Nho giáo/Quyển III/Thiên VI-8

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

III

TÂM-HỌC

LỤC CỬU-UYÊN

Cái học của Chu Hối-am thì thật là tinh-vi, nhưng phải điều câu-thúc quá, làm mất cái tư-tưởng tự-do của người ta. Ông tuy không hay nói đến Tuân-tử, nhưng vì ông theo cái thuyết biến hóa khí-chất của Trương Hoành-cừ và Trình Y-xuyên, cần phải lấy lễ nghĩa mà sửa tâm tính, thành ra cái học của ông với cái học của Tuân-tử có nhiều chỗ giống nhau. Học-giả ai đã hiểu rõ cái tinh-thần của Khổng-giáo thì biết là cái học ấy chưa thật phải là cái học của họ Khổng và họ Mạnh, cho nên ngay lúc ấy có người lại xướng lên cái thuyết tâm-học, lấy sự khải-phát cái bản tâm của người ta ra, để có thể ứng với sự biến của vạn vật. Người ấy là Lục Cửu-Uyên ở đất Giang-tây vậy.

Lục Cửu-Uyên 陸 九 淵, tự là Tử-tĩnh 子 靜, hiệu là Tồn-trai 存 齋 (1139-1192), người huyện Kim-khê, thuộc tỉnh Giang-tây. Năm Càn-đạo thứ 8 đời vua Hiếu-tôn nhà Nam-Tống (1163-1189) ông thi đỗ tiến-sĩ làm quan đến chức Quốc-tử-chính, rồi về dạy học ở núi Tượng-sơn 象 山, tự hiệu là Tượng-sơn-ông. Đến đời vua Quang-tôn (1190-1195) ông được cử ra làm chức Tri Kinh-môn quân. Ông ở Kinh-môn trị dân rất nhân hậu, sửa đổi phong-tục, xây đắp thành trì, trù liệu việc võ bị, nổi tiếng là có chính lạ, tể-tướng là Chu Tất-Đại khen là: « Hữu cung hành chi hiệu 有 躬 行 之 效: Có cái hiệu-quả về sự tự mình làm điều nhân chính, » Ông ở Kinh-môn được non ba năm thì mất, thọ 54 tuổi. Thụy là Văn-an 文 安

Luc Tượng-sơn cùng với anh là Lục Cửu-Linh 陸 九 齡, tự là Phục-trai 復 齋 đều nổi tiếng là nhà học-giả rất uyên thâm. Người đương thời thường gọi là hai họ Lục đất Giang-tây.

Lục Tượng-sơn thuở nhỏ dĩnh ngộ lạ thường, mới lên bốn tuổi đã biết hỏi ông thân-phụ rằng: « Trời đất đến chỗ nào là cùng-cực? » Ông thân-phụ cười mà không đáp lại. Ông nghĩ ngợi về việc ấy đến quên cả ăn cả ngủ. Năm lên năm tuổi bắt-đầu đi học; đến năm lên tám đọc thiên Học-nhi trong sách Luận-ngữ đã biết nghi là lời thầy Hữu-tử nói chi-ly không hợp với tôn-chỉ của Khổng-tử. Ông lại nghe người ta đọc những lời của Trình Y-xuyên, ông nói rằng: « Sao những lời ấy không giống như lời của Khổng Mạnh? » Năm 11 tuổi cùng với anh đọc sách, ông chỉ đọc sách Luận-ngữ và chép riêng ra nhữug lời của Khổng-tử nói với từng đệ-tử một.

Năm 13 tuổi, ông đọc sách đến chữ: « Vũ trụ 宇 宙 » thấy giải-thích rằng: « Tứ phương thượng hạ viết vũ, vãng cổ lai kim viết trụ 四 方 上 下 曰 宇,往 古 來 今 曰 宙: Bốn phương trên dưới là vũ, từ xưa đến nay là trụ. » Ông hốt-nhiên tỉnh-ngộ, nói rằng: « Nguyên lai là vô cùng. Người với trời đất và vạn vật đều ở trong khoảng vô cùng vậy » Nói rồi cầm bút viết: « Vũ trụ nội sự nãi kỷ phận nội sự, kỷ phận nội sự nãi vũ-trụ nội sự 宇 宙 內 事 乃 己 分 內 事,己 分 內 事 乃 宇 宙 內 事: Việc trong vũ-trụ là việc trong chức-phận mình, việc trong chức-phận mình là việc trong vũ-trụ. » Từ đó ông để chí học về đường nghĩa-lý chứ không học lối từ-chương.

Ông thông minh như thế và học điều gì thì nghĩ ngợi đến những lẽ sâu xa, thật là người có tài lạ. Trước ông không chịu ra ứng thí, đến năm hai mươi bốn tuổi, vì có nhiều người nói mãi, ông mới ra thi hương, liền đỗ thứ tư. Thi xong ông nói rằng: « Trong khi ra ứng cử, ta chưa hề để bụng đến sự đỗ hay hỏng, làm bài thì trong bụng có thế nào viết ra thế. » Năm ba mươi tư tuổi mới vào đình đối, đỗ tiến-sĩ. Danh tiếng từ đó lừng lẫy, các học-giả theo học rất nhiều.

Cái học của ông ở cả những lời ông giảng dụ, hoặc ở những bài luận và những thư ông viết cho người đương thời, chứ ông không trước-thuật gì cả. Có người hỏi ông sao không làm sách? Ông nói rằng: « Sáu Kinh chú-thích cho ta, ta chú-thích cho sáu Kinh. » Ý ông nói: Sáu Kinh dạy ta đủ mọi điều, ta theo đó mà làm là đủ, còn phải làm sách gì nữa. Bởi vậy ông thường nói: « Nếu học mà biết đạo thì sáu Kinh là chỗ chú-cước của ta đó rồi. »

Nay có bộ Lục Tượng-sơn toàn tập 陸 象 山 全 集 là của học-trò biên tập sau khi ông mất rồi. Xem sách ấy ta có thể biết được cái học-thuyết và sự nghiệp của ông vậy.

Học-thuyết của Lục Tượng-sơn. — Cái học của Lục Tượng-sơn xa thì theo Mạnh-tử, gần thì theo Chu Liêm-khê và Trình Minh-đạo. Ông thường nói rằng: « Sự học đến đời nhà Tống mới thịnh là từ Chu Mậu-thúc phát ra ». Và ông lại nói: « Hai họ Trình theo học Chu Mậu-thúc đến khi trở về, ngâm phong lộng nguyệt, có cái ý « ngô dữ Điểm ». Sau Minh-đạo giữ được cái ý ấy mà Y-xuyên thì bỏ mất, Hối-am giống Y-xuyên, Kính-phu[1] giống Minh-đạo. Y-xuyên thì tế-cố sâu, Minh-đạo thì sơ-thông. » Ông vẫn cho cái học của Trình Y-xuyên và Chu Hối-am là tinh thâm, nhưng không thông đạt bằng cái học của Chu-Liêm-khê và Trình Minh-đạo.

Ông rất sùng tín cái học của Mạnh-tử. Có người hỏi rằng: « Cái học của ông có ai truyền cho không? — Ông đáp rằng: « Nhân đọc sách Mạnh-tử mà tự đắc lấy vậy. » Thật là ông đã được cái chính truyền của Mạnh-tử, chủ lấy sự tồn tâm, dưỡng tâm, cầu phóng tâm làm tôn-chỉ, và lấy cái tâm làm nhất-quán, cho nên ta có thể gọi cái học ấy là duy tâm học 唯 心 學.

Đạo, lý và tâm. — Cái học-thuyết của Lục Tượng-sơn chủ ở một chữ tâm, nhưng cái nghĩa chữ tâm của ông dùng rất rộng. Ông cho đạo, lý và tâm là một. Ông nói rằng: « Nhân tinh-thần thiên chủng vạn ban, phù đạo nhất nhi dĩ hỹ 人 精 神 千 種 萬 萬 般,夫 道 一 而 已 矣: Cái tinh thần của người ta nghìn giống muôn vẻ, mà đạo thì có một mà thôi. » Ông lại nói: « Đạo tại thiên-hạ, gia chi bất khả, tổn chi bất khả, thủ chi bất khả, xả chi bất khả, yêu nhân tự lý hội 道 在 天 下,加 之 不 可,損 之 不 可,取 之 不 可,舍 之 不 可,要 人 自 理 會: Đạo ở trong thiên-hạ, thêm nó không được, bớt nó không được, lấy nó không được, bỏ nó không được, cần phải người ta tự lý hội lấy. » Ông thường ví đạo như nước và nói rằng: « Đạo ví như nước, người đối với đạo thì ví như nước ở chỗ vũng chân, chỗ ao hồ, hoặc như ở khe ngòi, hoặc như ở sông ở bể vậy. Bể thì rất lớn, mà trong bốn bể có chỗ rộng, chỗ hẹp, chỗ sâu, chỗ nông, không đều, nhưng nước ở vũng chân cũng là nước vậy. » Bởi vì người ta không lý-hội được cái đạo, cho nên: « Đạo đại, nhân tự tiểu chi; đạo công, nhân tự tư chi: đạo quảng nhân tự hiệp chi 道 大,人 自 小 之道 公,人 自 私 之;道 廣,人 自 狹 之: Đạo lớn, tự người làm nó ra nhỏ; đạo công, tự người làm nó ra tư; đạo rộng, tự người làm nó ra hẹp. » Trời đất và vạn vật sở dĩ có là bởi có đạo ấy, mà đạo sở dĩ có là bởi có trời đất và vạn vật, hai bên nương tựa nhau, cho nên nói rằng: Đạo ngoại vô sự, sự ngoại vô đạo 道 外 無 事,事 外 無 道: Ngoại đạo ra không có sự, ngoại sự ra không có đạo. » Đạo ấy chỗ nào cũng có mà chí công chí chính, chỉ vì người ta tự đem thân mình làm riêng ra, cho nên không vào được đạo. « Đạo tắc thiên địa. Nhân dĩ tự tư chi thân, dữ đạo bất tương nhập. Nhân năng thoái bộ tự tỉnh, tự-nhiên tương nhập 道 塞 天 地,人 以 自 私 之 身,與 道 不 相 入.人 能 退 歩 自 省,自 然 相 入: Đạo đầy lấp cả trời đất. Người lấy thân mình tự làm riêng ra, cho nên cùng với đạo không vào lẫn nhau được. Nếu người có thể lùi bước mà tự xét mình, thì tự-nhiên đạo với người vào lẫn nhau được. »

Cứ cái ý Lục Tượng-sơn nói đó, thì đạo là phần hình-nhi-thượng, tức là lý vậy. Cái lý ở trước mặt ta chứ không ở đâu xa: « Lý chỉ tại nhãn tiền, chỉ thị bị nhân tự tế liễu 理 只 在 眼 前,只 是 被 人 自 蔽 了: Lý chỉ ở trước mắt, chỉ là bị người tự che đi vậy ». Bởi có cái che ấy cho nên ta mới không trông thấy nữa.

Ông thường lấy hai chữ vũ-trụ mà khải ngộ những học-giả, như là nói: « Đạo đầy lấp cả vũ-trụ, không có cái gì là dấu-kín. Cái mà ở Trời gọi là âm dương, ở đất gọi là cương nhu, ở người gọi là nhân nghĩa, là cái bản tâm của người vậy ». Hoặc là nói: « Lý ấy đầy lấp vũ-trụ, trời đất thuận theo lý ấy mà động, cho nên mặt-trời mặt-trăng không đi qua được cái độ thường, bốn mùa không sai được; thánh-nhân theo lý ấy mà động, cho nên hình phạt ít mà dân phụ ». Hoặc là nói: « Lý ấy đầy khắp cả vũ-trụ, không ai trốn khỏi được. Thuận theo lý ấy thì lành, trái lý ấy thì dữ. » Hoặc là nói: « Vũ-trụ không hạn cách người, người hạn cách vũ-trụ. » Ông cho ở trong vũ-trụ có cái lý đầy lấp cả, thì ở trong tâm cũng có cái lý đầy lấp cả. Trong khoảng vũ-trụ có lý ấy, thì ở trong tâm cũng có lý ấy. Cho nên nói rằng: Vũ-trụ tiện thị ngô tâm, ngô tâm tức thị vũ-trụ 宇 宙 便 是 吾 心,吾 心 卽 是 宇 宙: Vũ-trụ là tâm của ta, tâm của ta tức là vũ-trụ. » Cái lý ở trong vũ-trụ với cái tâm là một, thì cái tâm của bậc thánh-nhân ở trong thời-gian và trong không-gian, đâu đâu cũng là một cả. Bởi vậy ông lại nói: Đông-hải hữu thánh-nhân xuất-yên, thử tâm đồng giã, thử lý đồng giã. Tây-hải hữu thánh-nhân xuất yên, thử tâm đồng giã, thử lý đồng giã. Nam-hải, bắc-hải hữu thánh-nhân xuất yên, thử tâm đồng giã, thử lý đồng giã. Thiên bách thế chi thượng hữu thánh-nhân xuất yên, thử tâm đồng giã, thử lý đồng giã. Thiên bách thế chi hạ hữu thánh-nhân xuất yên, thử tâm đồng giã, thử lý đồng giã 東 海 有 聖 人 出 焉,此 心 同 也,此 理 同 也.西 海 有 聖 人 出 焉,此 心 同 也,此 理 同 也.南 海,北 海 有 聖 人 出 焉,此 心 同 也,此 理 同 也.千 百 世 之 上 有 聖 人 出 焉,此 心 同 也,此 理 同 也.千 百 世 之 下 有 聖 人 出 焉,此 心 同 也,此 理 同 也: Đông-hải có thánh-nhân xuất hiện ra, tâm ấy đồng vậy, lý ấy đồng vậy. Tây-hải có thánh-nhân xuất hiện ra, tâm ấy đồng vậy, lý ấy đồng vậy. Nam-hải, bắc-hải có thánh-nhân xuất hiện ra, tâm ấy đồng vậy, lý ấy đồng vậy. Nghìn trăm đời về trước có thánh nhân xuất hiện ra, tâm ấy đồng vậy, lý ấy đồng vậy. Nghìn trăm đời về sau có thánh-nhân xuất hiện ra, tâm ấy đồng vậy, lý ấy đồng vậy.» Ở đâu đã có lý ấy, thì tất là phải đồng; nếu có chỗ không đồng, là tại có lý ấy nhưng không thấy hết đó mà thôi. Học-giả phải hiểu rằng: đạo tâm là đại đồng, mà người ta tự chia riêng ra, nhưng nhân-tâm vẫn tự thiện, tự linh, tự minh. Nhân-tâm là thần, là đạo. Hãy xem như lòng trắc-ẩn, lòng cung-kính, lòng thị-phi, thì ai là người không có. Nếu đã có những lòng ấy, tất là cùng với thánh-nhân đồng là một. Càng đến bậc thánh, thì những điều nhân nghĩa lễ trí lại càng hoàn-toàn lắm, cho nên dẫu ở đông tây nam bắc, hoặc đời xưa đời nay đều là một tâm cả. Hễ ta hiểu cái tâm là thế, ta cứ tự tín, và không tự khí, thì cái tâm của ta tự nó sáng suốt, vạn lý đều sáng rõ vậy.

Lục Tượng-sơn cho là cái sở dĩ làm cho Trời là Trời, đất là đất, người là người, vũ-trụ là vũ-trụ, là cái tâm. Cái tâm ấy, Trời phú dữ cho ta, nên chi tâm với lý là một, « Thiên chi sở dĩ dữ ngã giả, tức thử tâm giã. Nhân giai hữu thị tâm, tâm giai cụ thị lý, tâm tức lý giã 天 之 所 以 與 我 者,卽 此 心 也.人 皆 有 是 心,心,皆 具 是 理,心 卽 理 也: Cái mà Trời cho ta, là cái tâm ấy vậy. Người đều có cái tâm ấy, tâm đều có cái lý ấy, tâm tức là lý vậy. » Cái tâm ấy là Trời phú dữ cho, chứ không phải là ta rèn đúc ra được. Bởi vậy nói rằng: « Thử lý bản thiên sở dĩ dữ ngã, phi do ngoại thước. Minh đắc thử lý, tức thị chủ-tể. Chân năng vi chủ, tắc ngoại vật bắt năng di, tà-thuyết bất năng hoặc 此 理 本 天 所 以 與 我,非 由 外 鑠.明 得 此 理,卽 是 主 宰.真 能 爲 主,則 外 物 不 能 移,邪 説 不 能 惑: Cái lý ấy là cái Trời cho ta, không phải do ở ngoài đúc ra. Làm sáng được cái lý ấy, tức là có chủ-tể. Thật làm được chủ, thì ngoại vật không thể di dịch được, tà thuyết không thể làm mê-hoặc được. »

Cái lý ở trong vũ-trụ chỉ có một, thì cái tâm cũng chỉ có một mà thôi. « Tâm, nhất tâm giã; lý, nhất lý giã. Chí đáng qui nhất, tinh nghĩa vô nhị. Thử tâm, thử lý, thực bất dung hữu nhị 心,一 心 也;理,一 理 也.至 當 歸 一,精 義 無 二.此 心,此 理,實 不 容 有 二: Tâm là một tâm vậy; lý là một lý vậy. Rất chính đáng là hợp về cái một, xét rõ nghĩa thì không có hai. Tâm ấy, lý ấy, thực không là hai được. »

Lục Tượng-sơn đem những lời của Khổng-tử và Mạnh-tử để làm chứng. Khổng-tử nói rằng: « Ngô đạo nhất dĩ quán chi »; Mạnh-tử nói rằng: « Phù đạo nhất nhi dĩ hỹ. » Cái đạo ấy là đạo nhân, cho nên Mạnh-tử lại nói: « Đạo chỉ có nhân và bất nhân mà thôi. » Tượng-sơn theo cái nghĩa ấy mà nói rằng: « Nhân tức là tâm ấy, là lý ấy. Tìm nó thì được, là được cái lý ấy; tiên tri là tri cái lý ấy, tiên giác là giác cái lý ấy; yêu cha mẹ là lý ấy; kính anh là lý ấy; thấy đứa trẻ sắp rơi xuống diếng mà có lòng bồn-chồn thương-xót là lý ấy; việc nên lấy làm thẹn mà thẹn, việc nên lấy làm ghét mà ghét là lý ấy; biết cái phải là phải, cái trái là trái, là lý ấy; nên từ mà từ, nên tốn mà tốn, là lý ấy; kính cũng là lý ấy, nghĩa cũng là lý ấy, trong là lý ấy, ngoài là lý ấy. Mạnh-tử bảo: « Không nghĩ mà biết là lương-tri, không học mà giỏi là lương-năng, ấy là cái Trời phú dữ cho ta, ta vốn có rồi, không phải do ở ngoài đúc ra cho ta vậy, Cho nên nói rằng: Vạn vật đều đủ ở ta, ta trở lại thân ta, mà thành thực, thì không có cái vui nào lớn hơn vậy. » Đó là cái bản tâm của ta vậy. Cái gọi là an-trạch, chính-lộ, là cái ấy; cái gọi là quảng-cư, chính vị, đại đạo là cái ấy. Cổ-nhân tự đắc cái ấy, cho nên có cái chân thực, nói lý là thực lý. nói sự là thực sự, đức là thực đức, hạnh là thực hạnh. »

Cái tâm của người ta rất thiêng-liêng, cái lý rất sáng suốt: « Nhân tâm chí linh, thử lý chí minh 人 心 至 靈,此 理 至 明 ». Tâm vô thanh, vô khứu, mà chủ-tể cả mọi việc, bắt ta phải theo nghĩa lý, làm nhân nghĩa. Nhờ có tâm mà ta có tự-do, có quyền quyết-đoán, mà tư-tưởng, mà hành động. Tâm thiêng-liêng và sáng-suốt như thế, cho nên Lục Tượng-sơn thường tán-thán rằng: « Kỳ tha thể tận hữu hình, duy tâm vô hình, nhiên hà cố năng nhiếp chế nhân như thử chi thậm! 其 他 體 盡 有 形,惟 心 無 形,然 何 故 能 攝 制 人 如 此 之 甚!Cái thể khác hết thảy đều có hình, duy cái tâm không có hình, mà cớ sao nhiếp chế được người đến rất mực như vậy! »

Cái tâm của người ta là duy nhất. Đạo tâm, nhân-tâm. cũng chỉ là một mà thôi, mà thiên-lý và nhân-dục cũng là ở trong một cái tâm cả. Lục Tượng-sơn cho câu: « Nhân sinh nhi tĩnh, thiên chi tính giã, cảm ư vật nhi động, tính chi dục giã » nói ở thiên Nhạc-ký trong sách Lễ-ký là căn-bản ở Lão-học, chứ không phải là lời chí-luận. Nếu chuyên nói tính là thiên-tính, thì động không phải là thiên-tính hay sao? Đã là phải, thì động cũng phải, tĩnh cũng phải, há lại phải phân ra thiên-lý và nhân-dục làm gì. Động đã là không phải, thì tĩnh cũng không phải, há lại có động tĩnh gián-cách ra hay sao? Kinh Thư có nói: « Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi » rồi có nhiều người giải thích: Nhân tâm là nhân-dục, đạo-tâm là thiên-lý. Ông cho nói như thế là không phải. « Tâm có một, người ta sao lại có hai tâm? Tự người mà nói là duy nguy, tự đạo mà nói là duy vi. Vọng niệm là cuồng, khắc niệm là thánh, lại không phải là nguy hay sao? Vô thanh, vô khứu, vô hình, vô thể, lại không phải là vi hay sao? » Đó chẳng qua là cổ-nhân theo từng phương-diện mà nói, chứ tâm thì chỉ có một mà thôi.

Tâm là cái thực, làm chủ-tể cả vũ-trụ và vạn vật. Ngoài cái tâm ra, dẫu có vạn vật, vạn sự, cũng như không vậy.

Khí chất. — Về đường đạo-lý, thì Lục Tượng-sơn lấy tâm làm cái lẽ duy-nhất, chủ-tể cả mọi sự vật, nhưng về đường sinh hóa của trời đất, thì ông cho là có khí-chất. Có khí-chất thì mới có hình, mà những cái có hình là cái khí-cụ; còn sự sinh-hoạt, hành-động của những khí-cụ ấy là do ở cái lý. Bởi vậy ông nói rằng: « Tự hình-nhi-thượng giả ngôn chi, vị chi đạo; tự hình-nhi-hạ giả ngôn chi, vị chi khí. Thiên địa diệc thị khí, kỳ sinh phú hình tái tất hữu lý 自 形 而 上 者 言 之,謂 之 道;自 形 而 下 者 言 之,謂 之 器,天 地 亦 是 器,其 生 覆 形 載 必 有 理: Từ cái hình-nhi-thượng mà nói, gọi là đạo; từ cái hình-nhi-hạ mà nói, gọi là cái khí-cụ. Trời đất cũng là cái khí-cụ, còn sự sinh, sự che, sự làm thành hình, sự chở, ắt là có lý, » Theo cái ý-nghĩa ấy, thì khí-chất là cái để làm thành hình-thể của vạn vật. Trong vạn vật có lý để làm tâm, có khí-chất để làm hình-thể. Tâm và hình-thể quan-hệ với nhau cũng như lý với khí-chất. Khí-chất có thanh, có trọc; tâm có hiền, có ngu. Người hiền là « tâm tất trí, khí tất thanh », người bất tiếu là « tâm tất ngu, khí tất trọc ». Ngoài cái thanh trọc ra, cái khí bẩm còn có hậu bạc, hôn minh, cương nhu, lợi độn, khác nhau nữa, vậy nên người ta cần phải theo cái tâm mà biến hóa cái khí-chất.

Lục Tượng-sơn cho là lý thì chí thiện, nhưng vì khí có mờ tối, vật có ngăn che, thế-lực có biến thiên, tập-quán có di dịch. Hễ người ta đi mà không trở lại, mê mà không hiểu. là người ngu, người dở, làm mất cái đạo di-luân. trái với mạnh trời.

Sự tồn-dưỡng. — Sự tồn-dưỡng cái tâm ở sự chuộng cái sỉ 恥. Sỉ là biết hổ-thẹn những điều đáng hổ-thẹn. Muốn biết cái đáng hổ-thẹn, thì biết cái gì là đáng quí của người ta. Cái đáng quí của người ta là cái Trời đã cho ta. Nếu ta để nó chìm đắm ở vật-dục mà không biết tự phản lại, thì không có gì đáng lấy làm hổ-thẹn được vậy.

Người mà không có cái hổ-thẹn, thì cùng với loài có lông có vảy, cùng với loài cây cỏ, có khác gì không? Cũng là người cả, mà có người là thánh là hiền, là tại sao? Chẳng qua là chỉ biết trọng cái đáng hổ-thẹn đó mà thôi. Người ta sở dĩ không có cái hổ-thẹn là tại ít hay nghĩ đến cái sỉ vậy. Cho nên ta phải có sỉ. « Sỉ tồn tắc tâm tồn, sỉ vong tắc tâm vong 恥 存 則 心 存,恥 亡 則 心 亡: Cái sỉ còn thì cái tâm còn, cái sỉ mất thì cái tâm mất. » Vậy sự tồn dưỡng cái tâm trước hết phải có cái sỉ, mà nhất là biết cái đáng lấy làm sỉ.

Sự học-tập và sự giáo-hối.— Cái học của Lục Tượng-sơn cốt lấy trực-giác mà lý hội, chứ không ưa cái học chi-ly, tỉ-mỉ, của số nhiều những học-giả khác. Ông nói rằng: « Người ta đối với sự học rất khó, Trời che đất chở, xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông túc, đều là lý ấy. Người ta ở giữa khoảng ấy, nếu không có cái linh thức 靈 識, thì hiểu thế nào được lý ấy. » Cái linh-thức ấy là cái trực-giác. Cái trực-giác của ta mà mờ tối đi, là vì ta dùng cái tư thuật làm mất cái thực tự-nhiên của thiên-lý. Bởi vậy ông nói câu này, có nghĩa lý rất sâu: « Thực vong mạc thậm ư danh chi tôn, đạo tệ mạc thậm ư thuyết chi tường 實 亡 莫 甚 於 名 之 尊,道 弊 莫 甚 於 說 之 詳: Cái thực mất không bao giờ bằng khi cái danh đã tôn, cái đạo hỏng không bao giờ bằng khi cái thuyết đã tường, » Ông lại giải rõ nghĩa câu ấy rằng: « Từ khi cái học không sáng ra, người ta mới tranh nhau dùng tư thuật, thành ra cái danh của trí mới tôn, cái thuyết mới tường. Người ta ai lại không có lòng thị phi. Cái trí của thánh-nhân không phải là có điều gì cao xa khác lạ mà không biết được, chỉ cốt được cái đồng nhiều của nhân-tâm mà thôi; nhưng việc của thánh nhân thi-thiết ra, thì hợp với cái lý của mọi vật, xứng với cái tình của mọi sự, bằng phẳng đáng với nhân-tâm, kẻ ngu-phu ngu-phụ cũng có thể biết được, cần gì phải danh cho tôn, thuyết cho tường. Đến khi cái trí ấy mất đi, cái tư thuật mới dấy lên, thì lương-tâm càng ngày càng dong-ruổi ở khoảng quỉ quyệt gian trá, nhưng thực thì vẫn không đủ lừa người ta được. Lúc ấy mới lấy trộm cái danh của trí để dùng cái giả dối của mình, cho nên cái danh không thể không tôn. Không những là chỉ làm cho tôn cái danh mà thôi, lại dùng văn lập ra cái thuyết gần giống, để làm cho danh thành ra thực, cho nên cái thuyết không thể không tường. Cái danh thì tôn, cái thuyết thì tường, mà cái thực của trí càng mất đi, và cái tệ của đạo cũng nhiều ra vậy.» Ông xướng lên cái thuyết duy-tâm để sửa lại cái lầm của các học-giả, và nói rằng: « Nghĩa-lý ở tâm người ta, thực là của Trời cho, không thể tiêu diệt đi được. Kìa như những kẻ bị ngoại vật che lấp, đến nỗi làm những điều trái lý sai nghĩa, ấy là bởi không biết suy nghĩ đó mà thôi. Nếu những người ấy biết tự phản lại mà suy nghĩ, thì sự phải, sự trái, cái lấy, cái bỏ, ắt có cái ẩn-nhiên mà động, phán-nhiên mà sáng, quyết-nhiên mà không có nghi ngờ vậy. » Suy nghĩ, phải lấy cái tâm công-nhiên mà suy nghĩ, thì mới đạt tới nghĩa lý được, chứ không nên dùng tư tâm. « Thất trùng thiết thành, tư tâm giã. Tư tâm sở cách, tuy tư phi chính, tiểu-nhi diệc hữu tư tư 七 重 鐵 城,私 心 也,私 心 所 隔,雖 思 非 正,小 兒 亦 有 私 思: Bẩy tầng thành sắt là tư tâm vậy. Cái tư tâm đã ngăn cách ra, thì dẫu có suy nghĩ cũng không phải là chính, đứa tiểu-nhi cũng có sự suy nghĩ riêng. »

Suy nghĩ ở chỗ nào? — Rằng: « Người ta nên trước hết phải lý-hội cái sở dĩ làm người, mà nghĩ cho sâu, xét mình cho nghiêm. Nếu không biết cái người sở dĩ làm người mà lại cứ giảng, cứ học, thì là bỏ cái lớn mà nói cái nhỏ. Nếu đã biết được cái lớn, thì tuy khinh rồi tự-nhiên ở chỗ khinh quay về chỗ hậu. »

Cái học của Lục Tượng-sơn cốt ở mấy chữ: « Tiên lập kỳ đại 先 立 其 大: Trước hết phải lập cái lớn. » Ông nói rằng: « Cái học-vấn của ta không bịa đặt ra điều gì cả. Tuy thiên ngôn vạn ngữ, nhưng chỉ biết nó là thế, chứ ta không tầng thêm cái gì. Gần đây có người nghị luận đến ta, nói rằng: Trừ một câu: Tiên lập hồ kỳ đại giả, toàn thị không có ngón gì nữa. » Ta nghe lời ấy, nói rằng: Thật như vậy. » Cái đại ấy là cái tâm, tức là cái gốc của mọi sự vật. Cho nên ông thường nói: « Phàm vật tất có gốc ngọn. Ta dạy người, đại khái khiến phải trọng cái gốc, đừng để cái ngọn làm lụy. Nhưng đời nay những người bàn việc học không thích thế. »

Ông cho học-giả đời xưa không phải vì người mà học. Làm điều lành, đổi điều lỗi, là do ở mình. Hễ có điều thiện mà nên làm, thì ta tự làm lấy, không phải vì người mà làm; hễ có điều lỗi nên đổi thì ta tự đổi đi, không phải vì người nà đổi. Cho nên nghe người nói điều lỗi của mình thì mừng, biết được điều lỗi của mình thì không kiêng, đổi điều lỗi của mình thì không sợ. Ông thường bảo các đệ-tử rằng: « Kẻ học-giả nên suy-nghĩ và tỉnh-sát cái đại-cương. Bình thời tuy gọi là làm người đi học, tuy đọc sách của thánh hiền, nhưng kỳ thực đã tầng có mấy người chịu giốc chí về sự-nghiệp của thánh hiền, mà chỉ chăm-chăm theo tục chìm nổi, đời ngửng lên trông cái gì, mình cũng ngửng lên trông, đời cúi xuống xét cái gì, mình cũng cúi xuống xét, theo tình buông dục, chìm đắm, u mê, tự mình không phấn-chấn lên được. Ngày tháng qua lại, cứ đành chịu cái sỉ nhục cùng với cỏ cây đều hẩm nát. Đến nay ai biết sợ, biết xấu, thì nên quả-quyết cái chí, cầu lấy cái phương-pháp hàm-dưỡng mài-dũa. Nếu có công việc, mà chưa được đọc sách, chưa gặp được thầy bảo cho, cũng có thể tùy chỗ tự mình dùng sức mà kiển-điểm, thấy điều thiện thì bắt-chước, có điều lỗi thì bỏ đi. Thế là đúng vào câu: « Lòng thành cầu cái đó, thì dẫu không tin hẳn, cũng không xa. » Khi nào rảnh việc, thì nên chăm đọc sách vở, chắc là không có điều gì là không có ích vậy. »

Người đi học là phải lấy cái thực làm quí, không cầu cái văn: « Thành hữu kỳ thực, tất hữu kỳ văn. Thực giả bản giã, văn giả mạt giã 誠 有 其 實,必 有 其 文,實 者 本 也,文 者 末 也: Nếu có cái thực, ắt có cái văn. Thực là gốc vậy, văn là ngọn vậy. » Ai không biết lẽ ấy mà lại trọng ở cái ngọn, thì không những là mất cái gốc, rồi đến cả cái ngọn cũng mất. Bởi vậy cổ-nhân trọng ở sự hiểu rõ thực lý và ở sự làm những sự thực. Việc học-vấn là tự mình phải có cái yếu-lĩnh, đừng để những lời phiếm-nhiên vô đoan làm mê hoặc mình, Ai đã biết cái yếu-lĩnh ấy rồi, thì ra sức làm cho được, ai chưa biết thì phải học, phải hỏi, phải suy nghĩ, phải biện luận để cầu cho được.

Thủy chung ông rất chú trọng ở sự thành 誠. Thành là theo cái nghĩa như trong sách Trung-dung đã nói: « Thành là không phải tự thành lấy cho mình mà thôi, còn thành-lập cho vạn vật. » Thành-lập cho mình là nhân, thành-lập cho vạn vật là trí. Thành là cái đức của tính, cái đạo hợp cả trong ngoài vậy.

Cách ông dạy người thì cốt khiến học-giả lý-hội lấy những điều trọng-yếu trong các Kinh Truyện mà cầu lấy cái thực, chứ không theo như lối học của Chu Hối-am, câu-nệ về sự cư-kính và cùng-lý. Ông cho là cái lý thiên biến vạn hóa, biết thế nào là cùng được, nên chi người đi học chỉ chủ lấy sự giữ cái tâm cho sáng để tùy sự biến của sự vật mà ứng lại. Vậy nên ở nhà học của ông không đặt học-qui, ai đến học thì ông tùy sức mà chỉ dẫn cho, để tự mình phải suy nghĩ ra mà hiểu lấy. Ông rất sáng suốt, thường trông qna người lạ mới đến đã biết ngay là người thế nào. Khi ông giảng diễn điều gì thì lời nói của ông sốt-sắng làm cho ai cũng cảm động. Ông thường chê cái học của Chu Hối-am là chi-li, không phải là đạo của thánh hiền. Bởi vậy mới có nhiều cuộc hai bên tranh luận với nhau.

Sự tranh luận với Chu Hối-am. — Thuở ấy có Lữ Đông-lai, tức là Lữ Tổ-khiêm, cũng là một nhà danh nho, hội cả hai anh em họ Lục với Chu Hối-am ở Nga-hồ-tự, thuộc huyện Duyên-sơn, Giang-tây, để biện-luận sự đồng dị của hai học-phái. Lục Tượng-sơn với Chu Hối-am tranh luận với nhau hằng mấy ngày. Đại-để họ Chu thì muốn dạy người ta trước hết phải cùng lý; lý có sáng thì rồi sau mói chính tâm, thành ý được. Họ Lục thì muốn trước hết phải khải-phát cái bản tâm của người ta đã, rồi sau mới khiến xem cho rộng, để ứng với sự biến của vạn vật. Chu Hối-am thì cho họ Lục dạy người giản-dị thái quá, Lục Tượng-sơn thì cho họ Chu dạy người rất chi-li, không đúng với đạo của thánh hiền. Hai bên biện nạn mãi không chịu nhau, sau Chu Hối-am nói rằng: « Mỗi người có một cái sở kiến, chi bằng để cho hậu thế quyết đoán.» Lục Tượng-sơn còn muốn diễn một bài nói rằng: « Trước vua Nghiêu vua Thuấn, thì có sách nào mà học. » Nhưng Lục Cửu-linh can ngăn rồi thôi.

Chu Hối-am tuy không chịu theo ý-kiến của Lục Tượng-sơn, nhưng vẫn kính phục. Đến khi Hối-am làm chức Tri Nam-khang quân, Tượng-sơn đi qua, Hối-am mời đến động Bạch-lộc giảng một bài sách. Tượng-sơn lấy câu: « Tử viết: Quân-tử dụ ư nghĩa, tiểu-nhân dụ ư lợi 子 曰:君 子 喩 於 義,小 人 喩 於 利 » trong sách Luận-ngữ mà giảng. Tượng-sơn nói một cách rất thống thiết đến nỗi có người cảm động chảy nước mắt mà khóc. Bấy giờ là mùa lạnh mà Chu Hối-am toát mồ-hôi ra, rồi đứng dậy nói rằng: « Hi ở đây chưa tầng nói được đến chỗ ấy, thật lấy làm xấu-hổ lắm. » Hối-am xin Tượng-sơn viết bài giảng ấy ra, rồi đem khắc vào đá, để ở thư-viện. Tượng-sơn bèn viết bài ấy rằng:

« Chương quân-tử dụ ư nghĩa, tiểu-nhân dụ ư lợi cốt lấy nghĩa và lợi để phân biệt quân-tử và tiểu-nhân, lời ý rõ-ràng. Song ai đọc chương ấy mà không xem xét thiết-thực vào bản thân mình, thì e rằng cũng chẳng có ích lợi gì. Ta ngày thường đọc chương ấy, không lúc nào là không cảm xúc. Trộm nghĩ rằng: Kẻ học-giả khi đọc đến chương ấy, nên phân biện ngay cái chí của mình. Phàm cái gì mà người ta hiểu được là do sự tập-quen, mà sự tập-quen là do cái chí của mình. Chí ở điều nghĩa, thì tập-quen tất là ở điều nghĩa; tập-quen điều nghĩa, ấy là hiểu về điều nghĩa, Chí ở điều lợi, thì tập-quen tất là ở điều lợi; tập-quen điều lợi, ấy là hiểu về điều lợi. Cho nên cái chí của kẻ đi học, không thể không phân biện vậy.

« Cách dùng khoa-cử kén lấy kẻ sĩ có đã lâu vậy, các bậc danh-nho, cự-công, đều bởi đó mà ra. Nay những người đi học cũng không sao tránh khỏi vòng thi-cử, song sự được thua ở nơi trường ốc là bởi cái nghề văn của mình nhằm vào lòng yêu ghét của quan chấm trường mà thôi, chứ không phải là dùng sự được thua ấy để phân biệt người quân-tử kẻ tiểu-nhân vậy. Đời nay ganh đua về đường thi-cử, đến nỗi chìm đắm ở trong đường ấy mà không sao gỡ ra được. Như cặm-cụi suốt ngày, tuy là nói rằng học sách của thánh-hiền, song rút lại, cái chí-hướng của mình có khi lại trái với thánh hiền mà đi ra đường khác. Suy lên một tầng nữa[2] thì lại chỉ biết lo tính về quan hàm cao thấp, bổng lộc nhiều ít, chứ đã mấy ai chịu hết lòng hết sức đối với việc nước, tình dân, để khỏi phụ cái chức-trách của mình đâu. Ai đã ra tùng sự ở khoảng ấy[3] canh lịch đã nhiều, giảng tập lại kỹ, sao lại có điều không hiểu, song chỉ e rằng không hiểu về điều nghĩa vậy.

« Nếu biết nghĩ kỹ rằng: Thân mình không nên đi cùng đường với kẻ tiểu-nhân, thì đối với sự tập-quen về đường lợi dục, phải xót-xa lấy làm đau lòng nhức-óc, mà chuyên chí vào điều nghĩa và ngày ngày cố gắng để noi theo. Học cho rộng, hỏi cho kỹ, nghĩ cho cẩn thận, biện luận cho minh bạch, rồi cố hết sức để thực-hành cái học của mình. Như thế mà đi thi, tất là những bài văn có thể bày tỏ được cái học bình nhật, và cái uẩn-súc ở trong bụng, mà không có tội lừa dối thánh-nhân. Như thế mà đi làm quan tất là xứng-đáng cái chức của mình, siêng năng làm những việc của mình, để bụng lo cho nước, cho dân, mà không tính toán đến cái lợi riêng cho một mình. Được như thế há chẳng gọi là người quân-tử đó ru! »

Sau cuộc giảng-diễn ấy rồi, Chu-Hối-am viết thư cho người ta. nói rằng: « Từ Tử-Tư đến nay, phép dạy người có hai việc, là: tôn cái đức-tính và nói sự vấn-học. Nay cái thuyết của Tử-tĩnh là nói tôn đức-tính mà cái học của ta là phần nhiều ở chỗ nói vấn-học. Bởi vậy cái học kia thì có phần trì-thủ nhiều hơn, mà phần xét đạo-lý không được tinh tường. Về đường nghĩa-lý ta không nói bậy, nhưng về những việc khẩn-yếu thường không được đắc lực. Ta nên phản thân dụng lực. bỏ cái đoản, lấy cái trường, ngõ hầu mới không lệch về một bên. » Lục Tượng-sơn nghe điều ấy, nói rằng: « Chu Nguyên-hối muốn bỏ hai cái đoản hợp hai cái trường, nhưng ta bảo không nên. Đã không biết tôn đức-tính, thì sao lại nói vấn-học được? »

Lại có người nói với Tượng-sơn rằng: « Cái học của tiên-sinh là đạo đức tính mệnh, thuộc về hình-nhi-thượng, cái học của Chu Hối-am là danh vật độ số, thuộc về hình-nhi-hạ. Học-giả nên kiêm cả hai cái học ấy. » Tượng-sơn đáp lại rằng: « Nếu bảo như thế, Hối-ông không chịu. Hối-ông vẫn cho cái học của mình là nhất-quán, nhưng sự thấy đạo không rõ, thành ra không đủ nhất-quán được. Ta thường viết thư cho Hối-ông rằng: Cái khéo ở sự đo, lường, phóng ra, tả ra; cái giống ở sự bắt-chước, sự mượn; điều-hoạch ra cái gì, đủ làm cho mình tự tín, tập quen thuần-thục cái gì, đủ làm cho mình tự yên. Lời nói ấy thật đúng cái bệnh cao-hoang của Hối-ông. »

Hai người tuy không đồng ý về việc học, nhưng vẫn kính phục nhau, một hôm trời sáng trăng, Tượng-sơn đi bộ chơi, tự-nhiên thở dài. Lúc ấy có môn-đệ là Bào Mẫn-đạo đi theo, hỏi: « Tiên-sinh thở dài về việc gì? » — Tượng-sơn nói rằng: « Chu Nguyên-hối là một ngọn núi cao trong núi Thái-sơn, khả tiếc là học không thấy đạo, thành ra uổng phí mất cả tinh-thần! » — Bào Mẫn-đạo nói rằng: « Đã như thế, chi bằng mỗi bên cứ làm sách để đợi thiên-hạ hậu-thế tự chọn lấy, » — Tượng-sơn chính sắc mặt, nói to lên rằng: « Mẫn-đạo! Mẫn-đạo! Ngươi học sao không tiến ích chút nào, mà lại có cái kiến-giải như thế? Cái đạo ở trong trời đất, có Chu Hối-am và Lục Tử-tĩnh thì có thêm được cái gì, mà không có, thì có bớt mất cái gì. » Tượng-sơn cho cái đạo ở trong trời đất cứ tự-nhiên lưu-hành, học-giả chỉ cần biết đạo mà theo, chứ có cần gì biện luận cho lắm. Ông chỉ tiếc một người như Chu Hối-am mà không thấy rõ đạo, để bỏ phí mất công-phu mà thôi.

Chu Hối-am cũng thường viết thư cho Lục Tượng-sơn nói rằng: Đạo lý cực tinh-vi, nhưng không ở ngoài sự tai mắt trông nghe. Những điều phải trái đen trắng ở ngay trước mắt, chỉ vì không xét mà muốn tìm cái huyền-diệu ở ngoài cái ý-tứ tư lự, ấy là lầm rồi. Hi bây giờ ngày một già yếu, may rằng ít lâu nay công-phu nhật dụng không khó nhọc mấy, không có cái bệnh chi-li như trước nữa. Chỉ giận không được gặp mặt để thung-dung nói chuyện, không biết rồi về sau còn có dị đồng nữa không? » Xem ý trong lời ấy, thì Chu Hối-am cũng đã biết cái lỗi của mình.

Về mấy năm sau, khi Lục Tượng-sơn về ở núi dạy học, nhân có anh Lục Tượng-sơn là Lục Thoa-sơn bẻ mấy chữ « Vô-cực nhi Thái-cực » của Chu Liêm-khê, viết ở Thái-cực đồ thuyết, là không đúng cái tôn-chỉ của Nho-giáo. Chu Hối-am viết thư biện bác điều ấy. Lục Tượng-sơn cho Thoa-sơn nói phải, và đáp lại rằng: « Theo nghĩa chữ cực trong chữ hoàng-cực ở thiên Hồng-phạm, thì chữ cực 極 là trung 中; như vậy, mấy chữ « Vô-cực nhi Thái-cực » nghĩa là: « Không có trung rồi mới có trung », thành ra có « vô » rồi mới có « hữu ». Đó là cái tôn-chỉ của Lão-học, chứ không phải là tôn-chỉ của Nho-học ». Ông nghi là câu « Vô-cực nhi Thái-cực » không phải của Chu Liêm-khê viết ra, hoặc viết lúc cái học chưa thành-lập, và chê Hối-am không thấy rõ chỗ ấy. Xét ra, câu « Vô-cực nhi Thái-cực » là chỗ uyên-thâm trong cái học của Chu Liêm-khê, thế mà Lục Tượng-sơn lại nghi là lầm và cứ cố-chấp cái ý-kiến của mình, cho nên thành ra hai bên tranh luận mãi.

Chu Hối-am thì cho chữ « vô-cực » là không có phương-sở, không có hình-trạng. Theo cái nghĩa ấy, thì câu: « Vô-cực nhi Thái-cực » nói cái ý rằng: Thái-cực không có hình mà làm khu-nữu căn-để của vạn vật, Nói như thế là tỏ ra rằng Thái-cực là cái đại khu-nữu, đại căn-để, cũng như nói: Cái thể của lý ấy vô thanh khứu, vô phương-sở, mà vẫn là Thái-cực. Vậy thì « Vô-cực » và « Thái-cực » vẫn là một, chứ không phải là hai. Hiểu như thế, thì câu của Chu Liêm-khê chỉ nói cái chân-thể của lý Thái-cực mà thôi, chứ không có nghĩa phân ra « vô » với « hữu » hai thể khác nhau.

Thiết tưởng ai xem kỹ câu: « Vô-cực nhi Thái-cực » cũng phải hiểu như Chu Hối-am thì mới đúng nghĩa. Nhưng chỗ này Lục Tượng-sơn hiểu chữ « cực » ra nghĩa khác, cho nên mới nhất định không chịu. Sau cùng Chu Hối-am viết nói rằng: « Lão thì nói « hữu » và « vô » là cho « hữu » và « vô » làm hai thể; Chu Liêm-khê nói « hữu » và « vô » là cho « hữu » và « vô » là một. Xin tử-tế xem kỹ, chớ nên vội-vàng chê bai. Nói « Vô-cực nhi Thái-cực » cũng như nói: « Vô-vi chi vi » không phải là bảo có một vật khác nữa; không phải như là nói « hoàng cực, dân cực, có phương-sở, có hình-tượng », nhưng chỉ nói cái chí-cực của lý ấy vậy. » Sau Hối-am lại viết thêm rằng: « Như nói là chưa phải, thì để ngày tháng qua lại, ta cứ mỗi người theo cái sở văn của mình, và cứ làm cái sở tri của mình, chứ không mong cho phải đồng với nhau. »

Chu Hối-am thường viết thư cho người ta rằng: « Học-giả nên kiêm cả cái sở trường của hai nhà, chớ nên khinh-suất mà chê bai. Nếu có điều hai nhà không hợp với nhau, thì hãy để đừng bàn đến, cốt phải gắng sức ở chỗ cần cấp của ta, là chỗ thiên-lý và nhân-dục cách nhau. Lục Tử-tĩnh bình nhật lấy việc đem mình khiến các học-giả theo thiên-lý, không để một chút nhân-dục lẫn vào, làm cái chức-trách của mình, quyết chẳng có những điều như người ta nghi ngờ vậy. » Sau nhân có người viết thư chê Tượng-sơn về việc tranh-luận hai chữ « vô-cực ». Chu Hối-am đáp lại rằng: « Từ khi nhà Tống dời về phía nam đến nay, những người thật có công-phu lý-hội được cái đạo của thánh hiền, chỉ có Lục Tượng-sơn với ta mà thôi. Ta thật lấy làm kính trọng, các người chớ nên khinh nghị. » Về lúc vãn niên, Chu Hối-am cũng nhận biết là cái học của mình có nhiều điều sai lầm, muốn sửa đổi lại, nhưng vì đã già yếu không thực-hành được. Đó là một điều ta nên biết mà xét cho kỹ để phân-biệt sự đồng dị của họ Chu và họ Lục.

Nói rút lại, Lục Tượng-sơn đem cái học đã mất hơn một nghìn rưỡi năm của Mạnh-tử mà phát-minh ra ở đời, để sửa lại sự lầm lỗi của tục-học, mờ-mịt ở chỗ từ-chương huấn-hỗ, chìm đắm ở trong vòng khoa-cử. Ông ra sức đem học-giả vào con đường đạo-đức thiết-thực. dùng cái lương-tâm sáng suốt mà thù ứng với mọi sự vật, lấy cái linh-thức, tức là cái trực-giác mẫn-nhuệ, mà hiểu biết cái chân-lý ở trong vũ-trụ; ông lại tự mình thí-nghiệm cái học ấy ở trong việc chính-trị, thành được cái hiệu-quả rất hay. Chỉ tiếc vì đời bấy giờ sùng-thượng cái học của Trình Y-xuyên và Chu Hối-am, cho nên cái học của ông chỉ được một thời rồi về sau không thịnh-hành được.

Lục Tượng-sơn thường nói rằng: « Nay những học-giả trong thiên-hạ chỉ có hai con đường, một đường là vụ lấy sự phác-thực, một đường là vụ lấy sự nghị-luận. » Đường phác-thực thì chỉ cốt thu-thập tinh-thần, hàm-dưỡng đức-tính, để giữ vững cái căn-bản là cái tâm. Cái học ấy quan-thiết đến sự thực-tiễn, chứ không hệ lụy về đường ngôn ngữ văn tự. Đường nghị-luận thì trái lại, chỉ vụ lấy văn tự mà bàn những điều không-ngôn không quan-thiết đến thực lý.

Cái học phác-thực là cái học của Lục Tượng-sơn; cái học nghị-luận là cái học của Chu Hối-am. Một bên học để cầu lấy biết mà làm, một bên học để cầu lấy biết mà nói. Biết mà làm là rất khó, phải có cái chí rất bền mới thực hành được những điều mình đã học; biết mà nói thì chỉ cần có trí thuật là đủ, nhưng thường là chỉ có hư mà không có thực. Bởi thế cho nên cái kết-quả sự học nghị-luận của Chu Hối-am về sau thành ra cái học hư-văn, rất hại cho sự tiến-hóa.

Dẫu thế nào mặc lòng, nếu học-giả biết theo như lời Chu Hối-am, kiêm được cả cái sở-trường của hai bên, thì có lẽ sự học của Nho-giáo không đến nỗi dở. Song người đời phần nhiều đi học là chỉ vụ lấy sự danh lợi, mà cái học nghị-luận lại là cái học thế-thượng, trên có nhà vua bảo-hộ, dưới thích-hợp với lối học trường ốc, cho nên các học-giả đều khuynh-hướng về cái học ấy. Chỉ trừ những bậc có thiên-tư dĩnh-ngộ, thấy rõ đạo-lý, mới quyết chí về đường tu-dưỡng, còn ngoại giả là chỉ đua theo thói đời, mượn tiếng thánh hiền, để đi cho tới đường lợi lộc. Bởi vậy cái danh thì có, mà cái thực thì không.

Lối tâm-học của Lục Tượng-sơn thì có thể gây được cái thực học, không cần phải chi-li như cái học khác và không có câu-thúc từng tí một, nhưng đại-để là phải người rất thông-minh, hoặc là người đã học nhiều rồi, mới hiểu tới chỗ uyên thâm. Xem như học-trò của Tượng-sơn, phần nhiều là những người đã đỗ tiến-sĩ cả rồi, đến nghe Tượng-sơn nói, mới biết cái học ấy là phải. Cũng vì thế mà lối tâm-học của Tượng-sơn khó thịnh-hành được. Tuy nhiên, cái học ấy vốn có căn-bản rất tốt, cho nên những người chân thực học đạo đều phải kính phục. Bởi có cái học ấy mới gây thành cái học của Vương Dương-minh đời nhà Minh vậy.

MÔN-ĐỆ CỦA LỤC TƯỢNG-SƠN

Môn-đệ của Lục Tượng-sơn thì rất nhiều, khi ông mở nhà tinh-xá ở núi Tượng-sơn để dạy học, thường là hai ba trăm người đến nghe giảng, nhà chật không có chỗ, phải làm lều tranh cho học trò ngồi. Số người theo học ông, kể cả trước sau có đến mấy nghìn người. Có nhiều người hơn tuổi ông, đã đi làm quan rồi, mà cũng đến xin làm đệ-tử.

Trong những môn-nhân, có Dương Giản 楊 簡, Viên Nhiếp 袁 夑, Từ Nghị 徐 誼, Phó Tử-uyên 傅 子 淵, Bào Hiển-đạo 包 顯 道, Phó Quí-lỗ 傅 季 魯, Thẩm Hoán 沈 煥, là rất đắc lực về sự học, mà Dương Giản lại là người trứ danh hơn cả.

Dương Giản. — Dương Giản 楊 簡, tự là Kính-trọng 敬 仲, hiệu là Từ-hồ 慈 湖 (1140-1226), đỗ tiến-sĩ, làm quan đến chức Đại-trung đại-phu rồi về hưu, mất ở nhà.
Dương Từ-hồ hơn Lục Tượng-sơn 23 tuổi. Khi Tượng-sơn mới đỗ tiến-sĩ, thì Từ-hồ đã làm chức chủ-bạ ở huyện Phú-dương có việc về Kinh gặp Tượng-sơn, đã được nghe nói chuyện về việc học. Sau Tượng-sơn đi qua Phú-dương. ông đón vào, rồi hỏi rằng: « Thế nào là bản tâm? » — Tượng-sơn nói rằng: Trắc-ẩn là cái mối của nhân, tu-ố là cái mối của nghĩa, từ-nhượng là cái mối của lễ, thị-phi là cái mối của trí, ấy là bản tâm. » — Từ-hồ nói: « Giản lúc trẻ đã hiểu được điều đó rồi, nhưng vẫn không hiểu thế nào là bản tâm. » Sau hỏi mấy lần nữa, Tượng-sơn cứ nói như trước. Từ-hồ vẫn không hiểu. Bỗng có người bán quạt vào kiện ở huyện. Từ-hồ lấy lẽ phải trái phân giải xong rồi, lại hỏi Tượng-sơn thế nào là bản tâm. Tượng-sơn nói: « Vừa rồi nghe xử việc người bán quạt, cái phải thì biết là phải, cái trái thì biết là trái, ấy tức là cái bản tâm của Kính-trọng đó.» Từ-hồ hốt-nhiên tỉnh ngộ, làm lễ xin làm đệ-tử. Sau Từ-hồ thường nói với người ta rằng: « Giản hỏi cái bản tâm, Lục tiên-sinh lấy việc phải trái của người bán quạt mà đáp lại. Giản hốt-nhiên hiểu cái tâm không có đầu có cuối, không có chỗ nào là tâm ấy không suốt. »

Dương Từ-hồ có làm ra hai quyển sách gọi là Kỷ-dịch 己 易 và Khải-tế 啓 蔽. Trong quyển Kỷ-dịch ông giải rõ nghĩa câu: « Vũ-trụ tiện thị ngô tâm » của Lục Tượng-sơn. Ông nói rằng: « Vũ-trụ không ngoài được cái tâm của ta, cho nên sự biến-hóa của những hiện-tượng ở trong vũ-trụ cũng là sự biến-hóa của tâm ta vậy. Vậy thì Dịch là mình ta, chứ không phải là cái gì khác. Lấy Dịch làm quyển sách, không lấy Dịch làm thân mình là không phải; lấy Dịch làm sự biến-hóa, không lấy Dịch làm sự biến-hóa của mình là không phải, Trời đất là trời đất của ta, biến-hóa là biến-hóa của ta, chứ không phải là vật nào khác.

« Cái tính của ta là trừng-nhiên thanh-minh mà không phải là vật, động-nhiên không có bờ mà không phải là lượng. Trời là cái tượng của tính ta, đất là cái hình ở trong tính ta, cho nên nói rằng: Ở trời thành tượng, ở đất thành hình, đều ở sự ta làm ra cả. Hỗn hợp không có trong ngoài, quán thông không có khác loài giống.

« Cái tâm của trời đất quả có thể thấy được không? quả không thể thấy được không? quả động không? quả chưa động không? Chỉ tại chưa xét đó mà thôi. Nó giống như động mà chưa tầng dời đi, giống như biến mà chưa tầng thay đổi. Không đổi, không dời, gọi là tịch-nhiên bất động là phải, gọi là vô tư vô lự là phải, gọi là không nhanh mà mau, không đi mà đến là phải. Ấy là cái chí động của thiên-hạ, cái chí u-thâm của thiên-hạ vậy.

« Ta chưa thấy trời, đất, người là ba vậy. Ba là hình, một là tính vậy. Nói rằng đạo, lại nói rằng Dịch, danh hiệu khác nhau mà cái thực thì là một thể vậy, »

Lục Tượng-sơn chỉ lấy chữ vũ-trụ mà khải ngộ các học-giả, chứ không nói rõ vũ-trụ với bản-tâm của ta quan-hệ với nhau là thế nào, ông chỉ xướng lên điều đó rồi để cho học-giả tự lý-hội lấy mà hiểu. Dương Từ-hồ mới diễn rõ cái nghĩa vũ-trụ với lý và tâm tại làm sao mà nói là một. Từ-hồ đem hẳn cái tư-tưởng vào cõi siêu-vật, mà cho các hiện-tượng ở trong vũ-trụ không ra ngoài được cái tâm của ta. Ngoài cái tâm ra, thì không biết được có gì hay không. Ta cảm-xúc với ngoại vật là do ở các giác-quan, nếu các giác-quan chỉ cho ta biết những cái ảo-tượng mà thôi, thì ta lấy gì mà quyết chắc những ngoại vật xác-thực là có? Có một điều không thể chối là không được, là ta có cái tâm, làm cho ta có sự tư-tưởng, có sự hiểu biết. Dẫu trời đất và vạn vật mà không phải như là ta đã biết, mặc lòng, ta có cái tâm để tư-tưởng đến những điều ấy là cái thật có rồi. Cái tâm của ta đã có, thì trời đất và vạn vật phải có, mà trời đất và vạn vật cùng với cái tâm của ta là một ý vậy. Đó là cái tư-tưởng cao-siêu của phái tâm-học đời Tống, dẫu triết-học nào theo con đường ấy, đi đến đó cũng phải dừng lại vậy.

Phái lý-học của Tống-nho rút lại như ta đã xét ở trên, gồm có hai phần: Một phần là hình-nhi-thượng học và một phần là hình-nhi-hạ học. Phần hình-nhi-thượng học bàn về mặt thuần túy triết-học, xét rõ cái thể và cái dụng của thiên-lý ở trong vũ-trụ. Về phần này, Tống-nho tuy cũng có hấp-thụ cái ảnh-hưởng của Lão-học và Phật-học, nhưng đại-để là thấy rõ cái đạo của thánh hiền hơn Hán-nho và Đường-nho. Phần hình-nhi-hạ học bàn về mặt đạo-đức thiết-thực, thì cái học của Chu Liêm khê, Trình Minh-đạo và Lục Tượng-sơn có cái thái-độ ung-dung ôn-hòa gần với cái học của Khổng Mạnh. Song các học-giả về sau lại theo cái học của Trương Hoành-cừ, Trình Y-xuyên và Chu Hối-am, cho cái học của những nhà này là phần trung-kiên của Nho-giáo. Cái học này thiên về mặt cư-kính, thượng-lễ và cùng-lý, thành ra một cái học rất chi-ly, hay câu-nệ những tiểu tiết vụn vặt, trái với cái tôn-chỉ khoan-dung hoằng-đại của Khổng-giáo. Cái học ấy đến đời Minh, đời Thanh hãy còn thịnh, gây ra cái lưu-tệ đến bây giờ ta còn trông thấy. Đó là điều sai lầm rất lớn về cái học thực-hành của phái Lạc, phái Mân vậy.

Song xét kỹ ra, dẫu phái lý-học nhà Tống có điều lầm lỗi mặc lòng, phái ấy có công phát-minh được cái phần cao-siêu của Nho-giáo, mài dũa cái danh tiết, cho nên trong đời nhà Tống có nhiều trung thần nghĩa sĩ tuẫn-tử về quốc nạn. Xem thế thì biết cái học-phong có quan-hệ với thế-đạo và nhân-tâm lắm vậy. Đến cuối đời nhà Nam-Tống, quốc-thế đồi bại, giáo-dục đổ nát, các nho-sư không có cái thực của sự giáo-hối, các sinh-đồ chỉ chìm đắm ở đường lợi lộc, cho nên nước mất, dân hèn. Thế mà hãy còn có người như Văn Thiên-tường 文 天 祥 đến chết không đổi chí, làm bài Chính-khí-ca, bàn cái chính khí của thiên-địa, ấy thật là bởi cái ảnh-hưởng của lý-học vậy

  1. Trương Thức 張 拭, tự là Kính-phu 敬 夫, hiệu là Nam-hiên 南 軒, là một danh nho đời Nam Tống, đồng thời với Chu Hối-am và Lục Tượng-sơn.
  2. Ý nói đã qua vòng thi-cử, được ra làm quan.
  3. Ở trong khoảng học đỗ ra làm quan.