Nho giáo/Quyển IV/Thiên II-7
NHỮNG DANH-NHO KHÁC
Ngoài những người thuộc về các học-phái, còn có những người như La Luân, Thái Thanh, La Khâm-thuận, v. v, cùng đồng thời với Trạm Cam-tuyền và Vương Dương-minh đều là học-giả trứ danh cả, nhưng không lập thành ra học phái lớn.
La Luân.— La Luân 羅 倫, tự là Di-chính 彞 正, hiệu là Nhất-phong 一 峯, người đất Vĩnh-phong, tỉnh Giang-tây, đỗ tiến-sĩ, làm chức Hàn-lâm tu-soạn, rồi thôi quan về ẩn cư ở núi Kim-ngưu dạy học. Tính ông rất cương giới, nhà thật nghèo mà chỉ vui về việc học. Ông theo cái học Tống-nho và chuyên trị kinh Dịch và kinh Xuân-thu,
Thái Thanh.— Thái Thành 蔡 清, tự là Giới-phu 介 夫, hiệu là Hư-trai 虛 齋, người đất Tấn-giang, tỉnh Phúc-kiến, đỗ tiến-sĩ cập-đệ, làm quan đến chức Giang-tây đề-học phó-sứ. Ông chuyên trị kinh Dịch và kinh Thư, rất dụng công về cái học cùng lý và cố lực-hành cái học của mình.
La Khâm-thuận. — La Khâm-thuận 羅 欽 順, tự là Doãn-thăng 允 升, hiệu là Chỉnh-am 整 菴, người đất Thái-hòa, tỉnh Giang-tây, đỗ tiến-sĩ cập-đệ, làm quan đến chức Lễ-bộ thượng-thư, Cái học của ông tuy theo Tống-nho, nhưng có chỗ đồng dị với cái học của Chu-tử, Ông cho lý và khí là một, chứ không chia ra làm hai. Đại khái như là nói: Suốt trời đất cổ kim chỉ có khí mà thôi. Khí ấy lúc động lúc tĩnh, lúc qua lúc lại, tuần-hoàn không bao giờ nghỉ, nghìn điều muôn mối, không biết là bởi đâu mà vẫn có. Sự tuần-hoàn lưu-hành ấy, tức là lý. Ở trời thì gọi là lý, ở người thì gọi là tính. Đó là chỗ ông khác với Chu-tử. Song đến khi ông bàn về tâm và tính của người ta, thì ông lại cho cái có trước lúc sinh ra là thiên-tính, mà cái có sau lúc đã sinh ra rồi là minh-giác. Minh-giác là tâm, chứ không phải là tính. Tính là cái lý của trời đất và vạn vật, tất là công; tâm là cái sở hữu của mình, tất là tư. Như thế là tính làm chủ cái tâm, thì lại chẳng khác gì cái thuyết của Chu-tử, cho lý sinh ra khí. Xem vậy, thì cái học của ông trước sau bất nhất, thành ra có điều mâu thuẫn.
Cái học của ông cũng không hợp với cái học trí-lương-tri của Vương Dương-minh. Ông thường biện luận với Âu-dương Đức là môn-đệ của Dương-minh, và cho cái học trí lương-tri giống Phật-học. Ông phân biệt cái sở dĩ Phật với Nho khác nhau là bởi Phật-học chỉ thấy ở tâm, chứ không thấy ở tính; vì Phật-học cho cái minh-giác tự-nhiên là tâm, mà không biết cái lý của thiên địa vạn vật là tính, cho nên mới lấy tri-giác làm tính. Nay cái học của Dương-minh cho cái lương-tri của tâm là thiên-lý, tức là bảo tri-giác là tính, thì cùng với Phật-học là một.
Cái học của Chỉnh-am tuy không thịnh hành, nhưng cũng có thể làm đại-biểu cho một cái tư-tưởng trong một thời vậy.