Nho giáo/Quyển IV/Thiên II-1

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

THIÊN II

NHO-GIÁO ĐỜI MINH
(1368 —1648)

Tình trạng Nho-giáo đời Minh. — Về cuối đời nhà Nguyên, việc triều đình đổ nát, giặc cướp nổi lên khắp mọi nơi. Lúc ấy ở đất Giang-tô có Chu Nguyên-chương dấy binh đánh dẹp được giặc ở vùng sông Dương-tử, rồi đánh nhà Nguyên mà lấy lại nước Tàu, lập ra nhà Minh.

Chu Nguyên-chương biết rằng việc trị-dân trị nước cần phải có Nho-học, cho nên khi ông mới lấy được đất Giang-đông, ông liền mở nhà học ở trong quận, cho bọn nho thần là Diệp Nghi 葉 儀 và Tống Liêm 宋 濂 làm chức ngũ-kinh-sư, Đái Lương 戴 良 làm chức học-chính, Ngô Trầm 吳 沉 làm chức huấn-đạo để coi việc giảng dạy. Kịp khi ông lấy được đất Kim-lăng, bèn đón mời các nho-sĩ, khảo định lễ nhạc, mở nhà quốc-tử-học, và làm miếu thờ Khổng-tử.

Năm Hồng-võ nguyên-niên (1368) Chu Nguyên-chương lên làm vua, tức là vua Thái-tổ nhà Minh, cho con các quan và những người tuấn-tú trong dân gian, ai thông văn nghĩa thì được vào làm quốc-tử-sinh. Năm sau có chiếu nhà vua lập nhà học nhà hiệu ở các quận huyện. Lệ định ở phủ đặt một viên giáo-thụ và bốn viên huấn-đạo; ở châu đặt một viên học-chính và ba viên huấn-đạo; ở huyện đặt một viên giáo-thụ và hai viên huấn-đạo. Những sinh-viên đến học thì được miễn việc sưu dịch. Từ đó sự học ở trong nước lại hưng thịnh lên.

Năm Hồng-võ thứ ba (1370) vua Thái-tổ mở khoa thi, lấy kẻ sĩ. Lúc đầu vì nhà vua cần lấy người, cho nên thi luôn ba năm liền, rồi sau cứ ba năm thi một lần; tháng tám năm trước thi hương, tháng hai năm sau thi hội.

Năm Hồng-võ thứ sáu (1373) vua Thái-tổ thấy những người do khoa-cử cất lên đều là người có văn mà không có thực, bèn xuống chiếu tạm đình khoa-cử trong mười năm, rồi sai hữu-tư cất nhắc những người hiền tài, lấy đức hạnh làm gốc, văn nghệ làm thứ.

Năm Hồng-võ thứ tám (1375) vua thấy ở chỗ đô ấp đều có nhà học, mà ở chỗ thôn xã thì không, bèn xuống chiếu sai hữu-tư lập xã-học, cắt nho-sư đi dậy những con em ở dân gian. Học phong từ đó gần thịnh bằng đời Đường đời Tống vậy.

Năm Hồng-võ thứ 15 (1382). đổi Quốc-tử-học ra làm Quốc-tử-giám. Trong giám có sáu nhà học gọi là nhà Suất-tính. 率 性 nhà Tu-đạo 修 道, nhà Thành-tâm 誠 心, nhà Chính-nghĩa 正 義, nhà Sùng-chí 崇 志, nhà Quảng-nghiệp 廣 業. Ở bên cạnh những nhà học ấy, có những trai-xá để học-sinh ở.

Cách hai năm sau, chiếu nhà vua xuống ban các điều thức về việc khoa cử. Lệ cứ năm tí, năm ngọ, năm mão, năm dậu, thi hương; năm thìn, năm tuất, năm sửu, năm mùi, thi hội. Những người đỗ hương-thí do Bố-chính-tư đem vào Lễ-bộ để thi hội. Những người đỗ hội-thí rồi được vào đình-thí. Khoa cử đời sau đều theo qui-thức ấy cả.

Đến khi vua Thánh-tổ nhà Minh lên làm vua, dời đô lên Yên-kinh, gọi là Bắc-kinh, đổi Kinh-đô cũ ở Kim-lăng là Nam-kinh, và lập một nhà Quốc-tử-giám ở Bắc-kinh và một nhà Quốc-tử-giám ở Nam-kinh. Vua Thánh-tổ tuy chú-trọng về võ-công để mở rộng bờ cõi, nhưng vẫn trí ý về việc văn trị, cho nên sự văn-học càng ngày càng thịnh.

Cuộc thịnh suy của Nho-giáo trong đời nhà Minh có thể chia ra làm ba thời-kỳ. Mỗi thời-kỳ có cái học đặc-biệt, cho nên ta cần phải biết, để hiểu cho rõ cái tinh-thần Nho-học ở đời nhà Minh.