Nho giáo/Quyển IV/Thiên II-12
ĐÔNG-LÂM-PHÁI
Những người lập ra phái này là Cố Hiến-thành và Cao Phan-long. Cố Hiến-thành thì phản-đối cái học của phải Diêu-giang, mà Cao Phan-long thì xuất nhập ở cái học ấy. Tuy nhiên hai người cùng đồng ý muốn cứu bổ sự học đương thời, và đều có trọng danh trong Nho-học, cho nên người ta thường gọi là: « Cao Cố chi học 高 顧 之 學. »
Cố Hiến-thành. — Cố Hiến-thành 顧 憲 成, tự là Thúc-thời 叔 時, hiệu là Kinh-dương 涇 陽, người huyện Vô-tích, tỉnh Giang-tô, đỗ tiến-sĩ cập-đệ, làm quan đời vua Thần-tôn nhà Minh.
Thuở ấy vua lười biếng, chỉ say đắm tửu sắc ở trong cung, không thiết gì đến việc chính-trị. Vua lại muốn bỏ người con trưởng là Thường Lạc, mà lập người con của một người sủng-phi họ Trịnh lên làm thái-tử. Các quan dâng sớ lên can, đều bị truất bãi, song việc lập thái-tử cũng hoãn lại. Đến năm Vạn-lịch thứ 21 (1594) vua lại định phong tất cả mấy người con làm vương mà không lập thái-tử. Bấy giờ Cố Hiến-thành làm chức lang-trung ở bộ Lại, dâng sớ lên can. Ông lại là người cương trực không tương hợp với chính-phủ, cho nên vì có việc ấy phải cách chức đuổi về. Ông về quê, sửa lại nhà Đông-lâm học-viện 東 林 學 院 là nơi Dương Thời giảng học ở đời nhà Tống ngày xưa, rồi cùng với những người đồng chí đến đó giảng học, Bởi vậy mới thành tên là Đông-lâm-phái 東 林 派.
Ông bàn việc học thì cho là phải lấy việc đời làm cốt, cho nên thường nói rằng: « Người làm quan trong triều, cái chí không ở quân phụ; người làm quan ở ngoài, cái chi không ở nhân dân; người ở sơn lâm, cái chí không ở thế đạo, thì bậc quân-tử không cho là phải. » Bởi vậy ngoài sự giảng học ra, thường hay nghị luận việc triều-chính và phê-bình các nhân vật. Lúc ấy những người không đắc dụng ở triều, lui về ở lâm tuyền, đều ứng họa với bọn Cố Hiến-Thành, vì thế mà cái tiếng Đông-lâm đâu đâu cũng biết.
Ông thấy các học-giả thời bấy giờ xu-hướng về cái tiện dị, mạo nhận cái tự-nhiên, cho nên không nghĩ ngợi, không cố gắng, ông mới dạy người ta phải tìm cho đến cỗi gốc, suốt đến tính mạnh và xét rõ cái cảnh giới. Đối với cái học của Dương-minh, thì ông cho câu nói: « Vô thiện vô ác tâm chi bản thể » làm hại cái giáo pháp của thiên-hạ, vậy nên ông cực lực phản-đối cái học ấy. Về điều ấy, Hoàng Lê-châu cho là ông không hiểu cái học của Dương-minh. Cứ như ý Hoàng-Lê châu thì Dương-minh nói: Vô thiện vô ác, là nói không có cái thiện niệm, không có cái ác niệm, chứ không phải là bảo cái tính không có thiện, không có ác. Vì có chỗ lầm ấy cho nên cứ phải biện luận mãi vẫn không đúng với sự thực. Vả Dương-minh thường nói: « Chí thiện là cái bản-thể của tâm » hay là: « chí thiện chỉ là hết đến cái cực của thiên-lý mà không có một chiếc riêng gì của nhân-dục », hay là: « lương-tri là thiên-lý ». Hai chữ thiên-lý tuy mỗi nơi nói một khác nhưng vẫn đủ. Như thế mà lại cho tính không có thiện không có bất thiện, thì thật là lầm vậy.
Cao Phan-Long.— Cao Phan-Long 高 攀 龍, tự là Tồn-chi 存 之, hiệu là Cảnh-dật 景 逸, người huyện Vô-tích, tỉnh Giang-tô, đỗ tiến-sĩ. Ông ra làm quan không đắc-chí, bèn bỏ về dạy học ở Đông-lâm thư-viện với Cố Hiến-Thành. Đến đời vua Hi-tôn nhà Minh lại khởi phục, làm đến chức tả-đô-ngự-sử, sau vì bọn Ngụy Trung-Hiền làm loạn triều-chính, ông bèn bỏ về, rồi Ngụy Trung-Hiền lại lập kế làm hại, ông phải trẫm mình mà chết.
Ông là người có trọng danh thời bấy giờ, và có cái học uyên thâm hơn cả các học-giả trong phái Đông-lâm. Ông thường nói rằng: « Tâm như Thái-hư, bản vô sinh tử 心 如 太 虛,本 無 生 死: Tâm như Thái-hư, vốn không có sinh tử. » Ông cho tâm vói đạo là một. Hết cái đạo mà sống, hết cái đạo mà chết, ấy là không có sinh không có tử. Cái học của ông vốn là theo cái học của Trình Chu, cho nên lấy cách-vật làm cốt. Nhưng sự cách-vật của Trình Chu thì lấy tâm làm chủ cái thân, mà lý thì tan ra ở vạn vật, thành thử tồn-tâm và cùng-lý phải hai bên đều tiến, mà ông thì bảo rằng: « Hễ biết cái gì, là phải quay về tìm ở thân, ấy mới thật là cách-vật. » Như thế thì lại khác cái ý-chí của Trình Chu. Ông lại nói rằng: « Nhân tâm minh tức thị thiên lý cùng, chí vô vọng xứ, phương thị lý thâm 人 心 明 卽 是 天 理 窮,至 無 妄 處,方 是 理 深: Cái tâm của người ta sáng, ấy là đến cái thiên-lý, đến chỗ vô-vọng, mới là chỗ sâu của lý. » Như thế lại là gần cái thuyết lương-tri của Dương-minh. Song ông lại bảo: Có cái trí-tri không cách-vật. Vậy thì việc mà mình trí tới đó là việc gì? Thành thử phải lấy sự cùng cái lý của sự vật ở ngoài làm cách-vật. Nếu theo cái nghĩa ấy, thì có thể nói là cái trí-tri của Dương-minh không ở cách-vật; nếu theo cái nghĩa câu: « Nhân tâm minh tức thị thiên lý », thì cái trí-tri của Dương-minh tức là cách-vật. Có một thuyết ấy mà trước sau không hợp với nhau. Duyên do là bởi ông cho cái học của phái Diêu-giang có cái tệ: « Lúc đầu bỏ kiến văn để làm cho sáng cái tâm, cứu-cánh thành ra là dùng cái tâm mà bỏ sự học, cho nên mới lấy Thi, Thư, Lễ, Nhạc làm khinh, mà kẻ sĩ ít có sự thực ngộ, lúc đầu bỏ cả thiện ác để không có ý niệm, cứu-cánh thành ra là dùng cái không mà bỏ sự hành, cho nên mới lấy danh tiết trung nghĩa làm khinh, mà kẻ sĩ ít có sự thực tu. » Ông muốn chữa cái tệ ấy của phái Diêu-giang, cho nên cái tư-tưởng của ông tuy có nhiều chỗ gần giống cái tư-tưởng của Dương-minh, nhưng ông cố làm cho khác đi, thành ra cái học của ông có nhiều điều hãn cách.
Tuy nhiên ông vẫn trọng Dương minh, và thường nói rằng: « Tự xưa đến nay, bậc thánh hiền thành-tựu đều có từng mạch-lạc: Chu Liêm-khê, Trình Minh-đạo cùng với Nhan-tử một mạch; Vương Dương-minh, Lục Tượng-sơn cùng với Mạnh-tử một mạch; Trương Hoành-cừ, Trình Y-xuyên cùng với Tăng-tử một mạch; Trần Bạch-sa, Thiệu Khang-tiết cùng với Tăng Điểm một mạch; Hồ Kính-trai, Ngô Khang-trai cùng với Tử-Hạ một mạch. » Đó thật là ông thấy rõ cái mạch-lạc của các học-phái lớn trong Nho-giáo vậy.
Tôn Thận-Hành.— Tôn Thận-Hành 孫 慎 行, tự là Văn-tư 聞 斯, hiệu là Kỳ-húc, 淇 澳, người đất Võ-tiến, tỉnh Giang-tô, đỗ tiến-sĩ cập-đệ, làm quan đến chức Lại-bộ thượng-thư, bị Nguy Trung-Hiền bắt đi đày.
Cái học của ông theo Tống-nho. Ông thường nói rằng: «Cái đạo của nho-giả, không theo cái ngộ mà vào được. Người quân-tử suốt ngày phải học, vấn, tư, biện, hành, ấy là suốt ngày phải giới-cụ, thận-độc, chứ sao lại tìm cái quang-cảnh mịch-nhiên vô tâm ở chỗ hư gian? Bỏ học, vấn, tư, biện, hành mà lại riêng tìm một đoạn công-phu của sự tĩnh-tồn động-sát để nuôi cái trung-hòa, thì làm thế nào cũng đi vào Thiền-học vậy.» Các học-giả nói thiên-mạnh thì thường cho là có cái mạnh của lý-nghĩa và cái mạnh của khí vận, lẫn lộn không đều. Nhân đó thành ra có cái tính lý-nghĩa và có cái tính khí-chất, lại nhân đó mà có cái tâm lý-nghĩa và cái tâm hình-khí. Ông cho ba điều ấy khác tên mà đồng bệnh. — Về cái mạnh, thì ông bảo sự lưu-hành vãng lai của khí tất phải có cái quá và cái bất-cập, cho nên nóng lạnh thác tạp, trí loạn tuần hoàn; nhưng trong cái bất tề của vạn hữu có một điểm chân chính chủ-tể, khiến lành được phúc dữ phải vạ cho hợp cái lẽ chí-thiện, như thế là nhất tề đó vậy.— Về cái tính, thì ông cho là tính thiện, khí-chất cũng thiện. Cái khí-chất có cái bất tề thật, như sinh ra có ngu, trí, thanh, trọc, song người cực ngu, cực trọc, chưa tầng không biết yêu thân kính trưởng, ấy là cái thể « kế thiện », không vì ngu trọc mà không còn, vậy thì khí-chất không phải là bất thiện.— Về cái tâm, thì ông bảo rằng nhân-tâm và đạo-tâm không phải là hai thứ tâm. Người là người là bởi cái tâm, tâm là tâm là bởi cái đạo. Trong cái nhân-tâm chỉ có một cái đạo-tâm của lý-nghĩa, chứ không phải là ngoài cái đạo-tâm, có một thứ nhân-tâm của hình-khí. Bởi vì người đời sau đã cho là có cái tính khí-chất, thì lấy cái ở khí-chất phát ra làm cái tâm của hình-khí, và lấy cái có đủ ở trong tâm, như các tri-giác, đem hợp với lý-nghĩa, rồi gọi là đạo-tâm, cho nên phải xét cho tới đến cùng cái lý của trời đất vạn-vật, chứ không nên cho là thuần chỉ có một cái tâm của mình mà thôi. Nếu như cái thuyết ấy, thì người ta sinh ra chỉ có tri-giác chứ không có lý-nghĩa; chỉ có nhân-tâm, chứ không có đạo tâm. Nếu không phải như thế, thì lại là hai tâm lẫn lộn mà sinh ra một lúc. Hoàng Lê-châu bàn cái học của ông, nói rằng: « Thiên-hạ mờ tối đã lâu vì cái thuyết nói về ba điều mạnh, tính và tâm ấy, nhờ có ông mà mây mù mở ra, thật là ông có công với Mạnh-tử vậy.»
Đối với cái học Dương-minh, thì phần nhiều người nhận cái trung chưa phát làm cái hòa đã phát, và bảo cái công-phu chỉ ở chỗ tới cái hòa. Ông bảo: «Phải theo hỉ nộ ai lạc mà xem, thì mới có cái chưa phát, và mới có chỗ mà dùng công-phu. Xưa người ta đều lấy nhân nghĩa lễ trí làm tính, lấy trắc-ẩn, tu-ố, từ-nhượng, thị-phi làm tình. Lý Kiến-La, thuộc phái Chỉ-tu, muốn theo cái đã phát mà suy ra cái chưa phát, không nên cố-chấp cái tâm trắc-ẩn, tu-ố, từ-nhượng, thị-phi, mà mờ mất cái tính. Không biết rằng có trắc-ẩn mới có cái tên gọi là nhân, có tu-ố mới có cái tên gọi là nghĩa, có từ-nhượng mới có cái tên gọi là lễ, có thị-phi mới có cái tên gọi là trí. Nếu bỏ trắc-ẩn, tu-ố, từ-nhượng, thị-phi, thì tâm và hành không có đường mà đi, và không biết tìm cái tính ở chỗ nào. » Lưu Trấp-sơn nói rằng: Gần đây xem sách của Tôn Kỳ-húc mới biết là nghiêm-mật lắm. Trong sách ấy có nói rằng: từ trẻ đến già, không có một sự gì là không hợp nghĩa, thì mới nuôi được cái khí hạo-nhiên. Nếu có điều không thỏa thích, thì cái khí hạo-nhiên hao mòn đi vậy. Bởi thế cho nên cái học của phái Đông-lâm có Cố Kinh-dương đem đến cái nguồn, Cao Cảnh-dật vào tới chỗ tinh tế, đến Tôn Kỳ-húc thì mới họp được cả cái đã thành vậy. »
Phái Đông-lâm còn có mấy người có danh vọng nữa, là: Tiền Nhất-bản 錢 一 本, tự là Quốc-đoan 國 端, hiệu là Khải-tân 啓 新, người Thường-châu, tỉnh Giang-tô; — Cố Doãn-Thành 顧 允 成, tự là Quí-thời 季 時, hiệu là Kinh-phàm 涇 凡, em Cố Hiến-Thành; — Lưu Vĩnh-Trừng 劉 永 澄, tự là Tĩnh-chi 靜 之, người Dương-châu, tỉnh Giang-tô.