Nho giáo/Quyển IV/Thiên II-4

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HÀ-ĐÔNG-PHÁI

Vào khoảng trung-diệp nhà Minh, việc đánh dẹp đã yên, sự học càng ngày càng hưng-thịnh lên. Bấy giờ có Tiết Huyên đem lý-học của Tống-nho mà phát-minh ra, lập thành một học-phái có thế-lực trong đời nhà Minh.

Tiết Huyên.— Tiết Huyên 薛 瑄, tự là Đức-ôn 德 溫, hiệu là Kính-hiên 敬 軒 (1394-1464), người đất Hà-tân tỉnh Sơn-tây. Thuở nhỏ rất dĩnh ngộ, 12 tuổi đã biết làm thơ, sau lớn lên xem sách Tính-lý toàn-thư của Tống-nho rồi bỏ cả thi phú, chuyên xét về cái uyên-nguyên của phái Liêm, phái Lạc, có khi quên cả ăn cả ngủ. Năm Vĩnh-lạc thứ 17 (1419) đời vua Thành-tổ, ông đỗ tiến-sĩ, làm quan đến chức Lễ-bộ thị-lang, về trí-sĩ

Cái học của ông chủ ở sự theo Tống-học. Ông cho là: « Lý với khí không trước sau; không có cái lý không có khí, cũng không có cái khí không có lý. » Ông lại phân tâm với lý ra làm hai vật, như là nói: « Nước trong thì thấy cái bụi nhỏ, tâm thanh thì thấy thiên lý.» Ông lại ví lý như cái vật, tâm như cái gương; gương sáng thì không có vật gì dấu hình được, tâm sáng thì lý không ẩn nấp đi đâu được. Đó là chỗ tương phản với cái học của phái Diêu-giang.

Ông không trước thuật gì mấy, vì ông cho là con đường chính của sự học-vấn không ra được ngoài bộ sách Tính-lý. Ông nói rằng, «Từ Chu-tử về sau, cái đạo đã sáng rõ lắm rồi; không cần làm sách vở gì nữa, chỉ nên đem mình mà thực-hành đạo ấy là đủ.» Vậy cái học của ông là chủ ở sự thực-hành, mà cách sửa mình cốt ở hai chữ phục tính 復 性. Ông để lại bộ sách: Độc-thư-lục 讀 書 錄, 20 quyển, lời lẽ rất giản thiết.

Học-giả thời bấy giờ có nhiều người tôn-sùng cái học của ông, nhất là ở phía bắc nước Tàu, cho nên mới lập ra thành một học-phái gọi là Hà-đông-phái 河 東 派, thịnh-hành đến cuối đời nhà Minh.

Diễm Vũ-tích. — Diễm Vũ-tích 閻 禹 錫, tự là Tử-dư 子 與, người đất Lạc-dương, tỉnh Hà-nam. Ông đỗ hương-thí rồi ra làm quan, theo học Tiết Huyên. Ông thích giảng Thái-cực đồ-thuyết và sách Thông-thư của Chu Liêm-khê. Cái học của Tiết Huyên mà thịnh-hành là nhờ có ông vậy.

Trương Đỉnh. — Trương Đỉnh 張 𪔂, tự là Đại-khí 大 器, người đất Hàm-ninh, tỉnh Thiểm-tây, đỗ tiến-sĩ. Ông theo học Tiết Huyên, giữ được cái học-thuyết của thầy, và góp nhặt những văn tập của Tiết Huyên mà làm thành sách

Đoàn Kiên.— Đoàn Kiên 段 堅, tự là Khả-cửu 可 久, hiệu là Dung-tư 容 思, người đất Lan-châu, tỉnh Cam-túc, đỗ tiến-sĩ. Ông dạy học thì lấy sách của phái Liêm và phái Lạc mà giảng tập, và cái học của ông theo đúng cái học của họ Tiết vậy.

Trương Kiệt.— Trương Kiệt 張 傑, tự là Lập-phu 立 夫, hiệu là Mặc-trai 黙 齋, người đất Phượng-tường, tỉnh Thiểm-tây. Ông lấy ngũ Kinh mà dạy người, có trọng danh một thời.

Lữ Nhiễm.— Lữ Nhiễm 呂 柟, tự là Trọng-mộc 仲 木, hiệu là Kinh-dã 涇 野, người đất Cao-lăng, tỉnh Thiểm-tây, đỗ trạng-nguyên. Cái học của ông là theo cái-học của Trình Chu, lấy sự cách-vật làm sự cùng-lý và cho trước phải tri rồi sau mới hành.

Đại để, cái học của phái Hà-đông thường là đối lập với cái học của phái Diêu-giang trong đời nhà Minh vậy.