Nho giáo/Quyển IV/Thiên III-3

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

a) HÁN-HỌC PHÁI

Nguyên từ cuối đời nhà Minh, các học-giả có nhiều người thấy sự học theo lối Tống-nho có nhiều điều sai lầm, lại nhân có cái ảnh-hưởng Tây-học của những giáo-sĩ đạo Gia-tô đem sang nước Tàu, các học-giả nhờ đó mà rộng cái kiến-thức ra và có cái phương-pháp khảo-cứu rất tinh-tường.

Vào khoảng năm Vạn-lịch (1572-1619) đời vua Thần-tôn nhà Minh có giáo-sĩ Lợi-Mã-Đậu (Mathieu Ricici) đã xướng lên cái thuyết nên tìm nghĩa sách ở trong nguyên văn, trong bọn sĩ-phu có người đã khuynh-hướng về mặt khảo-chứng, cho đời nhà Hán gần đời Xuân-thu và Chiến-quốc hơn đời nhà Tống, thì nên theo Hán-nho mà học, hơn là theo những lời chú-thích của Tống-nho. Bởi vậy, qua sang đời nhà Thanh, có bọn di-nho nhà Minh, vì danh nghĩa mà không ra làm quan, cứ ở nhà dạy học và làm sách, lập ra phái Hán-học. Phái ấy chủ ở sự nghiên-cứu các Kinh Truyện và các sách sử, tìm-tòi ở những sách cổ, suy xét lấy sự thực, nhận biết cái gì có nghĩa lý rất phải thì theo, cho nên mới gọi là khảo-chứng-học 考 證 學. Cái phương-pháp của phái ấy không phải theo lối huấn-hỗ của Hán-nho, mà cái phạm-vi của sự khảo-cứu cũng không chuyên ở Kinh-học, nhưng theo cái đại-thể thì có điều giống như lối học của Hán-nho, cho nên lại gọi là Hán-học 漢 學.

Người đứng đầu phái Hán-học là Cố Viêm-Võ, rồi đến Diễm Nhược-Cự, Mao Kỳ-Linh. Hồ Vị, Giang Vĩnh, Huệ Sĩ-Kỳ, Huệ Đống, Đái Chấn v. v. Những người ấy tiềm tâm ở sự khảo-chứng và đều tinh-thâm toán-học cả, cho nên những sách vở của phái ấy làm ra có phương-pháp rất rõ ràng và có nhiều ý-kiến mới lạ. Những nhà tân-học ngày nay thường ví sự hành-động của học-phái ấy với sự hành động của Văn-nghệ phục-hưng (la Renaissance) bên Âu-tây.

Cố Viêm-Võ.— Cố Viêm-Võ 顧 炎 武, tự là Ninh-nhân 甯 人, hiệu là Đình-lâm 亭 林 (1612-1681), người huyện Côn-sơn, tỉnh Giang-tô. Lúc nhà Thanh lấy nước Tàu rồi, ông theo giúp nhà Minh không được, về nhà, bà mẹ nhịn ăn mà chết, dặn ông không được thờ hai họ. Về sau ông nhất định chung thân không ra làm quan với nhà Thanh. Trước ông ở Giang-tô, lúc ở Côn-sơn, lúc ở Nam-kinh, sau vì có sự bất hòa với người làng, ông bèn bỏ đi lên phía tây-bắc, làm nhà ở đất Hoa-âm, thuộc tỉnh Thiểm-tây, khai khẩn ruộng đất để nuôi thân. Mỗi lúc có người muốn tiến ông vào làm quan, thì ông hết sức từ chối. Hễ ai nài ép lắm, thì ông nói: muốn để ông sống thì đừng ép ông.

Ông học rất rộng, tinh nghề nghiên-cứu, phàm những âm-vận-học cùng các cái học khác như thiên-văn, địa-lý, toán-pháp, điển-lệ, không có điều gì là ông không học đến chỗ căn-bản. Ông xem nhị-thập-nhất sử, thập-tam Triều thực-lục, thiên-hạ đồ kinh và tiền-bối văn-biên thuyết bộ, rồi thấy có điều gì quan-hệ đến sự lợi hại của dân sinh là ông biên chép ra, làm thành bộ sách gọi là: Thiên-hạ quận-quốc lợi bệnh thư 天 下 郡 國 利 病 書, một trăm hai mươi quyển. Sau ông lại đi du-lãm các nơi ở phía tây và phía bắc nước Tàu, xem những sơn xuyên, phong thổ, cùng những di-tích đời xưa để khảo chất những điều chép trong sách ấy. Ông đi du-lịch ở miền tây-bắc hơn 20 năm, đi đâu có hai con ngựa và hai con lừa chở sách đi theo. Đến những chỗ biên tái, ông tìm những người lính già hoặc những người đã thôi lính, để hỏi han mọi chuyện, có điều gì không hợp với những điều ông đã biết, thì ông đến chỗ trọ dở sách ra xét lại cho tường tận. Ông khảo chất được điều gì chưa chép ở trong sách ấy, thì ông biên ra một tập riêng gọi là: Triệu vực chí 肇 域 志.

Ông suy tầm cái bản nguyên âm-học trong các Kinh Truyện làm ra Âm-luận 音 論, 3 quyển; Thi-bản-âm 詩 本 音, 10 quyển; Dịch-âm 易 音, 3 quyển; Đường-vận-chính 唐 韻 正, 20 quyển; Cổ-âm-biểu 古 音 表, 2 quyển.

Ông lại kê-cứu những kim thạch văn-tự, nghĩa là những chữ khắc ở bia đá hay ở đồ đồng để làm bằng chứng cho các Kinh Sử, và lấy những lời nghị luận về việc học ở trong các Kinh Sử mà làm ra sách Nhật-trí-lục 日 知 錄, 30 quyển. Hậu nho cho bộ sách ấy là bộ tinh-nghệ của ông.

Ngoài những sách ấy, ông còn làm đến hơn 20 thứ sách khác nữa, sách nào cũng bổ ích cho sự học-thuật và thế-đạo. Kể những nhà nho-học xưa nay, mà sự tư-tưởng, cách lập-ngôn và sự khảo-chứng được hợp với thể-lệ khoa-học, thì có ông là hơn cả. Ông thật là một nhà đại khoa-học trong Nho-giáo vậy.

Bởi ông có cái tính-chất khoa-học ấy, cho nên ông không ưa cái học hình-nhi-thượng. Ông lại thấy học-phong cuối đời nhà Minh tồi tụy, học-giả theo mạt học của phái Diêu-giang, thường hay túng-tứ không chịu xem các Kinh Truyện, ông bèn cực lực công-kích học-phái ấy. Ông bàn việc học. thường nói rằng: « Hơn một trăm năm nay, học-giả thường thường cứ nói tâm, nói tính, mà mang-nhiên không hiểu rõ nghĩa. Mạnh với nhân, là Phu-tử vẫn ít nói đến; tính với thiên-đạo, thì đến thầy Tử-Cống cũng chưa được nghe. Cái lý của tính và mạnh là chỉ nói rõ ở trong Dịch-truyện, chứ chưa tầng đem nói với người ta. Phu-tử trả lời cho người hỏi về việc sĩ 仕, thì nói rằng: « Hành kỷ hữu sỉ 行 己 有 恥 »: hỏi về việc học, thì nói rằng: « Hiếu cổ mẫn cầu 好 古 敏 求 »; nói với Ai-công về cái công minh-thiện 明 善, thì bảo lấy sự bác-học làm trước tiên. Nhan-tử là bậc gần bằng thánh-nhân mà còn nói: « bác ngã dĩ văn 博 我 以 文 ». Từ Tăng-tử trở xuống, người đốc-thực như Tử-Hạ mà nói nhân, thì bảo là: « bác học nhi đốc chí, thiết vấn nhi cận tư 博 學 而 篤 志,切 問 而 近 思. » Những bậc quân-tử đời nay thì không thế, tụ họp những bạn hữu và môn-nhân đến hằng trăm hằng nghìn người, nói tâm, nói tính, bỏ sự « đa học nhi thức 多 學 而 識 » để cầu cái phương nhất-quán, bỏ sự khốn-cùng của bốn bể không nói, mà giảng điều « nguy vi tinh nhất 危 微 精 一 ». Như thế, thì ắt là cái đạo phải cao hơn Phu-tử mà bọn đệ-tử phải giỏi hơn Tử-cống. Ta đây không dám biết vậy. Trong sách Mạnh-tử có hay nói tâm, nói tính thật, nhưng đến khi bọn Vạn Chương, Công Tộn-Sửu, Trần Đại, Trần Trăn, Chu Tiêu, Bành Canh, hỏi đến, thì lời đáp lại của Mạnh-tử thường chỉ ở trong khoảng: xuất xử, khử tựu, từ thụ, thủ dự mà thôi. Bởi thế cho nên: tính, mạnh, trời, là Phu-tử ít nói đến, mà nay những bậc quân-tử thường hay nói đến; những lời biện luận về việc xuất xử, khử tựu, từ thụ, thủ dự, là Khổng-tử và Mạnh-tử, thường hay nói, mà nay những bậc quân-tử ít nói đến. Ta nay bảo cái đạo của thánh-nhân là thế nào? Rằng: « bác học ư văn », rằng: « hành kỷ hữu sỉ », tự một thân mình cho đến thiên-hạ quốc-gia là việc học vậy; tự đạo làm con, làm tôi, làm em, làm bạn, cho đến khoảng xuất nhập, vãng lai, từ thụ, thủ dự, đều phải có việc hữu sỉ. Kẻ đi học mà không nói cái sỉ, là người vô-bản; không hiếu cổ đa văn, là cái học hư không. Lấy cái người vô-bản mà giảng cái học hư-không, thì ta thấy ngày càng theo học thánh-nhân mà càng xa thánh-nhân vậy. »

Đó là lời Cố Đình-lâm bác cái học của phái Diêu-giang. Cái học của phái ấy có chỗ lầm lớn, là đem cái học, hình-nhi-thượng mà truyền bá ra cho hạng người trung-nhân dĩ hạ. Cái lỗi ấy là tại bọn Vương Long-khê muốn lên cao quá, không theo lời dặn của Dương-minh, cho nên về sau thành ra một cái học hoang-phiếm không có cái gì là thiết-thực chắc-chắn. Cố Đình-lâm chê chỗ ấy của Diêu-giang-phái là rất phải, song ông đã biết rằng cái lý của tính và mạnh đã nói rõ ở Dịch-truyện, thì sao lại nói cái học về tính và mạnh không phải là Khổng-học? Ông cũng nhận là Mạnh-tử chăm chăm nói tâm, nói tính, thế có phải là trong Khổng-học có cái học hình-nhi-thượng không? Chỗ tinh-vi của Khổng-giáo là để cái học hình-nhi-thượng riêng cho thiểu số trung-nhân dĩ thượng, và lấy cái học hình-nhi-hạ để chung tất cả cho các hạng người. Những điều « bác học ư văn », « hành kỷ hữu sỉ » cùng những việc « xuất xử, khử tựu, từ thụ, thủ dự », là thuộc về phần hình-nhi-hạ-học. Cái lầm của phái Diêu-giang là ở chỗ lấy gốc làm ngọn, đem cái phần hình-nhi-thượng làm công-giáo mà dạy hạng trung-nhân dĩ hạ, cho nên mới hóa ra sự học rất dở ở cuối đời nhà Minh vậy.

Cố Đình-lâm không phân-biệt rõ chỗ ấy, cho nên lời phê-bình của ông chỉ đúng về mặt hình-nhi-hạ-học mà không đúng về mặt hình-nhi-thượng-học. Nho-giáo sở dĩ là cái học-thuyết hoàn-toàn, rất cao-minh và rất thiết-thực, là bởi có thượng-học và hạ-học điều-hòa với nhau, không thiên lệch về bên nào cả. Thượng-học để làm căn-bản cho hạ-học. Nhưng thượng-học không phải là cái học để truyền bá ra cho công chúng: sự nhân-sinh nhật-dụng là thuộc về hạ-học, tất phải lấy những điều cương-thường đạo-lý làm chuẩn-đích, lấy việc làm liêm-sỉ làm giới-hạn. Nếu bỏ những điều ấy mà vụ lấy sự phóng-tứ hư-vô, thì làm thế nào mà không thành ra cái học hoang-phiếm được.

Cố Đình-lâm thấy rõ cái lầm ở chỗ ấy, cho nên ông đốc chí ở sáu Kinh lấy làm căn-bản của sự học. Ông tuy không công-kích Trình Chu, nhưng không nhận có cái lý-học độc-lập. Ông nói rằng: « Xưa nay sao lại biệt ra một cái học gọi là lý-học được? Kinh-học tức là lý-học vậy. Từ khi bỏ Kinh-học mà nói lý-học, thì cái tà-thuyết khởi lên. Không biết rằng bỏ Kinh-học đi, thì cái mà gọi là lý-học tức là Thiền-học. » Kinh-học tức là lý-học, đó là lời để làm biểu-hiệu cho học-phái của ông lập ra vậy. Ông lấy cái học theo nghĩa sách trong sáu Kinh để chữa cái học hoang-phiếm của người đương thời.

Cái học của Cố Đình-lâm có ba điều rất đặc-biệt. Một là không mô-phỏng đời trước. Ông nói ở trong sách Nhật-tri-lục rằng: « Người trong đời nhà Minh, hễ làm sách là không có điều gì không cắp nhặt.» Ông cho việc làm sách là việc rất khó. « Hễ đời xưa chưa bàn tới, mà đời sau không thể không có được, thì mới nên làm.» Ông theo cái phương-châm ấy mà làm sách Nhật-tri-lục, cho nên ông nói ở trên bài tựa rằng: « Ta đọc sách từ thuở nhỏ, biên chép ra nhiều chỗ, nhưng sau có chỗ nào không hợp thì sửa lại, hoặc có chỗ cổ-nhân đã nói trước ta rồi, thì bỏ đi. » Lối làm văn của ông cũng không bắt-chước người đời xưa.

Hai là trọng chứng-cứ. Ông biên chép ra điều gì là có đủ chứng-cứ rõ-ràng, chứ không nói mò.

Ba là trọng sự thực dụng. Ông nói rằng: « Khổng-tử san định sáu Kinh, tức là cái tâm của Y Đoãn, Thái-công cứu sự lầm-than của dân. Cho nên nói rằng: « Tái chư không ngôn, bất như kiến chư hành sự 載 諸 空 言,不 如 見 諸 行 事: Chép những lời không-ngôn, không bằng thấy ở việc làm. »... Phàm văn mà không quan-hệ đến sự sáu Kinh đã dạy, và đến việc đương thế, thì nhất thiết không làm. »

Bởi có cái học thiết-thực kinh-tế và cái phương-pháp khoa-học dùng về sự khảo-cứu và sự trước-thuật ấy, Cố Đình-lâm mở ra một học-phái rất có giá-trị trong đời nhà Thanh vậy.

Điễm Nhược-Cự. — Diễm Nhược-Cự 閻 若 璩, tự là Bách-thi 百 詩 (1616-1704), người đất Thái-nguyên, tỉnh Sơn-tây, cũng là một di-nho nhà Minh, không ra làm quan với nhà Thanh. Ông dời nhà đến ở đất Sơn-dương và chuyên chú về việc khảo-cứu các Kinh Truyện. Ông làm sách: Thượng thư cổ văn sớ chứng 尚 書 古 文 疏 證 để biện luận cái lầm của sách Cổ-văn thượng-thư 古 文 尚 書 đời Đông Tấn, và sách Thượng-thư-truyện 尚 書 傳 của Khổng An-Quốc đời Tây-Hán. Xưa nay học-giả cho sách ấy là nhất định không ai dám bàn đến. Diễm Bách-thi nghiên-cứu những chỗ sai lầm và cho những sách ấy là ngụy-thư.

Mao Kỳ-Linh. — Mao Kỳ-Linh 毛 奇 齡, tự là Đại-khả 大 可 (1623-1713), người đất Tiêu-sơn, tỉnh Chiết-giang. Ông học rộng, xem hết các sách vở và giỏi về nghề biện bác, tìm những sự sai lầm trong cái học của Chu-tử, để làm rõ cái học của Hán-nho. Ông có làm sách: Cổ-văn thượng-thư oan-từ 古 文 尚 書 寃 詞 để bẻ cái thuyết của Diễm Nhược-Cự bàn về sách ấy. Những sách của ông là: Xuân-thu truyện 春 秋 傳; — Mao-thi truyện 毛 詩 傳, v. v..

Hồ Vị.— Hồ Vị 胡 渭, tự là Phỉ-minh 朏 明, (1633-1713), người đất Đức-thanh, tỉnh Chiết-giang. Ông là một nhà khảo chứng-học có tiếng trong đời Khang-hi và rất tinh về địa-lý-học, có dự vào việc làm bộ Đại-Thanh nhất-thống-chí 大 清 一 統 志.

Ông làm bộ Dịch-đồ minh-biện 易 圖 明 辨, đại chỉ là biện-luận về việc từ đời nhà Tống trở lại mà gọi là Hà-đồ, Lạc-Thư, là của Thiệu Khang-tiết, học Lý Chi-Tài và Trần Đoàn mà làm ra, chứ không phải là của Phục Hi, Văn-vương, Chu-công và Khổng-tử. Ông làm quyển sách ấy để phân-biệt Dịch 易 của tiên thánh, khác với Đồ 圖 là của họ Trần và họ Thiệu, để học-giả biết Tống-học là Tống-học, mà Khổng-học là Khổng-học. Chia ra thì hai bên cùng hay cả, hợp lại thì hai bên cùng hỏng. Đó là cái ý ông nói ở trong bài tựa của ông làm vậy.

Ông còn làm bộ: Vũ cống chùy-chỉ 禹 貢 錐 指 rất có giá-trị về địa-lý-học của nước Tàu.

Giang Vĩnh.— Giang Vĩnh 永 江, tự là Thận-tu 慎 修 (1680-1762), người đất Vũ-nguyên, tỉnh An-huy. Ông học rất rộng, xem hết các Kinh Truyện và bách-gia chư-tử, lại giỏi về toán-số, âm-vận và luật-lữ. Sách của ông làm ra hơn 10 bộ: Chu-lễ nghi-nghĩa cử yếu 周 禮 疑 義 舉 要;Hương-đảng-đồ-khảo 鄉 黨 圖 考:Giang Thận-tu số-học 江 慎 修 數 學;Suy-bộ-pháp-giải 推 步 法 解; — Lễ-ký cương-mục 禮 記 綱 目: — Cổ vận tiêu-chuẩn 古 韻 標 準; — Luật-lữ tân luận 律 呂 新 論, v. v..

Từ Giang Thận-tu về sau, phái Hán-học cực thịnh, là nhờ có cha con họ Huệ và thầy trò họ Đái vậy.

Huệ Sĩ-Kỳ. — Huệ Sĩ-Kỳ 惠 士 奇, tự là Thiên-mục 天 牧, người Tô-châu, tỉnh Giang-tô, đỗ tiến-sĩ đời Khang-hi, làm quan đến chức thị-độc học-sĩ. Ông khảo-cứu hết các Kinh Sử và cho là: « Sách Tam-lễ của Trịnh Khang-thành, sách Công-dương-truyện của Hà Hưu, phần nhiều là theo phương-pháp đời Hán, mà đời Hán cách đời xưa chưa xa mấy. Về sau đến đời Đường không hiểu được những lời chú-thích của họ Trịnh. Nhà Hán xa nhà Chu, mà nhà Đường lại xa nhà Hán, thì cái thuyết không thể hiểu hết được, huống chi từ nhà Tống về sau hay sao? » Cái học của ông là lấy xưa nay, xa gần, mà định phải trái vậy.

Ông làm những sách như: Dịch thuyết 易 說; — Xuân-thu thuyết 春 秋 說, v. v..

Huệ Đống,— Huệ Đống 惠 棟, tự là Định-vũ 定 宇, (1696-1758), con thứ của Huệ Sĩ-Kỳ, theo lối học của cha, xét kỹ Hán-học để làm cho sáng nghĩa các Kinh. Ông nói ở đầu bộ: Cửu Kinh cổ nghĩa rằng: « Người nhà Hán học-Kinh có phương-pháp của từng nhà, cho nên có thầy dạy riêng năm Kinh. Cái học huấn hỗ là đều bởi thầy khẩu-truyền cho... Cổ tự, cổ ngôn, phi thầy dạy Kinh, không hiểu được... Bởi thế cho nên những lời dạy đời xưa không nên đổi, và thầy dạy Kinh không nên bỏ vậy. Nhà ta bốn đời truyền Kinh đều thông nghĩa đời xưa, nay nhân thuật lại cái học của nhà mà làm bộ sách Cửu Kinh cổ nghĩa 九 經 古 義 này. »

Về sau Vương Dẫn-chi thường nói rằng: « Huệ Định-vũ tiên-sinh khảo cổ tuy cần, nhưng kiến-thức không cao, tâm không tế-nhị, thấy cái gì khác với đời nay thì theo, bất luận thị phi thế nào cả.»

Huệ Đống lại giỏi về Dịch-học, có làm sách Chu Dịch-thuật 周 易 述, và Cổ-văn thượng-thư-khảo 古 文 尚 書 考.

Kể các học-giả trong phái Khảo-chứng, thì chỉ có phái họ Huệ này mới thật là thuần-túy Hán-học. Song cái học đã chuyên chú ở Hán-học, thì lại có cái lầm của Hán-học mà không biết. Cũng vì thế mà cái học họ Huệ tuy rộng, nhưng không tinh bằng cái học họ Đái vậy.

Đái Chấn.— Đái Chấn 戴 震, tự là Đông-nguyên 東 原 (1722-1777), người đất Hưu-ninh, tỉnh An-huy, đỗ cử-nhân đời Càn-long, vào kinh làm bộ: Tứ-khố toàn-thư 四 庫 全 書, vua Cao-tôn nhà Thanh nghe tiếng ông, triệu vào yết-kiến, rồi cho đỗ tiến-sĩ. Ông theo học Giang Vĩnh, nổi tiếng là rất giỏi về mặt khảo-cứu và biện-luận. Ông giỏi cả toán-học, âm-học và tự-học, có làm những sách, như: Sách toán 策 算; Đái hiệu-toán-kinh thập thư 戴 校 算 經 十 書; Khảo-công-ký đồ 考 工 記 圖; — Thanh vận khảo 聲 韻 考; — Thanh-loại biểu 聲 類 表; — Tự học 字 學;Mạnh-tử tự nghĩa sớ chứng 孟 子 字 義 疏 證, v. v.

Cái học của Đái Đông-nguyên chú trọng ở sự khảo cứu các Kinh Truyện mà tìm đạo, chứ không theo lời chú-thích của Tống-nho. Ông nói rằng: « Kinh để chở đạo, mà cái để làm cho sáng đạo là lời, cái để làm cho thành lời là chữ vậy. Học-giả nên do chữ mà suốt đến lời, do lời mà suốt đến sự học.» Đó là cái tôn-chỉ của phái khảo-chứng-học, cốt phải tìm cho đúng cái nghĩa từng chữ từng lời, rồi do cái nghĩa đó mà hiểu đạo. Cái học ấy chính là cái học huấn-hỗ đời Hán vậy.

Ông không theo Tống-nho, nhưng cũng không theo Hán-nho. Ông thường nói rằng; « Học-giả nên đừng để người che lấp ta, đừng để ta tự che lấp ta; không cầu cái danh một thời, cũng không cầu cái danh đời sau. Có cái ý-kiến cầu danh, thì có hai cái tệ; Phi công-kích tiền nhân để tự biểu-bộc mình, thì nương tựa vào kẻ hiền đời xưa mà theo đuôi. » Hai cái tệ ấy rất hại cho người ta, là bởi trong sự học ta thường hay bị người che lấp, đến khi ta biết cái che lấp ấy, cố sức để thoát khỏi, thì ta lại bị ta che lấp ta. Ông muốn học-giả bỏ hết cái tính hay nương tựa vào người. Điều gì cũng vụ tìm cho đến sự thực, chứ không phải theo một học-thuyết nào. Ông thực-hành cái thuyết ấy trong sự học của ông, cho nên nói rằng: « Ta sở dĩ tìm ở trong các Kinh, là vì sợ lời nói của thánh-nhân, hậu thế còn để mờ tối chăng. Song sự tìm-tòi ấy có điều mười phần được cả mười, có điều mười phần không được đủ mười. Những điều mười phần được cả mười là so với các đời xưa mà không có cái gì là không điều-quán, hợp với đạo mà không còn nghi ngờ gì nữa, lớn nhỏ xem hết, gốc ngọn xét kỹ. Nếu lại theo lời truyền văn để định cái phải, chọn ở các thuyết để lựa lấy cái tốt, lấy lời không-ngôn để định cái luận, tựa vào một cái cô-chứng để tin cái suốt; tuy men dòng nước có thể biết được cái nguồn, nhưng mắt không thấy cái nguồn chảy thế nào; tuy lần gốc có thể tới đến ngọn, nhưng tay không sờ đến cành xem các nhánh mọc thế nào, đều là cái biết chưa được mười phần đủ cả mười; lấy lối ấy mà học Kinh, thì mất cái ý « bất tri vi bất tri », chỉ là thêm một cái ngờ hoặc, làm cho kẻ thức-giả phải biện luận..., Đã nghĩ sâu tự được mà gần cái phải, rồi sau mới biết cái nào mười phần được cả mười, và cái nào mười phần không được đủ mười. Tựa như cái dây chăng xem cây thẳng, chỗ mà trước cho là thẳng. nay thấy rõ là cong; như nước để xem mặt đất phẳng, chỗ mà trước cho là phẳng, nay thấy rõ là lõm, rồi mới truyền cái tin, không truyền cái ngờ. Ngờ thì để khuyết, có như thế thì ngọ hầu học Kinh mới không hại. » Cái phương-pháp ấy chính đúng cái phương-pháp nghiên-cứu của khoa-học vậy.

Cái thực học không phải là dễ. Đái Đông-nguyên thường nói rằng: « Học có ba điều khó: Cái khó yêm bác 淹 博, cái khó thức đoán 識 斷, cái khó tinh thẩm 精 審. Ba cái khó ấy ta không đủ cho là có cả, nhưng đại khái về phần riêng của ta thì có cái tự thị, và sự làm sách vở của ta đều do cái mối ở đó. Người đời trước nghe rộng nhớ nhiều, làm sách đầy nhà, yêm bác thì có, mà tinh thẩm thì chưa vậy....»

Đái Đông-nguyên không phải là một nhà học-giả chỉ chuyên về mặt khảo chứng mà thôi, ông còn muốn đặt ra một cái lý-thuyết triết-học. Ông viết thư cho người ta nói rằng: « Những lời nói của Khổng Mạnh trong sáu Kinh và các sách truyện-ký không thấy mấy chỗ nói đến chữ lý 理. Nay thì đến kẻ chí ngu trái ngược càn-rỡ, có xử-đoán việc gì hay trách mắng người nào không bao giờ là không nói đến lý. Từ đời nhà Tống về sau mới tập thành thói quen, cho lý như là một vật của Trời phú cho mà đủ ở tâm, rồi hễ có việc gì thì lấy cái ý-kiến của tâm mà đối-phó, thành ra người nào có phụ khí, hoặc cậy thế, lại thêm có mồm miệng giảo-hoạt, thì lý rõ; người nào sức yếu, khí nhát, mồm miệng không được giảo-hoạt, thì lý khuất.» Thiết tưởng trong các Kinh Truyện không hay nói đến lý, song cái ý vẫn cho vạn vật sở dĩ hiểu biết là nhờ có cái phần thiêng-liêng sáng-suốt cùng đồng một thể khắp cả trong vũ-trụ. Tống-nho dùng chữ lý để gọi cái phần thiêng-liêng sáng-suốt ấy, không phải là bịa đặt ra một điều không có trong Kinh Truyện, mà chính là Tống-nho đã hiểu được đến phần cao thâm của Nho-giáo. Nay Đái Đông-nguyên thấy người đời dùng bậy chữ lý, mà đổ lỗi cho Tống-nho, thì thật là cái ý-kiến của ông thiên, và cái học của ông không đến vậy.

Chủ-ý của Đái Đông-nguyên là muốn trừ hai cái tệ của Nho-học thuở ấy, là cho Phật lẫn với Nho, và bỏ dục nói lý, cho nên về sau ông làm ba thiên Nguyên-thiện 原 善 và sách Mạnh-tử tự nghĩa sớ chứng 孟 子 字 義 疏 證 để bàn cái nghĩa lý triết-học. Ông cho các sách của ông làm ra, có sách này là hơn cả. Ông thường nói rằng: « Cái công trước-thuật lớn trong bình sinh của ta, thì có sách Mạnh-tử tự nghĩa sớ chứng là đệ nhất.»

Đại lược, ông đổ lỗi cho Tống-nho làm hại thiên-hạ vì lẽ phân ra thiên-lý và nhân-dục. Ông nói rằng: « Từ Tống-nho lập ra sự biện-luận về lý và dục, bảo rằng điều gì không phải là lý tất là dục, điều gì không phải là dục tất là lý. Bởi thế mới cho sự đói rét kêu gào, trai gái ai oán, sắp chết mong sống của người ta là nhân-dục, rồi bảo cái bản-nhiên của thiên-lý có luôn trong tâm, tất phải tuyệt hết cả sự cảm-xúc của tình-dục. Đến khi ứng sự may ra mà trúng, thì cứ thế mà yên, chứ không phải thể sát sự tình gì nữa. Nếu không may mà sự tình chưa rõ, thì cứ cố-chấp cái ý-kiến của mình mà làm, tự tin nó là thiên-lý, không phải nhân-dục, thành ra việc nhỏ thì làm hại cho một người, việc lớn thì làm hại cho cả thiên-hạ quốc-gia.»

Ông cho cái mà đời sau gọi là lý, là cái ý-kiến của từng người, chứ thực thì có tình và dục mà thôi. Ông tìm trong các Kinh Truyện lấy chứng mà bác cái học của Tống-nho: « Sách Lễ-ký nói rằng: « Ẩm-thực nam nữ, nhân chi đại dục tồn yên ». Thánh-nhân trị thiên-hạ, thể cái tình của dân, thỏa cái dục của dân, mà vương-đạo đủ Người ta biết họ Lão, họ Trang, họ Thích, khác với thánh-nhân. Nghe cái thuyết vô-dục của những họ ấy, còn chưa tin; đến khi theo Tống-nho, thì tin là cũng giống như cái học của thánh-nhân. Lý với dục đã phân ra, người ta ai ai cũng nói được, cho nên đời nay trị người, cho thánh hiền đời xưa thể cái tình của dân, thỏa cái dục của dân, là sự nhỏ mọn ẩn khúc, không cần để ý, không đủ lấy làm lạ. Kịp đến khi lấy lý mà trách người, thì dẫu bậc cao tiết trong thiên-hạ, cũng có thể lấy lý mà bắt tội được. Người tôn lấy lý trách kẻ ti, người trưởng lấy lý trách kẻ ấu, người quí lấy lý trách kẻ tiện, tuy sai lầm cũng cho là thuận. Kẻ ti, kẻ ấu, kẻ tiện mà có cái lý cãi lại, thì tuy phải vẫn cho là trái. Bởi thế dưới không thể đem những điều đồng tình đồng dục của thiên-hạ mà đạt lên người trên. người trên lấy lý trách kẻ dưới, mà cái tội của kẻ dưới không biết bao nhiêu mà kể ra được. Người chết về pháp luật còn có kẻ thương, người chết về lý thì còn có ai thương nữa! »

« Cái thuyết lý với dục đã thành-lập rồi, thì phàm sự cảm-xúc của những thường tình ẩn khúc, như đói rét, sầu oán, ăn uống. trai gái, gọi là nhân-dục cả, cho nên chung thân thấy cái dục khó hạn-chế. Vả khi mình đã tự tin là mình không có dục, thì nghĩ không có hổ thẹn điều gì cả. Cái gì mà ý-kiến của mình đã cho là không phải, thì bảo người ta tự bỏ mất cái lý.» — « Đã tiệt-nhiên phân lý với dục ra làm hai, trị mình thì lấy những điều không phải là dục làm lý, trị người ắt cũng phải lấy những điều không phải là dục làm lý, đem cái cảm-xúc của những thường tình ẩn khúc, như đói rét, sầu oán, ăn uống, trai gái, cho là nhân-dục, rất đáng khinh. Khinh cái đáng khinh là ta trọng thiên-lý vậy, trọng công-nghĩa vậy. Lời nói rất đẹp, nhưng dùng ra để trị người thì làm cái vạ cho người. Đến khi kẻ dưới lấy điều khi-trá mà ứng-phó với người trên, thì bảo là bất thiện. Ấy là bởi sự phân-biệt ra lý và dục, khiến khắp cả mọi người trong thiên-hạ đều biến ra trá-ngụy cả. Cái vạ đó kể sao cho xiết! »

Đái Đông-nguyên đã công-kích cái thuyết thiên-lý và nhân-dục, tất phải tìm cái phương-thế khác để bổ cứu cái tệ của người đời bấy giờ. Ông cho cái thiên-đạo là âm dương và ngũ hành. Người ta sinh ra, chịu một phần âm dương và ngũ hành để làm tính, bởi thế mới có huyết, khí, tâm, tri. Có huyết và khí, ấy là có lòng dục; có tâm và tri, ấy là có tình có tri. Cái mà cấp đủ cho cái dục là thanh, sắc, xú, vị, nhân đó mà có cái yêu, cái sợ. Cái mà phát ra ở tình là: hỉ, nộ, ai, lạc, nhân đó mà có lúc thảm, lúc thư. Cái mà biện-biệt ở cái trí là: xấu tốt, phải trái, nhân đó mà có sự ưa, sự ghét. Như thế là ông phân cái nguyên chất của tính ra làm ba: dục, tình và tri, tức như ngày nay các nhà tâm-lý-học chia tâm-thần của người ta ra làm; ý-chí (volonté), tình-cảm (sentiment) và trí-tuệ (intelligence), Xem cái tư-tưởng và sự nghị-luận của ông, thì ông là một nhà Tây-học ở nước Tàu thuở xưa vậy.

Cái tính đã như thế, thiện ác bởi đâu mà ra? Đái Đông-nguyên mượn cái ý trong kinh Dịch mà cho là Trời lấy sự sinh-sinh làm đạo, thì người cũng phải lấy sự sinh-sinh làm đạo. Cái đức của sự sinh-sinh là nhân. Ấy cho nên đối với dục, mà chuyên ở cả dục của mình là ác, đồng với cái dục của mọi người là thiện. Đối với tình, thì quá với bất cập là ác, trúng tiết là thiện. Điều-lý thiện ác cho vừa phải là ở cái trí. Vậy thiện ác là gốc ở cái tình và cái dục. Ông lấy Mạnh-tử mà giải cái nghĩa thánh hiền không nói vô dục: « Mạnh-tử nói rằng: Dưỡng tâm mạc thiện ư quả dục, rõ là cái dục không thể không có được, chỉ làm cho ít đi mà thôi. Người ta sống ở đời không gì hại bằng không được thỏa cái đời của mình. Muốn thỏa cái đời của mình và cũng thỏa cái đời của người, ấy là nhân; muốn thỏa cái đời của mình mà không đoái đến sự làm tàn hại cái đời của người, ấy là bất-nhân. Bất-nhân thực khởi thủy tự ở cái tâm muốn thỏa đời của mình; nếu không có lòng muốn ấy, ắt là không có sự bất-nhân. Song nếu khiến không có lòng muốn ấy, thì sự nhân-sinh của thiên-hạ hẹp lại, mà người ta coi nhau nhạt-nhẽo. Mình đã không muốn thỏa cái đời của mình, mà thỏa cái đời của người, là không có vậy. »

Đái Đông-nguyên cho tình với lý là một. « Ta với người giao với nhau, tức là tình. Không quá tình và không bất cập tình, tức là lý. Lý là chỗ tình không sai lầm, chưa có điều gì không hợp tình mà lại hợp lý. Phàm có muốn thi ra điều gì với người. thì hãy thử trở lại mình mà nghĩ xem, nếu người ta lấy điều ấy thi ra với mình, mình có chịu được không? Phàm có trách người điều gì, thì hãy thử trở lại mình mà nghĩ xem, nếu người ta lấy điều ấy trách mình, mình có nhịn được không? Cứ lấy bụng mình mà lường bụng người, thì cái lý rõ ra.» Thiết tưởng các tiên-nho không nói điều gì khác. Tống-nho vẫn cho cái tình tự nhiên là lý. Chỉ có cái tình tự-tư tự-lợi mới trái lý. Bỏ cái trái lý mà theo cái hợp lý, ấy là cái tôn-chỉ của Nho-giáo xưa nay vậy,

Xét trong cái học của Đái Đông-nguyên thì tâm tính của người ta có ba điều cốt-yếu là: dục, tình và tri. Dục với tình phải tương hợp với nhau mới sinh-hoạt được. Có dục, có tình, phải có tri; song trong cái tri có xảo 巧 và trí 智. Xảo với trí tương hợp với nhau mới thật là tri. Vậy nên nói rằng: « Cái đạo sinh dưỡng, cốt ở cái dục; cái đạo thông cảm, cốt ở cái tình. Tình với dục tự-nhiên hợp in với nhau, thì mọi việc trong thiên-hạ đều hay cả. Biết đến chỗ cùng kiệt của thiện ác, là cốt ở cái xảo, quyền tể-ngự cũng bởi đó mà ra. Biết đến chỗ cùng kiệt của thị phi là cốt ở cái trí, đức của thánh hiền cũng bởi đó mà đủ. Xảo với trí cũng tự-nhiên, hợp in với nhau, tinh tường đến tận chỗ tất-nhiên, thì mọi việc trong thiên-hạ đều hay cả.» Ông lại nói: « Có cái thân ấy, cho nên có cái dục về thanh sắc, xú vị; có cái thân ấy mà trật-tự vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bầu bạn đủ cả, cho nên có tình hỉ, nộ, ai, lạc. Song phải có dục, có tình mà lại có tri, nhiên-hậu cái dục mới được thỏa, cái tình mới được đạt vậy. Khiến cho cái dục được thỏa, cái tình được đạt, việc trong thiên-hạ chỉ có thế thôi. Duy có cái tri của người ta là việc nhỏ có thể biết đến chỗ cùng kiệt của sự xấu sự đẹp, việc lớn có thể biết đến chỗ cùng kiệt của sự phải sự trái, nhiên-hậu đem cái dục đã thỏa của mình mở rộng ra, thì mới có thể làm cho thỏa được cái dục của người; đem cái tình đã đạt của mình mà mở rộng ra, thì mới có thể đạt được cái tình của người. Đạo đức rất thịnh là khiến người ta ai cũng thỏa được cái dục, đạt được cái tình, chỉ có thế mà thôi.» Khiến mọi người ai ai cũng thỏa được dục, đạt được tình, ấy là chí-thiện, ấy là nhân vậy.

Phần cốt-yếu trong cái triết-học của Đái Đông-nguyên là chủ ở sự bài trừ cái thuyết thiên-lý và nhân-dục của Tống-nho. Song ta phải biết rằng Tống-nho nói thiên-lý, là theo cái nghĩa hình-nhi-thượng, cho ở trong vũ-trụ chỉ có một cái lý rất linh-diệu, làm chủ-tể cả vạn sự vạn vật; nói nhân-dục là theo cái nghĩa hình-nhi-hạ, cho mỗi sự mỗi vật có một phần riêng. Muốn đạt tới cái đạo-lý cao sâu, thì phải theo cái phần công-cộng chung cả vũ-trụ, tức là thiên-lý, mà bỏ cái phần riêng của từng vật, gọi là tư-dục. Đó là phần cao minh trong cái học của Nho-giáo mà Tống-nho đã phát-minh ra. Về sau sự học sai lầm đi, là tại người đời học không đến, làm không đúng, chứ không phải cái lỗi của Tống-nho nói thiên-lý và nhân-dục. Đái Đông-nguyên chỉ biết có một cái học hình-nhi-hạ, cho nên cứ chăm-chăm công-kích Tống-nho, không xét đến chỗ căn-để. Phàm sự học mà không đạt tới cái lý nhất-quán, rồi cứ theo cái vật-dục mà biện-luận, thì càng biện-luận bao nhiêu, sự lý càng bề-bộn ra bấy nhiêu, mà dù trong sự biện-luận, lời lẽ có tinh-vi chăng nữa, thì cũng chỉ tinh-vi về một phương-diện mà thôi, chứ không thật hoàn-toàn đủ các phương-diện. Đó là cái đặc-sắc của phần nhiều những nhà lý-luận ngày nay, mà Đái Đông-nguyên là một nhà học-giả có tư-tưởng giống như những nhà lý-luận ngày nay vậy. Bởi vậy, những lời nghị-luận của ông nghe thật xuôi, nhưng xét ra vẫn kém phần sâu xa, không đủ phát-minh được cái học cao minh hoằng đại của Nho-giáo.

Đái Đông-nguyên dạy học-trò rất nhiều. và những người nối được cái học của ông là Đoàn Ngọc-Tài, Vương Niệm-Tôn và Vương Dẫn-Chi, đều là người trứ-danh trong khoảng trung-diệp nhà Thanh.

Đoàn Ngọc-Tài. — Đoàn Ngọc-Tài 段 玉 裁, tự là Mậu-đường 懋 堂 (1735-1815), làm những sách có tiếng hơn cả là: Thuyết-văn-giải-tự-chú 說 文 解 字 註; — Lục-thư-âm-vận-biểu 六 書 音 韻 表.

Vương Niệm-Tôn. — Vương Niệm-Tôn 王 念 孫, tự là Hoài-tổ 懷 祖, làm những sách có tiếng là: Độc-thư-tạp-chí 讀 書 雜 志; — Quảng-nhã sớ chứng 廣 雅 疏 證.

Vương Dẫn-Chi.— Vương Dẫn-Chi 王 引 之, tự là Bá-thân 伯申, con trưởng vua Vương Niệm-Tôn, làm những sách: Kinh-nghĩa thuật-văn 經 義 述 聞; — Kinh-nghĩa thích-từ 經 義 釋 詞, v. v.

Những người này đều là danh-nho ở đời nhà Thanh, theo cái học-thuyết của Đái Đông-nguyên, cho nên người ta thường gọi là Đái, Đoàn, nhị Vương chi học. Cái học ấy truyền bá ra ở nước Tàu rộng hơn cả các phái khác và thường cho là chính-thống học-phái.

Đại khái, cái học khảo-chứng đời nhà Thanh rất có phương-pháp, rất chắc-chắn, song chỉ vì cái học ấy chuyên trị có một mặt hình-nhi-hạ-học, chứ không đạt tới hình-nhi-thượng-học, cho nên sự học thì thật là tinh-vi mà vẫn thấp và hẹp. Phàm cái gì đã gọi là hình-nhi-thượng, thì ít khi lấy chữ, lấy lời, mà tả rõ ra hết các ý-nghĩa được, tất phải lấy lý mà hội, lấy ý mà hiểu. Nho-giáo sở dĩ cao minh là bởi có phần hình-nhi-thượng. Hiểu được suốt phần ấy, thì những điều thuộc về hình-nhi-hạ, như luân-lý, chính-trị, đều rõ rệt lắm. Bởi thế thánh hiền đời xưa dặn người ta rằng: « Bất dĩ từ hại ý » cũng vì sợ người ta câu-nệ những chữ, những lời, mà hiểu lầm mất cái ý cao xa. Cái học của Hán-nho sở dĩ thấp và hẹp là bởi quá thiên-trọng về cái học huấn-hỗ vậy.

Đến đời nhà Thanh, phái khảo-chứng phần thì chán cái lý-học của Tống-nho, phần thì lại thấy người ta hay lạm dụng chữ « lý » mà nói bậy, cho nên mới trở lại theo lối Hán-học để cầu lấy sự thực trong các Kinh, Sử, mà bổ cứu cái tệ của lưu học. Song ta nên biết rằng lý-học không phải là không có sự thiết-thực, chỉ vì học-giả thường học không đến nơi, cho nên mới thành ra có nhiều điều dở. Xem như cái học của Vương Dương-minh cao sâu bao nhiêu và thiết-thực bao nhiêu, thế mà đến bọn hậu-học hiểu lầm làm bậy. Cũng cái học ấy mà sang Nhật-bản thì lại là cái học rất cường kiện, rất thiết-thực. Thế đủ rõ là dù cái học hay đến đâu, nến người ta không biết dùng, rồi cũng hóa ra dở.

Nay phái Hán-học công-kích Tống-nho mà không xét cái học cao thấp thế nào, và cách thi-hành hay dở bởi đâu, chỉ chăm-chăm lấy cái hữu-hình mà xét cái vô-hình, thì làm thế nào cho hợp sự lý được? Đạo chỉ có một mà thôi, nhưng càng lên cao bao nhiêu, lại càng khó hiểu bấy nhiêu. Nếu học-giả không đạt tới chỗ cao thâm huyền viễn, thì chỉ thấy được một góc của đạo, chứ không thấy rõ được cả toàn-thể. Đó là chỗ thấp, chỗ kém, của phái khảo-chứng. Cũng bởi thế, cho nên các học-giả trong phái ấy chỉ là những nhà khoa-học rất tinh, mà không phải là những nhà cao minh triết-học vậy.