Nho giáo/Quyển III/Thiên IV-2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

VƯƠNG THÔNG

Vương Thông 王 通 tự là Trọng-yêm 仲 淹 dòng dõi nhà nho-học, người huyện Long-môn, thuộc tỉnh Sơn-tây ngày nay. Ông sinh vào năm Khai-hoàng thứ tư (584) đời nhà Tùy. Thủa nhỏ ông chuyên trị năm Kinh, đến năm 20 tuổi vào Tràng-an là kinh-đô nhà Tùy, yết-kiến vua Văn-đế ở Thái-cực-điện và dâng 12 bài sách gọi là Thái-bình thập-nhị-sách 太 平 十 二 策, đại khái nói sự tôn đạo vương truất đạo bá, xét việc đời nay, nghiệm việc đời xưa v. v. Vua Văn-đế giao những bài sách ấy cho các công khanh xét, có nhiều người bác đi, thành ra vua không dùng. Ông bèn làm bài ca đông-chinh[1] rồi bỏ về quê dạy học.

Văn-đế nghe bài ca ấy lại vời ông vào, nhưng ông không vào. Đến đời vua Đạng-đế mấy lần trưng-triệu ông vào làm quan, ông từ chối không đi. Lúc ấy có quan đại thần là Dương Tố rất tôn kính ông và cho người đến mời ông ra làm quan, ông nói rằng: « Ở chỗ khúc sông Phần này có mấy gian nhà nát của tiên-nhân để lại khả dĩ tránh gió mưa, có ruộng khả dĩ đủ cơm cháo, gảy đàn cầm, làm sách, giảng việc đạo, khuyên việc nghĩa, đủ tự vui vậy. Không cầu ra làm quan ». (Trung-thuyết, Sự-quân).

Tính ông giản-dị, nhân-hậu, áo quần không hề dùng đến đồ gấm vóc, đồ ăn uống đơn sơ. Thường khi có việc đào sông đắp đê, ông vác thuổng quốc đi làm với người làng, và nói rằng: « Ta là người bình-dân vậy. »

Khi ông ở đất kinh-kỳ thường nói chuyện với những kẻ quyền-quí trong triều, thấy người thì chỉ chuyên về mặt chính-trị, không nghĩ gì đến việc giáo-hóa, người thì bàn văn-chương, không biết đến nghĩa lý, ông lấy làm lo cho vương-đạo, không thể dấy lên được. Ông bèn làm sách nối thêm kinh Thi, kinh Thư, sách Lễ-luận, Nhạc-luận, sách Nguyên-kinh, sách tán đạo Dịch, cả thảy mất chín năm thì xong.

Đến năm Đại-nghiệp thứ 13 (616) đời vua Đạng-đế nhà Tùy, ông mất ở nhà, thọ được 32 tuổi. Học-trò đặt tên thụy là Văn-trung-tử 文 中 子. Học-trò lại nhặt những lời giảng-dụ và ghi chép đức hạnh của ông làm thành sách, gọi là Văn-trung-tử trung-thuyết 文 中 子 中 說 hiện còn truyền ở đời.

Những sách của ông soạn ra, thì về sau trong nước loạn-lạc, giặc cướp nổi lên, đều bị đốt phá mất cả. Học-trò của ông từ phương xa đến học rất nhiều, mà những người thành-đạt hơn cả là Đổng Thường 董 常, Tiết Du 薛 攸, Cừu Chương 仇 璋, Trình Nguyên 程 元. Đỗ Yêm 杜 淹, Bùi Hy 裴 晞, Vương Khuê 王 珪, Ngụy Trưng 魏 徵, Phòng Huyền-Linh 旁 玄 齡, Đỗ Như-Hối 杜 如 晦 Lý Tĩnh 李 靖, Lý Mật, 李 密, Đậu Uy 竇 威. Trần Thúc-Đạt 陳 叔 達, Diêu Nghĩa 姚 義, Ôn Ngạn-Bác 温 彥 博 v. v., kể đến mấy chục người, phần nhiều là những danh-thần hồi Đường sơ.

Học-thuyết của Vương Thông. — Sách Trung-thuyết của môn-đệ ông làm ra, bắt chước lối sách Luận-ngữ, có ý tôn ông như Khổng-tử làm sáng đạo Nho vậy. Mà chính ông cũng có ý tự nhận mình là người nối Khổng-tử đem đạo Nho thi-hành ra ở đời. Xem như các sách của ông làm đều là nối thêm sáu Kinh, mà sách Nguyên-kinh lại giống như kinh Xuân-thu, nói chuyện các vua từ đời Hán đến đời Lục-Triều. Chỉ tiệc những sách ấy mất đi, nay không thể biết được cái giá-trị là thế nào.

Ông giải nghĩa tam tài rằng: « Trời là thống nguyên khí, chứ không phải là chỉ nói cái vầng lồng-lộng và xanh-xanh mà thôi. Đất là thống nguyên hình, chứ không phải là nói núi sông gò đống mà thôi. Người ta thống nguyên thức 識, chứ không phải là nói đầu tròn chân vuông mà thôi » (Trung-thuyết, Lập-mệnh). Nghĩa là Trời chủ cái khí, đất chủ cái hình, người chủ cái biết.

Người là một vị trong tam tài có trí-thức hơn cả vạn vật, tất là phải giữ cách ăn-ở cho hợp đạo lý. Bởi vậy, đối với cách xử thế tiếp vật, ông nói nhiều điều rất có nghĩa lý. Ông thấy thiên-hạ tranh lợi bỏ nghĩa, rất lấy làm phàn-nàn, và nói rằng: « Xả kỳ sở tranh, thủ kỳ sở khí, bất diệc quân-tử hồ! 捨 其 所 爭,取 其 所 棄,不 亦 君 子 乎!Bỏ cái người ta tranh nhau, lấy cái người ta bỏ, thế chẳng là quân-tử lắm sao! » (Trung-thuyết, Chu công). Ông cho những kẻ hiếu danh hiếu lợi là rất tiểu-nhân. « Ái danh thượng lợi, tiểu-nhân tai! 愛 名 尚 利,小 人 哉: Yêu cái danh chuộng cái lợi là tiểu-nhân vậy thay! » (Trung-thuyết, Vấn-Dịch).

Trong sự người ta giao kết với nhau là cần phải có tín nghĩa, chứ nếu chỉ vị thế lợi thì không bao giờ bền. « Dĩ thế giao giả, thế khuynh tắc tuyệt; dĩ lợi giao giả, lợi cùng tắc tán. Cố quân tử bất dữ giã 以 勢 交 者,勢 傾 則 絕;以 利 交 者,利 窮 則 散,故 君 子 不 與 也: Người lấy thế mà giao, thì thế nghiêng là tuyệt; người lấy lợi mà giao, thì lợi hết là tan. Cho nên quân-tử không ưa vậy » (Trung-thuyết Lễ-nhạc).

Người quân-tử phải lấy lễ nghĩa và cái đức làm trọng, chứ không trọng tài lợi. Nhất là về đường hôn thú mà cầu của cải thì thật dở: « Hôn thú nhi luận tài, di lỗ chi đạo giã 婚 娶 而 論 財,夷 虜 之 道 也: Hôn thú mà bàn đến của là cái đạo của mọi rợ vậy » (Trung thuyết, Sự-quân).

Hỏi cái nghĩa sinh với tử là thế nào? Ông nói rằng: « Sinh dĩ cứu thời, tử dĩ minh đạo 生 以 救 時,死 以 明 道: Sống để cứu thời, chết để làm cho sáng đạo. » Hỏi thế nào là anh hùng? Ông nói rằng: « Tự tri giả anh, tự thắng giả hùng 自 知 者 英,自 勝 者 雄: Người tự biết mình là anh, người tự thắng được mình là hùng » (Trung-thuyết, Chu-công.

Đối với việc chính-trị, thì ông cho là hay dở cốt ở người, chứ không phải ở chế-độ. Ông nói rằng: « Thông kỳ biến, thiên-hạ vô tệ pháp; chấp kỳ phương, thiên-hạ vô thiện giáo. cố viết: tồn hồ kỳ nhân 通 其 變,天 下 無 弊 法;執 其 方,天 下 無 善 教.故 曰:存 乎 其 人: Thông sự biến thì thiên-hạ không có phép bậy; cố chấp một phương-pháp, thì thiên-hạ không có sự giáo-hóa hay. Cho nên nói rằng: Cốt ở người » (Trung-thuyết Chu-công).

Cái học của ông lấy sự chấp-trung làm gốc. Ông nói rằng: « Thiên biến vạn hóa, ngô thường thủ trung yên 千 變 萬 化,吾 常 守 中 焉: Nghìn biến muôn hóa, ta thường giữ đạo trung vậy » (Trung-thuyết, Chu-công). Bởi vậy đối với các học-thuyết khác tuy ông không ưa, nhưng ông cũng không công-kích. Hỏi cái đạo trường-sinh của phái thần-tiên bên Đạo-giáo là thế nào? Ông nói rằng: « Nhân nghĩa không sửa, hiếu đễ không dựng, trường sinh mà làm gì? » (Trung-thuyết, Lễ-nhạc). Hỏi Phật là thế nào? Ông nói rằng: « Phật là thánh-nhân vậy, nhưng đối với cái đạo của Phật thì lịch-sử và phong-thổ nước Tàu không tương dung được ». (Trung-thuyết, Chu-công). Ông tin Nho-giáo là rất hay, cho nên một hôm ông vào chơi miếu Khổng-tử, rồi ra hát mà nói rằng: « Lớn vậy thay! Vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con, anh ra anh, em ra em, chồng ra chồng, vợ ra vợ, là nhờ cái sức của Phu-tử vậy ». (Trung-thuyết, Vương-đạo).

Đại để những điều ông nói đó, là quan-hệ về phần hình-nhi-hạ, còn về phần hình-nhi-thượng thì ông có ý cho tam giáo có chỗ tương đồng với nhau, cho nên khi đọc xong thiên Hồng-phạm rồi, nói rằng: « Tam giáo ư thị hồ khả nhất hỹ 三 教 於 是 乎 可 一 矣: Ba tôn-giáo ở đây có lẽ hợp làm một vậy ». (Trung-thuyết, Vấn-Dịch). Đó là cái ý thâm-viễn của ông, mà ta nay không có thể xét được, là vì những sách của ông làm ra đều mất hết cả.

Ông có công làm cho phấn-chấn Nho-học trong khi đạo thuật đương suy-hoại, và thành-tựu cho bọn hậu-tiến, nên chi về sau Tống nho như Chu Hối-am, Lục Tượng-sơn đều khen ngợi, cho cái học của ông có chỗ thực-dụng hơn Tuân-tử đời Chiến-quốc, Dương Hùng đời Hán và Hàn Dũ đời Đường vậy.

  1. Đông-chinh là đi về phương đông.