Nho giáo/Quyển III/Thiên II-2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

ĐỔNG TRỌNG THƯ

Đổng trọng-Thư 董 仲 舒 là một nhà nho-học có tiếng ở đời Tây-Hán. Ông người đất Quảng-xuyên, thuộc tỉnh Bắc-bình bây giờ, thủa trẻ học tập kinh Xuân-thu, hết sức tham-khảo các truyện để cầu lấy phần tinh-vi. Đến đời vua Cảnh-đế, ông làm chức bác-sĩ, buông màn ngồi đọc sách và giảng sách, học-trò ở ngoài màn cứ thứ đệ đến thụ-nghiệp, có kẻ không bao giờ trông thấy mặt. Ông dụng công học rất tinh cần. Sách chép rằng: có khi ba năm mắt ông không ngó ra ngoài vườn. Ông thực-tiễn những điều lễ nghĩa, tiến thoái cử-chỉ, hễ điều gì trái lễ là không làm. Vậy nên những học sĩ thời ấy đều tôn-kính ông là thầy.

Thiên nhân tam sách. — Năm vua Vũ-đế lên ngôi xuống chiếu tuyển cử những người hiền-lương, phương-chính. Ông được trúng cử rồi làm ba bài đối-sách, hậu-thế gọi là: « Thiên nhân tam sách 天 人 三 策 ». Bài đầu đại lược nói rằng:

« Tôi xem quãng trời đất và người quan-hệ với nhau rất đáng sợ vậy. Khi quốc-gia sắp bị hư-hỏng về sự mất đạo. Trời đem tai-biến để trách bảo. Đã trách bảo mà người không biết tự xét, Trời lại đem quái-dị để làm cho sợ hãi. Thế mà người vẫn không biết đổi, thì sự bại vong mới đến. Lấy đó mà xem, thì thấy rõ lòng Trời đối với đấng quân-nhân vẫn có lòng nhân-ái, mà muốn trước ngăn sự loạn vậy. Trừ ra những đời rất vô-đạo, còn thì lòng Trời đều muốn phù-trì mà an-toàn cho cả. Cái việc của người ứng lại với lòng Trời, cốt ở hai chữ « cường miễn » mà thôi. Cường là mạnh-mẽ; miễn là cố gắng. Cường miễn về sự học-vấn thì nghe và thấy rộng, mà biết càng sáng; cường miễn về sự hành-đạo, thì được tiến thêm mà thành công to, ấy đều có thể kéo lại những cái sắp mất, noi đến được những chỗ chưa đến, mà có thành-hiệu lập-tức vậy. Đạo là cái đường theo đó mà thích-hợp với sự trị vậy; nhân nghĩa lễ nhạc đều là cái khí-cụ sẵn của sự trị vậy. Cho nên đấng thánh-vương đã mất, mà con cháu được an-ninh lâu dài đến vài trăm năm, đều là cái công của lễ nhạc giáo hóa vậy. Đạo nhà Chu suy ở đời vua U vua Lệ, không phải là đạo mất, chỉ vì vua U vua Lệ không biết theo đạo vậy. Đến đời vua Tuyên-vương nhớ đến công-đức tiên-vương đời trước, dấy lại những điều bỏ, sửa lại những điều tệ, làm cho sáng cái công-nghiệp của vua Văn vua Vũ, đạo nhà Chu lại rực-rỡ dấy lên. Cho nên trị hay loạn, phế hay hưng là bởi người, chứ không phải là trời đã định ra số mệnh mà không đổi lại được. Tôi nghe: mệnh là cái lệnh của Trời, tính là cái chất của sự sinh, tình là cái dục của người. Hoặc sống lâu hay chết non, hoặc nhân-hậu hay bỉ-bạc đều theo ở trong cái khuôn mà thành ra, chứ không phải là có hoàn-toàn sẵn bao giờ. Cho nên vua Nghiêu vua Thuấn làm điều đức, thì dân nhân-hậu mà sống lâu, vua Kiệt vua Trụ làm điều bạo ngược, thì dân bỉ-bạc mà chết non. Người trên hóa người dưới, người dưới theo người trên, giống như đất ở trong khuôn bởi tay người nặn, loài kim ở trong lò bởi tay người đúc, thế chính là cái nghĩa của câu: « Tuy chi tư lai, động chi tư hòa 綏 之 斯 來,動 之 斯 和 ». Vậy đấng vương-giả khi muốn làm cái gì nên tìm cái manh-mối ở Trời. Cái to nhất của đạo Trời là âm dương. Dương là đức, âm là hình. Hình chủ về sự sát, đức chủ về sự sinh, cho nên dương thường ở vào mùa hạ, cốt để sinh dục, trưởng dưỡng muôn vật; âm ở vào mùa đông, thu tàng không dùng đến. Thế đủ rõ Trời dùng đức không dùng hình vậy. Đấng vương-giả noi ý Trời để làm việc, cho nên dùng đức giáo, không dùng hình; hình không có thể dùng để trị đời, cũng như khí âm không có thể làm nên một năm vậy. Nay bỏ chức quan coi đức-giáo của tiên-vương, chỉ dùng những kẻ lại chấp pháp, mà muốn đức-giáo khắp bốn bể thì thật là khó vậy. Làm đấng nhân-quân chính lòng của mình trước, để chính triều-đình; chính triều-đình, để chính trăm quan; chính trăm quan để chính muôn dân; chính muôn dân để chính bốn phương. Bốn phương đã chính thì xa gần không đâu là không chính, mà tà-khí không có thể chen lấn vào chỗ nào được. Bởi thế âm dương đều mà mưa gió thuận thời, quần sinh hòa mà muôn vật sinh-sản nhiều. Những vật phúc, những điều hay đều đến cả. Nay bệ-hạ đức hạnh cao mà ân-trạch hậu, biết sáng mà ý đẹp, thương dân mà mến kẻ sĩ, thật là một vua giỏi, thế mà trời đất chưa ứng, điềm tốt chưa đến, là bởi giáo-hóa chưa dựng, mà muôn dân chưa chính vậy. Muôn dân theo về điều lợi cũng như nước chảy xuống chỗ thấp, nếu không đề-phòng bằng giáo-hóa, thì không sao ngăn được. Vương-giả đời xưa biết lẽ ấy cho nên ngảnh mặt về đằng nam mà trị thiên-hạ, lấy giáo-hóa làm việc to, đặt nhà thái-học để dạy cả nước, đặt nhà tường nhà tự để dạy chỗ thôn ấp, thấm-thía dân bằng nhân, mài dũa dân bằng nghĩa, tiết-chế dân bằng lễ, cho nên hình-phạt rất nhẹ mà không ai phạm phép, là vì giáo-hóa lưu-hành, mà phong-tục tốt vậy. Khi bậc thánh-vương nối sau đời loạn, thì quét sạch những dấu cũ mà bỏ đi hết cả, rồi sửa-sang giáo-hóa mà làm cho tôn-sùng hưng-khởi thêm lên, ví như đàn cầm đàn sắt không kêu thì phải tháo ra mà lên dây lại mới có thể gảy được, làm việc chính-trị mà gặp phải cái chính-trị không thể thi-hành được, thì phải đổi đi mà sửa lại mới có thể trị được. Đời xưa có câu rằng: « Đến vực mà khen cá, thì không bằng trở về mà kết lưới ». Nay đến việc chính mà muốn cho trị, thì không bằng lui mà đổi lại giáo-hóa. Giáo-hóa đổi thì có thể thiện-trị. Thiện-trị thì tai hại mỗi ngày một lui, phúc lộc mỗi ngày một đến, cho nên được chịu phúc của Trời mà đức khắp cả quần-sinh vậy ».

Vũ-đế xem bài đối sách ấy rồi, ra bài sách khác. Đổng trọng Thư làm bài thứ hai, đại lược nói rằng:

« Tôi nghe: thánh-vương trị thiên-hạ, người nhỏ thì cho luyện-tập sự học, người lớn thì tùy tài mà dùng, tước lộc để nuôi kẻ có đức, hình phạt để răn kẻ ác, cho nên dân hiểu lễ nghĩa, mà lấy sự phạm-thượng làm xấu hổ. Nay bệ-hạ gồm có cả thiên-hạ, trong bốn bể đều phục theo, thế mà công đức chưa khắp đến trăm họ, là vì lòng vua chưa cố gắng vậy. Tăng-tử nói rằng: « Tôn trọng cái nghe của mình thì cao-minh, thi-hành cái biết của mình thì chính-đại. » Cao minh chính đại không bởi ở đâu, chỉ cốt lòng mình cố để ý đến mà thôi. Xin bệ-hạ dùng hết những cái đã nghe đã biết, đem bụng thành-thực mà thi-hành, thì có khác gì ba đời Vương ngày trước. Bệ-hạ khuya ngủ sớm dạy, cốt để cầu hiền cũng là cách dụng tâm của vua Nghiêu vua Thuấn, nhưng vẫn chưa được người hiền, là vì ở trên cầu hiền vốn không lấy gì làm sốt-sắng vậy. Phàm không nuôi kẻ sĩ mà muốn cầu hiền, khác nào như không mài ngọc, mà muốn ngọc đẹp vậy. Cho nên muốn nuôi kẻ sĩ không gì cần bằng lập nhà thái-học. Nhà thái-học là một chỗ quan-hệ đến hiền tài trong nước, mà là cái bản-nguyên của sự giáo-hóa vậy. Xin lập nhà thái-học, chọn thầy giỏi để dạy kẻ sĩ trong nước, thường xét hỏi để biết kẻ có tài, thế thì có thể được người anh-tuấn mà dùng. Quận-thú và huyện-lệnh là chức sư-súy của dân cốt để vâng ân-huệ và tuyên giáo-hóa cho dân. Chức sư-súy không hiền, thì đức vua không tuyên-bá, và ân-trạch không khắp, đến nỗi âm dương sai lẫn, tà khí đầy lấp, quần-sinh ít thỏa, lê-dân chưa yên. Đời xưa người làm quan xứng chức, không phải là nhiều ngày lâu năm. Kẻ tiểu-tài dẫu dùng lâu ngày cũng chỉ ở quan nhỏ, còn bậc hiền-tài dẫu chưa dùng lâu, song có thể dùng làm phụ-tá được ngay. Bởi thế kẻ hữu-ti cố sức, chăm làm sự-nghiệp của mình, mong cho có thành-công. Nay thì không thế, chứa ngày để thăng chức nhỏ lên chức lớn, cho nên liêm-sỉ mậu-loạn, hiền phủ hỗn-độn, là bởi chưa được cái chân-thực vậy. Tôi trộm nghĩ nên bắt liệt-hầu và quận-thú, chọn trong kẻ lại người dân, ai hiền thì mỗi năm tiến lên hai người, để làm túc-vệ, vả nhân đó để biết tài-năng của các đại-thần, ai tiến người hiền thì được thưởng, ai tiến người không hiền thì phải phạt. Làm như thế thì các chư-hầu cùng các quan nhị-thiên-thạch đều hết sức cố tìm người hiền, và kẻ sĩ giỏi trong thiên-hạ có thể được làm quan để giúp việc vậy. Lại không nên lấy ngày tháng lâu chóng làm công-trạng, cốt xét thực lấy người hiền năng là hơn, lượng tài mà trao cho quan-chức, chọn người có đức mà định ngôi thứ, thế thì liêm-sỉ khác đường, hiền phủ không lẫn-lộn vậy. »

Vũ-đế lại ra bài sách thứ ba, Đổng trọng Thư làm bài đối sách, đại lược nói rằng:

« Tôi nghe: trời là tổ của muôn vật, cho nên che chở bao bọc khắp mọi nơi; thánh vương bắt-chước. Trời mà lập đạo, cũng phổ-ái mà không thiên-tư. Mùa xuân là mùa sinh muôn vật của Trời, lòng nhân là lòng yêu muôn vật của vua; mùa hạ là mùa trưởng-thành muôn vật của Trời, đức là nuôi muôn vật của vua; sương lạnh là Trời dùng để túc-sái muôn vật, hình phạt là vua dùng để trừng-phạt muôn dân. Xem thế thì cái trưng-triệu của Trời và người là cái đạo của cổ kim vậy. Lệnh Trời gọi là mệnh, mệnh không phải thánh-nhân thì không thi-hành được; chất-phác gọi là tính, tính không phải có giáo hóa thì không nên; nhân-dục gọi là tính, tình không có chế-độ, không tiết-chế được. Cho nên đấng vương-giả nên cẩn-thận noi ý Trời để thuận mệnh, dưới chăm dạy dân để nên tính hay; chính cái thích-nghi của pháp-độ, biệt cái thứ-tự của trên dưới để phòng nhân-dục. Sửa được ba điều ấy thì cái đại bản cất lên vậy. Người chịu mệnh của Trời vốn siêu-nhiên hơn các loài sinh, cho nên Khổng-tử nói rằng: « Tính của trời đất, người quí hơn cả ». Người có hiểu rõ thiên-tính, biết tự mình là quí hơn muôn vật rồi mới biết nhân nghĩa, biết nhân nghĩa rồi mới biết trọng lễ tiết, trọng lễ tiết rồi mới ăn-ở theo điều thiện, ăn-ở theo điều thiện rồi mới vui theo lễ nhạc, vui theo lễ nhạc rồi mới gọi được là quân-tử.

« Tôi lại nghe: góp ít thành nhiều, chứa nhỏ nên lớn, cho nên thánh-nhân đều theo từ cái tối đến cái sáng, từ cái mờ đến cái rõ. Lời nói bởi mình nói ra, không thể dấu được; việc làm bởi mình làm ra, không thể che được. Ngôn hành quan-hệ một phần lớn ở trong việc trị, người quân-tử có thể lấy ngôn hành mà làm chuyển-động cả trời đất vậy. Cho nên góp hết cái nhỏ là lớn, cẩn-thận chỗ vi-tế là rõ-rệt; chứa cái thiện ở thân, cũng như người mỗi ngày một lớn dần mà không biết; chứa cái ác ở thân, cũng như lửa đốt hao dầu mà không trông thấy. Vì thế mà nhà Đường nhà Ngu sở dĩ được lệnh-danh, vua Kiệt vua Trụ sở dĩ làm cho người ta run sợ vậy. Phàm cái gì có thể làm cho người ta vui mà không loạn, theo mãi mà không chán, gọi là đạo. Đã gọi là đạo thì muôn đời không bao giờ có tệ, khi nào có tệ, là sai với đạo vậy. Đạo của Tam-Vương tổ-thuật không giống nhau, không phải là trái nhau, vì là cứu dật phù suy, gặp phải cuộc biến xui nên như vậy. Cho nên vương-giả có cái danh là cải-chế, mà không có cái thực là biến đạo. Nhà Hạ chuộng trung, nhà Ân chuộng kính, nhà Chu chuộng văn, vì cách chửng-cứu của đời nọ nối đời kia phải dùng thế mới được. Cái gốc lớn của đạo là ở Trời mà ra, Trời không đổi thì đạo cũng không đổi, bởi thế vua Vũ nối vua Thuấn, vua Thuấn nối vua Nghiêu, ba bậc thánh cùng nối nhau giữ một đạo, không có cái chính-trị phải cứu-tệ vậy. Bởi đó mà xem, nối đời trị thì đạo giống nhau, nối đời loạn thì đạo khác nhau. Nay nhà Hán nối sau đời đại loạn, tưởng nên bớt ít cái văn của nhà Chu, dùng thêm cái trung của nhà Hạ. Ôi! Thiên-hạ đời xưa cũng là thiên-hạ đời nay, cũng một thiên-hạ, thế mà lấy đời xưa so với đời nay, làm sao lại xa cách nhau lắm thế. Ý giả có điều gì sai với đạo cổ chăng? Có điều gì trái với lý Trời chăng? Trời phú cho muôn vật, cũng có chia ra từng loài mà cho: cho có răng-nanh thì bỏ sừng, cho có cánh thì chỉ cho có hai chân, thế là cho phần to thì không được lấy cái nhỏ. Đời xưa những người nào được ăn lộc thì không được dùng sức mà làm việc riêng, không được hành-động mà kiếm lợi, thế cũng là đồng ý với Trời vậy. Nếu thân được vinh-sủng mà ở ngôi cao, nhà được no ấm mà ăn lộc hậu, lại nhân cái thế-lực phú-quí để tranh lợi với dân, thì dân mỗi ngày một mòn sút, dần đến đại cùng, chết còn không tránh, tránh sao được tội. Bởi thế hình-phạt thêm nhiều mà gian-tà cũng lắm vậy. Công-Nghi-tử làm tướng nước Lỗ, thấy nhà mình dệt lụa, thấy vườn mình trồng rau quí, giận mà nói rằng: « Ta đã ăn lộc lại cướp cả những lợi của người thợ dệt và người làm vườn hay sao? » Hiền-nhân quân-tử đời xưa ở ngôi cao đều thế cả. Cho nên kẻ ở dưới cho cái nết ấy làm cao mà theo lời dạy, người dân hóa với cái tính liêm ấy mà không tham-bỉ. Vậy biết rằng: há lại ở ngôi hiền-nhân mà làm việc kẻ thứ nhân hay sao. Ôi! Chăm-chăm cầu tài lợi, thường lo thiếu-thốn là cái chí của kẻ thứ-dân; chăm-chăm cầu nhân nghĩa, chỉ lo không hóa được dân, là cái chí của kẻ đại-phu. Kinh Dịch nói rằng: « Vác đồ mà ngồi trên xe, thì trộm cướp đến ngay ». Nghĩa là nói ở ngôi quân-tử mà làm việc kẻ thứ-dân thì họa-hoạn đến ngay vậy. Muốn ở ngôi qnân-tử mà làm việc người quân-tử, nếu lại bỏ cái cách của Công-Nghi-tử làm tướng nước Lỗ, thì không còn có cách nào hơn nữa. Kinh Xuân-thu lấy nghĩa nhất-thống làm to, là cái thường kinh của trời đất, cái thông nghĩa của xưa nay vậy. Nay mỗi thầy dậy một đạo, mỗi người bàn một lời, trăm nhà khác phương-thuật, chỉ-ý không giống nhau. Bởi thế, trên không lấy gì giữ mực nhất-thống, pháp-chế thường đổi, dưới không biết theo về đâu. Tôi trộm nghĩ: những cái gì không thuộc vào khoa lục nghệ và học thuật của Khổng-tử là đều trừ tuyệt cả, không tịnh tiến. Những cái học-thuyết tà-tích thôi hết, nhiên-hậu thống-kỷ mới hợp nhất, mà pháp-độ mới rõ-rệt, dân mới biết chỗ mà theo vậy ».

Vũ-đế khen lời đối là phải, cho Đổng trọng Thư làm chức phụ-tướng giúp Dịch-vương trị đất Giang-đô. Dịch-vương là anh Vũ-đế, tính rất kiêu-căng và thích sự vũ-dũng. Đổng trọng Thư đem lễ nghĩa khuyên bảo, Dịch-vương rất lấy làm kính-trọng.

Đổng trọng Thư là người liêm-khiết chính-trực. Thời bấy giờ có Công-tôn Hoằng cũng đọc sách Xuân-thu, nhưng hay chiều đời để dụng sự, được làm chức Tể-tướng và được phong tước hầu. Ông cho Hoằng a-dua nịnh đời, là kẻ có tội với sách Xuân-thu. Hoằng ghét ông lắm, tìm cách làm hại. Nhân có Giao-tây-vương cũng là anh Vũ-đế, tính rất rông-dài càn-rỡ, thường hay giết những quan lại, Hoằng bèn tâu xin Vũ-đế cho ông ra làm tướng giúp Giao-tây-vương, có ý để Giao-tây-vương giết đi, không ngờ vương vẫn nghe tiếng ông là người hiền, xử-đãi rất trọng-hậu. Nhưng ông ở lâu sợ bị tội, bèn cáo bệnh giải chức về nhà.

Ông làm tướng giúp hai kiêu-vương, lúc nào cũng chính mính mà sai khiến kẻ dưới, ở đâu cũng được yên trị. Kịp khi từ chức trở về, không hỏi đến sản-nghiệp trong nhà, chỉ chăm lo việc giảng học và làm sách. Triều-đình có việc gì quan-trọng thường sai sứ đến tận nhà bàn hỏi, ông tấu đối điều gì cũng có bằng cứ rõ-ràng.

Những sách của Đổng trọng Thư làm ra về sau mất-mát đi, hiện nay có quyển Xuân-thu phồn-lộ và quyển Đổng-tử văn-tập truyền ở đời.

Xuân-thu phồn-lộ. — Sách Xuân-thu phồn-lộ 春 秋 繁 露 không phải là tên sách của Đổng trọng Thư đặt như thế. Theo Hán-thư thì ông làm nhiều sách, gọi là Ngọc-bôi, Phồn-lộ, Thanh-minh, Trúc-lâm v. v. hơn mười quyển. Những sách ấy về sau thất-lạc đi, đến đời Tùy, Đường, chư nho mới góp nhặt lại, gọi gồm tất cả là Xuân-thu phồn-lộ. Song xem sách ấy thấy nhiều đoạn là của người đời sau thêm vào. Tuy nhiên ta có thể xem đó mà nói là cái học của ông chủ ở sách Xuân-thu, lấy việc trị thiên-hạ làm cốt-yếu. Vì sách ấy nói về cái chủ-nghĩa tôn-quân quyền, chính danh phận, định thị phi. Từ đời Hán về sau, việc chính-trị ở nước Tàu và ở các nước theo văn-minh Tàu đều theo cái chủ-nghĩa ấy, mà các nhà học-giả thường cũng chuyên-chú cả về mặt ấy.

Đổng trọng Thư theo cái vi ý trong sách Xuân-thu, công-nhận cái quan-niệm thiên-nhân tương dữ, nghĩa là Trời và người quan-hệ với nhau, nhưng ông lại khuynh-hướng về cái chủ-nghĩa thần-quyền và quyết chắc rằng việc gì sẩy ra ở đời là cũng do ý Trời định cả, thành thử cái học của ông hình như gần cái học của Mặc-tử. Bởi ông có sự tin-tưởng như thế, cho nên ông thường lấy âm dương và ngũ hành mà giải-thích những hiện-tượng ở đời.

Qnan-niệm về Trời và người — Theo cái học của ông, thì người ta sinh ra là gốc ở Trời, Trời là tổ của người. Đây không phải là nói cái nghĩa hình-nhi-thượng, cho Trời là cái lý làm chủ-tể cả vũ-trụ, nhưng nói cái nghĩa hình-nhi-hạ, như ông sinh ra cha, cha sinh ra con vậy. Ông nói rằng: « Phụ giả tử chi thiên giã, thiên giả phụ chi thiên giã. Vô thiên nhi sinh vị chi hữu giã. Thiên giả vạn vật chi tổ, vạn vật phi thiên bất sinh 父 者 子 之 天 也,天 者 父 之 天 也.無 天 而 生 未 之 有 也. 天 者 萬 物 之 祖,萬 物 非 天 不 生: Cha là Trời của con, Trời là Trời của cha. Không có Trời mà sinh là chưa có vậy. Trời là tổ của vạn vật, vạn vật không có Trời không sinh » (Thuận-mệnh LXX). Ông cho Trời và người là một dòng-dõi, một khí-huyết, cho nên nói rằng: « Vi sinh bất năng vi nhân; vi nhân giả thiên giã. Nhân chi vi nhân bản ư thiên, thiên diệc nhân chi tằng tổ phụ giã 爲 生 不 能 爲 人;爲 人 者 天 也.人 之 爲 人 本 於 天,天 亦 人 之 曾 祖 父 也: Sinh ra không thể làm người được, làm người là hoàn-toàn như Trời vậy. Người mà làm người là gốc ở Trời, Trời cũng là cụ, ông, cha của người vậy » (Vi-nhân-giả-thiên, XLI).

Người có cái địa-vị tôn-quí hơn cả là bậc vương-giả. Vương-giả là người đứng giữa tham-tán quán-thông cả trời đất và người, cho nên nói rằng: « Đời xưa đặt chữ vẽ ba vạch và sổ một cái ở giữa là chữ vương 王. Ba cái vạch ngang là biểu-thị Trời, đất và người, cái sổ ở giữa là biểu-thị cái ý tham thông ba bậc ấy » (Vương-đạo thông tam, XLIV). Bậc vương-giả có cái địa-vị quan-trọng như thế và lại có cái trách-nhiệm rất lớn, không những là đối với người mà thôi, nhưng đối với cả trời đất nữa, cho nên người làm vua phải thận-trọng mà giữ ngôi mình cho xứng-đáng. Bậc nhân-quân một đằng là tham dữ với trời đất, một đằng làm cái khu-cơ, nghĩa là cái then cái máy để phát động sự hành-vi trong nước. Cái khu-cơ mà sai một hào ly thì mọi việc hư-hỏng cả. Vậy nên kẻ nhân-quân cần phải « Cẩn-bản, tường thủy, kính tiểu, thận vi 謹 本,詳 始,敬 小,慎 微: Cẩn cái gốc, rõ cái mối đầu, kính cái nhỏ, thận cái không rõ » (Lập-nguyên-thần, XIX).

Sùng bản. — Phàm việc gì cũng cần phải có gốc có ngọn, người làm vua trị nước phải lấy sự sùng bản làm trọng. Sùng bản nghĩa là sùng thượng cái gốc. Bởi vậy mới nói rằng: « Phù vi quốc kỳ hóa mạc đại ư sùng bản. Sùng bản tắc quân hóa nhược thần, bất sùng bản tắc quân vô dĩ kiêm nhân; vô dĩ kiêm nhân tuy tuấn hình trọng tru nhi dân bất tòng, thị sở vị khu quốc nhi khí chi giả giã 夫 爲 國 其 化 莫 大 於 崇 本.崇 本 則 君 化 若 神,不 崇 本 則 君 無 以 兼 人無 以 兼 人 雖 峻 刑 重 誅 而 民 不 從,是 所 謂 驅 國 而 棄 之 者 也: Phàm làm việc nước thì sự hóa người ta không gì lớn bằng sùng bản. Sùng bản thì việc hóa người của vua nhanh như thần, không sùng bản thì vua không lấy gì mà gồm trị được người; không lấy gì mà gồm trị được người, thì dẫu hình-pháp cực nghiêm, chém giết cực nhiều, nhưng dân cũng không theo, ấy là đem nước mà bỏ đi vậy ». — « Cái gốc ở đâu? Trời đất và người là gốc của muôn vật. Trời sinh, đất nuôi, người thành-tựu. Trời lấy hiếu đễ mà sinh, đất lấy ăn mặc mà nuôi, người lấy lễ nhạc mà thành-tựu. Ba điều ấy hợp thành một thể, hễ thiếu một điều là không được. Không có hiếu đễ thì không có cái để sinh, không có ăn mặc thì không có cái để nuôi, không có lễ nhạc thì không có thể thành-tựu. Nếu ba cái ấy mất cả, thì dân hóa ra như đàn hươu nai, cha không khiến được con, vua không khiến được tôi, dẫu có thành-quách cũng như không vậy... Bởi thế bậc minh-chủ hiền-quân phải lập giao-tự để thờ Trời và tổ-tiên, làm cho rõ việc hiếu đễ, ấy là phụng thờ thiên bản; cầm cày cày ruộng, hái dâu nuôi tằm, nhặt cỏ bón lúa, mở mang ruộng đất để cho đủ đồ ăn mặc, ấy là phụng thờ địa bản; lập nhà tích-ung và nhà tường nhà tự, sửa việc hiếu đễ kính nhượng, làm cho sáng sự giáo-hóa, lấy lễ nhạc mà cảm nhân chúng, ấy là phụng thờ nhân bản » (Lập-nguyên-thần, XIX). Những điều ấy có ý nghĩa rất sâu xa, quan-hệ đến việc chính-trị rất mật-thiết, cho nên vương-giả không dám bỏ trễ vậy.

Tính tình và tâm. — Bởi chưng phải phụng thờ nhân bản, cho nên việc trị cần phải chú trọng sự giáo-hóa. Tại sao có sự giáo-hóa? Tại cái tính của người phải có giáo-hóa mới thiện được. Đổng trọng Thư cho Mạnh-tử nói tính thiện là lầm, vì hiểu cái danh không đúng. Ông nói rằng « Cái danh do cái thực mà sinh ra, không phải cái thực, thì không thể lấy làm danh được. Danh là cái của thánh-nhân lấy để gọi cho chúng cái thực của vật. Cái danh để mà nói là có cái thực ở đó. Cho nên các điều lờ-mờ mà đem trở lại cho đúng cái thực, thì cái lờ-mờ lại thành ra sáng rõ. Muốn xét cái cong cái thẳng, thì không gì bằng dùng cái dây; muốn xét cái phải, cái trái, thì không gì bằng dùng cái danh. Lấy cái danh để xét phải trái, cũng như lấy dây mà xét thẳng cong vậy. Xét cái danh cái thực, xem sự hợp sự ly thì biết việc phải việc trái không thể hàm-hồ được. Đời nay không hiểu rõ cái tính, cho nên mỗi người nói một khác. Sao không thử đem cái danh mà so với cái tính... Cái tư-chất tự-nhiên của sự sinh, gọi là tính. Vậy tính là chất. Xét cái chất của tính với cái danh của tính xem có đúng không? Nếu đã không đúng, mà lại còn bảo cái chất là thiện, là tại sao? Cái danh của tính không lìa được cái chất, lìa được cái chất không phải là tính nữa... Cái để sửa các cái ác ở trong, khiến nó không phát ra ngoài, là cái tâm. Cho nên cái tâm mà thành danh là ở sự sửa vậy. Nếu người ta chịu cái khí, mà không có điều ác, thì cái tâm còn có sửa cái gì nữa?... Ta lấy cái danh của tâm, để được cái thành-thực của người. Cái thành-thực của người có cái tham và cái nhân. Hai cái khí tham và nhân ở thân. Cái danh chữ thân 身 lấy ở chữ thiên[1]. Thiên có khí âm khí dương, thân có tính tham tính nhân. Thiên có cái cấm ở âm dương, mà thân có sự sửa ở tình dục. Sửa và cấm đều là một đạo vậy. Cấm sự hành-động của âm, không được phạm vào mùa xuân, mùa hạ, cái sáng của mặt trăng thường phải lúc khuyết lúc tròn, đó là cái cấm của Trời như thế, sao cái thân lại không bớt cái dục mà khiến cái tình, để ứng với Trời? Cái gì Trời cấm thì thân cấm, cho nên nói rằng: Thân cũng như thiên. Cấm cái Trời cấm, không phải là cấm Trời vậy. Như thế thì biết rằng cái thiên-tính không có sự giáo-huấn, thì không sửa được. Xét cái thực để làm danh, thì trong khi không có giáo-huấn, cái tính cớ sao được thế, nghĩa là cớ sao gọi là thiện được? Cho nên tính ví như cây lúa, thiện ví như hột gạo. Hột gạo ở trong cây lúa, mà cây lúa vẫn chưa toàn là hột gạo. Thiện ở trong cái tính, mà tính chưa toàn là thiện. Thiện và gạo là của người nối Trời mà thành ra ở ngoài, chứ không phải ở trong cái của Trời làm ra. Cái của Trời làm ra có chỗ đến mà thôi. Cái thôi ở trong, gọi là thiên tính, cái thôi ở ngoài, gọi là nhân sự... Nay cái tính của vạn dân có cái chất mà chưa có cái biết rõ, ví như mắt nhắm tối mờ, chờ tỉnh ra rồi có dạy thì sau mới thiện. Còn lúc chưa tỉnh, thì không thể gọi là thiện được. So với mắt lúc nhắm mờ-mịt và lúc tỉnh biết, cùng là một lệ. Ta tĩnh tâm và thong-thả mà xét, thì hiểu rõ điều đó. Tính và lúc nhắm mắt là việc Trời làm vậy. Bắt-chước việc Trời làm, mà khởi cái danh-hiệu lên, cho nên gọi là dân. Chữ dân[2] nói cho phải nghĩa cũng như chữ minh 瞑. Theo cái danh-hiệu mà vào đến lý, thì rõ được nghĩa. Ấy việc chính danh-hiệu là ở trời đất. Cái mà trời đất sinh ra gọi là tính tình. Tính tình cùng với minh là một. Tính cũng là tình. Bảo tính đã thiện, cái tình thì sao? Cho nên thánh-nhân không nói tính thiện, sợ vướng cái danh vậy. Cái thân có tính tình cũng giống như trời có âm dương vậy. Nói cái chất của người mà không có cái tình, cũng như nói khí dương của Trời mà không có khí âm vậy. Luận cho đến cùng, thì không lúc nào chịu là phải vậy. Đặt danh cho tính thì không lấy cái trên, không lấy cái dưới, lấy cái giữa mà đặt danh. Tính như con kén, như cái trứng. Trứng đợi ấp rồi mới nở ra con, kén đợi ươm rồi mới thành tơ, tính đợi dạy rồi mới thiện, thế gọi là chân-thiên 真 天. Trời sinh ra dân, cho cái tính có thiện chất mà chưa có thể thiện được, rồi vì dân mà lập ra vua để làm cho thiện, ấy là ý Trời vậy. Dân chịu cái tính chưa thiện của Trời rồi sau chịu sự giáo-huấn của vua. Vua lấy sự vâng ý Trời mà thành cái tình của dân, làm cái trách-nhiệm của mình. Nay ai xét cái chất thực của tính mà bảo tính của dân đã thiện, ấy là mất cái ý của Trời mà bỏ cái trách-nhiệm của vua. Nếu cho cái tính của dân đã thiện, thì bậc vương-giả chịu mệnh Trời, còn có trách-nhiệm gì nữa. Bởi đặt danh không chính, cho nên bỏ cái trọng-nhiệm mà trái cái mệnh lớn, không phải là lời nói để làm khuôn phép... Nay cái tính của vạn dân đợi cái ngoại giáo rồi mới có thể thiện, thì thiện đi với giáo mà không đi với tính. Đi với tính thì có nhiều cái vướng mà không tinh, tự nó thành công lấy mà không có thánh hiền. Ấy là sự lầm của những bậc trưởng-giả ở đời, chứ không phải là cái thuật dùng lời trong sách Xuân-thu, không phải là lời nói để làm khuôn phép, và cái thuyết không có chứng nghiệm. Hoặc có kẻ nói rằng: tính có thiện đoan, tâm có thiện chất, thì sao lại không phải là thiện? Ứng lại rằng: kén có tơ mà kén không phải là tơ, trứng có con mà trứng không phải là con... Tính có thiện đoan, động đến là yêu cha mẹ hơn loài cầm thú thì gọi là thiện, ấy là cái thiện của Mạnh-tử. Theo tam cương, ngũ thường, và suốt cái lý của bát đoan, trung tín mà bác ái, đôn hậu mà hiếu lễ mới gọi là thiện, ấy là cái thiện của thánh-nhân. Cho nên Khổng-tử nói rằng: « Thiện-nhân, ta không được thấy vậy. Được thấy người có bụng thường là khả vậy. » Bởi đó mà xem, cái mà thánh-nhân chưa cho là thiện, thì chưa dễ đương được vậy. Không phải là thiện hơn cầm thú mà gọi là thiện được. Nếu động đến cái mối mà thiện hơn cầm thú, bảo là thiện, thì thiện sao lại không thấy? Phàm cái thiện hơn cầm thú mà chưa được gọi là thiện, cũng như thảo mộc mà không được gọi là có trí. Cái tính của vạn dân thiện hơn cầm thú, mà không được danh là thiện, thì biết rằng cái danh thiện là lấy ở thánh-nhân. Cái mà thánh-nhân đã đặt ra, thiên-hạ lấy làm chính. Chính buổi sáng buổi tối thì xem sao bắc-thần. chính cái hiềm-nghi thì xem thánh-nhân. Thánh-nhân cho là cái đời không có vương-giả, cái dân không có giáo-hóa, không đương được cái thiện. Cái thiện khó đương như thế mà bảo cái tính của vạn dân đều đương được là quá vậy. So với cái tính của cầm thú, thì cái tính của vạn dân thiện; so với cái thiện của nhân đạo, thì cái tính của vạn dân không kịp vậy. Cái tính của vạn dân thiện hơn cầm thú thì cho là được, nhưng so với cái mà thánh-nhân gọi là thiện thì không được. Ta so cái mệnh tính thì khác với Mạnh-tử. Mạnh-tử so xuống với sự làm của cầm thú, cho nên nói bản-tính đã thiện. Ta so lên với điều của thánh-nhân cho là thiện, cho nên nói tính chưa thiện. Cái thiện cao hơn cái tính, thánh-nhân cao hơn cái thiện. Sách Xuân-thu cho cái nguyên 元 là lớn, cho nên cẩn-thận ở sự chính-danh. Danh không phải là khởi đầu, thì làm thế nào bảo là chưa thiện hay đã thiện được » (Thân-sát danh-hiệu, XXXV).

Đổng trọng Thư lại nói rằng: « Cái tính của thánh-nhân, không dám gọi là tính, cái tính của cái đấu cái sọt cũng không gọi là tính được. Tính là nói cái tính của hạng trung-dân... Cái tính ấy phải đợi có giáo-huấn rồi dần dần mới thiện được. Vậy thiện là do sự giáo-huấn mà thành ra, chứ không phải tự cái chất-phác mà đến được... Tính là cái phác-thực của thiện-chất, thiện là sự hóa của vương-giáo. Không có cái chất phác thì vương-giáo không hóa được, không có vương-giáo thì cái chất phác không thể hiện ra được... Bởi cái danh không chính, cho nên không chịu vậy » (Thực-tính, XXXVI).

Nhân nghĩa. — Đổng trọng Thư lấy danh thực mà bác cái thuyết của Mạnh-tử, không nhận tính của người là thiện, và ông lại cho ý Trời sinh người ra phú cho cái chất để làm điều thiện, bởi vậy mới sinh ra thánh-nhân để theo ý Trời mà dạy người những điều nhân nghĩa. Ông viện cái nghĩa trong sách Xuân-thu mà nói rằng: « Thiên chi vi nhân tính mệnh, sử hành nhân nghĩa nhi tu khả sỉ, phi nhược điểu thú nhiên, cẩu vi sinh, cẩu vi lợi nhi dĩ 天 之 爲 人 性 命,使 行 仁 義 而 羞 可 恥,非 若 鳥 獸 然,苟 爲 生,苟 爲 利 而 已: Trời làm ra cái tính mệnh của người, khiến làm điều nhân nghĩa, mà biết thẹn điều đáng thẹn, không phải như giống chim muông, cẩu-thả cầu lấy sống, cẩu-thả cầu lấy lợi mà thôi » (Trúc-lâm, III).

Nhân và nghĩa là thế nào? Đổng trọng Thư sở cứ vào cái nghĩa trong sách Xuân-thu và theo cái gốc nguyên thủy của chữ nhân 仁 và chữ nghĩa 義 mà bàn, cho nên ông nói rằng: « Cái trị của sách Xuân-thu là người với ta vậy. Cái mà để trị người với ta là nhân và nghĩa. Lấy nhân mà yêu người, lấy nghĩa mà chính mình ta. Cho nên chữ nhân mà thành tiếng nói là người vậy, chữ nghĩa mà thành tiếng nói là ta vậy... Mọi người không xét, bèn phản lại, lấy nhân làm sự khoan-khoái, lấy nghĩa mà xử với người, làm lầm cái chỗ, mà trái cái lý, như thế mà không loạn là có ít vậy. Bởi thế lấy sách Xuân thu làm khuôn phép cho nhân nghĩa. Cái khuôn phép của chữ nhân là ở sự yêu người, không ở sự yêu thân ta; cái khuôn phép của chữ nghĩa là ở sự chính thân ta, không ở sự chính người. Đối với thân ta mà ta không tự chính, thì dẫu có chính được người cũng không cho là nghĩa; đối với người mà người không được nhờ cái ơn, thì dẫu ta tự ái rất hậu, cũng không cho là nhân » (Nhân-nghĩa, XXIX).

Cái thuyết của Đổng trọng Thư tuy có căn-cứ và phương-pháp, nhưng cái nghĩa chữ nhân hẹp lại, không được rộng-rãi như cái nghĩa của Khổng-tử và Mạnh-tử đã dùng. Vả lại, phàm những ý nghĩa của các văn-từ thường hay thay đổi tùy cách lập ngôn và cách định nghĩa của thánh hiền. Nếu ta cứ lấy cái nghĩa thái-cổ mà nói rằng về sau thánh hiền đều dùng như thế cả, thì e không đạt được cái học của thánh hiền. Khổng-tử nói rằng: « Từ đạt nhi dĩ hĩ 辭 達 而 已 矣: Lời nói cốt được rõ cái ý thì thôi » (Luận-ngữ, Vệ Linh-công, XV). Câu ấy chính là cái ý của Ngài không muốn người ta nệ về văn-từ mà bỏ mất nghĩa lý. Thiết tưởng đây là một điều sở kiến của Đổng trọng Thư mà thôi, chứ vị tất đã đúng cái nghĩa của thánh hiền.

Nghĩa và lợi. — Đổng trọng Thư cho Trời sinh ra người, đã phú cho cái tính, tuy chưa là thiện, nhưng đã có cái mối ưa điều nghĩa, cho nên ông nói rằng: « Phàm nhân chi tính, mạc bất thiện nghĩa, nhiên nhi bất năng nghĩa giả, lợi bại chi giã. Cố quân-tử chung nhật ngôn bất cập lợi, dục dĩ vật ngôn, quí chi nhi dĩ 凡 人 之 性,莫 不 善 義,然 而 不 能 義 者,利 敗 之 也.故 君 子 終 日 言 不 及 利,欲 以 勿 言,愧 之 而 已: Phàm cái tính của người ta là sao chẳng ưa điều nghĩa, song không làm được điều nghĩa là cái lợi làm hỏng vậy. Cho nên quân-tử suốt ngày không nói đến điều lợi, muốn không nói đến, là cho làm xấu đó mà thôi » (Ngọc-anh, IV).

Cái học của Đổng trọng Thư chủ lấy cái nghĩa làm trọng hơn cái lợi. Cho nên khi ông làm tướng giúp Địch-vương ở đất Giang-đô, Địch-vương[3] hỏi rằng: « Việt-vương Câu Tiễn cùng với các quan đại-phu là Văn Chủng và Phạm Lãi lo mưu đánh nước Ngô, rửa cái thẹn ở Cối-kê và lập nên nghiệp bá. Về sau Phạm Lãi bỏ đi, Văn Chủng thì chết, quả-nhân cho Việt-vương Câu Tiễn, Văn Chủng và Phạm Lãi là ba người nhân, ý ông thế nào? » — Đổng trọng Thư thưa rằng: « Ngày xưa vua nước Lỗ hỏi Liễu Hạ-Huệ về việc đánh nước Tề. Liễu Hạ-Huệ nói: Không nên. Đến lúc lui ra, mặt có sắc buồn, nói rằng: « Ta nghe: mưu việc đi đánh nước người, không hỏi đến người nhân, sao lại đem việc ấy hỏi ta ». Mới hỏi đến, mà đã lấy làm thẹn, huống chi lại cùng làm điều giả-dối để đánh nước Ngô hay sao? Như thế thì một người nhân, nước Việt cũng không có, sao lại có ba người nhân được. Phàm người nhân thì chính điều nghĩa chẳng mưu điều lợi, sáng cái đạo chẳng kể cái công (phù nhân nhân giả, chính kỳ nghị bất mưu kỳ lợi, minh kỳ đạo bất kế kỳ công 夫 仁 人 者,正 其 誼 不 謀 其 利,明 其 道 不 計 其 功)[4], làm sự vô vi mà tập tục hóa khắp cả, thì mới gọi là bậc nhân, bậc thánh vậy. Bậc Tam Vương là thế. Cái nghĩa kinh Xuân-thu là quí điều nghĩa, khinh điều dối. Dối người mà được, tuy có công, bậc quân-tử không làm vậy. Cho nên cửa đức Trọng-Ni đứa học-trò bé nhỏ nói đến năm đời Bá là lấy làm thẹn, vì những đời ấy dùng cái trá-lực mà thành công, làm việc cẩu-thả mà thôi, bởi vậy không xứng ở cửa bậc đại quân-tử ».

Hậu nho truyền tụng câu: « Chính kỳ nghị bất mưu kỳ lợi, minh kỳ đạo bất kế kỳ công », cho là rất có giá-trị. Song phải biết rằng Đổng trọng Thư không có ý bảo người ta không cần đến cái lợi, vì có cái lợi mới nuôi được thân, nhưng phải để cái nghĩa lên trên cái lợi. Ông nói rằng: « Trời sinh ra người, khiến người sống ở cái nghĩa và cái lợi. Lợi để nuôi thân-thể, nghĩa để nuôi cái tâm. Tâm không có nghĩa, không thể vui được. Nghĩa là cái nuôi của tâm, lợi là cái nuôi của thân-thể. Thân-thể không có gì quí bằng cái tâm, cho nên cái nuôi không gì quí bằng cái nghĩa. Cái nghĩa nuôi người ta sống, lớn hơn cái lợi. Sao mà biết? Nay có người lấy cái nghĩa làm lớn hơn, mà rất không có chút lợi nào cả, tuy bần và tiện cũng còn cho việc làm của mình là vinh mà lấy làm thích và vui về sự sống... Có người chỉ để bụng vào việc lợi mà không có chút nghĩa nào, tuy giàu và sang, thì cũng thẹn nhục về điều làm ác lớn. Cái ác mà sâu, thì cái họa-hoạn nặng, nếu không chết ngay thì cái tội cũng quanh-quẩn bên mình, thành ra vẫn lo sợ, không thể lấy sự sống làm vui, mà rồi cũng bị chém giết, ấy là cái dân chết non vậy. Thế thì người có nghĩa tuy nghèo mà có thể tự lạc được, và người không có nghĩa tuy giàu mà không giữ được thân. Ta xem đó thì biết thực rằng cái nghĩa nuôi sự sống của người, lớn hơn cái lợi, và hậu hơn của-cải. Người thường dân không thể biết được và hay làm trái lại, bỏ quên cái ý mà đắm-đuối ở cái tà, để hại thân, hại nhà. Như thế nếu không phải là những người ấy tự tính toán cho mình không hết lòng, thì là cái biết của họ không sáng rõ vậy. Nay cầm một nắm quả táo và một nắm vàng đưa cho đứa trẻ con, thì nó lấy táo mà không lấy vàng; hay là cầm một cân vàng với viên ngọc châu đáng giá nghìn vạn đưa cho một người quê mùa, thì người ấy lấy cân vàng mà không lấy viên ngọc. Cho nên vật đối với người, nhỏ thì dễ biết, lớn thì khó thấy. Cũng như lợi đối với người thì nhỏ, nghĩa đối với người thì lớn. Vậy thì không nên lấy làm lạ, khi người thường dân xu-hướng về lợi mà không xu-hướng về nghĩa, bởi cái mờ tối vậy. Việc của thánh-nhân là làm sáng cái nghĩa để soi rõ chỗ mờ tối của người ta, cho nên dân không hãm vào chỗ không hay » (Thân chi dưỡng trọng ư nghĩa, XXXI).

Thánh-nhân là người sáng-suốt, biết rõ việc nghĩa việc lợi, dạy bảo nhân-chúng, khiến cho mọi người đều được yên vui mà sinh-hoạt ở đời. Những bậc ấy cầm quyền chính-trị theo nghĩa mà định ra chế-độ, làm cho trên dưới phân-minh, giàu nghèo có trật-tự, trên không tàn-bạo, dưới không lo buồn. Đó là việc trọng-yếu trong việc trị.

Quan-niệm về chính-trị. — Đổng trọng Thư lấy ý nghĩa câu: « Bất hoạn bần nhi hoạn bất quân 不 患 貧 而 患 不 均: không lo nghèo mà lo không đều »[5] của Khổng-tử mà chủ-trương việc chính-trị. Ông nói rằng : « Giàu lớn thì kiêu, nghèo lớn thì lo. Lo thì sinh ra trộm cướp, kiêu thì làm điều tàn-bạo, ấy là cái tình thực của người ta vậy. Bậc thánh là nhân cái tình thực của nhân-chúng, thấy rõ cái chỗ bởi đâu mà sinh ra loạn, cho nên dựng ra nhân-đạo mà phân trên dưới, khiến kẻ giàu thì đủ lấy làm quí mà không kiêu, kẻ nghèo thì đủ nuôi sự sống mà không đến nỗi lo. Lấy đó làm độ mà phân cho đều, ấy là của không thiếu mà trên dưới được yên, cho nên dễ trị vậy. Đời nay bỏ cái chế-độ mà theo lòng muốn. Lòng muốn không có chỗ cùng, mà lại được rong-dài, thì cái thế không có chỗ cực. Người lớn ở trên thì lo không đủ, kẻ tiểu-dân ở dưới thì khổ-sở, thành ra người gian thì càng ngày càng tham lợi mà không chịu làm việc nghĩa, kẻ nghèo thì càng ngày càng phạm điều cấm mà không thể thôi được, ấy là đời khó trị vậy » (Chế-độ XXVII).

Đổng trọng Thư chủ-trương cái chính sách vương-đạo, trọng nghĩa hơn lợi, cầu lấy trong nước được an-lạc, hơn là cầu lấy phú-cường. Đó là chính hợp với cái chính-trị triết-lý của Nho-giáo.

Đại-để cái học của Đổng trọng Thư theo cái nghĩa trong sách Xuân-thu, có nhiều điều uyên-thâm, gây ra cái nền luân-lý cao-thượng và cái học chuộng danh-tiết ở đời Lưỡng-Hán. Ông lại hiểu rõ cái vi ý của Khổng-tử dùng thần-quyền mà hạn-chế cái thế-lực của nhân-quân. Nhưng vì cái học của ông có thiên về mặt âm dương tai dị, thành ra về sau có nhiều điều mê-tín, rất hại cho sự tiến-hóa vậy.

  1. Chữ thiên và chữ thân, người Tàu đọc hơi giống nhau.
  2. Chữ dân tiếng Tàu goimîn.
  3. Sách Xuân-thu phồn-lộ chép là Giao-tây-vương.
  4. Có bản chép là: « Nhân nhân giả chính kỳ đạo, bất mưu kỳ lợi, tu kỳ lý bất cấp kỳ công 仁 人 者 正 其 道 不 謀 其 利,修 其 理 不 急 其 功: Người nhân, chính cái đạo chẳng mưu cái lợi, sửa cai lẽ chẳng vội cái công.
  5. Câu này, sách Luận-ngữ chép: Bất hoạn quả nhi hoạn bất quân, bất hoạn bần nhi hoạn bất an 不 患 寡 而 患 不 均,不 患 貧 而 患 不 安. »