Bước tới nội dung

Phật giáo/Lời mở đầu

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Phật giáo của Trần Trọng Kim
Lời mở đầu

LỜI MỞ ĐẦU

Nho-giáo, Đạo-giáo và Phật-giáo là ba cái nguồn-gốc văn-hóa của dân-tộc Việt-nam ta từ xưa. Nho-giáo dạy ta biết cách xử kỷ tiếp vật, khiến ta biết đường ăn-ở cho phải đạo làm người. Đạo-giáo lấy Đạo làm chủ-tể cả vũ-trụ và dạy ta nên lấy thanh-tĩnh vô-vi nơi yên-lặng. Phật-giáo dạy ta biết cuộc đời là khổ-não, đưa ta đi vào con đường giải-thoát, ra ngoài cuộc ảo-hóa điên-đảo mà vào chỗ niết-bàn yên-vui.

Ba học-thuyết ấy thành ra ba tông-giáo, người ta thường gọi là Tam-giáo, đều có ảnh-hưởng rất sâu về đường tin-tưởng và sự hành-vi trong cuộc sinh-hoạt của ta ngày xưa. Đến nay cuộc đời thay-đổi, người ta khuynh-hướng về mặt vật-chất, bỏ rẻ những điều đạo-lý nhân-nghĩa. Đó là cái biểu-tượng của sự biến-hóa trong cuộc đời.

Đời là biến-hóa, không có gì là thường-định. Mỗi một cuộc biến-hóa lại giống một cái vòng trong cái dây xúc-xích, rồi vòng nọ tiếp giáp vòng kia, thành cái dây dài không biết đâu là cùng-tận. Sự biến-hóa tuần-hoàn ấy, kể thực ra, không có gì là chuẩn-đích nhất-định, chẳng qua là nó theo thời mà luân-chuyển. Cái trước ta cho là tốt, thì bây giờ ta cho là xấu, cái bây giờ ta cho là hay, sau này người ta lại cho là dở. Dở dở, hay hay, vô thường vô định, thành ra như cái trò quỉ-thuật làm cho người ta mê-hoặc.

Các bậc thánh-hiền đời trước, biết rõ những điều ấy, muốn tìm ra một con đường mà đi trong đám tối-tăm mờ-mịt, nên mới lập ra học-thuyết nọ, tông-giáo kia, để đưa người ta đi cho khỏi mắc phải chông-gai nguy-hiểm. Nho-giáo, Đạo-giáo và Phật-giáo đều có một quan-niệm như thế cả. Song mỗi một học-thuyết có một tông-chỉ và một phương-pháp riêng để học đạo tu thân, cho nên cách luận-lý, cách lập-giáo và sự hành-đạo có nhiều chỗ khác nhau.

Bàn về căn-nguyên của Vũ-trụ, thì học-thuyết nào trong Tam-giáo cũng lấy cái Lý tuyệt-đối làm căn-bản, cho vạn vật sinh-hóa đều gốc ở cái Một. Gọi cái Một là Thái-cực, là Đạo, là Chân-như hay là Thái-hư (sunyatâ), danh-hiệu tuy khác, nhưng vẫn là một Lý. Chia ra thì thành trăm đường nghìn lối, mà thu lại chỉ có một. Đó là cái ý của Khổng-tử nói ở thiên Hệ-từ trong kinh Dịch rằng: « Thiên-hạ đồng qui nhi thù đồ, nhất tri nhi bách lự: Thiên-hạ tuy có nhiều đường khác nhau, nhưng cùng về một chỗ, trăm lo, nhưng về một mối ».

Cái Một ấy mới thật là cái « có » tuyệt-đối thường định tự-tại. Còn vạn vật là sự biến-hóa của cái Một ấy, thì chỉ là những cái « có » tỉ-lệ tương-đối, tức là những ảo-tượng vô thường mà thôi.

Vạn vật đã là ảo-tượng, thì cuộc đời có khác chi những trò-tuồng ở trên sân-khấu, bày ra đủ mọi trò rồi lại biến mất. Cho nên về đường triệt-để, thì Nho, Đạo và Phật đối với cuộc đời đều có cái tư-tưởng như thế cả. Song Nho-giáo thì cho rằng dù thế nào cũng là bởi cái lý tự-nhiên, mà đã sinh ra làm người để diễn các trò-tuồng, thì ta hãy cứ đóng các vai trò cho khéo, cho giỏi, khỏi phụ cái tiếng ra đóng trò. Đạo-giáo thì cho rằng đã là trò-tuồng, ta nên tìm chỗ yên-lặng để ngồi mà xem, tội gì ra nhảy-múa cho nhọc-mệt. Phật-giáo thì cho rằng các trò-tuồng là nguồn-gốc sự đau-buồn khổ-não, lăn-lộn vào đó làm gì cho thêm buồn thêm khổ, chi bằng tìm lối ra ngoài những cuộc múa-rối ấy, đến nơi yên-vui thảnh-thoi, khỏi phải ở những chỗ ô-trọc xấu-xa.

Cái tỉ-dụ giản-dị ấy có thể biểu-lộ được cái thái-độ và cái nền tư-tưởng của Nho-giáo, Đạo-giáo và Phật-giáo. Nho-giáo thì khuynh-hướng về đạo xử thế, Đạo-giáo và Phật-giáo thì khuynh-hướng về đạo xuất thế. Song Đạo-giáo vẫn ở trong sự biến-hóa càn-khôn, mà Phật-giáo thì ra hẳn ngoài càn-khôn.

Đó là nói cái đại-thể, chứ tựu-trung ba học-thuyết ấy, học-thuyết nào cũng có chỗ nhập thế-gian và xuất thế-gian. Ngay cái học thiết-thực như Nho-giáo mà cũng có người như Nguyên Hiến chịu an bần lạc đạo, không thèm ganh-đua danh-lợi ở đời, mà trong những người tin theo Đạo-giáo hay Phật-giáo, thường thấy có người cúc cung tận tụy với việc đời để cứu nhân độ thế. Vậy thì Tam-giáo tuy có khác nhau ở chỗ lập giáo và hành đạo, nhưng lên đến chỗ cùng-tột tuyệt-đối thì cùng gặp nhau ở chỗ lý-tưởng, cho nên vẫn dung-nạp được nhau. Đó là cái đặc-sắc của các tông-giáo ở Á-đông.

Nhân khi Hội Phật-giáo ở Bắc Việt thành lập, tôi có làm mấy bài diễn-văn nói về Phật-giáo, sau vì loạn-lạc, sách-vở bị đốt cháy, tôi về Sài-gòn, nhặt được ba bài, xếp thành một tập, mong có ngày in ra được để tín-đồ nhà Phật có thể xem mà suy-xét thêm về cái đạo rất mầu-nhiệm ở trong thế-gian này.

TRẦN TRỌNG KIM