Phật giáo triết học/I-5
Phật giáo phân phái.
Trong giáo đoàn nào cũng vậy, đương khi giáo chủ còn tại thế, chưa ắt môn đệ đã theo hết về một tư tưởng, huống chi khi giáo chủ đã mất rồi. Tăng già của phật giáo, kết tập lần thứ hai ở Vesali, một trăm năm sau khi Phật nhập diệt, đã chia rẽ ra làm hai phái: thượng tòa và đại chúng. Đều ấy, trên đây đã có nói qua. Nếu không gặp được vua Açoka, là người có tài đức lớn, thì tăng già chắc đã không được đoàn kết chặc lại một thời, mà đã phải phân phái ra manh mún từ cuộc kết tập lần thứ hai. Nhưng, lẽ đời, hai cái khuynh hướng bảo thủ với tự do có bao giờ cùng làm bạn lâu dài được. Trong tăng già, bảo thủ là phái thượng tòa tự cho mình là chánh thống; tự do là phái đại chúng. Phái sau nầy ta gọi nó là tự do, vì nó chủ trương khoan đại trong khi giải thích giới luật. Và ta gọi nó là phái đại chúng, vì bởi nó dung nạp bất câu là phần tử nào trong xã hội muốn qui y. Nó không như phái thượng tòa chỉ nhận cho vào tăng già những vị bhiksu mà thôi. Bhiksu (tỳ khưu) là nhà tu hành đi xin ăn.
Vào khoảng trước sau thời Açoka, hai phái thượng tòa với đại chúng tranh luận nhau náo nhiệt. Mỗi phái mỗi phát biểu tư tưởng kiến giải của mình, mỗi biên thuật thành sách vở rất nhiều. Cho đến khi có cuộc « Đại thiên vận động » thì hai phái toàn nhiên phân biệt, chẳng dung nhau được nữa, Đó rồi mà mãi cho đến bốn trăm năm sau khi Phật nhập diệt, tăng già phân phái ra có đến hai mươi bộ: thượng tòa mười một bộ, đại chúng chín bộ.
Mặc dầu có phân phái xa nhiều đến hai mươi bộ như thế, cũng không ngoài hai xu hướng bảo thủ và tấn thủ. Hai phái khác nhau, đại lược như vầy:
Về phương diện hình-nhi-thượng, phái bảo thủ chủ trương « hữu luận », phái tấn thủ chủ trương « không luận ».
Về phương diện thật hành giới luật, phái bảo thủ chủ trương giữ giáo quyền một cách nghiêm khắc, phái tấn thủ chủ trương tự do khoan dung.
Phái bảo thủ cho rằng Çâkya Muni chỉ là một người có hạn, mà phái tấn thủ thì cho rằng Çâkya Muni kết hiệp với vũ trụ, tức là họ khuynh về chỗ thần hóa Çâkya Muni.
Phái bảo thủ mỗi khi giải thích điều gì mỗi bo-bo giữ lấy giáo điều, phái tấn-thủ lại thích đứng về phương diện triết học, tự do thảo cứu.
Giữa hai nguồn tư tưởng hữu luận và không luận, lại còn có nguồn tư tưởng chủ trương chẳng « hữu » chẳng « không ». Ấy là nguồn tư tưởng « trung luận ».
Nguồn tư tưởng hữu luận có thống nhứt là nhờ bộ Mahâvibhâsâ thảo ra trong kỳ kết tập thứ tư. Nguồn tư tưởng nầy trọng yếu hơn cả trong thời kỳ gọi là « Tiểu thừa phật giáo », tức là thời kỳ chạy dài lối năm trăm năm sau khi Phật nhập diệt.
Vào khoảng năm trăm năm sau khi Phật nhập diệt có Mã Minh bồ tát ra đời, đặt ra bộ Đại Thừa Khởi Tín Luận Bắt đầu từ đây trong Phật giáo phân ra đại thừa và tiểu thừa. Một trăm năm sau nữa, có Long Thọ bồ tát ra đời, đặt ra bộ Trung Quan Luận. Ba trăm năm sau nữa, tức là sáu trăm năm sau khi Phật nhập diệt, có hai anh em Vô Trước và Thế Thân ra đời. Vô Trước đặt ra bộ Nhiếp Đại Thừa Luận. Về sau đại thừa phập giáo hưng thạnh lên mà phân phái ra nhiều tông, nhưng cũng lấy đấy làm nguồn cội.
Đại thừa và tiểu thừa đã phân liệt ra rồi, thì chỉ trích bài xích nhau kịch liệt. Cho đến đỗi phái tiểu thừa cho rằng phái đại thừa là quên mất lời Phật thuyết pháp, còn phái đại thừa thì lại cho rằng phái tiểu thừa là theo về với ngoại đạo.
Nay hãy kể ra những tông phái Phật giáo.
Phật giáo phân ra mười mấy tông. Phần nhiều lấy nguồn gốc ở mấy vị bồ-tát Mã Minh, Long Thọ và Vô Trước Thế Thân.
Mã Minh tạo bộ Đại Thừa Khởi Tín Luận. Sau có Kiên Tuệ tạo Pháp Giới Vô Sai Biệt Luận thuật lại đại chỉ của học thuyết Mã Minh. Gốc ở những bộ luận nầy, là Như Lai Tạng Duyên Khởi Tông.
Long Thọ truyền tụng kinh Hoa Nghiêm. Lấy kinh nầy làm gốc, là Hoa Nghiêm tông.
Long Thọ tự tạo ra Trung Luận, Thập Nhị Môn Luận và Thập trụ Luận truyền cho hai người cao-đệ là Đề Bà và Long Trí. — Đề Bà tạo ra Bách Luận, sau Cưu Ma La Thập (Kumârajiva) dịch ra chữ tàu truyền nhâp nước Tàu. Theo ba bộ Trung Luận, Thập Nhị Môn Luận và Bách Luận, là Tam Luận Tông. Cũng tông nầy mà lấy các kinh Bát Nhã làm gốc, thì gọi là Bát Nhã tông và khi đối với Tướng tông người ta cũng gọi nó là Tánh tông, hoặc Không tông.
Tam Luận tông (hay là Bát nhã tông, hay là Tánh tông, hay là Không tông) thờ tổ là Văn Thù bồ-tát (Manjuçri boddhisattva).
Cũng thì Long Thọ mà truyền cho Long Trí thì truyền Mật tông. Long Trí truyền lại cho Kim Cương Trí, lập thành tông gọi là Chân Ngôn tông, hoặc Mật tông.
Rồi cũng Long Trí, theo dõi Long Thọ, lại truyền Không tông cho Thanh Biện (một ngàn một trăm năm sau khi Phật nhập diệt). Thanh Biện tạo ra Đại Thừa Chưởng Trân Luận để đáp lại Hộ Pháp (Xem xuống dưới). Kế Thanh Biện có Trí Quang.
Vô Trước truyền tụng Du-Già Sư-Địa Luận (Yogacârya bhûmi çâstra) và tự tạo ra Nhiếp Đại Thừa Luận cùng Kim Cương Bát Nhã Luận. Theo Du Già Sư Địa Luận là Du Già Tông. Tông nầy cũng gọi là Duy Thức tông, và khi đối với Tánh tông thì gọi là Tướng tông. Vốn khởi tự Vô Trước mà qua đến thời Thế Thân, là em Vô Trước, mới thật hưng vượng.
Theo Triếp Đại Thừa Luận của Vô Trước là Triếp Luận Tông. Bộ luận nầy nhờ có Trần Chân Đề tam tạng dịch ra chữ tàu truyền nhập nước Tàu.
Thế Thân, là em Vô Trước, tạo ra Duy Thức Luận và Kim Cương Bát Nhã Kinh Luận. Hộ Pháp theo học của Thế Thân mà tạo ra Duy Thức Thích Luận để bác Không tông. Hộ Pháp truyền học cho Giới Hiền. Thuở Huyền Trang qua Ấn độ thì Giới Hiền và Trí Quang (xem lên trên) cùng đều được hoan nghinh trong nước, mỗi người có đến những ngàn đệ tử. Hai ông Trí Quang và Giới Hiền đều muốn truyền học cho Huyền Trang. Nhưng Huyền Trang chỉ theo học với Giới Hiền, sau đem Tướng tông về truyền ở nước Tàu.
Thời Bắc Tề, ở nước Tàu có Tuệ Văn thiền sư tâm đắc nơi bộ Trung Luận của Long Thọ. Tuệ Văn truyền học lần xuống tới Trí Giả đại sư, thì đạo được hiển to. Đại sư ở núi Thiên Thai (tỉnh Chiết Giang) cho nên tông của đại sư gọi là Thiên Thai tông. Tông nầy chuyên tập thiền định, và bởi tụng kinh Pháp Hoa, cho nên cũng gọi là Pháp Hoa tông.
Theo kinh Đại Niết Bàn là Niết Bàn Tông, theo Luật Tạng là Luật tông.
Tịnh Thổ tông tụng các kinh Vô Lượng Thọ, Quan Vô Lượng Thọ và A-Di-Đà. Các vị bồ tát Mã Minh, Long Thọ, Thế Thân đều có khuyên tu tịnh thổ. Tịnh thổ là cõi các vị Phật bồ-tát ở. Gọi là « tịnh » vì lấy cái nghĩa trang nghiêm, trong sạch, không có phiền não.
Tông nầy chuyên tâm niệm Phật, cầu cho được vãng sanh nơi tịnh-thổ.
Còn có một tông, chủ trương không lập văn tự, gọi là Thiền tông. Thiền là gọi tắt tiếng thiền-na (dhyâna), nghĩa là chú tấm ở một chỗ một, minh tưởng lấy diệu lý của nó. Truyền Đăng Lục chép rằng: một khi hội trên núi Linh Thứu, Phật Çâkya Muni cầm một cành hoa nhìn cử tọa, ai ai cũng mặc nhiên, duy có Mahâkâçyapa (Ma-ha Ca Diếp) trông thấy chúm chím cười. Phật bèn phú cho « chánh pháp nhãn tạng » và truyền y bát cho. — Y bát nầy, sau truyền sang nước Tàu. Nhân thời Lương Võ Đế, vua có rước Bôdhidharma đại sư (Đạt-Ma đại sư) về Tàu.
Đại sư đến Kim Lăng vào năm 520 sau chúa Jésus giáng sanh, cùng vua nói chuyện phật lý, không được hài lòng, bỏ sang nước Ngụy, vào chùa Thiếu Lâm, ở núi Tung Sơn, chín năm trời day mặt vào vách, rồi tịch vào năm 529. Đại sư là đệ nhứt tổ của Thiền tông bên Tàu vậy. Đại sư truyền y bát ở đây sáu đời: một là đại sư, hai Tuệ Khả, ba Tăng Xán, bốn Đạo Tín, năm Hoằng Nhẫn, sáu Tuệ Năng. Ông sau nầy cho rằng tín căn của đệ tử mình đã thuần thục rồi, không cần phải truyền y bát nữa. Từ đấy y bát thất truyền.