Bước tới nội dung

Phản đối bài "Thiên chức của đàn bà"

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Phản đối bài "Thiên chức của đàn bà"  (1933) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, số 5 (15. 10. 1933), trang 3-5.

Không phải trời sinh đàn bà ra để coi nội việc trong mà thôi ‒ Vì hoàn cảnh bắt buộc, họ cũng phải làm cả việc ngoài nữa ‒ Chẳng khi nào người ngoài quốc trở đi bắt chước ta; duy có, theo thời thế, muốn sống ở đời mới này, ta phải bắt chước người ngoại quốc

Bài “Thiên chức của đàn bà” đăng ở Trung Bắc tân văn vừa rồi mà Bản báo đã trích lấy đem đăng trong số trước, ở dưới ký ba chữ H.T.B., người ta nói rằng đó là tên tắt của ông Bảng Hoàng Tăng Bí, bài ấy do chính tay ông viết ra.

Ông Bảng Hoàng ở trong báo giới Bắc Kỳ lâu nay như một người đàn bà góa ở làng. Có kẻ nói ông viết thì viết, viết để tới tháng lấy tiền, chứ ông chẳng thiết chi. Cho nên những bài của ông, ông chẳng cần có tư tưởng hay văn chương gì hết; lắm khi toàn những chữ nước là chữ nước mà ông cứ kéo dài ra hoài cho đầy cột; ông cứ như vậy mà kéo tuốt vài ba đoạn không thèm chấm câu, ấy là đầy hai cột báo, nên một bài xã thuyết. Gia chi dĩ ông Nguyễn Văn Vĩnh, chủ báo Trung Bắcl’Annam Nouveau, chỉ chăm tờ báo tiếng Pháp của ông, còn tờ Trung Bắc, không cần; thành thử còn bài xã thuyết của Trung Bắc cũ, cũ rích, cũ quá, trái hẳn với con người ông Vĩnh là con người có nhiều tư tưởng mới.

Đừng tưởng làm như ông Bảng thế là đần hay đụt, ông cao lắm đấy. Đời xưa có kẻ ở ẩn mà ở ngay giữa triều hoặc giữa chợ, thì ông Bảng Hoàng Tăng Bí của chúng ta cũng vậy, ông ở ẩn ngay giữa làng báo. Chẳng vậy thì sao hơn mười năm nay ông chẳng thèm phát biểu một cái ý kiến gì riêng của ông hết, đôi khi bị người ta trào phúng như báo Phong hóa đó, ông cũng cứ việc làm thinh, mà có phải là cái tài ông thua kém gì ai? Ông Bảng cao thật; trong cái cao của ông, tôi lại còn tỏ mắt thấy được cái khinh đời.

Tự người viết ra bài Thiên chức của đàn bà đã là người như thế, cái thái độ của ông chủ tờ báo ấy lại như thế nữa, chúng ta ở ngoài, thôi còn đặt miệng vào làm chi? Đặt miệng vào làm chi thứ cái bài người ta kéo cho đầy trang, phải cũng mặc, trái cũng mặc, chủ nó không cần?

Tôi đã rào đón bằng mấy đoạn văn ngoài đề trên đây, cốt cho độc giả tin rằng tôi viết bài này không cố gì công kích cái ý kiến của ông Bảng ‒ mà đó là tình cờ ông kéo ra như vậy, chứ có phải ý kiến thật của ông đâu; ‒ nhất là tôi cũng không mong ông trả lời làm chi sau khi bài này của tôi thấy trên báo.

Tôi phản đối, chẳng qua bởi báo này là báo phụ nữ, một bài nói về phụ nữ thất thực, bổn phận nó phải đính chánh lại kẻo làm lầm chị em, là chị em nào có đọc qua tờ Trung Bắc tân văn.

*

* *

Theo bài ấy thì đàn bà chỉ nên ở trong nhà, lo việc bếp nước, việc sai thầy khiến tớ, việc vườn ruộng mà thôi, chứ không nên dự đến việc ngoài. Bài ấy không nói rõ việc ngoài là việc gì, nhưng có nói “kiếm được một tháng năm bảy chục, một vài trăm”, thì tức là chỉ về sự đi làm việc các sở như các thầy bên đàn ông vậy.

Rút lại, cái thiên chức của đàn bà ở đâu? Tác giả chỉ vào trong bếp, trong buồng, trong nhà trong, bảo rằng thiên chức đàn bà ở đó.

Kẻ viết bài này nếu nhận cho lời ấy là phải, là phải với ba bốn chục năm về trước kia, nhất là phải với thuở sách Nội tắc bắt đầu lưu hành kia, chứ theo đời này, nó không còn phải nữa.

Đàn bà đời nay không khu khu lo nội việc trong buồng trong bếp được, là bởi cái hoàn cảnh nó bắt buộc. Nếu bảo rằng phụ nữ bây giờ đa sự, muốn chen vai gánh vác việc xã hội như đàn ông, thì là chưa xem xét sự thực cho tới nơi tới chốn. Ai đã biết nhìn qua sự thực trong xứ ta suốt hầu nửa thế kỷ nay, khắc thấy rằng ở xã hội này phải có một số đàn bà ra làm việc như đàn ông, không có không được; thế thì sự họ dự đến việc ngoài đó không phải là tự ý họ muốn, không phải là tại họ đa sự.

Tôi xin hỏi tác giả: Bao nhiêu những nghề của đàn bà ta vốn làm từ xưa, bây giờ họ còn làm được chăng? Còn làm được thì họ nên ở trong nhà; bằng không làm được nữa, chả nhẽ ở nhà bắt họ ở dưng, thì họ ra ngoài sao lại trách?

Từ cán múi bông cho đến kéo thành sợi chỉ, rồi từ quây sợi chỉ cho đến dệt ra tấm vải, công việc ấy thuở xưa toàn do tay đàn bà ở trong nhà mình mà làm ra cả. Từ ngày có nhà máy sợi, cái nghề của họ bị cướp rồi, những đàn bà chuyên nghiệp làm bông làm vải hồi đó, bây giờ nếu chẳng mỗi ngày hai buổi đi làm trong nhà máy sợi thì lấy gì mà ăn? Sao tác giả không thèm nghĩ?

Nuôi tằm, ươm tơ, đặt rượu cho đến những là may vá v.v., cứ hễ mỗi một nghề của đàn bà làm bằng tay thuở trước là ngày nay có một thứ máy choán lấy. Có nhiều nơi phụ nữ chẳng những thất nghiệp mà lại tuyệt nghiệp nữa. Nếu còn bắt họ cứ giữ cái nền nếp cũ, cái phong thể xưa thì họ duy còn một phương là tịch cốc được thì họa may mới sống mà thôi!

Trong nhà không có việc làm mà ở ngoài thì càng ngày càng dựng thêm các hãng các sở cần dùng đàn bà làm việc. Ngoài nhà máy sợi, còn có những nhà diêm, ty rượu, nhà máy ươm, các hãng buôn bán,… có nơi cần đến bốn năm trăm đàn bà ngày làm hai buổi, thế mà còn bảo họ tránh đi đừng bước chân vào đó hay sao? Bên cung, nếu không có điều gì thiệt hại, bao giờ cũng sẵn lòng mà ứng bên cầu; huống chi bên cung này ‒ bên phụ nữ ‒ cũng lại là bên cầu ‒ cầu cho có việc mà làm ‒ nữa!

Hạng phụ nữ đó, náu mình trong một túp tranh, chồng cũng cu-li như vợ, con thì bù lem bù luốc sao cũng được, ngày hai bữa ăn cơm hàng cũng xong, thế thì có đâu là gia đình, có đâu là bếp nước mà hòng sợ hoang phế? Còn nói đến việc quản đốc tỳ bộc, việc săn sóc ruộng vườn, họ có mốc gì đâu mà bảo họ lo?

*

* *

Con mắt tác giả hình như không ngó thấy đám phụ nữ đại đa số ấy, hoặc thấy mà bỏ đi không nói đến, chỉ nói đến hạng đàn bà ra làm việc mà mỗi tháng có thể kiếm được dăm bảy chục, một vài trăm kia. Hạng này, ngày nay hoàn cảnh mới bắt đầu xoay đến, nên cũng chỉ mới có một số ít người thôi, chứ sau này hoàn cảnh ép riết rồi cũng phải tất cả bước khỏi cửa buồng như hạng kia.

Trong một nước nếu cấm tiệt con gái đừng cho học thì thôi, chứ đã có trường nữ học thì phải có nữ giáo sư. Bây giờ ta đây mới có nữ giáo sư tiểu học và cao đẳng tiểu học, đôi mươi năm nữa hẳn phải có nữ giáo sư đại học. Từ nay cho đến hồi đó, nếu theo ý tác giả, đàn bà chỉ nên ở nhà làm việc nhà, thì tôi chẳng biết lấy ai để mà làm và sẽ làm thầy dạy trong các trường!

Nói một việc làm giáo sư thì biết các việc khác cũng vậy. Khi xã hội cần đến đàn bà ra làm việc là đàn bà phải “đạp tiêu phòng mà ra”, chẳng còn nói lôi thôi gì hết, dù muốn hay không muốn là cũng phải ra, cũng phải dự việc ngoài.

Hạng này thì có thể có đủ các điều mà tác giả lấy làm đáng lo. Tuy vậy, nghĩ mà xem, báu xót gì những việc như thế mà không sắp đặt cho đâu vào đó được. Con thì gởi ở các trường trẻ, có người chăm nom cho; đầy tớ làm việc gì, trưa tối đi về kiểm soát lại; ruộng vườn đã có kẻ lãnh canh, mình chỉ có việc tới mùa thu hoa lợi; biết tính ra thì chẳng có việc gì hoang phế hết.

Vả chăng, tôi phản đối cái thuyết của tác giả mà bảo rằng theo hoàn cảnh đàn bà phải dự việc ngoài, ấy không phải là tôi bảo hết thảy bao nhiêu đàn bà nước Nam này đều dự việc ngoài cả đâu. Tuỳ theo người chứ. Người nào theo tình cảnh mình, theo tư cách mình phải ra làm việc với xã hội, thì ra mà làm việc; còn ai không cần như thế thì cứ ở trong nhà mà lo việc bếp nước, lo việc tề gia nội trợ, nuôi dạy con cái, kiểm đốc tỳ độc, coi ngó ruộng vườn, chứ nào ai có cấm?

Thiên chức của đàn bà! Tác giả căn cứ vào đâu mà bảo được rằng thiên chức của đàn bà là ở trong bếp, trong buồng, trong nhà trong? Không có thế đâu. Thiên chức, nghĩa là cái chức vụ của trời phó cho; thế nhưng cái mà chức vụ của trời phó cho ấy cũng còn tuỳ thời biến cải; vậy thì, “đàn bà coi việc trong bếp trong buồng”, câu ấy chẳng qua do người ta đặt ra, làm sao lại gọi là “thiên chức” được dư?

Cái thiên chức của đàn bà, tôi chỉ có thể nhận cho ở hai việc: là việc đẻ và việc cho con bú. Chỉ có cái cơ quan riêng của đàn bà mới làm việc sản dục được; đồng thị vú mà cái vú của đàn bà có sữa chảy ra, cốt để cho con bú. Như thế, tôi phải nhận rằng trời sinh đàn bà ra là để phó thác hai việc ấy cho. Ấy tức là thiên chức.

Tuy vậy, cái thiên chức cho con bú, ngày xưa chẳng phải chuyên ở đàn bà mà thôi đâu. Nhà nhân loại học nói hồi đời xưa xừa xừa, đàn ông cũng có vú lớn và chảy sữa như vú đàn bà, cũng cho con bú được. Đời bấy giờ cả vợ lẫn chồng ‒ mà có lẽ hồi đó chỉ có đàn ông đàn bà mà thôi, chứ chưa có vợ chồng nữa ‒ cùng gánh việc nuôi con, gặp ai thì nấy cho bú, chứ không đổ trúp một việc cho bú cho mẹ nó. Về sau loài người thấy như thế có điều bất tiện nên mới để phần riêng việc ấy cho đàn bà. Và, đàn ông từ bấy giờ không cho con bú nữa, cặp vú vô dụng thành ra càng ngày càng nhỏ. Cái thuyết đó chẳng phải vô bằng đâu; người ta nói thế là vin vào cái công lệ thoái hóa: hễ vật gì vô dụng thì lâu ngày nó phải hao mòn cho đến tiêu diệt.

Xem đó thì biết cái thiên chức cho con bú, ngày xưa cũng từng có một lúc ở đàn ông, về sau nhân hoàn cảnh mới biến cải. Rất đỗi cái việc mà Tạo hóa kia đã định còn biến cải được thay, huống chi là cái việc mà loài người gán cho nhau, lại bảo phải giữ luôn từ hồi sách Nột tắc xuất hiện đến giờ mà không cho biến cải?

Theo lý thuyết của tôi trên đó, tôi dám khuyên phụ nữ ta chớ nên lấy ý riêng mà chống lại hoàn cảnh; hễ người nào thấy mình bị hoàn cảnh xô đẩy là phải sớm liệu ra khỏi cửa buồng đi mà mưu cầu sự sinh hoạt để khỏi thiệt cái đời của mình.

*

* *

Bài Thiên chức của đàn bà, tác giả lập luận chẳng có dựa vào lý do gì vững chãi hết; chỉ có, một điều nói người ngoại quốc khen ngợi phong hóa nước ta, hai điều nói người ngoại quốc khâm phục cách tổ chức gia đình và xã hội nước ta. Cái khẩu khí này chẳng riêng gì một mình ông H. T. B. mới có; hầu hết thức giả nước Việt Nam thỉnh thoảng cũng thở ra những câu như vậy. Rõ thật làm đau lòng tôi quá, tôi chẳng buồn nghe!

Nếu quả phong hóa nước ta là tốt, cách tổ chức gia đình xã hội của ta là tốt, thì ít nữa ta cũng đã lên được cái địa vị thế nào rồi, sao lại còn phải nghèo yếu như ngày nay? Nếu quả họ nhận cho của ta là tốt thật, thì sao họ không bỏ phăng hết thảy của họ đi để theo ta, lại cứ đứng một bên mà ca tụng tán dương làm gì thế ấy?

Ấy là điều dễ hiểu lắm, sao người ta không chịu hiểu?...

Cậu cả Bợt đánh tài bàn tay đôi với ông bá Biểm hàng Phèn, mười canh thua cả mười, thua đến sáng ra đi về không còn xu ăn phở; thế mà ông bá đối với cậu cả cứ khen tài bàn cậu cao nhất Đông Dương, rồi cậu cả cũng tự nhận tài bàn mình là cao nhất Đông Dương! Ý a! Câu chuyện đời nó thường có oái oăm như vậy, tôi mà còn lạ gì!

Tôi xin khuyên anh em chị em chớ nên nghe lời nói xằng ấy. Thực tình các ngoại quốc, có nhiều nước vì tình trạng sinh hoạt của họ tiến bộ lắm mà đàn bà cũng làm việc ngoài như đàn ông, thì chẳng khi nào họ trở đi bắt chước ta mà bắt đàn bà chỉ quanh quẩn trong xó bếp. Trái lại, duy có, theo thời thế, muốn sống cho thích hợp với đời mới thì ta phải bắt chước làm như họ thì có.

PHAN KHÔI