Nho giáo/Quyển IV/Thiên II-6

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

BẠCH-SA-PHÁI

Cùng một cái học của Ngô Dữ-bật mà rồi về sau chia ra làm hai chi-phái: Một phái của Hồ Cư-nhân và một phái của Trần Hiến-chương. Phái của Hồ Cư-nhân thì theo cái học của Trình Chu, mà phái của Trần Hiến-chương thì đi riêng về mặt tâm-học. Cái học đời nhà Minh đến Trần Hiến-chương mới vào chỗ tinh vi, và đến Vương Thủ-nhân mới thành ra lớn và rộng vậy.

Trần Hiến-chương.— Trần Hiến-chương 陳 獻 章, tự là Công-phủ 公 甫, hiệu là Thạch-trai 石 齋 (1428-1500), người làng Bạch-sa, đất Tân-hội, tỉnh Quảng-đông. Hậu nho lấy tên làng ông mà gọi là Bạch-sa tiên-sinh 白 沙 先 生. Ông đỗ phó-bảng rồi sau về theo học Ngô Dữ-bật, bỏ lối khoa-cử. Ông về làm nhà gọi là Dương-xuân-đài, ngồi tĩnh tọa trong cái nhà ấy đến mấy năm không ra đến ngoài. Sau ông lại vào Kinh học ở nhà Thái-học, nổi tiếng là chân nho lại ra đời. Lúc ông trở về, học-trò đến học đông hơn trước. Các qnan nghe tiếng, dâng ông lên triều-đình, ông nhận làm chức Hàn-lâm kiểm-thảo được ít lâu rồi xin về.

Cái học của ông lấy chữ « hư » làm cơ-bản, lấy chữ « tĩnh » làm môn-hộ, lấy tứ phương thượng hạ, vãng cổ lai kim, dắt-díu sát hợp với nhau làm khuôn phép, lấy nhật dụng thường hành khác nhau làm công-dụng, lấy cái khoảng « vật vong vật trợ » làm cái phép mà thể-nhận, lấy sự không phí sức mà ứng dụng không sót làm thực đắc. Xa thì ông tựa như Tăng Điểm, gần thì giống như Nghiêu-phu. Ông dạy người ta chủ lấy tĩnh: bảo ngồi ngay mà tìm cái tâm, giữ cái tĩnh mà nuôi cái đoan-nghê 端 倪. Đoan-nghê là cái mầm đạo, tức là tâm có thể được mà nghĩ, miệng không có thể được mà nói ra. Có người bảo ông làm sách, ông nói rằng: « Ta từ thủa 27 tuổi theo học thầy Ngô Dữ-bật, học hết các sách của thánh hiền đời xưa, nhưng vẫn chưa thấy chỗ nhập-xứ. Sau về nhà tìm cách dụng lực mãi cũng không có cái sở đắc. Ta bèn bỏ cái phiền-phức mà tìm cái giản-ước, ngồi tĩnh tọa lâu, thấy rõ bản-thể của tâm. Khi cái tâm đã hiện lộ ra, thì sự thù tạc hằng ngày cứ tùy cái muốn của ta, như con ngựa được cổi hàm thiếc ra vậy. » Ông lại nói: « Học cần có sự tự lập và sự đại nghi, thiếu hai cái ấy không thể có sở đắc được. »

Cái học của ông và cái học của Vương Thủ-nhân không trực-tiếp với nhau, nhưng về đường tinh vi, thì gần giống nhau. Vả lại người cao-đệ của ông là Trạm Nhược-thủy làm bạn với Vương Thủ-nhân, thành thử cái học của Bạch-sa và cái học của Diêu-giang cũng có ảnh-hưởng gián tiếp rất rõ vậy.

Trạm Nhược-thủy.— Trạm Nhược-thủy 湛 若 水, tự là Nguyên-minh 元 明, hiệu là Cam-tuyền 甘 泉, người đất Tăng-thành, tỉnh Quảng-đông, đỗ tiến-sĩ, làm quan đến chức Lại-bộ thượng-thư ở Nam-kinh, rồi về trí-sĩ, ngoài 95 tuổi mới mất. Ông thường cùng với Vương Thủ-nhân giảng học, nhưng mỗi người theo một tôn-chỉ khác nhau. Ông thì lấy sự « tùy xứ thể nhận thiên-lý 隨 處 體 認 天 理 » làm tôn-chỉ, Vương Thủ-nhân thì lấy « trí lương-tri 致 良 知 » làm tôn-chỉ. Hai người thường có nghị luận sự đồng dị. Vương Thủ-nhân bảo: « Tùy xứ thể nhận thiên-lý, là cầu thiên-lý ở ngoài cái tâm, không thể cưỡng cho tâm với lý hợp làm một được. » — Trạm Nhược-thủy bảo: Dạy chữ cách là chính, chữ vật là mối nghĩ, như thế cách-vật là chính cái mối nghĩ. Nếu không thêm cái công-phu của học, vấn, tư, biện, hành, thì cái mối nghĩ chính hay không, không sở cứ vào đâu mà biết được, »

Về sau Hoàng Tôn-hi bàn chỗ này, có nói rằng: « Dương-minh nói: Chính cái mối nghĩ, tức là trí cái tri vậy. Nếu không có học, vấn, tư, biện, hành, thì sao cho là trí 致 được. Như thế không đủ bẻ cái thuyết cách-vật của Dương-minh. Cam-tuyền thì bảo tâm thể-nhận vạn vật mà không sót, mà Dương-minh thì trỏ cái ở trong xoang-tử làm tâm, cho nên có sự biện luận về nội thị ngoại phi. Song cái lý của thiên địa vạn vật không ngoài được cái ở trong xoang-tử, tức là cái bụng, cho nên thấy cái quảng đại của tâm. Nếu lấy cái lý của thiên địa vạn vật, tức là cái lý của tâm ta, mà tìm ở thiên-địa vạn vật, cho làm quảng-đại, thì Cam-tuyền vẫn bị cái cựu thuyết câu thúc. Thiên-lý không có chỗ nhất-định, mà tâm là chỗ nhất-định: tâm không có chỗ nhất-định, mà tịch-nhiên vị phát là chỗ nhất-định; tịch-nhiên bất động, thì cái cảm là ở trong cái tịch-nhiên. Vậy thì cái mà thể-nhận, là cũng chỉ thể-nhận được ở chỗ tịch-nhiên mà thôi. Nay nói rằng: tùy xứ thể-nhận, chẳng lẽ là thể-nhận ở chỗ cảm. Vậy thì cái thuyết của Cam-tuyền vẫn không xuôi, »

Học-giả thủa ấy có người học Cam-tuyền rồi sang học Dương-minh, có người học Dương-minh rồi sang học Cam-tuyền. Những người trứ danh trong phái Cam-tuyền là: Lữ Hoài 呂 懷, tự là Nhữ-đức 汝 德, hiệu là Cân-thạch 巾 石; — Hà Thiên 何 遷, tự là Ích-chi 益 之 hiệu là Cát-dương 吉 陽; — Hứa Phu-Viễn 許 孚 遠, tự là Mạnh-trọng 孟 仲, hiệu là Kính-am 敬 菴. Tuy nhiên cái học của Cam-tuyền vẫn không thịnh bằng cái học của Dương-minh.