Phê bình Nho giáo Trần Trọng Kim/VI

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

VI

Nói thêm

Tập phê-bình này đến đoạn thứ V, kể đã hơi dài, tự tôi đã thấy có một vài chỗ tỉ-mỉ. Cố nhiên sự tỉ mỉ ấy vẫn không thể tránh, nếu muốn phê bình một cách cẩn-thận. Nhưng nó cũng là điều mà tôi không muốn.

Thực ra trong bộ Nho-giáo còn nhiều khuyết điểm. Song nói nữa e còn tỉ-mỉ hơn nữa. Vậy xin hãy tạm kết thúc.

Trước khi dừng bút, tôi muốn nói qua về vũ-trụ quan của Khổng tử, thay làm kết-luận bài này.

Nhưng đoạn cuối cùng này, mục đích không riêng ở sự phê bình «Nho giáo». Nhân khi phê bình «Nho-giáo», tôi muốn bày tỏ ý kiến của tôi đối với sự nhận định cái vũ-trụ-quan của Khổng-tử nữa.

Cái ý-kiến ấy khác hẳn ý-kiến của tác-giả « Nho-giáo » và của hết thảy Tiên nho từ trước đến giờ.

Trong cuốn «Nho-giáo», nhất là cái phần mà tác-giả đặt tên là «Hình-nhi thượng học» đã có nhiều đoạn nói rất quyết đoán về cái quan-niệm của Khổng-tử đối với trời và quỷ-thần.

Trang 89, dưới cái tiểu đề « Thái cực và sự biến hóa của thiên lý »...

« Đối với cuộc tạo-hóa, thì Khổng-phu-tử theo cái tư-tưởng đời trước cho rằng lúc đầu ở trong vũ trụ chỉ có cái lý vô-cực, tức là đời hôn-mang mờ mịt không rõ gì cả. Lý Vô cực ấy tức là lý Thái-cực rất linh-diệu, rất cường kiện. Nhưng Thái cực huyền-bí không thể hiểu rõ được cái chân-tính, ẩn-khuất không thể hiện rõ được cái chân tướng. Thái-cực có lúc tĩnh lúc động mới phân ra âm và dương, âm-dương biến hóa sinh ra trời đất và muôn vật.

Trang 116, dưới cái tiểu đề « quỉ-thần »:

« Khổng-tử đã tin có trời, có thiên-mệnh, tất là tin có quỉ thần. Quỉ-thần là khí thiêng liêng ở trong trời đất, tuy mắt ta không trông thấy, tai ta không nghe thấy, nhưng vẫn thể được muôn vật không sót vật nào: Đâu đâu cũng hình như ở trên đầu ta, ở bên tả bên hữu ta... »

Trang 118, dưới cái tiểu đề « Kính và thành »:

« Khổng-tử tin có trời và có quỉ-thần, chứ không phải như ý-kiến những người hiểu không rõ cái học-thuyết của ngài, nói phỏng chừng rằng: đạo của ngài là đạo vô thần. Nhưng phải biết rằng: Phu-tử cho trời là cái Ly-linh-diệu chí-công chí-chính, ma quỉ-thần là cái Ly-linh-khí của trời đất, rất thông-minh chính-trực, tất là trời và quỉ-thần không có thiên tư điều gì vậy...

Trang 121 dưới cái tiểu đề « Sự sinh-tử »:

« Về sự sinh-tử thì Khổng phu tử cũng tin như mọi người đương thời bấy giờ. Ngài nói rằng: người sinh ra có khí, có hồn, có phách. Khí, hồn, phách hội lại gọi là sinh...

« Chết rồi thì cái hài cốt chôn xuống đất, dần dần tan nát đi, còn cái khí tinh-anh thì lên trên khoảng không gian sáng rõ rực-rỡ. »

Còn nữa và còn nhiều lắm. Dẫn vào bấy nhiêu, cũng đủ chứng rằng: theo ý tác-giả Nho-giáo thì đối với trời và quỉ-thần, Khổng-tử đã có những cái quan-niệm rất rõ-rệt.

Sự nhận-định ấy có lẽ là chỗ rất đắc-ý của tác giả, cho nên trong lời phát-đoán, tác-giả mới nói thế này:

« Ngày nay ai bàn đến Nho-giáo thì cũng chỉ xét những điều thiết thực về đường luân lý và chính-trị, chứ không mấy khi bàn đến đạo lý tối cao ở Nho-giáo. Thành thử ta chỉ hiểu được cái phần thiển-cận mà thôi. Cái phần thâm-viễn thì vẫn mập mờ không rõ ».

Đó là ý của tác-giả. Bởi vì tác giả nghĩ vậy, cho nên mới muốn Khổng giáo cũng được như vậy. Kỳ thực những cái mà tác-giả cho là phần tối-cao, phần thâm viễn của Khổng-giáo đó, đối với đời nay, chỉ là những cái tư-tưởng ấu-trĩ của đời thượng-cổ và nó không đúng với học-thuyết của Khổng-tử.

Cố nhiên tác-giả nhận định cái quan-niệm của Khổng-tử đối với trời và quỷ-thần như vậy, cũng là theo những tài-liệu ở các sách cổ mà sắp đặt ra cho môn loại, không phải tự mình đặt ra.

Nhưng, những tài-liệu ấy, tác-giả đã lấy ở đâu?

Kinh Thi, kinh Thư, kinh Lễ, kinh Dịch, Trung-dong và Khổng-tử gia-ngữ. Đó là những chỗ mà tác giả dùng làm căn-cứ để phán-đoán cái phần «Hình nhi thượng» trong học-thuyết của Khổng-tử.

Trong bấy nhiêu cuốn, thì kinh Lễ, kinh Thư, Trung-dong đều là nhũng sách hoặc thật giả-mạo, hoặc có thể ngờ là giả-mạo. Khổng-tử gia-ngữ lại là bộ sách biên-tập sau đời Khổng-tử khoảng 700 năm, ở một đoạn trước đã nói rõ rồi. Duy có kinh Dịch thì tôi chưa kịp nói đến.

Sách này, từ xưa đến giờ, ai cũng bảo là do Phục-hy, Văn-vương và Chu-công làm ra, rồi đến Khổng-tử mới sửa-soạn lại và thêm ý-kiến của mình vào đó.

Người ta nói rằng: Trong bộ kinh Dịch, Phục-hy đặt ra tám vạch, Văn-vương đặt ra lời «Thoán», Chu công đặt ra lời «Hào», rồi đến Khổng-tử làm thêm Thoán-truyện, Tượng-truyện, Hệ từ-truyện, Văn-ngôn-truyện, Thuyết-quái truyện, Tự quái truyện, và Tạp-quái-truyện, tất cả mười thứ, gọi là thập dực, để phụ vào với các món của Phục hy, Văn-vương, Chu công.

Ấy là người ta nói theo «Hán thư» và «Sử ký» của Tư mã-Thiên đời Hán. Những chuyện «Khổng tử sửa định sáu kinh», «Khổng tử đọc Dịch ba lần bị đứt lề da» đều do Hán-nho nói ra tất cả.

Theo sự kê-cứu của tôi, thì chính tay Khổng-tử chưa có dúng vào sách ấy.

Nói vậy không khỏi có người cho là quái-gở. Bởi vì từ đời nhà Hán đến nay, cả Tàu lẫn Ta, không có một học-giả nào dám bảo kinh Dịch lại không qua tay Khổng tử sửa lại. Cho đến Hồ Thích là nhà khảo-cứu rất tinh-vi, cũng còn nhìn nhận như thế. Nay tôi bác hẳn sách ấy, há chẳng phải là sự nói bướng?

Nhưng mà không bướng chút nào. Những cái bằng chứng sau đây đã gợi cho tôi sự phán đoán ấy.

1) Giọng văn những thiên Thoán truyện Văn-ngôn, Hệ-từ... trong kinh Dịch khác hẳn giọng văn Luận-ngữ là thứ sách đích thực do của Khổng-môn chép ra, nó có pha vào rất nhiều danh từ mà đời Khổng tử chưa có.

2) Các thiên Thoán-truyện, Văn ngôn, Hệ-từ.. thiên nào cũng có những chữ «Tử-viết». Theo đúng nghĩa đen của nó, thì hai chữ ấy phải dịch là « thày nói rằng ». Tự mình chép sách mà mỗi câu lại thêm chữ « thày nói rằng » lên trên, tất nhiên tác-giả phải là kẻ điên. Khổng-tử là nguời rất chú-ý về khoa chính danh, lời nói của ngài không có chữ nào cẩu-thả, quyết không khi nào chép sách bằng giọng điên ấy.

3) Những thiên Thoán truyện, Văn-ngôn, Hệ-từ... không biết xuất-hiện từ đời nào. Trong đời nhà Hán nó vẫn linh-tinh mỗi thứ mỗi nơi. Đến Phí Trực[1] mới đem Thoán-truyện, Tượng truyện phụ vào đàng cuối kinh Dịch. Rồi Trịnh Huyền, Vương Bật[1] lại đem những thiên nói trên chia làm từng mảnh mà để vào dưới các « quẻ » các « hào », và thêm hai thiên Văn ngôn vào dưới hai quẻ Kiền, Khôn. Cái lai-lịch ấy chứng rằng những thiên thập-dực đã có qua một thời-kỳ rắc-rối.

Bấy nhiêu bằng-chứng tuy chưa dồi-dào, nhưng cũng đủ để nói rằng: thập-dực không phải là của Khổng tử. Vả lại, về phương-diện khác đố ai kiếm được một bàng chứng nào có thể tin mấy thiên ấy là của Khổng tử soạn ra.

Thật thế, ngoài câu « Gia ngã sổ niên, ngũ thập dĩ học Dịch » ở sách Luận-ngữ, thì trong các sách Khổng-môn không có chữ nào nói đến kinh Dịch.

Đoạn trước đã nói, câu trên đây chỉ là một câu sai-lầm, các bản đã chép khác nhau, hoặc là « gia », hoặc là « giả », hoặc là « ngũ thập », hoặc là « tốt », sự khác nhau đó có thể khiến cho người ta ngờ cả chữ Dịch ở cuối câu ấy.

Gia cho chữ « dịch » ở đấy là đúng với lời Khổng-tử đi nữa, nó cũng mới là cái cớ để nói Khổng-tử có đọc kinh Dịch, chưa phải cái chứng để nói Khổng-tử có sửa kinh Dịch.

Vậy là trừ bọn Hán-nho, tức là những người đã làm nhiều sách giả-mạo, trước đó không ai bảo kinh Dịch đã có qua tay Khổng-tử.

Về mặt đáng ngờ thì có bằng-chứng rõ-ràng, mà về mặt đáng tin thì không có chút bằng-chứng nào hết. Bởi thế, tôi không a-dua cổ-nhân mà tin « thập dực » là của Khổng-tử soạn ra.

Nó chỉ là một thứ sách bói — từ đời Hán đến đời Tống, người ta cũng chỉ coi nó là thứ sách bói — của ai làm ra không biết, Khổng-tử không dúng vào đấy chữ nào.

Vậy là bao nhiêu thứ sách mà tác-giả “Nho-giáo” dùng làm tài-liệu để nói cái quan-niệm của Khổng-tử đối với trời và quỷ-thần, chỉ có kinh Thi là sách chắc-chắn mà thôi. Nhưng nên nhớ rằng: sách ấy là những bài hát của đời nhà Thương và đời nhà Chu còn lại, Khổng-tử chỉ sắp đặt cho có thứ tự, không hề viết thêm chữ nào. Không thể dùng tài liệu ở đó mà bảo nó là tư-tưỏng của Khổng-tử được.

Thế thì muốn xét cái quan-niệm của Khổng-tử đối với trời và quỷ-thần, người ta phải tìm ở đâu?

Tất nhiên là ở trong sách Luận-ngữ. Tất cả các sách nói về tư tưởng của Khổng-tử chỉ có sách này là đáng tin cậy.

Trong sách Luận ngữ, có một, vài chỗ Khổng-tử cũng nói đến trời và quỉ-thần.

Về trời:

Một lần ngài bảo Tử-cống:

« Trời nói gì đâu? bốn mùa vẫn đi, trăm vật vẫn sinh, trời nói gì đâu ».

Một lần bị vây ở nước Khuông, ngài bảo những người đi theo:

« Trời mà sắp sửa làm mất « tư-văn », thì kẻ chết sau ta này sẽ không được nghe « tư-văn ». Trời chưa làm mất « tư văn » thì người nước Khuông làm gì được ta... »

Một lần bị người nước Tống tên là Hoàn-Đôi có ý làm hại, ngài bảo học-trò:

« Trời đã sinh đức cho ta, gã Hoàn-Đôi làm gì được ta? »

Về quỷ thần:

Cứ như trong thiên Thuật-nhi đã chép, thì việc quỉ-thần cũng như việc biến loạn, quái-gở Khổng-tử không hề nói đến.

Có lần Từ lộ hỏi về việc thờ quỉ, ngài bảo: « chưa biết việc thờ người, biết sao được việc thờ quỉ ».

Lại khi ngài bị tật-bệnh, Tử-Lộ xin cho cúng tiễn. Ngài hỏi: Có lệ thế ư? Tử-lộ thưa: «Có! Sách Lụy nói rằng: «Cúng tiễn này với thần-kỳ trên dưới », Ngài liền từ chối mà rằng: « Khâu này cúng tiễn lâu rồi ».

Thế nhưng Khổng-tử có tế, có ăn tray, và lại khuyên bảo học-trò đối với quỉ-thần thì nên kính mà xa ra.

Còn sự sinh tử thì ngài tuyệt không động tới, Tử-lộ hỏi về việc chết, ngài chỉ đáp rằng: « Chưa biết việc sống, thì biết sao được việc chết ».

Qui nạp những lời và việc trên đây, có thể thấy rằng: Đối với trời và quỉ-thần, Khổng tử chỉ có quan niệm lờ mờ. Vì những ảnh hưởng đời trước còn lại, Ngài cũng nhận là có trời và có quỉ-thần, nhưng không biết đích trời là thế nào, quỉ-thần là thế nào, cho nên không chịu cắt nghĩa. Điều đó chính là do ở tư-tưởng « chính danh » của ngài mà ra.

Vậy mà tác-giả “Nho-giáo” bỏ những tài liệu xác-thực, chạy đi vơ những tài-liệu vu-vơ, để vũ-đoán rằng: Khổng-tử đã tin trời là Thái cực quỉ-thần là đấng thiêng liêng và người chết, tinh-anh sẽ lên trên trời, v. v. thì thật là oan cho ngài.

Đáp tại mấy câu tác-giả đã chê những kẻ không rõ đạo Khổng, tôi xin nói rằng: người nào bàn về Khổng-giáo mà không nói đến những cái tư-tưởng viển-vông ở kinh Dịch, kinh Lễ, kinh Thư hay sách Trung-dung, ấy là người đã biết Khổng-tử một cách xác đáng.

HẾT

  1. a ă Ba người này đều là học giả đời Hán.