Nho giáo/Quyển IV/Thiên II-11
III
THỜI-KỲ THỨ BA
Thời-kỳ thứ ba vào quãng mạt-diệp nhà Minh, kể từ đời vua Thần-tôn (1572-1620) đến hết đời nhà Minh. Trong khoảng hơn nửa thế-kỷ này, các vua lười biếng, việc triều-chính rối loạn, kẻ hoạn-quan chuyên-quyền. Ở ngoài biên thì có cường địch xâm lược, ở trong nước thì giặc cướp nổi lên đánh phá các nơi. Song nhờ có sự cảm-hóa của những danh-nho thời-kỳ trước, cho nên còn nhiều người chuộng nghĩa-lý, trọng khí-tiết. Bởi vậy khi có việc gì hệ-trọng, thì các sĩ-phu tranh nhau vào can vua, hoặc ra sức biện-luận để gây thành cái thanh-nghị mà ngăn cấm sự hành-động của bọn tiểu-nhân. Cũng vì thế mà thành ra cái vạ đảng-phái, giết hại mất nhiều người trung-lương.
Trong thời-kỳ này, sự học tuy không được thịnh đạt như trước, nhưng còn có nhiều người muốn lấy sự học mà bổ cứu cái thời tệ, cho nên mới lập ra các học-phái để giảng dạy cái đạo của thánh hiền. Thuở ấy có Đông-lâm-phái và Thủ-thiện-phái là quan-trọng hơn cả.