Phật giáo/I

Văn thư lưu trữ mở Wikisource


I

PHẬT-GIÁO ĐỐI VỚI
CUỘC NHÂN-SINH[1]

Nam-mô A-di-đà Phật,

Thưa các cụ và các bà,

Thưa các ngài,

Từ khi hội Phật-giáo thành-lập đến giờ các sư cụ trong ban Đạo-sư đã thuyết-pháp và giảng kinh mấy lần rồi. Nay đến lượt chúng tôi được Hội cử ra nói chuyện hầu các cụ và các ngài, tôi xin nói câu chuyện: « Phật-giáo đối với cuộc nhân-sinh ».

Đem cái đạo-lý của một tông-giáo rất rộng và rất khó như đạo Phật mà nói trong chốc lát, thì thật không phải là việc dễ. Nhưng vì đây là ở trước Tam-bảo, nhờ có cái đức từ-bi vô lượng của Phật, thì dầu tôi có vụng-về hay sai-lầm thế nào nữa, chắc các cụ và các ngài cũng thể lòng Phật mà dung-thứ cho. Vậy nên tuy biết là khó mà không lo-ngại lắm.

Trong câu chuyện tôi sẽ nói có bốn đoạn: đoạn đầu nói qua các mục-đích tại sao mà lập ra Hội này, đoạn thứ hai nói lược qua lịch-sử của Phật-tổ, đoạn thứ ba nói mấy điều cốt-yếu trong Phật-pháp, đoạn sau cùng xét-xem đạo Phật quan-hệ đến cuộc nhân sinh là thế nào. Tôi sẽ xin cố sức làm cho vắn-tắt và dễ hiểu, để khỏi phụ tấm lòng sốt-sắng của các cụ và các ngài đã chịu khó đến chứng cho được đông đúc như thế này. Tôi rất lấy làm hân-hạnh và xin có lời thành-thực cảm tạ các cụ và các ngài.

Chúng tôi sở dĩ lập ra hội Phật-giáo này là vì mấy lẽ tôi tưởng nên nhắc lại để bà con trong Hội hiểu rõ. Người ta ở đời bao giờ cũng cần phải giữ thế nào cho phần tinh-thần và phần vật-chất điều-hòa với nhau, thì sự sinh-hoạt của ta mới được mỹ-mãn, bởi vì phần tinh-thần có mạnh-mẽ minh-mẫn thì phần vật-chất mới được khỏe-khoắn tốt-tươi. Phần vật-chất thuộc về hình-thể quan-hệ đến cái hình-thức của mọi sự-vật; phần tinh-thần thì không có hình, phải nương-tựa vào vật-chất mà phát-hiện ra, song phải có tinh-thần thì sự hành-động của vật-chất mới có nghĩa-lý. Cũng vì thế, cho nên bất kỳ xã-hội nào cũng có cái tông-giáo hay là cái tư-tưởng gì cao-siêu nó chủ-trương sự sinh-hoạt của loài người. Những tông-giáo và những tư-tưởng ấy đều phải sở-cứ ở một cái tông-chỉ nào có ý-nghĩa cao-minh và rõ-ràng để người ta tin mà theo. Cái tông-chỉ ấy lại phải thích-hợp với tính-tình và trình-độ của số nhiều người, thì cái lòng tin của người ta mới chắc-chắn vững-bền. Vậy trong các tông-chỉ dễ hiểu, dễ theo, thì không gì bằng cái tông-chỉ của các tông-giáo, người ta thường lấy để làm chỗ qui-túc, nghĩa là chỗ kết-thúc, chỗ nương-tựa cuối cùng.

Nước Việt-nam ta có đạo Nho và đạo Phật là phổ-thông hơn cả. Hai đạo ấy đều có tông-chỉ rất cao và lại có ý-nghĩa rất hay về đường thực-tiễn. Nhưng Nho thì lấy cái lẽ tự-nhiên của tạo-hóa làm gốc, lấy nhân, nghĩa, lễ, trí làm chỗ qui-túc, mà Phật thì lấy sự giải-thoát ra ngoài tạo-hóa làm mục-đích, lấy niết-bàn tịch-tĩnh làm chỗ qui-túc. Bởi thế cho nên Nho thì chú-trọng ở việc xử thế mà ít nói đến sự sống chết, Phật thì chú-trọng ở việc xuất thế và hay nói về sự sống-chết. Việc sống chết là một vấn-đề tự cổ chí kim, tự đông chí tây, biết bao nhiêu những bậc trí-tuệ tài giỏi đã cố hết sức tìm-tòi mà vẫn không giải-quyết được, cho nên cái vấn-đề ấy vẫn vơ-vẩn ở trong lòng người ta. Thường thì những người có tri-thức có thể tự lấy cái tư-tưởng của mình mà an-ủi, nhưng số đông người trong nhân-chúng đều là không muốn có sự hoài-nghi về điều đó, người ta chỉ cầu lấy có cái cơ-sở nào có thể tin được để mà tin cho yên. Bởi vậy số nhiều người đều cần có tông-giáo.

Đạo Phật là một tông-giáo của người mình xưa nay vẫn tin theo rất nhiều, là bởi đạo ấy có cái hình-thức dễ khiến người ta tin được. Còn về đạo-lý của nhà Phật, thì có nhiều ý-nghĩa sâu-xa, hiện những nhà học-thức trong thiên-hạ cũng đã kê-cứu tường-tận và đều nhận là một đạo rất cao, rất hay. Vậy một tông-giáo có phần rất cao-thâm, rất phổ-thông mà lại thấm-thía vào tủy-não người mình đã bao nhiêu đời nay, người trong nước hầu khắp từ Nam chí Bắc, ai ai cũng tín-ngưỡng và sùng-bái, thì tất là có ảnh-hưởng đến sự làm-ăn hằng ngày của ta. Một cái đạo có thế-lực về đường tinh-thần sâu-xa như thế, thì sao ta không cố-gắng làm cho nó sáng rõ ra, khiến những tín-đồ biết rõ cái đạo của mình tin và biết cách ăn-ở cho phải đạo, để bớt được những sự khổ-não trong đời. Chẳng hơn là cứ bo-bo ở chỗ vật-chất nông-nổi, hẹp-hòi, biến-đổi vô thường, nay thế này, mai thế khác, làm cho người ta bơ-vơ không biết bấu-víu vào đâu, tựa như chiếc thuyền lênh-đênh giữa dòng, không biết đâu là bờ là bến hay sao?

Bởi những lẽ ấy cho nên chúng tôi rủ nhau dựng lên hội Phật-giáo, chủ-ý là muốn làm cho sáng cái đạo đã mờ, muốn trau-chuốt cho bóng-bảy hơn trước và lại thích-hợp với sự nhu-yếu của người đời.

Cứ thực tình, thì ngày nay nói đến đạo Phật, phần nhiều người tưởng là theo đạo Phật chỉ ngày rằm, ngày mồng một đến chùa lễ Phật mà thôi, ngoài ra không mấy người hiểu đến cỗi-nguồn đạo Phật là thế nào, không biết đạo-lý sâu-nông lam sao, thậm chí có kẻ ngày ngày miệng niệm Phật, tay lần tràng hạt, mà bao nhiêu sự hành-động đều trái hẳn với đạo Phật. Đó chẳng qua là cái tập-tục của người mình, chỉ theo thói thường mà làm, chứ không hay để ý suy-nghĩ đến nghĩa-lý của những việc mình làm. Ấy cũng là một điều ta nên lưu tâm để tìm cách mà sửa-đổi lại.

Ta vẫn nghe nói Phật, và biết Phật là từ-bi bác-ái, cứu nhân độ thế, mà thường chưa dễ mấy người đã hiểụ nghĩa chữ « Phật » là thế nào. Chữ « Phật » là do phạn-tự (sanscrit) gọi là Bouddha. Đến khi đạo Phật truyền sang Tàu, người Tàu mới theo âm mà dịch ra là Phù-đồ hay là Phật-đà. Sau tiếng Phật-đà dùng phổ-thông hơn và lại theo tiếng độc-âm của Tàu, gọi tắt là Phật.

Chữ Phật-đà dịch theo nghĩa chữ nho là giác-giả. Giác-giả là người biết ngay suốt đến nguồn-gốc các sự-vật ở trong vũ-trụ. Vậy Phật là đấng thánh-nhân biết suốt hết thảy các lẽ của tạo-hóa và có thể chỉ-bảo cho ta giải-thoát được khỏi luân-hồi sinh-tử.

Đức Phật sáng-lập ra đạo Phật là đức Thích-ca mầu-ni Phật. Ngài thủa chưa xuất gia, húy là Tất-đạt-đa (Siddharta) họ là Cồ-đàm (Gautama), con vua Tĩnh-phạn (Suddhodâna) là vua một xứ ở phía bắc đất Ấn-độ bây giờ. Cứ theo những sách của nhà Phật, thì Ngài đã tu đến mấy vạn kiếp rồi mới lên đến bậc Bồ-tát ở trên tầng trời Đâu-xuất, cai-quản các vị thần-thánh ở đó. Ngài chờ đến ngày giáng sinh tu một kiếp nữa là thành Phật. Bởi vì cứ theo cái tư-tưởng của đạo Phật, thì ở trên trời có nhiều tầng, mà các vị thần-thánh ở trên vẫn còn ở trong vòng tạo-hóa, chỉ có Phật mới ra ngoài kiền-khôn và thoát khỏi luân-hồi.

Ngày mồng tám tháng tư là ngày Phật Thích-ca giáng sinh, tức là vào đời vua Linh-vương nhà Chu bên Tàu, vào chừng độ 500 năm trước Tây-lịch kỷ-nguyên, cùng xuýt-xoát đồng thời với Lão-tử và Khổng-tử. Khi ngài mới sinh ra, thì có ông tiên đến xem tướng, nói ngài có 32 tướng lạ. Nếu ngày sau ngài không xuất gia đi tu đạo, thì ngài sẽ làm vua cả thiên-hạ; nếu ngài đi tu, thì thành chính quả. Ngài sinh được 7 ngày thì bà thân-mẫu mất, bà dì nuôi. Ngài lớn lên đến 10 tuổi, thông-minh lạ thường và có sức khỏe tuyệt luân. Vua Tĩnh-phạn lập ngài lên làm thái-tử và vẫn lo ngài xuất gia đi tu, cho nên vua đặt ra các thứ vui chơi để ngài không nghĩ đến việc đi tu đạo, và cấm không cho ai được để ngài trông thấy cái gì là buồn-khổ. Năm ngài 17 tuổi thì lấy vợ, về sau lại có con.

Nhưng cái tiền duyên đã định, nhà vua dầu muốn giữ-gìn thế nào cũng không được, tự-nhiên có những cơ-hội làm như giục ngài phải đi tu đạo để thành Phật. Như khi ngài mới 10 tuổi, một hôm theo phụ-vương đi xem dân làm ruộng, ngài thấy người cày ruộng, chân lấm tay bùn, mình-mẩy nắng cháy xám đen, mồ-hôi mồ-hám và nhọc-mệt vô cùng; con trâu con bò thì phải kéo cày rất khổ-sở, mũi bị dây xỏ, mình bị roi đánh; chỗ đất cày lên, thì bao nhiêu sâu-bọ phơi-bày ra, chim-chóc trên trời bay xuống tranh nhau mổ nuốt. Ngài thấy cái cảnh khổ của chúng sinh như thế, lấy làm thương-xót lắm, bèn bảo những người theo hầu lui ra để ngài ngồi một mình ở gốc cây mà nghĩ-ngợi.

Đến khi ngài 19 tuổi, một hôm ngài đi xe ra ngoài thành về phía cửa đông, thấy một người đầu bạc lưng còm, chống gậy đi ra bộ nhọc-mệt. Ngài hỏi các quan đi theo hầu rằng: « Người ấy là người thế nào? » — Các quan thưa là người già. — « Thế nào là già? » — « Người ấy xưa kia đã từng qua thơ-dại, sau thành đồng-tử, thành thiếu-niên, rồi cứ biến-đổi mãi, dần dần đến khi hình biến sắc suy, ăn-uống không tiêu, khí-lực kém-hèn, đứng ngồi rất là khổ-sở, sống chẳng được bao lâu, cho nên gọi là già. » — Có một người ấy như thế, hay là hết thảy ai cũng thế? » — « Làm người ai cũng thế cả. » Ngài nghe lời ấy, trong lòng khổ-não, tự nghĩ rằng: « Năm qua tháng lại, cái già đến nhanh như chớp. Ta dù phú-quý, nhưng cũng không khỏi được. » Bản-tính ngài đã không thích xử thế, nay lại trông thấy cái cảnh khổ của loài người, lại càng buồn-bã, bảo quay xe về cung, nghĩ-ngợi không vui.

Cách ít lâu ngài đi xe ra chơi ngoài cửa nam, thấy một người có bệnh, bủng-beo vàng-vọt, đứng ngồi không được, phải có người dìu-dắt. Ngài hỏi, thì các quan hầu lại kể cái khổ về bệnh-tật của loài người. Ngài lại buồn-bã mà trở về. Được mấy hôm ngài đi xe ra chơi ngoài cửa tây, thấy cái xác người chết, có bốn người khênh, theo sau có những người bù đầu xõa tóc, kêu-gào khóc-lóc. Ngài hỏi, thì các quan hầu lại kể cái khổ về sự chết. Ngài lại buồn-bã mà trở về.

Lần sau cùng ngài đi ra ngoài cửa bắc, gặp một người tu-hành, tóc râu cạo sạch, mặc áo nhà tu, đeo bát, tay cầm gậy xích-trượng, dáng-bộ nghiêm-trang, Ngài đến gần hỏi là ai. Người ấy đáp rằng: « Ta là tỉ-khâu » — « Thế nào gọi là tỉ-khâu? » — « Tỉ-khâu là người đã phá được những lục-tặc nó bắt người ta phải luân-hồi, và không phải tái sinh nữa. » Ngài nghe nói cái công-đức của người tu-hành như thế, liền nói to lên rằng: « Thiện tai! Thiện tai! Ta quyết theo đạo ấy. » Lần ấy ngài vui-vẻ mà trở về, và quyết chí xuất gia đi tu đạo.

Ấy là Trời khiến ngài trông thấy những cảnh khổ là cảnh già, cảnh bệnh-tật và cảnh chết, và lại cho ngài trông thấy cảnh tu-hành để giải-thoát hết thảy những cái khổ ở đời. Nửa đêm ngày mồng bảy sáng mồng tám tháng hai, trong khi mọi người ngủ yên cả, ngài sai tên hầu ngựa đóng ngựa cho ngài đi ra phía bắc. Khi ngài ra khỏi cửa thành, ngài phát thệ rằng: « Nếu ta không dứt hết được sự ưu-bi khổ-não về sự sinh, lão, bệnh, tử, không được a-nậu-đa-la tam-diểu tam-bồ-đề, nghĩa là vô thượng chính-đẳng chính-giác, thì ta không về qua cửa này nữa. »

Thái-tử Tất-đạt-đa bỏ nhà bỏ nước đi tu, đi về phía núi Tuyết-sơn, cắt tóc đổi áo, cho tên hầu ngựa về tạ phụ-vương, rồi một mình vào rừng đi tìm những bậc tiên để hỏi đạo. Vua Tĩnh-phạn khi biết thái-tử đã xuất gia rồi, sai các quan đại-thần đi khuyên ngài về, ngài lập chí nhất quyết không về. Vua bèn sai bọn Kiều-trần-như (Kaundinya) đi tu để theo hầu-hạ ngài.

Ngài đi khắp các nơi, học hết các ngoại đạo, nhưng không có đạo nào giải-thoát được sự khổ. Sau ngài cùng với bọn Kiều-trần-như năm người, vào rừng tĩnh-tọa mà nghĩ-ngợi để quan-sát cái căn-nguyên của chúng sinh. Ngài tu ở chỗ ấy sáu năm, ăn mỗi ngày mấy hạt vừng và mấy hạt gạo, về sau thân-thể gầy-còm, rất là nhọc-mệt. Ngài tự nghĩ rằng: « Ta tu khổ-hạnh như thế này mà không thấy đạo, thì cách tu của ta vẫn chưa phải, chi bằng ta phải theo trung-đạo, nghĩa là theo con đường giữa, không say-mê việc đời và cũng không khắc-khổ hạ thân, cứ ăn-uống như thường, rồi mới thành Phật được. » Ngài nghĩ thế rồi xuống sông tắm-rửa, lại nhân có người đàn-bà đi chăn bò đem sữa dâng cho ngài. Ngài ăn sữa rồi, thấy trong người khoan-khoái, tỉnh-tao lắm. Bọn Kiều-trần-như thấy ngài bỏ khổ-hạnh, tưởng ngài đã thoái chí, đều bỏ ngài mà đi tu chỗ khác.

Ngài một mình đi đến chỗ cây Ba-la, lấy cỏ làm chiếu mà ngồi, định bụng: không thành chính quả, thì không đứng dậy. Ngài ngồi dưới gốc cây Ba-la 48 ngày, suy-nghĩ về cái khổ của chúng sinh. Đến đêm ngày mồng tám tháng hai, thì ngài hoắc-nhiên ngộ đạo, thành tối chính-giác, tức là thành Phật. Bấy giờ ngài vừa 35 tuổi và thành tên là Thích-ca mầu-ni Phật. Sách thường gọi là đức Thế-tôn hay đức Như-lai.

Ta phải hiểu cái nghĩa hai chữ « ngộ đạo ». Chữ « ngộ » dùng về đường tu-luyện hay học-vấn, là trước hết cần phải đem hết cả tinh-thần chú vào một điều gì rất lâu ngày, rồi có một lúc bất thình-lình ở trong trí-não tự-nhiên sáng bừng lên, thấy rõ hết các lẽ thực mà xưa nay mình nghĩ-ngợi hay là tìm kiếm không thấy. Lúc đức Thích-ca mầu-ni Phật ngộ đạo, chính là lúc ngài thấy rõ tứ Thánh-đế và Thập-nhị nhân-duyên, ấy là được A-nậu-đa-la tam-diểu tam-bồ-đề vậy.

Ngài thành đạo rồi, còn ngồi ở gốc cây bảy ngày nữa, trong bụng nghĩ rằng: « Ta ở chỗ này thấy rõ hết thảy, không sót gì cả, thế là bản-nguyện viên-mãn rồi. Nhưng cái phép của ta rất sâu, khó hiểu, chỉ có Phật với Phật mới hiểu được. Còn như chúng sinh vì tham, dục, sân, khuể, ngu, si, và có những tà-kiến che lấp, thì sao hiểu được phép của ta. Nếu ta chuyển pháp-luân, tức là đi thuyết pháp, thì tất chúng lại mê-hoặc, đã không tin theo, lại sinh ra phỉ-báng, sa vào ác đạo, phải chịu mọi điều đau-khổ. Chi bằng ta cứ im-lặng mà vào niết-bàn. »

Lúc ấy Đại Phạm-thiên (Brahmâ) và Đế Thích (Indra) ở trên trời thấy ngài đã thành chính-quả, mà cứ ngồi im không chuyển pháp-luân, trong lòng lo-buồn, liền xuống bạch Phật rằng: « Thế-tôn ngày xưa vì chúng sinh ở chỗ sinh-tử, bỏ đi tu-hành, chịu mọi đều khổ để rộng tu đức-bản, đến nay thành được vô thượng đạo, sao ngài lại không đi thuyết pháp? Chúng sinh cực-khổ ở chỗ tối-tăm, đắm-đuối trong vòng sinh-tử, vậy xin Thế-tôn vì chúng sinh mà lấy sức đại-tự chuyển diệu-pháp-luân. Đế Thích cũng kêu nài, Phật mới ưng-thuận đi thuyết pháp.

Song ngài còn nghĩ đi thuyết pháp ở đâu trước. Ngài nghĩ đến bọn Kiều-trần-như năm người trước đã theo ngài tu-luyện rất cần khổ, ngài bèn đi đến độ cho bọn ấy. Nhưng năm người ấy thấy ngài đến, bảo nhau rằng: « Người kia trước đã bỏ khổ-hạnh, chịu cái vui-thích của sự ăn-uống, chắc là không có tâm cầu đạo. Nay lại đến đây, chúng ta đừng đứng dậy làm lễ nghênh tiếp. » Năm người ấy bảo nhau như thế, rồi cứ ngồi yên, Nhưng kịp khi Phật đến nơi, năm người trông thấy Phật, thần-thái trang-nghiêm, bất giác đều đứng cả dậy làm lễ chào mừng.

Phật đem tứ Thánh-đế mà thuyết pháp cho bọn Kiều-trần-như nghe. Đế nghĩa là lời dạy rất chân-thực, tứ Thánh-đế là bốn lời dạy chân-thực và thiêng-liêng. Đại-lược ngài nói rằng: « Khổ phải nên biết, tập phải nên dứt, diệt phải nên chứng, đạo phải nên tu. Hễ đã biết được khổ, đã đoạn được tập, đã chứng được diệt, đã tu được đạo, thì được tam-diểu tam-bồ-đề. Tri khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo, là bốn Thánh-đế. Hễ ai không biết bốn diệu-pháp ấy thì không sao giải-thoát được. Bởi vì bốn Thánh-đế ấy là thực, là chân: khổ là thực có khổ, tập là thực có tập, diệt là thực có diệt, đạo là thực có đạo. »

Bọn Kiều-trần-như nghe lời thuyết pháp ấy đều xa bỏ trần-cấu, được phép nhỡn-tĩnh, bèn qui-y Phật-pháp mà tu đạo, cắt tóc, mặc áo cà-sa, thành năm vị sa-môn (çramanas). Từ đó ở thế-gian có Tam-bảo: Phật là Phật-bảo, tứ Thánh-đế pháp-luân là Pháp-bảo, năm người sa-môn là Tăng-bảo.

Phật cùng năm sa-môn đi thuyết pháp các nơi lấy đạo từ-bi mà độ chúng sinh. Tín-đồ càng ngày càng nhiều, tăng-hội mỗi ngày một thêm. Phật đặt ra qui-tắc, chuẩn-định mọi việc. Lúc ấy lại có các vua-chúa cùng các nhà quí-quyền ngoại hộ, cho nên đạo Phật truyền-bá rất chóng và rất rộng.

Phật không phân đẳng-cấp gì cả, bất cứ sang-hèn giàu-nghèo, ai có lòng mộ đạo là Phật độ hết. Trong những tín-đồ của Phật có chia ra làm hai hạng. Một hạng gọi là tỉ-khưu (Bhikshu) là những người đàn ông xuất gia tu-hành và tỉ-khưu-ni (Bhikshuni) là nhứng người đàn bà xuất gia tu-hành. Tỉ-khưu và tỉ-khưu-ni lập thành ra các tăng-hội. Mỗi tăng-hội có nhà tinh-xá (Vihâra) để tăng hay là ni ở mà tu-hành học đạo. Một hạng là những người đã nghe Phật thuyết pháp, nhưng không xuất gia tu-hành, vẫn ở đời mà có lòng mộ đạo. Hạng này đàn ông gọi là ưu-bà-tắc (Upasaka), đàn bà gọi là ưu-bà-di (Upasaki).

Phật đi thuyết pháp các nơi, khi thì ở Xá-vệ thành (Sâvasthi), khi thì ở Vương-xá thành (Râdjâ-griha), khi thì ở Ba-la-nại (Bénarès). Ngài thành đạo được sáu năm thì về Ca-tỉ-la (Kapilavastu) là quê nhà để độ cho phụ-vương Tĩnh-phạn và các thân thuộc. Về sau thì ngài hay đi lại ở Xá-vệ thành, ở Trúc-viên (Vénouvana) tinh-xá và ở Linh-thứu-sơn (Gridhrakouta). Lệ cứ đến mùa hè là mùa nhiều mưa thì ở một chỗ nào, qua sang mùa nắng-ráo thì lại đi thuyết pháp trong vùng trung lưu sông Hằng-hà (Le Gange). Ngài đi thuyết pháp như thế trong 45 năm. Đến năm ngài đã ngoài 80 tuổi, ngài đi đến chỗ có hai cây sa-la, gần thành Câu-thi-na (Kouçinagara), ngài ở lại đó rồi diệt độ và vào niết-bàn. Phật vào niết-bàn, nhưng Tam-bảo vẫn còn ở đời để độ chúng sinh.

Các đệ tử của Phật đi rải-rác ra khắp mọi nơi để truyền-bá đạo Phật, dần dần đạo ấy lan rộng ra khắp các nước ở Á-đông.

Về sau đạo Phật có nhiều tông nhiều phái, nhưng gồm lại thì có hai tông lớn là Phật-giáo Tiểu-thặng (Hinayâna) và Phật-giáo Đại-thặng (Mahâyâna).

Thặng nghĩa là cỗ xe chở người, ý nói xe chở người ra khỏi luân-hồi. Tiểu-thặng là cỗ xe nhỏ, lấy nghĩa: ai tu đạo thì tự độ lấy mình, và tu bậc thanh-văn, duyên-giác rồi đến bậc La-hán (Arhat) là cùng. Đại-thặng là cỗ xe lớn, lấy nghĩa: người tu đạo không những là để độ mình mà còn độ muôn chúng, và tu đến bậc Bồ-tát (Bodhisattva) và bậc Phật. Trong phái Đại-thặng có các vị Bồ-tát tu-luyện để tự giác giác tha, nghĩa là làm cho mình sáng suốt để làm sáng suốt cho người. Cho nên các vị Bồ-tát đều phát bồ-đề tâm để tế-độ chúng sinh. Đại-thặng và Tiểu-thặng lại có nghĩa phân-biệt trên dưới, hơn kém, trong hai học-phái với nhau.

Đó là nói tóm tắt lịch-sử của Phật-tổ và hai tông-phái lớn trong Phật-giáo, để sau sẽ bàn cho tường tận. Còn như đạo-lý của Phật-giáo thì rộng lắm, không thể nói hết được. Đây ta chỉ nói về mấy điều căn-bản của đạo Phật và xét-xem những điều ấy đem ứng-dụng ra ở đời thì ích-lợi thế nào.

Đạo Phật là đạo cho đời là khổ, và chủ tìm lấy sự giải-thoát khỏi cái khổ. Bởi vậy Phật xướng lên cái thuyết Tứ thánh-đế và Thập-nhị nhân-duyên. Tứ thánh-đế là Khổ thánh-đế, Tập thánh-đế, Diệt thánh-đếĐạo thánh-đế. Khổ là sự hiển-nhiên ai cũng biết là có. Tập là lấy thập-nhị nhân-duyên mà tìm cái căn-do bởi đâu mà kết-tập thành khổ. Diệt là theo lần thập-nhị nhân-duyên mà dứt từ ngọn cho đến cỗi-rễ cái khổ. Đạo là những con đường ta phải đi để giải-thoát được cái khổ. Ấy là những điều rất trọng-yếu trong đạo Phật. Vậy ta thử xét-xem thế nào là khổ, tập, diệt, đạo.

I. Khổ.— Khổ là sinh ra là khổ, có bệnh-tật là khổ, già-yếu là khổ, chết là khổ, không ưa mà hợp là khổ, ưa mà phải xa-lìa là khổ, muốn mà không được là khổ, mất cái vinh-lạc là khổ. Cái khổ ở đời thật là rõ-rệt lắm, không ai nói được là không khổ.

II. Tập.— Tập là tụ-hợp lại và kết-tập mà thành ra. Vậy do những cái gì tụ-hợp lại mà thành ra khổ? Đức Thế-tôn lấy thập-nhị nhân-duyên mà giải cái nghĩa chữ « tập ». Ngài cho là khổ gốc ở « vô-minh ». Vô-minh là cái mơ-màng mờ-tối, nó che lấp cái sáng-tỏ bản-nhiên. Từ vô-minh đến cái già cái chết, tất cả có mười-hai đoạn. Đoạn nọ do cái duyên mà làm quả cho đoạn kia, rồi quả lại do cái duyên mà làm nhân cho đoạn sau, tựa như cái dây xúc-xích chằng-chịt với nhau, cho nên gọi là nhân-duyên. Nhân là mầm, duyên là dây. Bởi mười-hai nhân-duyên ấy mà chúng sinh cứ sinh sinh hóa hóa mãi, sinh ra rồi lại chết đi, chết đi rồi lại sinh ra, hết kiếp này đến kiếp khác, giống như nước bể, vì gió, vì cái sức khác mà thành sóng. Sóng nhô lên rồi lại lặn xuống, lặn xuống rồi lại nhô lên, không bao giờ nghỉ.

Mười hai cái nhân-duyên ấy là: vô-minh, hành, thức, danh-sắc, lục-xứ, xúc, thụ, ái, thủ, hữu, sinh, lão-tử.

1• Vô-minh là mông-muội mờ-tối từ lúc vô thỉ. Do « vô-minh » mà có « hành ». Ấy là « vô-minh » làm nhân cho « hành ».

2• Hành là tưởng-nghĩ mà hành-động tạo-tác. Đã tưởng-nghĩ mà hành-động tạo-tác, thì thành ra cái nghiệp, tức là cái nếp, cái tập-khí. Bởi cái nghiệp mà hành-động tạo-tác mãi. Do « hành » mà có « thức ». Ấy là « hành » làm quả cho « vô-minh » và lại làm nhân cho « thức ».

3• Thức là ý-thức, là biết, biết ta là ta, biết ta là một vật hành-động tạo-tác được. Do « thức » mà có « danh-sắc ». Ấy là « thức » làm quả cho « hành » và lại làm nhân cho « danh-sắc ».

4• Danh-sắc là tên và hình. Ta đã biết ta là riêng một vật, thí phải có tên có hình của ta. Do « danh-sắc » mà có « lục-xứ ». Ấy là « danh-sắc » làm quả cho « thức » và lại làm nhân cho « lục-xứ ».

5• Lục-xứ hay lục-nhập là sáu chỗ, tức là sáu giác-quan. Ta thường chỉ nói có ngũ-quan là: tai, mắt, mũi, lưỡi, thân mà thôi. Đạo Phật nói thêm một giác-quan nữa là trí-tuệ, tức là trí-não của mình, Đã có tên có hình là có « lục-xứ » để giao-tiếp với những ngoại vật. Do « lục-xứ » mà có « xúc ». Ấy là « lục-xứ » làm quả cho « danh-sắc » và lại làm nhân cho « xúc ».

6• Xúc là xúc-tiếp. Bởi có « lục-xứ » là tai, mắt v.v. thì ta xúc-tiếp với những thanh-âm, hình-sắc của ngoại vật. Do « xúc » mà có « thụ ». Ấy là « xúc » làm quả cho « lục-xứ » và lại làm nhân cho « thụ ».

7• Thụ là chịu, là lĩnh-nạp cái ảnh-hưởng, cái thế-lực, hoặc cái thanh-âm, hình-sắc của ngoại vật vào mình. Do « thụ » mà có « ái ». Ấy là « thụ » làm quả cho « xúc » và lại làm nhân cho « ái ».

8• Ái là khát-vọng, yêu-thích, mong-muốn, tức là lòng tư-dục. Do « ái » mà có « thủ ». Ấy là « ái » làm quả cho « thụ » và lại làm nhân cho « thủ ».

9• Thủ là lấy, vớ lấy, quyến-luyến lấy những sự nó làm cho ta sống. Dẫu ta biết ta sống là khổ, nhưng ta vẫn không bỏ những cái ta muốn lấy để sống, cứ theo đuổi để lấy cho được. Do « thủ » mà có « hữu ». Ấy là « thủ » làm quả cho « ái » và lại làm nhân cho « hữu ».

10• Hữu là có: có ta, có sống ở trong thế-gian. Bởi ta ham-muốn những cái nó làm cho ta sống, cho ta thích, như là ngũ-uẩn: sắc, thụ, tưởng, hành, thức. Vì có ngũ-uẩn ấy cho nên ta mới có trần-dục, nó gây thành cái lậu nghiệp. Do « hữu » mà có « sinh ». Ấy là « hữu » làm quả cho « thủ » và lại làm nhân cho « sinh ».

11• Sinh là sinh ra ở thế-gian, làm thần-thánh trên trời, làm người, làm quỉ, làm súc-sinh v. v... Do « sinh » mà có « lão-tử ». Ấy là « sinh » làm quả cho « hữu » và lại làm nhân cho « lão-tử ».

12• Lão-tử là già và chết. Đã sinh ra là phải già và chết. Nhưng sinh với tử là hai thể như sáng với tối, sấp với ngửa vậy. Sống với chết cứ luân-chuyển thay-đổi nhau. Chết là thể-phách, còn là tinh-anh. Cái tinh-anh lìa bỏ cái xác đã chết, nhưng vẫn lẩn-quẩn ở trong vô-minh, cho nên lại mang cái nghiệp mà lưu-chuyển chìm-nổi ở trong tam-giới và lục-đạo, tức là cứ luân-hồi ở trong thế-gian. Bởi vì đạo Phật gọi thế-gian là gọi gồm cả tam-giới và lục-đạo. Tam giới là Dục-giới, Sắc-giớiVô-sắc-giới; lục-đạo là cõi trời, nhân-gian, tu-la, súc-sinh, ngã-quỉđịa-ngục. Hễ còn luân-hồi là còn cái khổ.

Vậy họp-tập cả mười-hai nhân-duyên lại, nó kết thành cái dây để trói-buộc người ta ở trong bể khổ, cho nên gọi là tập.

III. Diệt.— Diệt là dứt bỏ đi. Ta đã thấy rõ cái căn-nguyên của sự khổ, thấy rõ cái nhân và cái quả của sự khổ, thì ta cứ lần-lượt bỏ hết các nhân-quả ấy. Vậy ta lại lấy thập-nhị nhân-duyên mà tính ngược lên từ số 12 lên đến số một. Ta muốn không có già có chết, thì ta phải dứt bỏ cái nhân nó làm cho ta sinh ra ở thế-gian. Muốn không phải sinh ra ở thế-gian, thì phải dứt bỏ cái nhân « hữu », rồi đến cái nhân « thủ », nhân « ái » v.v. Cứ thế mãi cho đến cái nhân « hành ». Dứt được cái nhân « hành » thì cái « vô-minh » phải mất. Vô-minh đã mất, thì tựa như mặt trời sáng rõ ra, đánh tan cả sương mù, thì ta ra khỏi đám mờ-tối nó làm cho ta lăn-lộn ở chỗ khổ. Ta đã thấy rõ cái sáng, đã ra khỏi vô-minh, thì ta đứng vào chỗ yên-lặng vui-vẻ, như đứng trên tòa sen ở xứ cực-lạc, mà không phải luân-hồi trong cuộc sinh-tử nữa. Ấy là ta được giải-thoát.

Vậy tính theo Tập-đế, từ vô-minh trở xuống đến lão-tử, thì thấy có cái khổ hiển-nhiên, rất là chán-nản. Nhưng tính theo Diệt-đế, từ lão-tử lên đến vô-minh, tức là dứt được cái căn-nguyên của sự khổ, ra được ngoài luân-hồi, thì thật là sung-sướng. Bởi thế cho nên đạo Phật vốn gốc ở sự thấy rõ cái khổ, cho thế-gian là một bể khổ, ấy là cái quan-niệm rất bi-quan, rất yếm-thế. Đến khi tìm được cái đạo giải-thoát, thì lại thành ra cái quan-niệm rất lạc-quan, rất vui về việc cứu đời. Cũng vì thế mà những bậc đã thành chính-quả, bao giờ cũng có vẻ yên-tĩnh, thư-sướng lắm. Trông ngay các pho tượng, nét mặt thản-nhiên không có vẻ gì là lo-sầu hết cả, thật là cái thái-độ lạc-quan lạ thường.

IV. Đạo. — Đạo là con đường phải theo để được giải-thoát. Bởi vì có theo con đường ấy thì mới phá được cái khổ. Phật vẫn chủ lấy cái trí sáng-tỏ mà phá sự hôn-mê, nhưng một cái sáng-tỏ không vẫn chưa đủ, cần phải có sự lực-hành nữa, thì mới phá nổi những cái nguồn-gốc của sự khổ. Sự lực-hành ấy có tám con đường chính gọi là bát chính đạo, tức là tám con đường để tu cho thành chính-quả. Tám con đường ấy là:

1. CHÍNH KIẾN. Chính kiến là thấy rõ, biết rõ chân-lý, không để cái tà-kiến che lấp sự sáng-suốt của mình, khiến cho sự tin-tưởng của mình không sai-lầm.

2. CHÍNH TƯ-DUY. Chính tư-duy là lập chí theo chân-lý mà suy-nghĩ cho đến chỗ giác-ngộ được đạo chính.

3. CHÍNH NGỮ. Chính ngữ là nói những điều đúng chân-lý, không nói những điều gian-tà, giả-dối.

4. CHÍNH NGHIỆP. Chính nghiệp là làm những việc ngay-chính công-bình, không làm những việc tàn-bạo gian-ác.

5. CHÍNH MỆNH. Chính mệnh là sống theo con đường công-chính, không tham-lam lợi-lộc mà bỏ những điều nhân-nghĩa.

6. CHÍNH TINH-TIẾN. Chính tinh-tiến là cố gắng-gượng học-tập tu-luyện cho tới đến đạo, giữ tâm-trí cho ngay-chính sáng-suốt, đừng để những điều tham, sân, si và những tà-kiến, vọng-tưởng làm cho ta đi lầm đường lạc lối.

7. CHÍNH NIỆM. Chính niệm là đem ý-niệm của mình chú vào đạo-lý chân-chính, không tưởng-nhớ đến những điều bạo-ngược gian-ác.

8. CHÍNH ĐỊNH. Chính định là định cái tâm-trí của mình vào đạo-lý chân-chính, không để cái gì lay-chuyển được. Tức là thu cái tâm-trí vào đạo, không để tán-loạn ra điều khác.

Vậy theo tám con đường chính ấy, là mình tự-trị lấy mình, tự giác-ngộ lấy mình, để đem mình vào niết-bàn.

Đó là mấy điều rất trọng-yếu trong đạo-lý của Phật. Xét trong cái thuyết Thập-nhị nhân-duyên có hai cái nhân-duyên rất hệ-trọng là « hành » và « ái », ta cần phải biết rõ, thì mới hiểu được sự báo-ứng và cái luân-lý của đạo Phật.

« Hành » theo nghĩa phạn-tự « samskara » mà dịch ra. Tiếng ấy có nghĩa là hành-động tạo-tác hay là xếp-đặt, sửa-soạn, kết-cấu. Hễ đả có sự hành-động tạo-tác tất là thành ra có cái nếp, cái vết; rồi cứ theo cái nếp, cái vết ấy mà sinh-hóa mãi. Chữ « hành » của đạo Phật nói rộng ra là bao-quát cả vạn vật trong vũ-trụ. Nhưng đây hãy nói riêng về người cho dễ hiểu. Ta sống đời này đây, nhưng ta đã sống kiếp trước rồi. Do kiếp trước của ta mà ta có kiếp này. Bởi vì theo cái thuyết luân-hồi, thì người ta sống hết kiếp này, lại hóa ra kiếp khác. Mỗi một kiếp của ta là ta đeo theo cái nghiệp của ta đã gây thành ra khi ta sống ở kiếp trước. Bao nhiêu những sự hành-động tạo-tác của ta đều gây thành cái nghiệp.

Nghiệp có ba thứ: Thân-nghiệp, tức là cái nghiệp do sự hành-động của thân-thể mà thành, Khẩu-nghiệp, tức là cái nghiệp do lời nói mà thành, Ý-nghiệp, tức là cái nghiệp do ý-niệm tư-tưởng mà thành. Cái mặc-niệm của ta tuy chưa hiện ra việc làm, nhưng có thể gây thành nghiệp được. Bởi thế, Phật nói: « Nhất niệm khởi, thiện ác dĩ phân ». Ta sinh ra kiếp này, ta mang theo cái nghiệp kiếp trước, để làm cho mòn hết cái nghiệp ấy. Song cái nghiệp ấy hết, thì cái nghiệp khác lại thành. Bởi vì có sống là có hành-động tạo-tác; có hành-động tạo-tác là lại gây ra cái nghiệp nó theo ta, để khiến ta đi vào con đường mà sự hành-động tạo-tác ấy đã đánh thành lối sẵn.

Cái nghiệp do « hành » mà thành ra đó, phạn-tự gọi là Karma, chữ nho dịch ra là lậu-nghiệp, nghiệp-báo hay là nghiệp, tiếng nôm ta gọi là nợ tiền-kiếp. Cái nghiệp ấy là một cái công-lệ chung của tạo-hóa. Vạn vật không có vật nào tránh khỏi, dù là thần-thánh cũng vậy. Chỉ có khi nào thành Phật rồi, là đã phá được vô-minh, thì cái nghiệp ấy không có mầm mà sinh nảy ra được nữa, là tự nó phải hết. Còn các vật ở trong vô-minh, thì vật nào cũng có nghiệp. Người làm điều lành, điều phải, thì có cái nghiệp tốt để báo-ứng cho điều lành, điều phải; người làm điều ác, điều dở, thì có cái nghiệp xấu để báo-ứng cho điều ác điều dở. Xấu hay tốt, dữ hay lành là tự mình làm ra, rồi tự mình được hưởng hay phải chịu lấy, chứ không có trời thánh nào làm cho mình tránh được cái nghiệp của mình đã gây ra. Như thế, nghiệp là cái đạo báo-ứng tự-nhiên chí công. Bởi thế có câu rằng:

Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn Trời gần Trời xa.

Người nói câu ấy thật đã hiểu rõ đạo Phật lắm.

Ở đời, ta thấy có người rất tàn-ác, mà lại được hưởng moi điều phú-quí, có người rất từ-thiện mà phải chịu mọi điều cực-khổ, đến nỗi rằng ta ngờ là không có Trời Phật nào cả, hoặc là Trời Phật rất không công. Là bởi ta không biết rằng họa hay phúc là tự ta gây ra; mà ta đã gây ra, thì ta được hưởng hay ta phải chịu. Người kia tàn-ác mà hưởng phú-quí là kiếp trước đã gây được cái nghiệp tốt, bây giờ được hưởng cho hết cái nghiệp ấy. Việc tàn-ác bây giờ thành ra cái nghiệp sau, thì rồi sau mới phải chịu. Người kia từ-thiện mà phải cực-khổ, là chính mình phải chịu cái nghiệp xấu của mình đã gây ra khi trước; còn việc làm từ-thiện bây giờ lại gây ra cái nghiệp tốt, nhưng phải để cho hết cái nghiệp xấu trước đã, rồi mới được hưởng cái nghiệp tốt này.

Tôi tưởng người nào đã hiểu cái lẽ báo-ứng ấy thì dẫu khổ-sở thế nào cũng không nên chán-nản, là vì ta phải trả cái nợ của ta đã mắc khi trước. Trong khi trả nợ ấy, ta chỉ phải lo làm thế nào cho kiếp sau được nhẹ nợ. Như thế là người ta sinh ra ở đời tuy phải chìm-nổi ở trong bể khổ, nhưng vẫn có hoàn toàn tự-do để gây lấy họa phúc cho mình.

Cái tự-do ấy còn có cái nghĩa rộng hơn nữa là không những là chỉ để gây lấy họa phúc trong bể khổ mà thôi, còn có thể để cho ta thoát khỏi ra ngoài bể khổ được. Nếu ta biết tu đạo để phá được vô-minh nó che-lấp ta, thì ta sẽ được thảnh-thơi ở ngoài tạo-hóa và tiêu-dao ở nơi bất sinh bất diệt, tức là ở cõi niết-bàn vậy.

Trong những cái vòng dây nó thắt chặt ta vào cái nghiệp, có cái vòng « ái » là thắt chặt hơn cả. Đây ta phải hiểu chữ « ái » cũng như chữ « nghiệp » có cái nghĩa khác với nghĩa chữ nghiệp và chữ ái dùng ở sách nho. Ở trong sách nhà Phật, thì « nghiệp » là lậu-nghiệp, nghiệp-báo mà « ái » là sự yêu-thích mong-muốn tài-sắc danh-lợi, tức là cái tư-dục của người ta. Khi ta đã có lòng yêu-thích mong-muốn ấy, thì ta cố lăn-lộn vào những chỗ để được thỏa cái ý muốn của ta. Ta đã lăn-lộn vào chỗ ấy, tất là sự hành-động của ta lại gây ra cái nghiệp tương-đương nó trói-buộc ta vào vòng sinh-tử. Ta càng hành-động theo cái tư-dục bao nhiêu, cái nghiệp của ta lại nặng về đường tư-dục bấy nhiêu. Bởi thế cho nên đạo Phật rất chú-ý ở chỗ dứt cái « ái ». Đã dứt được cái « ái », thì các khúc dây khác đều tự khắc lỏng ra, mà rồi đến cái « hành » cũng mất cái sức mạnh về đường gây ra nghiệp. Cái « hành » đã mất cái sức mạnh ấy, thì cái nghiệp cũng nhẹ dần. Vì rằng cái « hành » mà không theo tư-dục, thì cái nghiệp dẫu có, cũng là nhẹ và tốt. Thành thử lâu dần ta phá được vô-minh. Vô-minh đã phá, thì cái sáng-tỏ chân-thực tự-nhiên hiển-hiện ra. Cái sáng tỏ chân-thực ấy là cái đích lớn của đạo Phật. Có cái sáng-tỏ ấy, thì rồi mới qua được bến mê, vượt được bể khổ.

Đạo-lý của Phật-giáo nói rộng ra về đường triết-lý, còn có những thuyết như Duy-thức, Chân-như, Thái-hư, Pháp-thân v. v., nhưng thuyết nào cũng chú-trọng ở sự cầu được giải-thoát ra khỏi cái khổ. Cho nên cái phương-pháp thực-hành là cốt ở ngũ-giới, và lục-độ, bao-quát cả hai phương-diện tiêu-cực và tích-cực. Tiêu-cực là chủ ở sự ngăn phòng những điều gian-ác, thiệt-hại cho mình và cho người; tích-cực là chủ ở sự thực-hành, để làm những điều từ-thiện, ích-lợi cho mình và cho người.

Làm những điều tiêu-cực, thì có ngũ-giới là năm điều răn:

1• BẤT SÁT. — Bất sát là không giết. Không giết là để cho mọi vật được sống trọn-vẹn cái số-kiếp của nó.

2• BẤT ĐẠO. — Bất đạo là không trộm cướp tức là không làm điều phi nghĩa mà lấy của người ta.

3• BẤT DÂM. — Bất dâm là không gian dâm. Không gian dâm thì sự giao-thiệp ở đời không có những điều trắc-trở để đến nỗi lắm khi gây ra những điều đắng-cay chua-xót.

4• BẤT VỌNG NGỮ. — Bất vọng ngữ là không nói càn, tức là không nói dối, không bịa đặt ra điều nọ chuyện kia, không ăn không nói có, không vu oan giá họa cho ai.

5• BẤT ẨM TỬU. — Bất ẩm tửu là không uống rượu. Không uống rượu, vì ai rượu-chè say-sưa thì loạn mất trí-khôn, không giữ được cái tinh-thần sáng-suốt, thành ra lắm khi vì say-sưa mà làm lắm sự tai-vạ.

Năm điều răn ấy chỉ cốt để ngăn giữ cái « ái » tức là cái tư-dục của mình, để không xẩy ra những việc có thể làm thiệt-hại cho kẻ khác và có thể gây thành cái nghiệp xấu cho mình. Song năm điều ấy không vun-đắp thành cái nền đức. Muốn cho cái nền đức của ta càng ngày càng dày thêm, thì ta phải thực-hành những điều tích-cực như lục-độ, tức là sáu phép tu để chở ta ra khỏi bến mê.

1• BỐ-THÍ. — Bố-thí là đem công đem của mà cứu-giúp người. Bố-thí có hai thứ: một là tài thí là đem tiền-của cơm-gạo mà cứu-giúp người ta cho đỡ đói khổ. Sự bố-thí ấy thì tùy sức mà làm, miễn là tự mình bỏ cái lòng tham-lận mà làm cho người ta được vui-vẻ. Hai là pháp-thí là đem tài-trí của mình mà khiến người ta làm điều lành điều phải, hoặc lấy cái lòng thanh-tĩnh ngay-chính mà mở rộng con đường trí-tuệ cho người ta. Người làm những việc pháp-thí là vì lòng từ-bi bác-ái mà làm, chứ không có ý muốn khoe-khoang, không cầu danh cầu lợi.

2• TRÌ-GIỚI. — Là giữ vững điều răn để ngăn những điều ác, cốt nhất là ngăn những điều ác do ở thân, ở miệng và ở ý của mình mà ra.

3• NHẪN-NHỤC. — Nhẫn-nhục là để trị sự tức-giận nóng-nảy. Nhẫn-nhục có hai thứ: một là sinh nhẫn là chịu nhẫn về sự sống ở đời, không có trễ-nải lười-biếng, không vì tức-giận mà chửi-mắng đánh-đập, hoặc là thù-oán người ta. Hai là pháp nhẫn là khi mình phải chịu sự lo-buồn trong tâm trong trí, mà mình cứ yên cứ nhẫn, không lấy điều ấy làm oán-giận lo-phiền.

4• TINH-TIẾN. — Tinh-tiến là sự gắng-gỏi hết sức mà làm điều lành điều phải. Tinh-tiến cũng có hai thứ: một là thân tinh-tiến là thân mình chịu khó-nhọc để chăm-lo làm điều thiện. Hai là tâm tinh-tiến là cái lòng làm điều thiện lâu thế nào cũng không chán-nản, khó thế nào cũng không thoái chí.

5• THIỀN-ĐỊNH. — Thiền-định nghĩa là tĩnh-lự, tức là chuyên tâm liễm niệm, chú vào một điều gì, không tán-loạn ra những điều khác.

6• BÁT-NHÃ. — Bát-nhã là do chữ phạn prâjnâ, dịch ra chữ nho là trí-tuệ, soi rõ hết thảy trong thế-gian và thông-đạt hết thảy các lẽ.

Những phép tu của đạo Phật, thì rất nhiều, rất rộng, nhưng đại-khái là cốt-yếu ở ngũ-giới và lục-độ. Ngũ-giới là bước đầu của những người xuất gia tu-hành. Người đi tu là phải thụ giới. Ai không thụ giới, không phải là người tu-hành. Còn lục-độ là phép tu của những bậc tu-hành đã đắc đạo, nhất là những bậc Bồ-tát mà khi đã tu được hoàn-toàn lục-độ nhân, thì được niết-bàn-quả, tức là gần ngang với Phật.

Đó là những khuôn-phép của những người xuất gia tu-hành. Tu như thế, mà còn phải bao nhiêu kiếp mới lên đến đậc Bồ-tát, huống chi người thường đã dễ đâu thành Thánh thành Phật ngay được. Song nếu đem những điều ấy ra ứng-dụng ở đời, thì dẫu chưa dám mong được giải-thoát ra ngoài luân-hồi, nhưng ta cũng có thể gây thành được cái nghiệp tốt cho ta và làm cho người được đỡ bao nhiêu nhưng sự khổ-não. Vậy lấy một mặt nhân-sinh mà suy, thì những điều ấy thật là một cái nền luân-lý rất hay cho xã-hội. Hãy xem như ngũ-giới thì bất kỳ ở vào thời-đại nào hay xã-hội nào cũng phải có một cái luân-lý, mà không có luân-lý nào lại không cấm sự tàn-ác, sự trộm-cướp và sự gian dâm giả-dối cùng sự say-mê cuồng-dại. Ấy là nói về đường tiêu-cực; còn về đường tích-cực, thì phép tu lục-độ đã là đủ lắm. Thí-dụ như bố-thí, dù là tài-thí hay là pháp-thí, đều là những việc rất cần ở trong xã-hội. Có tài-thí thì mới có người bỏ tiền-của ra mà làm việc phúc này, lập hội thiện kia; có pháp-thí thì mới có những người đem cái học-thức của mình mà truyền-bá ra, để mọi người đều biết mà hưởng-thụ những sự ích-lợi. Nhẫn-nhục hay là tinh-tiến cũng vậy, nếu không có những đức ấy, thì bao nhiêu công-việc khó-khăn to lớn đều không sao làm được. Người nào đối với ngoài mà không có nhẫn-nhục và đối với trong mà không có tinh-tiến, đều là người làm hỏng việc hết cả. Ấy là nói đại-lược những cái đức-tính của người thường cần phải có, thì mới thành người hay, người tốt. Còn như những người đã chân-thực tu-hành theo phép nhà Phật, tất phải là người có tính-khí rất cương-kiện và có tư-cách rất đặc-biệt thì mới có thể thấy được đạo.

Xem đạo-lý và phương-pháp thực-hành của Phật-giáo như đã bàn đó, thì đạo Phật trước sau cầu lấy cái biết mà phá cái mê. Về đường luân-lý thực-tiễn, thì lấy cái sức mạnh tự-do của mình mà giải-thoát lấy mình. Phật là bậc đại-giác đã được cái sáng chân-thực rồi, bảo đường chỉ nẻo cho chúng sinh để ra khỏi chỗ mù-mịt tối-tăm. Phật cứu-độ chúng sinh là tựa như người khỏe-mạnh thấy những kẻ già-yếu ốm-đau, đi một mình không được, thì dắt cho mà đi; hoặc như người chở chiếc thuyền thấy có đám người đang đắm-đuối ở chỗ sóng gió, ghé thuyền lại cứu-vớt để chở sang bến yên-lặng. Song tự mình có muốn đi tới nơi, thì mình phải cố-gắng mà đi, rồi người kia mới dắt được mình đi, hoặc tự mình có muốn đến chỗ yên-lặng thì mình phải cố sức bơi lên, rồi người kia mới vớt được mình lên thuyền.

Đạo Phật không phải là chỉ để ai có lễ-bái cầu-nguyện thì Phật mới độ, mà ai không lễ-bái cầu-nguyện thì Phật bỏ. Người lễ-bái cầu-nguyện suốt đời mà cứ theo tư-dục làm điều tàn-ác, thì dầu Phật là bậc có thần-thông quảng-đại, nhưng người ấy không biết tu-tỉnh mà bỏ điều ác, làm điều lành, thì Phật cũng không sao cứu-độ được.

Ta lễ-bái cầu-nguyện là để trong lòng được an-ủi, tựa như người mắc nạn mà biết có người sắp đến cứu, thì cái sức mạnh của mình có thể tăng lên bội phần mà chống với nạn. Chứ nếu mình tự để mình chìm-đắm đi mà lại mong Phật cứu thì cứu làm sao được!

Vậy theo đạo Phật là tự cái tâm mình phấn-chấn lên mà làm điều lành điều phải, tự mình có sức mạnh để phá cho hết những cái nó trói-buộc mình vào chỗ khổ. Bởi thế người thật bụng theo đạo Phật là người có cái tâm-lực rất cương-kiện, lòng dạ vững-bền như gang như sắt. Cũng vì thế mà đạo Phật thường hay dùng bốn chữ « dũng-mãnh tinh-tiến ». Dũng-mãnh tinh-tiến để giải-thoát, dũng-mãnh tinh-tiến để cứu người, dũng-mãnh tinh-tiến để phá cái mê, trừ cái hại. Người ta đã có cái đức dũng-mãnh tinh-tiến thì không bao giờ chịu đứng lùi lại mà chịu kém người, không bao giờ lười-biếng, trễ-nải, không bao giờ ham-mê vật-dục, có thể giam-hãm mình vào những nơi tối-tăm dơ-bẩn.

Cũng bởi có cái đức dũng-mãnh tinh-tiến ấy, cho nên đức Quan-thế-âm Bồ-tát vì lòng từ-bi bác-ái mà phát thệ rằng: « Hễ ở trần-gian mà còn có cái khổ, thì dầu phải đợi đến mấy muôn kiếp nữa, ta cũng ở lại mà cứu-độ chúng sinh, chứ không vào niết-bàn thành Phật. Bất kỳ ở đâu mà có con ruồi con bọ phải khổ là có ta ở đó. » Từ-thiện thay cái lòng cứu thế của đức Quan-âm! Ta chịu cực-khổ ở chốn bụi-trần này, mà nghe lời từ-bi ấy, tựa như đang bị cơn lửa nồng nung-nấu, được ngọn gió mát quạt vào người; tựa như đang đau-đớn, được giọt nước cam-lộ dỏ vào chỗ đau, khiến ta lại hăng-hái mà vật với đời để ra khỏi chỗ đau, chỗ khổ.

Đạo Phật về đường tinh-thần thì mạnh-mẽ như thế, về đường từ-bi bác-ái thì rộng-rãi bao-la như thế. Giá ta hiểu được rõ và biết đúng ra, thì rất có lợi cho sự tiến-thủ của người đời. Đạo ấy có thể gây thành ra được nhiều cái đức-tính: như là đối với người với vật, thì có lòng nhân-từ, đối với công-việc làm thì rất dũng-mãnh, đối với tư-tưởng thì rất sáng-suốt, đối với sự tín-ngưỡng, thì không mê-hoặc, đối với cuộc đời thì rất trọng sự hòa-bình. Đối với toàn thể cuộc nhân-sinh, đạo Phật lại có cái thần-lực rất linh-diệu là làm cho người ta đỡ được bao nhiêu những nỗi khổ-não trong lòng. Là vì người ta sinh ra ở đời, lẽ tất-nhiên là phải vật-lộn với đời, mà đã vật-lộn với đời, tất là phải mắc vào vòng tình-dục, nó làm cho ta hôn-mê đi, tưởng danh là thực danh, lợi là thực lợi. Ngờ đâu danh với lợi ở đời đều là những cái ảo-ảnh làm mồi nhử ta vào đóng lửa nồng mà hun-đốt ta mãi. Ta nhờ có đạo Phật làm cho ta tỉnh ra, thấy rõ cái thực cái giả, thì dù ta có hăng-hái mà làm việc đời để trả nợ cho đời, ta cũng không say-đắm ở những sự hư-vọng nó ràng-buộc được ta, mà lúc nào ta cũng ung-dung tự-do để điều-khiểu cái tâm-thân của ta và trừ bỏ hết thảy những điều phiền-não. Bởi thế người nào đã đạt được đạo-lý của nhà Phật, thì bao giờ cũng thản-nhiên, không cho việc đời là chán-nản, không lấy sự đắc thất làm lo-buồn, không bị cái lửa tình-dục nó hun-đốt được. Ta vui lòng làm điều lành điều phải là ta biết có chư Phật soi tỏ cái tâm-ý của ta, và vẫn ở bên cạnh ta để nâng-đỡ ta, cứu-giúp ta và chứng-quả cái lòng thành-thực của ta. Nhờ có cái thần-lực ấy của Phật, cho nên ta có cái sức mạnh để làm việc giúp đời mà không vướng-víu với tình-dục. Đạo Phật mà hiểu như thế, thì thật là một đạo rất ung-dung thư-thái, mà vẫn có cái tiềm-lực rất mạnh và rất hay. Một cái đạo mà có những đức-tính tốt như thế, thật đáng quí lắm vậy.

Song ta phải biết rằng: « nhân năng hoằng đạo phi đạo hoằng nhân » nghĩa là người có thể mở rộng được đạo, chứ không phải đạo mở rộng được người. Đạo vốn là hay, nhưng mà người không hiểu hết nghĩa-lý, không cố sức làm cho đạo sáng rõ ra, thì lâu dần cũng thành ra mờ-tối. Đạo Phật củng vậy, đạo Nho cũng vậy, không bao giờ ra được ngoài cái công-lệ ấy. Vậy đạo hay hay dở là tại người ta. Người mà tinh-khôn thì dù đạo có điều dở rồi cũng thành ra hay; người mà khờ-dại thì dù đạo hay thế nào rồi cũng hóa dở. Điều đó ta nên chú-ý mà nghĩ cho kỹ.

Thưa các ngài,

Người ta ở đời chỉ có hai con đường là mê với ngộ. Mê thì rồi mỗi ngày một tối-tăm lại, ngộ thì rồi càng ngày càng sáng tỏ ra. Đạo Phật nói tóm lại chỉ có mấy lời: mục-đích là: chuyển mê khai ngộ. Chuyển mê là làm cho người ta thoát khỏi cái mê-tình trong tam-giới, khai ngộ là chuyển mở cái tâm-nhỡn đại ngộ để được có đại bồ-đề và được chứng đại niết-bàn. Phương-pháp là: bao nhiêu điều ác thì không làm, bao nhiêu điều thiện thì phải làm hết; tự mình phải giữ cái tâm-ý của mình cho ngay-chính trong-sạch. Ấy là lời dạy của chư Phật.

Vậy tôi thiết tưởng rằng: nếu ta biết theo cái tinh-thần của Phật-giáo mà sửa bỏ những cái tệ-tục và những đều mê-tín đi thì rồi dám chắc óc nhiều điều ích-lợi. Nhưng ta phải biết rằng: việc, tu đạo cũng như việc trồng cây. Trồng cây mà đã có cái mầm tốt, thì phải chọn chỗ đất tốt, rồi ngày ngày chăm-nom bón-tưới, hễ thấy cỏ xấu moc lên, thì nhổ ngay đi, đừng để nó làm hại cái mầm ấy. Như thế tất rồi có ngày cái mầm ấy thành ra cây to bóng mát, hoa nhiều quả sai. Ấy là cái hi-vọng của chúng tôi, mà chắc cũng là cái hi-vọng của tất cả bà-con trong hội ta vậy.

Nam-mô A-di-đà Phật.
  1. Bài này đọc ngày 17 tháng ba năm 1935 tại chùa Quán-sứ, Hà-nội