Bước tới nội dung

Phật giáo/Phụ lục I

Văn thư lưu trữ mở Wikisource



PHỤ-LỤC


I

CÁC TÔNG TRONG TIỂU-
THẶNG VÀ ĐẠI-THẶNG

Hiện nay xem kinh điển bằng chữ nho thấy có ba tông bên Tiểu-thặng và bảy tông bên Đại-thặng, nay đem tóm tắt lại như sau này:

Ba tông Tiểu-thặng:

1Câu-xá tông. — Thế Thân bồ-tát, khi còn theo Phật-giáo Tiểu-thặng, lấy ý-nghĩa trong sách Mahavibhasa çastra mà làm sách Câu-xá luận, rồi theo sách ấy thành ra Câu-xá tông.

Câu-xá tông chia vạn hữu ra làm vô-vi pháp và hữu-vi pháp. Vô-vi pháp chỉ về cảnh-giới thường trụ, không sinh không diệt, tức là lý-thể. Hữu-vi pháp chỉ về vạn hữu trong hiện-tượng-giới sinh-diệt vô thường.

Theo cái thuyết của Hữu-bộ bên Tiểu-thặng thì pháp-thể là hằng hữu trong tam thế: quá-khứ, hiện-tại và vị-lai. Theo cái thuyết của Câu-xá tông, thì chỉ có hiện-tại là hữu thể, còn quá-khứ và vị-lai là vô thể.

Pháp-thể gồm cả tâm và vật kết-thành do cái sức của duyên và nghiệp, tức là nói pháp-thể là kết-quả của mê-hoặc. Sức của hoặc và nghiệp tuần-hoàn vô thỉ vô chung, làm cho tâm thân cứ biến-chuyển luân-hồi mãi.

Câu-xá tông chia nhân ra làm lục-nhân, chia duyên ra làm tứ-duyên và chia quả làm ngũ-quả.

Lục-nhân là: Năng-tác nhân là cái nhân phổ-biến rất rộng, bao-quát cả các nhân khác. — Câu-hữu nhân là cái nhân của vạn vật đều phải nương-dựa chung nhau, nhân quả đồng thời cùng có. — Đồng-loại nhân là cái nhân chung cả hiện-tượng trước và hiện-tượng sau. — Tương-ứng nhân là cái nhân khi tâm-vương tác-dụng thì có nhiều tâm-sở đồng ứng. — Biến-hành nhân là cái nhân cùng một loại với đồng-loại nhân, nhưng đồng-loại nhân thì phổ-biến ở nơi vạn hữu, mà biến-hành nhân thì chỉ ở trong phiền-não, ở nơi tâm-sở. — Dị-thục nhân là cái nhân làm cho người ta phải chịu cái kết-quả nổi chìm, lành dữ.

Tứ-duyên là: Nhân-duyên là cái duyên làm cho nhân thành ra quả. — Đẳng-vô gián duyên là cái duyên nói riêng về sự phát-động của tâm. Tâm trước diệt thì làm cái duyên phát-động tâm của hiện-tượng sau, không có gián-cách ở khoảng nào cả. — Sở-duyên duyên là nói khi cái tâm khởi lên, thì nó dựa vào cảnh khách-quan mà khởi. Cái khách-quan ấy gọi là sở-duyên, nghĩa là cái bởi đó mà thành duyên. — Tăng-thượng duyên cũng như năng-tác nhân nói trên. Tăng-thượng duyên cũng gọi là công duyên.

Ngũ-quả là: Dị-thục quả là cái quả do dị-thục nhân mà có. Do cái nghiệp-lực quá-khứ hoặc thiện hoặc ác thành ra. — Đẳng-lưu quả là cái quả do đồng-loại nhân hay do biến-hành nhân mà có. Ấy là chỉ về cái kết-quả của hiện-tượng nào cũng đồng đẳng, đồng loại với nguyên-nhân của hiện-tượng trước. — Ly-hệ quả là cái quả không do lục-nhân, tứ-duyên mà có, mà do vô-lậu chân-trí thoát-ly sự hệ-phộc của vô-minh và phiền-não và chứng được cảnh niết-bàn. Sĩ-dụng quả là cái quả do hai cái câu-hữu nhân và tương-ứng nhân nương-dựa nhau mà thành, cũng như các thứ nghiệp dựa vào sự tác-dụng của sĩ-phu mà có. — Tăng-thượng quả là cái quả kết thành bởi năng-tác nhân và tăng-thượng duyên.

Vạn vật do lục-nhân, tứ-duyên hòa-hợp mà sinh ra, nhưng kết-cục ngoài ngũ-uẩn thì không có vật gì cả. Vậy nói rằng có cái « ngã » chi-phối ta để chuyển-biến qua đời sau là mê-hoặc là không-tưởng, cho nên không nên chấp có hữu-vi vô thường, mà chỉ nên trông ở cõi niết-bàn thường tịch.

Nhân-sinh là khổ-não, là ô-trọc, là mê-hoặc, cho nên cần phải giải-thoát. Cái phương-thức giải-thoát có giới, định, tuệ. Giới là giới-luận, răn làm những điều không ngay-chính, định là thiền-định để giữ tâm-trí cho vững, tuệ là trí-tuệ phân-biệt thực-tướng của các sự-vật, hiểu rõ cái lý nhân-quả của Tứ-diệu đế. Dùng ba cái học ấy mà đi tới giải-thoát, tức là vào niết-bàn.

2• Thành-thực tông. — Tông này đồng thời phát-hiện với Câu-xá tông do Ha Lê Bạt Ma đặt ra, lấy cái thnyết của Không-bộ bên Tiểu-thặng làm gốc.

Thành-thực tông chia thế-giới-quan ra làm hai môn: Thế-gian môn và đệ-nhất-nghĩa môn.

Thế-gian môn có hai phương-diện: một phương-diện là cứ chỗ chư pháp sinh-diệt vô thường thì không có chân-ngã, nhưng cứ phương-diện khác thì cái thân ta hành-động và cái tâm ta biết phân-biệt, biết liên-lạc những tư-lự trước và sau, mà lại bảo là vô ngã thì thật là trái với cái thường-thức của ta.

Song lấy cái giả ngã kia mà phân-tích cho đến chỗ vi-tử, bỏ cái ngũ-uẩn ngã pháp-thể ra ngoài, thì không thể nhận được một vật gì cả.

Đệ-nhất-nghĩa-môn lấy lẽ rằng trước cho thế-gian môn lấy thường-thức làm chuẩn-đích mà đặt ra bản-ngã giả hữu, rồi do cái kết-quả sự phân-tích mà biết rằng cái pháp thực hữu kia cũng chẳng qua là bởi cái vọng-tưởng của ta phân-biệt là giả hữu mà thôi.

Thực hữu đã không nhận, thì ngoài cái vọng-trí phân-biệt của ta ra, không có vật gì cả. Vọng-thân biết là mê, không phải là thực, cho nên hết thảy đều là không cả. Chân-ngã không có, thực-pháp cũng không có. Người và pháp cả hai đều không. Rút cục, Thành-thực tông theo chủ-nghĩa yếm-thế mà chủ-trương cấm dục để cầu tịch-diệt.

3• Luật-tông. — Tông này chủ-trương lấy Luật-tạng mà tu đạo, cốt răn điều ác, khuyên điều thiện. Cho rằng nhờ có giới-luật mới có thiền-định, có thiền-định thì trí-tuệ mới phát-khởi. Có trí-tuệ mới tu được đến chỗ giải-thoát.

Về phương-diện đạo-lý, thì Luật-tông dựa vào Câu-xá tông và Thành-thực tông để làm căn-bản.

Bảy tông Đại-thặng:

1• Pháp-tướng tông. — Tông này khởi từ Vô Trước (Asangha) Thế Thân (Vasubhandha) và Hộ Pháp, lấy Thành-duy-thức luận làm gốc, cho vạn-pháp đều do thức mà biến ra.

Thức có tám thứ, là: nhỡn-thức, nhĩ-thức, vị-thức, thiệt-thức, thân-thức, ý-thức, mạt-na-thức, và a-lại-da-thức. Trong tám thức ấy có a-lại-da-thức là căn-bản.

A-lại-da-thức bao-tàng hết các chủng-tử rồi do những chủng-tử ấy mà phát-sinh ra vạn-tượng. Vạn-tượng tan, thì các chủng-tử lại mang cái nghiệp trở về a-lại-da-thức. Chủng-tử lại vì nhân-duyên mà sinh hóa mãi. Vậy nhân-duyên là nhân-duyên của những chủng-tử, a-lại-da-thức thì chứa hết thảy các chủng-tử để sinh khởi nhất thiết chư pháp.

Như thế là vạn-pháp do thức mà biến-hiện ra, cho nên nói rằng: « Tam-giới duy tâm, vạn-pháp duy thức ».

Huyền Trang đời Đường sang Ấn-độ theo học Giới Hiền đem Pháp-tướng tông về nước Tàu.

2• Tam-luận tông.— Tông này lấy Trung-luậnThập-nhị môn luận của Long Thọ bồ-tát và Bách-luận của Đề Bà làm căn-bản.

Tam-luận tông cho nhất thiết vạn-hữu trong hiện-tượng-giới đều sinh-diệt vô thường. Đã sinh-diệt vô thường là không có tự tính, chỉ bởi nhân-duyên làm mê-hoặc mà biến-hóa ra vạn-hữu.

Kẻ phàm-tục, vì vọng-kiến, cho nên mới chấp lấy cái giả-hữu ấy. Bậc chân-trí thì không nhận giả-hữu và nhận nhất thiết là không.

Chư pháp tuy là hữu, nhưng không phải là thường hữu. Hữu mà không phải là thường hữu, tức là giả hữu. Giả hữu tuy là hữu, mà không phải là hữu. Hữu mà không phải là chân hữu, thì chẳng khác gì vô. Vậy nên vạn-pháp tuy là vạn-hữu, nhưng uyển-nhiên là không.

Lý-thể của chân-như, tuy là không tịch, bất sinh bất diệt, nhưng bởi nó sinh ra chư pháp, cho nên nó là cỗi-rễ của giả hữu. Đã là cỗi-rễ của giả hữu, thì lý-thể của chân-như là không, nhưng thực ra chân-như không phải là không. Như thế, chân-như là không mà không thực là không, cho nên đối với hữu không khác gì. Vì thế chân-như tuy là không tịch mà uyển-nhiên là hữu.

Hữu với không, không với hữu, không khác nhau. Hữu là hữu của không, không là không của hữu. Hữu, không, hai cái toàn-nhiên hỗn-hợp với nhau. Thấy rõ chỗ ấy là trung-đạo, là không chấp hữu chấp không.

Vì sự nhận-thức của ta sai-lầm mà thành ra có hữu có vô. Vượt lên trên sự nhận-thức thì mới đạt được cái thực-tại bất khả tư-nghị. Cái nhận-thức của ta chỉ nhận-thức được ở trong cái phạm-vi hiện-tượng mà thôi, chứ không nhận-thức được thực-tại. Muốn đạt tới thực-tại, thì phải nhờ cái trực-giác mới được.

Như thế là cho sự nhận-thức có giới-hạn, không thể biết tới hiện-thực, tức là bác cái thuyết duy-thức của Pháp-tướng tông.

Tam-luận tông lấy Bát-nhã kinh làm gốc, cho nên còn gọi là Bát-nhã tông, mà khi đối với Tướng-tông tức là Pháp-tướng tông, thì gọi là Tính-tông hay là Không-tông.

3• Thiên-thai tông. — Tông này khởi phát ở nước Tàu do Tuệ Văn thiền-sư đời Trần và đời Tùy vào khoảng thế-kỷ thứ sáu, theo ý-nghĩa sách Trí độ luận tức là Bát-nhã Ba-la-mật-đa luận và lấy Pháp-hoa kinh làm gốc, cho nên còn gọi là Pháp-hoa tông.

Thiên-thai tông chủ-trương thuyết: « chư pháp duy nhất tâm ». Tâm ấy tức là chúng sinh, tâm ấy tức là Bồ-tát và Phật. Sinh tử cũng ở nơi tâm ấy, niết-bàn cũng ở nơi tâm ấy.

Tuệ Văn thiền-sư chủ lấy trung-đạo mà luận cái tâm và lập ra thuyết nhất tâm tam quan. Tam quan là: không-quan, giả-quan và trung-quan.

Trong không-quan có giả-quan và trung-quan, không phải tuyệt-nhiên là không. Trong giả-quan có không-quan và trung-quan, không phải tuyệt-nhiên là giả. Trung-quan phải dung-nạp cả không và giả.

Chân-như với tâm và vật quan-hệ với nhau như nước với sóng. Ngoài nước không có sóng, ngoài chân-như không có tâm, ngoài tâm không có vật.

Thiên-thai tông cứ hiện-tại mà tìm chỗ lý-tưởng. Thiện, ác, chân, vọng, đối với tông này chỉ là một sự hoạt-động của thực-tại. Vì thế cho nên không cưỡng cầu giải-thoát ra ngoài hiện-tại-giới, sinh diệt vô-thường. Trong hiện-tượng-giới, gồm cả thiện ác hai tính. Thiện hay ác chỉ do một tâm tác-dụng mà thôi, hai cái, không có cái nào độc tồn. Cho nên Phật không làm lành mà cũng không làm dữ.

Sự giải-thoát phải tìm ở nơi thấu-suốt chân-lý, thoát-ly chấp trược. Kết cục phải triệt-ngộ thực tướng của vũ-trụ. Do vô-vi, vô-niệm đạt tới sự hoạt-động của đại-ngã, đại-vi.

4Hoa-nghiêm tông. — Tông này cũng như Thiên-thai tông phát-khởi ở nước Tàu, căn-cứ ở Hoa-nghiêm kinh và do Đỗ Thuận hòa-thượng và Trí Nghiễm đời Tùy và Đường mà lập ra.

Tông này cho vạn-tượng có sáu tướng là : tổng, biệt, đồng, dị, thành, hoại, gọi là tam đối lục tướng. Vạn vật đều có sáu tướng ấy.

Khi sáu tướng ấy phát ra thì phân làm hiện-tượng-giới và thực-tại-giới, và khi sáu tướng ấy tương y nhau, thì hiện-tượng tức là thực-tại, thực-tại tức là hiện-tượng.

Vạn-hữu có tam đối lục tướng là do thập huyền-diệu lý duyên-khởi. Thập huyền-diệu lý và lục tướng viên-dung, mà sinh ra cái lý « sự sự vô ngại ».

Sự sự vô ngại luận là cái đặc-sắc trong giáo-lý của Hoa-nghiêm tông.

Theo tông ấy thì phân-biệt chân vọng, trừ-khứ điên-đảo, khiến cho tâm thanh-tĩnh để cùng thực-tại nhất trí, thế là giải-thoát.

5• Chân-ngôn tông.— Tông này căn-cứ ở Đại-nhật kinh, lấy bí-mật chân-ngôn làm tông-chỉ, cho nên gọi là Chân-ngôn tông hay là Mật-tông.

Đại Nhật như-lai truyền cho Kim Cương tát đóa. Kim-Cương tát-đóa truyền cho Long Thọ. Long Thọ truyền cho Long Trí. Long Trí truyền cho Kim Cương Trí. Kim Cương Trí cùng với Bất Không vào khoảng đời Đường đem tông này truyền sang Tàu.

Chân-ngôn tông chủ-trương cái thuyết Lục-đại là: địa, thủy, hỏa, phong, không, thức, cho Lục-đại là thực-thể của vũ-trụ.

Lục-đại, xét về phương-diện vũ-trụ thì gọi là thể-đại, hiện ra hình-hài gọi là tướng-đại, hiện ra ngôn-ngữ động-tác gọi là dụng-đại. Vạn hữu trong vũ-trụ không có gì ra ngoài thể-đại, tướng-đại và dụng-đại.

Gọi là chân-như là lấy lý-tính do Lục-đại mà trừu-tượng ra. Ngoài Lục-đại ra không thấy đâu là chân-như.

Sự giải-thoát của Chân-ngôn tông là ở nơi « tự thân thành Phật », cho nên bỏ hết chấp trược mà theo cái hoạt-động của đại-ngã (paramâtman). Phương-thức giải-thoát của tông này là tam mật tức là: thân, khẩu, ý.

6• Thiền-tông. — Tông này từ trước thuộc về Không-bộ bên Tiểu-thặng, cho nên mới xướng lên cái thuyết « bất lập văn-tự ». Thiền-tông không bàn-luận về vũ-trụ, chỉ chủ ở sự cầu được giải-thoát mà thôi.

Vì Thiền-tông đã không lập văn-tự, thì chỉ lấy « tâm truyền tâm » mà thôi. Thực-tướng của vũ-trụ thuộc về phạm-vi trực-giác (intuition). Nếu lấy văn-tự mà giải-thích, thì tất là sa vào hiện-tượng-giới, không thể đạt tới thực-tướng được. Phi tọa-thiền và trực-giác, thì không sao biết được thực-tướng.

7• Tĩnh-thổ tông.— Tĩnh-thổ tông lấy sự qui-y Tĩnh-thổ làm mục-đích và tụng những kinh Vô-lương-thọ, Quan vô-lượng thọA di-dà.

Tĩnh-thổ tông khởi phát từ đời nào không rõ, chỉ thấy trong các kinh-điển nói Mã Minh bồ-tát, Long Thọ bồ-tác và Thế Thân bồ-tát đều khuyên người ta nên tu Tĩnh-thổ. Có lẽ ngay từ lúc đầu, phái Đại-thặng trong Phật-giáo đã có ý-tưởng thần-hóa đức Thích-ca như các vị Phật tối cao trong thần-thoại.

Tĩnh-thổ tông cho rằng mỗi người ai cũng có phật-tính, đều có thể thành Phật được. Vì ở thế-gian là dơ-bẩn, cho nên cầu đến cõi trong-sạch là cõi Tây-phương cực lạc.