Nho giáo/Quyển III/Thiên II-3

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

II. — DƯƠNG HÙNG

Dương Hùng 楊 雄, tự là Tử-vân 子 雲, người ở Thành-đô, đất Thục, sinh vào quãng năm Cam-lộ (53 trước Tây-lịch) đời vua Tuyên-đế nhà Tây-Hán và mất vào quãng năm Thiên-phương (14-20) đời Vương Mãng nhà Tân, thọ được hơn 70 tuổi. Thủa nhỏ, ông hiếu-học, không theo lối chương-cú huấn-hỗ, thích tìm cái tư-tưởng sâu-xa. Ông ra làm quan cuối đời Tây-Hán đến chức hoàng-môn-lang, rồi sau lại làm chức đại-phu trong khi Vương Mãng làm vua.

Lúc đầu ông tập văn-học và ngôn-ngữ, đến khi tuổi đã già, ông chuyên trị triết-học, làm ra sách Thái-huyền 太 玄 để diễn cái nghĩa hình-nhi-thượng-học, và sách Pháp-ngôn 法 言 để nói cái nghĩa hình-nhi-hạ-học. Nhưng vì cách lập-ngôn của ông có ý cầu-kỳ, không được tự-nhiên, cho nên văn của ông rất khó hiểu. Cũng bởi thế mà nhiều người không phục, cho là ông muốn lập dị. Song xét kỹ cái học của ông, thì thật có phần rất uyên-thâm, tưởng trong đời Hán không ai hơn được vậy.

Thái-huyền. — Những nhà bàn đến sách Thái-huyền đều nói rằng Dương Hùng theo kinh Dịch làm sách ấy. Nhưng xét ra thì không những là ông theo một kinh Dịch mà thôi, ông lại còn tham chước cả với sách Đạo-đức-kinh của Lão-tử nữa. Nguyên chữ huyền là chữ của Lão-tử thường nói ở Đạo-đức-kinh, và ở chương 42, quyển hạ, có câu rằng: « Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật 道 生 一,一 生 二,二 生 三,三 生 萬 物 ». Dương-Hùng mới nhân chữ huyền của Lão-tử mà đặt tên sách của mình, và lấy số một, hai, ba, làm gốc cho sự biến-hóa của trời đất. Bởi lẽ ấy cho nên nho-giả đời xưa không nhận sách Thái-huyền làm sách của Nho-giáo và cho sách ấy là hạng sách nói về thuật số.

Dẫu chư nho không nhận mặc lòng, sách Thái-huyền là sách nói về đạo-lý rất cao của Nho-giáo và làm một cái bằng chứng tỏ ra là cái học-hình-nhi-thượng của Khổng-tử và cái Đạo của Lão-tử cũng không xa nhau. Chỉ khác có một điều là Lão-tử thì thuần-nhiên bàn về Đạo, mà Khổng-tử thì chủ ở sự bàn về việc động-tác của Đạo. Hai cái học tuy cùng đồng một gốc mà thành ra khác ngọn vậy.

Nay ta xét xem sách Thái-huyền và kinh Dịch khác nhau thế nào. Hai sách ấy tuy mỗi sách dùng một lối, nhưng cùng đồng theo một lý mà diễn ra. Dịch thì lấy âm và dương làm gốc; Huyền thì lấy một hai ba làm gốc. Dịch có sáu vị, tức là sáu hào, Huyền thì có bốn tầng là phương 方, châu 州, bộ 部 và gia 家. Mỗi gia biến ra 3 thủ 首; mỗi bộ gồm 3 gia, biến ra 9 thủ; mỗi châu gồm 3 bộ, biến ra 27 thủ; mỗi phương gồm 3 châu, biến ra 81 thủ.

Dịch thì mỗi quẻ có 6 hào, hợp làm 384 hào. Huyền thì mỗi thủ có 9 tán 贊, hợp làm 729 tán. Xem vậy, thì thủ cũng tựa như quẻ, mà tán cũng tựa như hào vậy.

Dương Hùng lấy Dịch lý mà tính lịch. nghĩa là tính ra ngày tháng và năm. Theo những quẻ trong kinh Dịch, thì quái khí khởi từ quẻ Trung-phu 中 孚, trừ quẻ Chấn, quẻ Ly, quẻ Đoái, quẻ Khảm, là bốn quẻ chính, có 24 hào làm chủ 24 khí, còn thừa 60 quẻ, thì mỗi quẻ là 6 ngày 7 phân, nhân ra là 365 ngày và một phần tư ngày. Hào sơ-cửu dưới cùng quẻ Trung-phu là lúc đầu đông-chí; hào thượng-cửu quẻ Di là cuối tiết đại-tuyết. Hết vòng lại trở lại.

Huyền thì có 81 thủ, mỗi thủ có 9 tán, tất cả là 729 tán. Hai tán hợp làm một ngày, tức là một tán thuộc về ngày, một tán thuộc về đêm. Tính ra thì có 364 ngày rưỡi. Vậy nên phải thêm hai tán 踦 và doanh 贏, để cho thành ra 365 ngày và một phần tư ngày. Tán sơ-nhất của thủ trung 中 là lúc đầu đông-chí, tán và tán doanh là cuối đại tuyết. Hết vòng lại trở lại. Xem như thế thì các thủ của sách Huyền đều lấy sự chia khí của các quẻ trong kinh Dịch làm thứ-tự.

Dương Hùng nói ở mục Huyền-đồ, trong quyển Thái-huyền đồ-cáo rằng: « Huyền hữu nhị đạo: nhất dĩ tam khởi, nhất dĩ tam sinh. Dĩ tam khởi giả: phương, châu, bộ, gia giã. Dĩ tam sinh giả: tam phân dương khí, dĩ vi tam trùng, cực vi cửu doanh. Thị vi đồng bản lị mạt, thiên-địa chi kinh giã 玄 有 二 道:一 以 三 起,一 以 三 生.以 三 起 者:方 州 部 家 也.以 三 生 者:參 分 陽 氣,以 爲 三 重,極 爲 九 營.是 爲 同 本 離 末,天 地 之 經 也: Huyền có hai đạo: một là lấy ba mà khởi, một là lấy ba mà sinh. Lấy ba mà khởi là: phương, châu, bộ, gia. Lấy ba mà sinh là chia khí dương ra làm ba, chồng lên ba lần, đến chín doanh là cùng-cực. Ấy là đồng gốc mà chia ngọn, đạo thường của trời đất vậy ».

Đại ý là Dương Hùng cho đạo trời đất ở trong lịch số, xoay vần biến đổi, nhưng không bao giờ ra ngoài cái huyền-lý được.

Huyền. — Huyền là gì? « Huyền giả thần chi khôi giã. Thiên dĩ bất kiến vi huyền, địa dĩ bất hình vi huyền, nhân dĩ tâm phúc vi huyền 玄 者 神 之 魁 也.天 以 不 見 爲 玄,地 以 不 形 爲 玄,人 以 心 腹 爲 玄: Huyền là đầu của thần. Trời lấy không thấy làm huyền, đất lấy không hình làm huyền, người lấy tâm-phúc làm huyền » (Huyền-cáo: Thái-huyền đồ-cáo, X). Theo cái ý ấy, thì huyền là cái bản-thể của vũ-trụ, mà người và vũ-trụ cùng đồng một thể cả. Ấy là hợp với cái thuyết « thiên địa vạn vật nhất thể » của Khổng-giáo vậy.

Huyền của Dương Hùng tức là Đạo của Lão-tử, thần-diệu, linh-hoạt vô cùng. Dương Hùng giải rõ cái bản tính của Hnyền ở mục Huyền-lý, quyển Thái-huyền thứ VII, rằng: « Đạo huyền là đạo mở ra muôn loài ở trong chỗ u-vi mà không ai biết được rõ hình trạng: Nhào nặn cái hư-vô mà đặt ra khuôn, mở rõ cái thần-minh mà định ra bằng cứ, thông đồng cổ kim để mở các loài, xếp đặt âm dương mà phát ra thành khí. Một chia một hợp, trời đất đủ vậy. Trời và mặt-trời đi quanh, cương nhu tiếp nhau. Trời và mặt-trời đi rồi quay về chỗ cũ, chung thủy định vậy. Một sống một chết tính mệnh rõ vậy.

« Ngửng xem tượng trời, cúi xem tình vật, xét tính biết mệnh, tìm được lúc đầu, thì thấy lúc cuối. Ba nghi (trời, đất và người) cùng theo một đường, dày mỏng sát với nhau. Cái gì tròn thì lăn-lộn, cái gì vuông thì đứng chịt, cái gì thổi thì lưu thông, cái gì ngậm thì đông dắn, cho nên đóng khắp trong vòng trời gọi là 宇, mở khắp cả gọi là trụ 宙.

« Mặt-trời, mặt-trăng đi lại, một rét một nóng. Luật[1] để mở muôn vật, lịch để biên thời-tiết. Đạo luật và lịch giao với nhau, thánh-nhân lấy đó làm mưu, nghĩa là lấy làm việc của mình làm. Ban ngày là hơn, ban đêm là kém. Một ngày một đêm, âm dương chia khác. Đạo đêm cực âm, đạo ngày cực dương. Con đực, con cái, theo nhau hợp lẽ chính, thì đạo vua tôi cha con vợ chồng, biện biệt rõ ra. Cho nên mặt-trời động từ đằng đông, trời động ở đằng tây. Trời và mặt-trời đi chéo nhau. Âm dương thay đổi đi quanh, sống chết cùng giao, muôn vật bèn mắc vào. Vậy đạo huyền là thu hết sự hợp trong thiên-hạ mà liền làm một. Lấy loài mà ghép, lấy phép mà chiêm-nghiệm, rõ được cái mờ cái tối của thiên-hạ, là chỉ ở đạo huyền vậy...

« Trời đất thiết-lập ra, cho nên quí tiện có thứ-tự; bốn mùa đi lại cho nên cha con nối nhau; luật lịch bày ra, cho nên vua tôi trị; thường và biến thay đổi, cho nên muôn vật biệt; chất và văn hình ra, cho nên hữu và vô sáng; cát và hung hiện ra, cho nên hay và dở rõ; hư và thực thay đổi, cho nên muôn vật mắc vào. Dương không đến cực thì âm không nảy mầm ra; âm không đến cực, thì dương không nảy mầm ra. Rét đến cực thì sinh nóng, nóng đến cực thì sinh rét. Duỗi là để co, co là để duỗi. Khi động thì ngày ngày đặt ra cái chưa có, mà thích cái mới; khi tĩnh thì ngày ngày giảm những sự hành-vi, và bớt những cái đã thành-lập. Cho nên tính từng khắc, từng giờ, so với bóng mặt-trời, xoay cái thứ-tự của bốn mùa, chuyển đạo của trời đất, làm rõ cái hình không trông thấy được, rút cái đầu mối không rút được, để cùng liền với muôn loài vậy. Khi lên treo trên trời, khi xuống chìm đáy vực, nhỏ lọt vào khe thật bé, rộng bọc hết cả bờ cõi. Đạo huyền chơi ở chỗ mờ mịt mà múc cái đầy, còn cái còn, mất cái mất, mờ cái mờ, sáng cái sáng, đầu cái đầu, cuối cái cuối. Cái gì gần đạo huyền, thì huyền cũng gần, cái gì xa đạo huyền, thì huyền cũng xa. Ví như trời mờ mờ vậy, đông tây nam bắc mặt nào ngửng lên cũng thấy, cúi xuống thì không thấy gì cả. Trời có xa người đâu, tự người xa Trời vậy. Tiết đông-chí nửa đêm về sau là cái tượng gần đạo huyền: tiến mà chưa đến chỗ cực, đi mà chưa đến chỗ đến, hư-không mà chưa đầy, cho nên gọi là gần đạo huyền. Tiết hạ-chí nửa trưa về sau là cái tượng xa đạo huyền: tiến đến chỗ cực mà lui, đi đến chỗ cùng mà trở lại, đã đầy mà vơi đi, cho nên gọi là xa đạo huyền vậy...».

Dương Hùng theo Dịch-học lấy sự tiêu trưởng âm dương mà nói lịch-lý để phân-biệt thời tiết và xem sự cát hung. Ông lại có ý đem cái đạo huyền-diệu siêu-việt của Lão-học và Dịch-học hợp làm một để gây ra cái mối triết-học của Nho-giáo. Xem những lời ông nói ở trên, thật đáng để cho học-giả phải ngẫm-nghĩ đến chỗ sâu xa. Song chỉ vì ông dùng những văn-từ rất khó-hiểu, thành thử không mấy người xem mà biết hết các ý nghĩa. Bởi vậy có nhiều người chê ông về sự làm sách Thái-huyền.

Có lẽ ông muốn rằng: nói việc khó thì phải dùng cách rất khó, để ai thật có tư-cách học được hãy học, mà không thì thôi, hơn là để những người tầm-thường học không hiểu, lại thêm điều hại. Đó là một ý-kiến ta nên biết. Song thiết tưởng rằng điều gì đã huyền-bí, thì huyền-bí hẳn, mà điều gì đã nói ra, thì cần phải cho sáng rõ, mới có thể chỉ-dẫn được người ta. Cũng vì sự khó hiểu mà sách Thái-huyền bỏ không ai dùng.

Giải-trào. — Khi sách Thái-huyền làm xong rồi, bọn học-giả có nhiều người chê cười. Dương Hùng bèn đặt ra một bài gọi là Giải-trào 解 嘲 để nói rõ cái ý tại làm sao mà ông làm sách Thái-huyền. Bài ấy đại-lược nói rằng:

Có người cười Dương-tử học giỏi tài cao, cặm-cụi làm bộ Thái-huyền, nhiều đến năm nghìn câu, hơn mười vạn tiếng, sâu tới suối vàng, cao ra ngoài trời xanh, to lớn bao hàm cả nguyên-khí, nhỏ vào lọt những chỗ không thể vào được, thế mà làm quan chỉ đến chức hoàng-môn thị-lang, ý giả có phải là huyền chỉ chuộng bạch không? Sao làm quan mà chầy-chật thế? — Dương-tử trả lời rằng: Ở đời loạn thì bậc thánh trí rong-ruổi mà không đủ, ở đời trị thì bọn dung-phu nằm dài mà có thừa. Nay ta ở vào đời không có việc gì, thì cái tài cái học của ta đều là vô-dụng cả. Vả ta nghĩ rằng: Cái gì bùng-bùng thì dễ tắt, cái gì ầm-ầm thì dễ nghỉ, xem sấm, xem lửa, ai chẳng cho là đầy, là nhiều, đến lúc Trời thu cái tiếng của sấm, đất giấu cái nóng của lửa, thì chẳng còn gì cả. Cái nhà cao minh có ma quỉ dòm nom ở bên cạnh để chực làm hại. Vơ-vét thì hết, lẳng-lặng thì còn, ngôi cao thì cả họ nguy, tự thủ thì thân được trọn vẹn. Cho nên biết huyền, biết mặc, là giữ được phần cao của đạo; theo thanh, theo tĩnh là đi chơi chỗ thần-diệu, chỉ có sự tịch-mịch là giữ được cái ở của đạo-đức. (炎 炎 者 滅,隆 隆 者 絕,觀 雷 觀 火,爲 盈 爲 實,天 收 其 聲,地 藏 其 熱 高 明 之 家,鬼 瞰 其 室.㩴 拏 者 亡,黙 黙 者 存,位 極 者 宗 危,自 守 者 身 全.是 故 知 玄 知 黙,守 道 之 極,爰 清 爰 靜,遊 神 之 庭,惟 寂 惟 寞,守 德 之 宅: Viêm viêm giả diệt, long long giả tuyệt, quan lôi quan hỏa, vi doanh vi thực, thiên thu kỳ thanh, địa tàng kỳ nhiệt. Cao minh chi gia, quỷ hám kỳ thất. Quắc nô giả vong, mặc-mặc giả tồn, vị cực giả tông nguy, tự thủ giả thân toàn. Thị cố tri huyền tri mặc, thủ đạo chi cực, viên thanh viên tĩnh, du thần chi đình, duy tịch duy mịch, thủ đức chi trạch).

Đó là nói rút cái đại-ý trong bài Giải-trào là thế. Còn về đường văn-chương, thì bài ấy rất có giá-trị. Lời văn tung-hoành biến-hóa, biện-thuyết pha dọng hoạt-kê, và lại có ý mỉa-mai người đời không biết thời, không hiểu lẽ huyền-bí của trời đất, cứ lấy sự thiển-cận trước mắt mà xét việc cao xa.

Lời phê-bình sách Thái-huyền. — Sách Thái-huyền vốn là rất khó hiểu, đến những người danh nho như Tư-mã Quang đời Tống mà còn phải xem mãi mới biết được cái đại ý, cho nên mới làm bài tựa sách ấy mà nói rằng:

« Ta lúc ít tuổi vẫn nghe tên bộ sách Thái-huyền mà không được trông thấy, chỉ xem bài tự tự của Dương-từ khen bộ Thái-huyền rất hay. Xem đến truyện của Ban Cố làm, thì thấy chép: Lưu Hâm xem bộ Thái-huyền bảo Dương Hùng rằng: « Chỉ làm mất công khó nhọc, đời này học-giả vì lợi-lộc mà phải học, song kinh Dịch còn không hiểu, thì bộ Thái-huyền để làm gì. Tôi sợ đời sau dùng để bọc lọ tương vậy. » Dương Hùng cười mà không đáp lại. Chư nho có chê Dương Hùng không phải thánh-nhân mà làm kinh, cũng như vua nước Ngô, nước Sở đời Xuân-thu, tiếm hiệu xưng vương, nghĩa là khép Dương Hùng vào cái tội đáng tru-phạt và đáng cự-tuyệt ở trong Xuân-thu vậy.

« Ban Cố nói thế, tuy không có ý cười nhạo Dương Hùng như Lưu Hâm, song cũng không phải là khen bộ Thái-huyền. Ý riêng ta cũng lấy làm lạ rằng: Sao Dương-tử không tán thêm kinh Dịch, mà lại biệt làm ra sách Thái-huyền. Cái uẩn-bí của Trời và người đến đạo Dịch là đủ rồi, Dương-tử còn làm thế nào hơn được nữa, mà lại làm thêm ra một quyển sách. Vả quyển sách ấy dùng để làm gì? Đến lúc lớn lên, học Dịch thấy u-áo khó hiểu quá, bèn nghĩ đến bộ Thái-huyền là của người hiền làm ra, thì nghĩa và văn chắc dễ hơn kinh Dịch. Phàm lên núi cao thì phải trèo qua gò đống, ra biển khơi thì phải đi từ sông Giang, sông Hán, ta bèn lập ý đọc bộ Thái-huyền để tiến dần đến kinh Dịch, họa may mới hiểu được kinh Dịch chăng. Bấy giờ tìm kiếm bộ Thái-huyền hằng năm mới được. Lúc mới đọc mờ-mịt rối-rít, sau cố nghiền-mài, nghĩ-ngợi, bỏ cả công việc mà đọc. Đọc đến vài mươi lần, so-sánh đầu đuôi, mới hiểu được đại khái, bèn bỏ sách xuống mà than rằng: Dương-tử thật là bậc đại nho vậy thay! Sau Khổng-tử mà biết được đạo của thánh-nhân, không phải Dương-tử lài ai? Mạnh-tử và Tuân-tử còn không đủ sánh, huống chi người khác. Xem sách Thái-huyền, chiêu-hiểu thì hết việc người, u-ẩn thì hết việc thần, lớn thì bọc cả vũ-trụ, nhỏ thì vào đến cái lông cái tóc, hợp đạo thiên địa nhân làm một, tóm thửa gốc rễ, bảo cho người biết chỗ bởi đâu mà ra, thai dục muôn vật, gồm làm mẹ tất cả, như đất ta đi mãi mà không cùng, như bể ta múc mãi mà không hết. Đạo thiên-hạ dẫu có đạo nào hay nữa, cũng không đem ra mà thay đạo này được. Xét về lúc trước hỗn nguyên, đạo huyền đã sinh rồi, xét về đời này, đạo huyền không phải là không thi-hành được, cho đến cái cực tế-mạt của trời đất, đạo huyền cũng không thể mất, so đến tình của muôn vật, thì đạo huyền cũng không sót, dò đến trạng của quỉ-thần, thì đạo huyền cũng không trái, kháp với lời nói ở lục Kinh, thì đạo huyền cũng không sai. Giả sử thánh-nhân sống lại, đọc đến sách Huyền chắc vui mà cười, cho là hiểu được lòng mình vậy. Thế mới biết sách Huyền cốt để tán thêm nghĩa kinh Dịch, chứ không phải là làm để tranh với kinh Dịch. Sao Lưu Hâm và Ban Cố biết sách Huyền nông, mà bắt lỗi sách Huyền sâu vậy?

« Có người nói rằng: phép kinh Dịch khác với sách Thái-huyền, Dương-tử không theo Dịch mà tự đặt ra pháp chế, thì sao lại cho là tán kinh Dịch? Vả lại đã đồng đạo với Dịch, thì đã có kinh Dịch rồi, còn làm sách Thái-huyền để làm gì? — Trả lời rằng: Đi săn là cốt để bắt được chim. Chăng lưới mà bắt được, cùng với đánh dò mà bắt được, có khác gì nhau. Làm sách là vì đạo: Dịch là lưới, Huyền là dò. Đã chăng lưới lại đặt dò để giúp thêm vào, thì có gì là hại? Người cầu đạo như thế cũng câu-chấp quá. Vả Dương-tử làm sách Pháp-ngôn để chuẩn sách Luận-ngữ, làm sách Thái-huyền để chuẩn kinh Dịch, không bỏ Pháp-ngôn mà muốn bỏ Thái-huyền, há không phải là lầm ru!

« Ôi! Pháp-ngôn với Luận-ngữ không khác nhau, thì Thái-huyền với Dịch cũng thế. Nhà lớn sắp đổ, một cây gỗ chống sao bằng nhiều cây gỗ chống, còn vững hơn. Đạo lớn sắp tối, một quyển sách biện-giải, sao bằng nhiều quyển sách biện-giải, còn rõ hơn. Kẻ học-giả nên chuyên tinh được kinh Dịch, thì thật là đủ rồi, song kinh Dịch là trời, mà sách Thái-huyền là cái thang, sao muốn lên trời mà lại bỏ cái thang? Tiên nho cắt nghĩa sách Thái-huyền đã nhiều, song văn của Dương-tử phần nhiều thuộc về lối huấn-hỗ ý-nghĩa đã sâu-xa, mà sách Thái-huyền lại là thứ văn sâu-xa khó hiểu hơn nữa. Cho nên ta ngờ rằng những lời giải-thích của tiên nho, chưa chắc đã hợp hết bản chí của Dương-tử. Đời tất có người thông hiểu được văn Dương-tử. Vậy thì ta cứ học sách ấy cho đến già đời ».

Xem bài tựa của Tư-mã Quang thì đủ rõ sách Thái-huyền không phải là sách xem qua mà hiểu được. Vì sách ấy bàn về cái lý cao-viễn, mà phần nhiều những học-giả trong Nho-giáo chỉ chú-trọng phần thiển-cận mà thôi, cho nên mới bỏ sách ấy mà chỉ trọng sách Pháp-ngôn.

Pháp-ngôn. — Sách Pháp-ngôn chia ra làm 13 thiên, dùng cách vấn-đáp theo sách Luận-ngữ mà bàn việc đạo-lý thiết-thực. Đối với cái thuyết tính thiện, tính ác, thì Dương Hùng nói rằng: « Thiên giáng sinh dân, không đồng chuyên mông, tứ hồ tình tính, thông minh bất khai, huấn chư lý, soạn học hạnh 天 降 生 民,倥 侗,顓 蒙,恣 乎 情 性,聰 明 不 開,訓 諸 理,譔 學 行: Trời sinh ra người mờ-mịt ngu dại, tự theo tình-tính mà làm, trí thông minh không mở, phải dạy các lẽ, đặt ra học-hạnh » (Pháp-ngôn-tự). Ý nói người ta lúc mới sinh ra mờ-mịt không biết gì cả. Làm gì cũng theo cái bản-năng tự-nhiên mà thôi. Song ở trong người ta có cái huyền, mà cái huyền thì có hai cái động-lực là âm và dương thay đổi nhau, thành ra cái tính. Tính có dạy mới hay được. Cứ cái ý ấy thì ở trong tính có cả phần thiện và phần ác, chứ không phải là thiện hẳn hay ác hẳn. Xem vậy thì Dương Hùng không theo cái thuyết tính thiện của Mạnh-tử và cái thuyết tính ác của Tuân-tử. Ông nói rằng: « Nhân chi tính giã, thiện ác hỗn. Tu kỳ thiện tắc vi thiện nhân, tu kỳ ác tắc vi ác nhân. Khí giã giả, sở dĩ thích thiện ác chi mã giã dư? 人 之 性 也,善 惡 混,修 其 善 則 爲 善 人,修 其 惡 則 爲 惡 人.氣 也 者,所 以 適 善 惡 之 馬 也 與: Tính người ta là thiện ác hỗn-hợp. Sửa làm thiện là người thiện, sửa làm ác là người ác. Khí có phải là con ngựa để người ta cưỡi mà chạy thông con đường thiện ác vậy chăng? » (Tu thân, III). Chữ khí của Dương Hùng nói ở đây là nói một thứ năng-lực xung-động tự ở tính mà phát ra. Hễ có ngoại lực cảm-xúc đến, thì cái khí động lên mà thành ra thiện hay ác. Vậy nên việc giáo-hóa cốt ở sự ngự-khí 馭 氣, nghĩa là khéo cưỡi được cái khí. Đó là cái căn-bản sự tu-dưỡng của Dương Hùng. Chỉ hiềm ông nói về sự ngự-khí lược qua như thế mà thôi, chứ không bàn cho thật rõ, thành-thử người ta vẫn không hiểu hết các ý-nghĩa.

Dương Hùng cho việc tu-dưỡng cốt ở sự học. « Học giả sở tu tính giã, Thị, thính, ngôn, mạo, tư, tính sở hữu giã. Học tắc chính, phủ tắc tà 學 者 所 以 修 性 也.視,聽,言,貌,思,性 所 有 也.學 則 正,否 則 邪: Học là để mà sửa tính vậy. Trông, nghe, nói, giáng-điệu, tư-tưởng, có sẵn cả trong tính. Học thì chính, không học thì tà » (Học-hạnh, I). Vậy có học thì những cái đã có sẵn đó thành ra hay, không học thì thành ra dở. Nhưng ta phải biết rằng học thế nào là hay và thế nào là dở: « Đại nhân chi học vị đạo, tiểu-nhân chi học vị lợi 大 人 之 學 爲 道,小 人 之 學 爲 利: Cái học của bậc đại nhân là vì đạo, cái học của bậc tiểu-nhân là vì lợi » (Học-hạnh, I). Học giả phải cần làm quân-tử, cho nên phải theo cái học của bậc đại-nhân, cốt thực-hành cái đạo, nghĩa là học được điều gì, thì phải làm điều ấy. Vậy nên Dương Hùng nói rằng: « Học, hành chi, thượng giã; ngôn chi, thứ giã; giáo nhân, hựu kỳ thứ giã. Hàm vô yên, vi chúng nhân 學 行 之,上 也言 之,次 也;教 人,又 其 次 也.咸 無 焉,爲 眾 人: Học mà làm được những điều mình học, là trên cả; nói những điều mình học là thứ; dạy người ta lại là thứ nữa. Ba điều ấy mà không có cả, là làm người thường » (Học-hạnh, I). Ông cho sự học cốt ở việc làm, có làm được, thì rồi mới nói cho người ta nghe được; có nói cho người ta nghe được, thì rồi mới dạy được người ta. Vậy học mà không làm những điều mình học là dở hơn cả.

Cái chủ-đích sự học của Nho-giáo là để sửa mình. « Tu thân dĩ vi cung, kiểu tứ dĩ vi thỉ, lập nghĩa dĩ vi đích. Điện nhi hậu phát, phát tất trúng hỹ 修 身 以 爲 弓,矯 思 以 爲 矢,立 義 以 爲 的.奠 而 後 發,發 必 中 矣: Sửa mình làm cái cung, uốn cái tứ làm cái tên, lấy sự lập nghĩa làm cái đích. Ngắm cho ngay rồi mới bắn ra, bắn ra tất là phải trúng » (Tu-thân, II). Vậy sự sửa mình của người ta trước hết phải lấy việc làm điều nghĩa làm đích. Nhưng làm điều nghĩa mà không có người chỉ bảo cho, thì biết thế nào là nghĩa. Bởi thế cho nên kẻ học-giả phải cần có thầy. « Vụ học bất như vụ cầu sư. Sư giả nhân chi mô-phạm giã 務 學 不 如 務 求 師.師 者 人 之 模 範 也: Cần học không bằng cần tìm thầy. Thầy là cái khuôn phép của người ta » (Học-hạnh, I). Có thầy rồi theo cái khuôn phép của thầy mà sửa đổi cái tính tình của mình cho thành người ngay chính. Ấy là việc cốt yếu trong sự học vậy.

Đại phàm sách Pháp-ngôn bàn sự tu-dưỡng, sự học tập cùng việc đạo-đức và việc chính-sự theo như tôn-chỉ của Nho-giáo. Dương Hùng lại phê-bình các học thuật đời Xuân-thu và đời Chiến-quốc mà chiết trung lấy điều phải điều hay. Thí-dụ như đối với cái học của Lão-tử, thì ông nói rằng: « Lão-tử chi ngôn đạo-đức, ngô hữu thủ yên nhĩ. Cập chùy đề nhân nghĩa, tuyệt diệt lễ học, ngô vô thủ yên nhĩ 老 子 之 言 道 德,吾 有 取 焉 耳.及 搥 提 仁 義,絕 滅 禮 學,吾 無 取 焉 耳: Lão-tử nói về đạo-đức thì ta có lấy vậy. Còn như vứt bỏ nhân nghĩa, tuyệt-diệt lễ học, thì ta không lấy vậy » (Vấn-đạo, IV). Xem như thế thì thật là ông không câu-nệ như những nhà học-giả khác.

Nhưng vì người đời không mấy kẻ hiểu được rõ cái học của Dương Hùng và lại nhân cái cớ ông đã làm quan với nhà Hán mà lại ra làm quan với Vương Mãng, cho nên hậu nho lấy điều ấy mà chê ông là không được thuần-chính. Đây ta chỉ xét về đường học-vấn, thì thiết-tưởng trong đời Lưỡng-Hán, có Dương Hùng là người học uyên-thâm hơn cả và hiểu được đến chỗ sâu-xa của Nho-giáo vậy.

  1. Luật là mười-hai luật: Hoàng-chung 黃 鐘, Thái-thốc 太 簇, Cô-tẩy 姑 洗, Di-tân 蕤 賓, Di-tắc 夷 則, Vô-dịch 無 射, là sáu luật dương. Đại-lữ 大 呂, Giáp-chung 夾 鐘, Trung-lữ 中 呂, Lâm-chung 林 鐘, Nam-lữ 南 呂, Ứng-chung 應 鐘, là sáu luật âm.