước Lỗ, lấy lễ thái-lao tế Khổng-tử. Lệ nhà vua tế Khổng-tử khởi đầu từ đó.

Thủa ấy bọn nho-sinh khỏi được cái khổ đời nhà Tần, nhưng vẫn chưa có thế-lực gì mấy, vì các học-phái khác như Mặc-học, Lão-học và pháp-học còn đang mạnh. Phái Mặc-học thì bỏ mất phần triết-lý và khoa-học mà thiên về mặt nghĩa-hiệp, có bọn hiệp-sĩ làm đại-biểu. Phái Lão-học thì bỏ mất phần siêu-việt của họ Lão họ Trang mà theo phái thần tiên, gọi là cái học Hoàng Lão[1], có bọn phương-sĩ làm đại-biểu. Phái pháp-học là bọn pháp-lại, dẫu lúc ấy không được như đời nhà Tần nữa, song còn được trọng-dụng ở đời. Những học-phái ấy đều tranh nhau chiếm giữ quyền-thế. Vả lúc đầu đời nhà Hán những người có địa-vị trọng-yếu ở triều-đình như Tiêu Hà là chân đao-bút-lại xuất thân; Tào Tham và Trần Bình thuộc về phái Hoàng Lão, đều nối nhau làm tể-tướng giữ triều chính. Bọn nho-học thì chỉ có mấy người giữ chức cố-vấn mà thôi. Ấy là tình-thế của các học-phái lúc Hán sơ là thế.

Sự thắng-lợi của Nho-giáo. — Bởi lẽ gì mà cách ít lâu về sau, Nho-học thịnh hành lên được? Xét ra có mấy cái nguyên-nhân làm cho Nho-học được thịnh đạt. Trước hết là do sự sùng-thượng của nhà vua, vì trong cái chính-thể quân-chủ, hễ nhà vua đã sùng-thượng học-thuyết nào, thì cái học-thuyết ấy có thế-lực. Sau là bởi cái tinh-thần của Nho-học, tuy có phần uyên-thâm, nhưng vẫn giản-dị và thiết-thực, thích-hợp với cái tính-cách của nhân-chúng. Còn các học-phái khác tựu trung cũng có điều khả thủ, nhưng cái chủ-nghĩa, hoặc hoang-đường quá, hoặc lưu-đãng quá, thành ra không có cái cơ-sở vững bền. Xem như phái hiệp-sĩ rất thịnh ở cuối đời Chiến-quốc, tuy có cái đức tốt chống kẻ mạnh, giúp kẻ yếu, nhưng lại ngang-ngạnh hay làm những điều trái phép, thành thử đến khi trong nước đã yên-trị, việc gì cũng có khuôn-phép và trật-tự, thì phái ấy tất phải suy-đồi đi. Phái Hoàng Lão lúc đầu được nhà vua trọng-dụng, nhưng cái tôn-chỉ chủ ở sự thanh-tĩnh vô-vi, không thích-hợp với sự thực ở đời, cho nên khi nhà vua đã không ưa nữa, thì cũng không tiến-hành được. Phái pháp-học thì có phần thiết-thực hơn, nhưng lại chỉ chú-trọng sự công-dụng thiển-cận, ít khi nghĩ đến chỗ sâu xa, thành ra cái lợi tuy có, song không được bền.

Phái Nho-học kể vào quãng cuối đời Chiến-quốc thì đã suy lắm, các học-giả có nhiều người hay câu-nệ về những điều lễ nghĩa hẹp-hòi, và lại có tính nhu-tốn và phiền-phức, cho nên thường bị khinh-bỉ. Tuy nhiên Nho-học vốn có cái chủ-nghĩa rõ-ràng và cái căn-bản vững-vàng, rất lợi cho đời yên-trị, cho nên không những là nhà vua phải trọng-dụng, mà đến chỗ dân-gian ai cũng tôn-sùng. Những người nho-học ai đã có phần sở đắc, thì cũng trầm-tĩnh, kiên-nhẫn, gây nên cái tiềm-lực rất mạnh. Bởi vậy về sau nhân-tài lũ lượt dấy lên, rồi cố đem bày tỏ cái chủ-nghĩa rất tôn-nghiêm, làm cho Nho-giáo thịnh lên. Đó là cái mãnh-lực ở trong của Nho-giáo vẫn có sẵn, cho nên đến khi gặp được cái cơ-hội ở ngoài giúp cho, thì sự thắng-lợi rất dễ vậy.

Cái cơ-hội ấy lúc đầu còn có sự khó-khăn, nhưng sau gặp ông vua có uy-quyền và quả-quyết tôn-sùng Nho-giáo, thì không còn có ngại trở gì nữa. Sự khó-khăn lúc đầu là khi vua Cao-tổ (202-193) mới định xong thiên-hạ, việc chiến-tranh chưa hết hẳn, vậy nên sự cấm học tuy không nghiêm-ngặt như đời nhà Tần, nhưng cái lệnh cấm học vẫn chưa bỏ. Đến đời vua Huệ-đế (194-187) mới trừ cái luật cấm cắp sách đi học, rồi đến đời vua Văn-đế (179-157) mới đặt quan bác-sĩ. Song đến đời vua Cảnh-đế (156-141) lại bị bà Đậu Thái hậu thích cái học Hoàng Lão làm cho những người nho-học phải nhượng bộ. Trong khoảng hơn sáu-mươi năm đầu đời nhà Hán, Nho-học lúc tiến lúc thoái, phải chống giữ với các học-phái khác.

Kế đến vua Vũ-đế nhà Hán, là ông vua có hùng-tài đại-lược và lại sùng-thượng Nho-học. Năm Kiến-nguyên nguyên-niên (140 trước Tây-lịch) ngài lên ngôi, liền xuống chiếu tuyển-cử những người hiền-lương, phương-chính, rồi tự mình ra bài sách cho những kẻ sĩ đã trúng-cử làm. Trong những kẻ sĩ ấy có Đổng trọng Thư ba lần dâng bài đối-sách, đại ý nói rằng nên mở nhà thái-học để huấn-luyện kẻ sĩ trong thiên-hạ, và xin biểu-chương lục-nghệ, bài truất bách gia, phàm cái gì không phải ở trong khoa lục nghệ là bỏ hết.

Lúc ấy tể-tướng là Vệ Quán tâu xin bãi những người trúng-cử hiền-lương đã chuyên-trị cái học của họ Thân, họ Hàn, họ Tô, họ Trương, cho là những cái học ấy làm loạn chính-trị của nước. Vũ-đế ưng cho.

Vũ-đế lại theo lời đối-sách của Đổng trọng Thư đặt quan ngũ-kinh bác-sĩ và năm-mươi đệ tử để học các kinh, bắt các châu quận mở nhà học nhà hiệu và tuyển-cử những người mậu-tài và hiếu-liêm Ấy là mối khoa-cử khởi đầu từ đó. Đời bấy giờ những người nho-học như Công-tôn Hoằng được cất lên làm tể-tướng, như Tư-mã Tương-Như và Tư-mã Thiên đều nổi tiếng là nhà văn-học và nhà sử-học trứ-danh. Từ đó về sau các học-phái khác tuy hãy còn, nhưng không có thế-lực gì mấy nữa, mà Nho-học thì thành ra quốc-giáo chiếm giữ cái địa-vị nhất-tôn trong xã-hội vậy.

Sự mở-mang Nho-học. — Từ đời vua Vũ-đế nhà Tây-Hán, sự học Nho-giáo càng ngày càng thịnh. Ở chỗ kinh-sư thì nhà vua đặt quan bác-sĩ để dạy năm kinh, và đặt bác-sĩ đệ-tử để chuyên học các kinh. Số bác-sĩ đệ-tử đến đời vua Thành-đế (32-7) tăng lên đến 3.000 người. Kịp khi Vương Mãng cầm quyền, ý muốn thu-phục nhân tâm, cho nên mới mở nhà Minh-đường, nhà Tích-ung, nhà Linh-đài và làm ra hàng vạn gian nhà để cho học-sinh ở.

Đến đời Đông-Hán, vua Quang-vũ trung-hưng lên, đem đô về đóng ở Lạc-dương, lại sửa nhà Thái-học, lập nhà Tích-ung và nhà Minh-đường. Năm Vĩnh-bình thứ hai (56 sau Tây-lịch), vua Minh-đế thân đến xem xét ở nhà Tích-ung, có khi vua đến nhà Minh-đường mà giảng sách, cho chư-nho đến vấn nạn nhau ở trước mặt vua. Vua Chương-đế (76-88) cho chư-nho đến ở Bạch-hổ-quán để xét lại năm kinh. Vào quãng năm Bản-sơ (146) đời vua Chất-đế, những du-học-sinh ở đất kinh-đô có đến hơn 30.000 người. Kể từ xưa Nho-học không bao giờ thịnh như thế.

Ở các châu quận, thì lúc Hán sơ vào quãng đời vua Cảnh-đế, có những thân-vương như Hà-nam Hiến-vương, Lưu-Đức, rất sùng Nho-giáo, hết sức sưu-tầm những sách cổ; Hoài-nam-vương, Lưu-An, tuy sùng Lão-học, song các nho-giả ở đất Sơn-đông cũng theo về rất nhiều. Trong đời vua Cảnh-đế lại có Văn Ông làm thái-thú ở đất Thục, mở nhà học nhà hiệu ở Thành-đô để dạy dân. Về sau vua Vũ-đế mới bắt các châu quận mở nhà học nhà hiệu khắp cả mọi nơi. Đến cuối đời nhà Tây-Hán, tức là vào quãng đầu Tây-lịch kỷ-nguyên, thì không những là ở châu quận có nhà học nhà hiệu, mà đến các hương-ấp cũng có nhà tường nhà tự. Ở nhà học nhà hiệu thì học các kinh, ở nhà tường nhà tự thì học sách Hiếu-kinh.

Cách tuyển cử. — Cách tuyển-cử ở đời Lưỡng-Hán chia ra làm ba hạng: một là hiền-lương, phương-chính 賢 良,方 正; hai là hiếu-liêm 孝 廉; ba là bác-sĩ đệ-tử, hay là mậu-tài 茂 才. Phép tuyền-cử thì ở các châu quận cứ theo nhân số nhiều ít mà cử lên:

Chỗ 10 vạn người trở xuống, thì ba năm cử một người.

Chỗ 20 vạn người trở xuống, thì hai năm cử một người.

Chỗ 20 vạn người trở lên, thì mỗi năm cử một người.

Chỗ 40 vạn người trở lên, thì mỗi năm cử hai người.

Chỗ 60 vạn người trở lên, thì mỗi năm cử ba người.

Chỗ 80 vạn người trở lên, thì mỗi năm cử bốn người.

Cho 100 vạn người trở lên, thì mỗi năm cử năm người.

Chỗ 120 vạn người trở lên, thì mỗi năm cử sáu người.

Cái số ấy định làm lệ như thế, song chỗ nào không có người giỏi, thì thôi. Ai đã cử người nào là phải chịu trách-nhiệm. Hễ người ứng-cử mà không xứng-đáng, hoặc làm gì bậy, thì người bảo-cử phải chịu tội.

Sử gia đời Đông-Hán là Ban Cố 班 固 chép rằng: « Từ khi vua Vũ-đế lập quan bác-sĩ coi năm kinh, đặt chức đệ-tử-viên giảng các khoa, thi văn sách, lấy quan-lộc mà khuyến-khích kẻ học-giả, đến năm Nguyên-thủy đời vua Bình-đế (1-5) kể hơn một trăm năm, những người truyền nghiệp học thịnh dần lên, phân ra chi nọ ngành kia rất nhiều. Một kinh giảng đến hơn trăm vạn lời. Những danh-sư có đến hơn nghìn người. Vì là con đường lợi-lộc khiến như thế vậy ». Ấy là nói Nho-học đời Tây-Hán là thế. Đến đời Đông-Hán (25-220), thì Nho-học lại thịnh hơn nữa. Trong triều ngoài dã, đâu đâu cũng sùng thượng Nho-học, và gây thành cái nền văn-hóa rất thịnh ở đời Hán vậy.

II. — HUẤN-HỖ-HỌC

Nguyên lúc Hán sơ, sách vở mất-mát đi, các học-giả đều chuyên-chú tìm những chỗ sai, chỗ mất, hoặc phải định nghĩa từng chữ, từng câu, cho nên mới thành cái học huấn-hỗ 訓 詁.

Học huấn-hỗ gồm cả sự kinh-học và cái thuyết tai-dị, gây thành cái tinh-thần đặc-biệt của Hán-học.

Từ đời Vũ-đế nhà Hán trở đi, các học-giả học theo những kinh của bọn bác-sĩ nhà Tần truyền lại, gọi là kim-văn 今 文. Ngay đời bấy giờ có Lỗ-cung-vương là con Cảnh-đế, tìm thấy một bộ kinh Thư viết bằng cổ-văn, ở trong vách nhà cũ của Khổng-tử. Lúc ấy có Khổng An-Quốc là cháu 12 đời Khổng-tử, đem so với bộ kinh Thư kim-văn, mà soạn lại bộ sách ấy. Từ đó kinh-học thành ra hai phái: kim-văn 今 文 và cổ-văn 古 文. Phái cổ-văn tuy đến cuối đời nhà Tây-Hán lại có bọn Lưu Hâm 劉 歆 đặt ra Thi cổ-văn, Lễ cổ-văn, Xuân-thu cổ-văn, nhưng chư nho cho là những sấch ấy giả dối không phải đích-xác nguyên-văn của đời cổ. Vậy nên phái cổ-văn không thịnh-hành ở đời Lưỡng-Hán. Về sau đến đời Tam-Quốc, Lục-Triều và đời Tùy, Đường, phái ấy mới có thế lực át được phái kim-văn.

Học kim-văn hay cổ-văn đều theo lối học huấn-hỗ cả. Những người học huấn-hỗ trứ-danh hơn cả ở đời Tây-Hán, thì có Khổng An-Quốc 孔 安 國, và ở đời Đông-Hán thì có Mã Dung 馬 融 và Trịnh Huyền 鄭 玄 tức là Trịnh Khang-thành 鄭 康 成.

Những nhà dạy kinh thủa ấy mỗi người dạy một lối. Ai dạy lối nào, thì thầy trò lưu-truyền cho nhau mãi mãi, lập thành ra môn-phái riêng. Ở đời Đông-Hán có người dạy học-trò đông đến năm bảy nghìn người, hoặc đến hàng vạn người. Song phần nhiều các học-giả chỉ bo bo ở chỗ chương-cú, chuộng sự phồn-hoa, chứ không mấy người học về đường tu trí luyện đức. Tuy nhiên Hán-nho rất có công với sự học về việc làm cho hậu-thế biết rõ cái chế-độ và văn-vật đời Tam-Đại, và định rõ nghĩa các sách vở của Nho-giáo, để hậu-nho theo đó mà học-tập. Song cũng vì Hán-nho mà có cái tục thủ-cựu và nệ-cổ, gây thành cái thông-tệ cho học-giả đời sau vậy.

Nho-học đời Lưỡng-Hán lấy kinh Xuân-thu làm cốt. Phàm sự tin-tưởng và sự chính-trị, việc gì cũng lấy nghĩa sách Xuân-thu mà định phải trái. Ngoài sách Xuân-thu và các kinh ra, đại để học-giả theo cái học thượng-lễ và nhất-tôn của Tuân-tử, hơn là theo cái tâm-học của Mạnh-tử. Các học-giả đời Hán lại hay thiên về những điều tai-dị.

Đã cho tai-dị quan-hệ đến việc người, thì hơi có việc gì cũng lấy âm dương ngũ hành mà xét-đoán. Bởi vậy đời Đông-Hán rất tin sấm-vĩ. Sử chép rằng: Vua Quang-vũ dùng người và làm việc chính-trị, cứ lấy sấm-văn mà quyết. Tin như thế, thành ra sự mê-tín không hợp với nghĩa lý nữa.

Hán-học đã có cái mê-tín ấy và lại chỉ chăm chăm ở chỗ tầm chương trích cú, tìm cái nghĩa vụn-vặt từng chữ, bỏ mất cái ý thâm-viễn hoằng-đại của thánh hiền, cho nên về đường đạo-lý càng ngày càng kém đi. Bởi vậy có nhà luận-giả nói rằng: « Tai-dị làm loạn mất cái nghĩa, huấn-hỗ làm loạn mất lời nói ». Cũng vì thế mà Nho-học đời Hán xa cái đạo của thánh-nhân. Ấy là một sự biến-tướng của Nho-giáo trong đời Hán vậy.

Sự kết-quả của Hán nho. — Hán nho tuy theo không đúng cái tôn-chỉ của Khổng-học, nhưng nhờ có sự kinh-học mà sau thành ra cái học trọng danh-tiết rất thịnh ở đời Đông-Hán. Lương Khải-Siêu làm sách Trung-quốc học-thuật tư-tưởng biến-thiên sử, xét đến cái kết-quả của Hán nho, nói rất phải: « Hán nho vốn lấy cái danh-giáo làm mục-đích, cho nên rèn tập liêm-sỉ phương-trực và sùng-thượng danh-tiết, lấy đó làm cái gốc công đức và tư đức. Vua Vũ-đế tuy có biểu-chương lục nghệ, nho sư rất nhiều, nhưng cái nghĩa ấy vẫn chưa thịnh-hành. Cho nên khi Vương Mãng cầm quyền, những kẻ gian-nịnh ca-tụng khắp cả thiên-hạ. Vua Quang-vũ biết rõ cái thói xấu ấy mới tôn-sùng tiết-nghĩa, đôn-đốc mài dũa cái danh-tiết, lấy bốn chữ: « Kinh minh hạnh tu 經 明 行 修: sáng nghĩa kinh sửa cái hạnh », nghĩa là lấy sự có học có hạnh, để làm tiêu-chuẩn cho sự tiến thoái của sĩ-lâm. Bởi vậy trong khoảng hai trăm năm đời Đông-Hán, những điều gọi là nho-hạnh, thấm-thía vào xã-hội, dần dần thành phong-tục. Đến cuối đời Đông-Hán, triều chính mờ-đục, quốc sự càng ngày càng dở, bọn danh sĩ bị vạ đảng-cố[2], hoặc người độc hành, đều thực-tiễn những điều nhân nghĩa, bỏ mình không đổi cái tiết. Đời loạn mà người giỏi vẫn có nhiều. Người nhường tước, kẻ nhường của, sách sử chép không xuể. Có người ở xa nghìn dặm, kíp đến cứu bạn, hoặc có người nối gót nhau đến phạm oai vua mà can ngăn. Luận-giả cho là: Sau đời Tam-Đại cái phong tục hay không bao giờ hơn đời Đông-Hán »,

Sách Nam-sử của Lý Diên-Thọ 李 延 壽 chép truyện Nam-triều, trong đời Nam Bắc Triều nói rằng: « Ở đời Hán, kẻ sĩ vụ lấy việc tu thân, cho nên trung hiếu thành tục, đến những kẻ quí-hiển không bởi đó thì không có lối nào khác nữa ».

Cố Đình Lâm 顧 亭 林, tức là Cố Viêm-Võ 顧 炎 武, một nhà danh-nho cuối đời Minh và đầu đời Thanh, chép trong sách Nhật-tri-lục 日 知 錄 nói về đời Hán rằng: « Ai có danh-vong thì vua dùng, cho nên người trung-chính liêm-khiết được hiển vinh ở đời; ai bỏ mất danh-vọng thì vua không dùng, những kẻ cậy xa-xỉ tham lợi, thì ở nhà suốt đời, không ai biết đến. Thế mà cũng có một vài bọn giả dối, nhưng còn hơn để thả rong cho người ta ngang-tàng làm điều lợi ». Có chỗ ông lại nói rằng: « Tuy không khiến được người trong thiên-hạ lấy nghĩa làm lợi, nhưng còn khiến được lấy danh làm lợi ».

Xem vậy, thì biết danh-tiết thật là cái kết-quả rất hay của bọn nho-học đời Đông-Hán. Nhờ có cái kết-quả ấy, cho nên mới định được dân chí, và giữ được cái phận vua tôi rất vững bền. Phạm Úy Tôn 范 蔚 宗 tức là Phạm Việp 范 曄, đời Nam-Tống (Nam Bắc Triều) làm bộ Hậu-hán-thư, nói ở thiên Nho-lâm-truyện-luận rằng: « Khoảng Linh-đế và Hoàn-đế nhà Đông-Hán, quân đạo nhiều điều xấu-xa. Kỷ-cương trong triều càng ngày càng hư-hỏng, cái nền nước vỡ-lở, từ kẻ trung-trí trở xuống chẳng ai là chẳng biết nước sắp mất, thế mà những người bầy tôi quyền cường vẫn phải bỏ cái mưu làm sự thoán-đoạt, bậc hào-tuấn chịu khuất giữ cái nghĩa làm kẻ bỉ-sinh ». Ông lại nói ở thiên Tá hùng-truyện-luận rằng: « Sở dĩ nghiêng mà chưa đổ, lún mà không nát, há lại không phải là cái tâm lực của nhân-nhân quân-tử hay sao? » Đó thật là nhờ cái kết-quả về cái học trọng danh-tiết vậy.

Từ đời Hán về sau cho đến hiện thời, kể hàng hai nghìn năm nay, người Tàu vẫn lấy cái học ấy làm trung-tâm điểm cho sự giáo-dục của quốc-dân. Khi cái nghĩa lý đã thấm-thía vào lòng người ta, những người có học-hạnh thường phải bỏ mình ở trong cái phạm-vi danh-giáo. Ấy là cái học của Nho-giáo đời Hán, dẫu không hoàn-toàn thực-hành được cái đạo của thánh hiền, vì so với cái tôn-chỉ thuần-túy của Khổng-giáo đã kém đi nhiều, nhưng cũng còn gây được cái phong-khí rất hay ở trong xã-hội.

Xét kỹ ra, Hán nho có một điều lầm lớn, là từ vua Hán Vũ-đế trở đi, Nho-giáo thành ra cái học-thuyết nhất-tôn, làm cho nhân trí bởi đó mà không tiến-hóa được. Theo cái công-lệ thì bất cứ việc gì, hễ muốn có tiến-hóa tất phải có cạnh-tranh, có so-sánh, rồi cái hay mới hay hơn lên, mà cái dở mới mất dần đi. Nếu chỉ để một cái riêng giữ thế-lực, mà đè nén hết cả, thì cái thần-diệu của thiên-diễn không có nữa. Việc học-thuyết cũng vậy, khi người ta đã bãi truất hết cả các học-thuyết khác, chỉ tôn-sùng có một mà thôi, thì dẫu cái học-thuyết ấy hay thế nào rồi cũng hóa dở. Vì rằng nhân trí mà không có cái ngoại-lực kích-thích làm cho nó phải cố gắng để tiến lên, theo cho đúng sự lưu-hành biến-hóa của thiên-lý, thì dần dần tất là phải ứ-trệ, lâu thành ra hủ bại vậy.

Đạo của Khổng-tử là muốn: « Vạn vật tịnh dục nhi bất tương hại, đạo tịnh hành nhi bất tương bội » chứ không muốn nhất-tôn. Đó là vì Hán nho theo cái học của Tuân-tử mà làm trái cái tôn-chỉ của Khổng-học. Cái lỗi ấy Hán nho không từ chối được vậy.

III. — NHỮNG SÁCH CỦA HÁN NHO

Những sách của các nho-giả đời Hán làm ra, nói về Nho-học là:

Tân-ngữ 新 語 của Lục Giả 陸 賈
Tân-thư 新 書 của Giả Nghị 賈 誼
Xuân-thu phồn-lộ của Đổng trọng Thư
春 秋 繁 露 董 仲 舒
Diêm-thiết-luận của Hoàn Khoan
鹽 鐵 論 桓 寛
Thuyết uyển 說 菀 của Lưu Hướng 劉 向
Tân-tự 新 序
Thái-huyền 太 玄 của Dương Hùng 楊 雄
Pháp-ngôn 法 言
Luận-hành 論 衡 của Vương Sung 王 充
Tiềm-phu-luận của Vương Phù
潛 夫 論 王 符
Thân-giám 申 鑑 của Tuân Duyệt 荀 悅
Trung-kinh 忠 經 của Mã Dung 馬 融
Trung-luận 中 論 của Từ Cán 徐 幹

Những sách ấy phần nhiều là chỉ nói về đạo-đức và chính-trị, chứ không có mấy quyển có tư-tưởng đặc-biệt.

  1. Hoàng-đế và Lão-Tử. Phái này chuyên trị cái thuật tu luyện để cầu sự tràng sinh.
  2. Cuối đời Đông-Hán, việc triều-chính rối loạn, Lý Ưng 李 膺 và Trần Phồn 陳 蕃 cùng với những danh-sĩ trong nước gây thành thanh-nghị rất kịch-liệt, lấy lời trung-trực mà bẻ bắt những người đương-lộ. Những kẻ hào-cường và những công khanh trong triều, ai cũng sợ cái thanh-nghị của bọn ấy. Thủa bấy giờ bọn hoạn-quan mưu sự chuyên quyền mới xui người vu cáo bọn Lý Ưng lập đảng để phỉ-báng triều-đình. Vua Hoàn-đế bắt bọn Lý Ưng hơn hai trăm người cấm-cố chung thân, gọi là «đảng-cố 黨 錮 ».

    Bọn Lý Ưng tuy phải cấm-cố, nhưng thanh danh càng cao, thiên-hạ ai cũng trong, đến khi vua Hoàn-đế mất, vua Linh đế lên ngôi, dùng Đậu Võ àm đại-tướng-quân và bọn Lý Ưng, Trần Phồn, làm quan. Trần Phồn mưu với Đậu Võ để giết hoạn-quan, chẳng may sự không thành, đều bị giết đến hơn một trăm người. Hoạn-quan lại bắt giết những danh-sĩ đồng chí với Lý Ưng đến sau bảy trăm người. Sử gọi là: «đảng cố chi họa 黨 錮 之 禍 ».