Phật giáo triết học/II-1

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

PHẦN THỨ HAI

TRIẾT HỌC CỦA NGUYÊN
THỈ PHẬT GIÁO

Nguyên thỉ Phật giáo triết học

Lịch sử phát triển của Phật giáo đã lược thuật rồi, bây giờ ta hãy xét qua triết học nhà Phật buổi đầu của nó

Từ xưa đến nay, tư tưởng của nhân loại hễ khai phát ra là tìm đường cắt nghĩa hiện tượng quanh mình trước hết, rồi sau tất bước tới một bước nữa mà khảo sát thật tại (le réel). Bao giờ cho thấy được mối quan hệ giữa hiện tượng và thật tại thì mới bằng lòng. Cắt nghĩa chi có được không? Con người vẫn suy nghĩ về chỗ ấy luôn, thành ra trong triết học lại thêm một vấn đề quan trọng nữa, là vấn đề nhận thức cùng giới hạn của nhận thức. Triết học chỉ quanh quẩn theo mấy vấn đề trên đó, mà không biết bao giờ nó cáo thành.

Phật giáo, về phương diện triết học, cũng thảo cứu các vấn đề ấy. Nhưng trong buổi đầu nó chỉ đứng về phương diện tiêu cực mà thuyết minh hiện tượng. Nói cho đúng, thời kỳ ấy, Phật giáo còn chuyên về mặc đạo đức, cốt tìm đường giải thoát nỗi khổ ở đời, chớ chưa ra vẻ một nền triết học. Chỉ về sau, nhân trải qua thời gian dài dặc, nhân vì thời thế đổi thay, tri thức của con người có phát đạt, phái Phật giáo mới lấy làm bất mãn về những chỗ kém cỏi các giáo phái khác trong khi nghị luận. Bởi đó nó không thể không đứng về phương diện tích cực mà khảo sát thật tại. Còn như đối với giáo quyền bó buộc thì làm sao? Lẽ tự nhiên là luật tấn hóa dẫn tư tưởng đến chỗ thoát ly giáo quyền để tự do thảo cứu. Tất như phái đại chúng trong thời tiểu thừa Phật giáo. Bao nhiêu những tư tưởng mới, ngấm ngầm trong phái đại chúng, sau nhờ thời thế đổi thay rồi sẽ bùng ra do tay Mã Minh bồ tát. Vị bồ tát nầy thật là một vĩ nhân đã đưa Phật giáo từ tiểu thừa qua đại thừa. Nhưng nếu bảo rằng Mã Minh bồ tát là kẻ sáng lập ra đại thừa Phật giáo, thì hẳn có sai lầm. Nguyên lai, đại thừa phật giáo đã nhóm lên từ trong phái đại chúng. Mã Minh bồ tát chỉ là đại biểu cho tư tưởng đại thừa mà thôi: Hoàn cảnh tạo nên người, há dễ người tạo nên hoàn cảnh.

Mã Minh được vua Kanishka đón về làm thầy. Vua là người rất sùng Phật giáo. Nhưng trong nước phái thượng tòa có thế lực rất mạnh. Mã Minh thì lại là sanh trưởng trong xứ theo phái đại chúng, nhiễm tư tưởng của phái nầy. Như thế sao cho khỏi bị phái thượng tòa phản đối. Song mà thuở Mã Minh về đất thượng tòa, thì gặp phong trào phản đối bộ luận Mahâvibhâsa. Người bèn thừa cơ gom góp hết các tư tưởng, và bổ túc thêm, lập thành nền tư tưởng riêng, mà lý-tưởng hóa Çâkya Muni.

Bấy giờ cách thời Çâkya Muni đã năm trăm năm rồi. Nhân cách của Phật cũng dễ mà lẫn vào trong lý tưởng, vào trong thần bí, vào trong thần cách. Mã Minh bồ tát chẳng những là một đạo sư rất nhiệt thành của Phật giáo, mà lại còn là một thi nhân rất hùng hồn. Bồ tát lấy tài mình mà thi hóa Çâkya Muni, làm cho con người trong lịch sử ấy, lại bị trùm vào trong thần cách.

Như muốn xem Mã Minh bồ tát là tỵ tổ của đại thừa Phật giáo, ta chỉ nên xem về phương diện thi-hóa Çâkya Muni, chớ còn về phương diện triết học của đại thừa phật giáo, thật là không phải bồ tát xứng danh tỵ tổ.

Trên cõi bắc xứ Ấn độ, lấn phái thượng tòa mà vượt lên, làm cho tư tưởng phái đại chúng hưng khởi, ấy là Mã Minh bồ tát. Đồng thời tại cõi nam xứ Ấn độ tư tưởng phái đại chúng cũng phát lên cao. Vào khoảng sáu trăm năm sau khi Phật nhập diệt, tức vào khoảng thế kỷ thứ hai của tây nguyên, ở cõi nam xứ Ấn độ có Long Thọ bồ tát ra đời.

Long Thọ (Nâgârjuna) thật là xứng huy hiệu tổ sư của đại thừa Phật giáo. Bồ tát làm cho những nguồn tư tưởng trái ngược nhau, không tương dung nhau, như hữu luận, không luận, hiển giáo, mật giáo, lại nghe theo bồ tát. Được như thế là cũng nhân thời thế xui nên. Số là trong khoản trước sau thời Long Thọ ra đời đại thừa giáo đương mở mang. Đại khái trạng huống của đại thừa giáo bấy giờ nó như thế nầy:

Trong thời Çâkya Muni còn tại thế, lòng người yếu ớt, trước những cảnh xã hội bất bình khổ não, người ta chỉ đứng về phương diện tiêu cực mà tìm đường giải thoát. Nhưng mà một thể tiêu cực bao giờ làm được người thỏa mãn. Cho nên lần lần rồi người ta cũng đi đến chỗ tích cực, đến chỗ hành động.

Kịp đến khi nhân trí mở mang thêm, tư tưởng càng ngày càng phức tạp,— khi ấy những luận tiêu cực tích cực cùng đi đôi, mà ngụy biện lưu hành: nào là lấy thuyết tiêu cực phê bình tích cực luận, nào là lấy tích cực thuyết phê bình tiêu cực luận. Rối ren chằng chịt một thời.

Lại như nhị nguyên luận (dualisme) của phái Số luận (Samkhya), nguyên tử luận (atomisme) của phái Thắng luận (Vaisesika) cùng ngũ uẩn pháp của Phật giáo, đều lần lượt bị người ta chỉ trích, mà nhứt nguyên luận của phái Veda được phát đạt. Nhứt nguyên luận rồi sẽ đi đến vạn hữu thần luận.

Long Thọ ra đời, thuyết không luận, là luận về giới hạn của nhận thức, và thuyết hữu luận là để thuyết minh cái thể động của thật tại. Hữu không gồm hai. Một phương diện làm cho hoàn thành vạn hữu thần luận, (là cái triết học gốc cội của xứ Ấn độ.) Một phương diện làm cho trùng hưng nghị luận về phương thức giải thoát của những phái thiền tông, tịnh thổ tông, mật tông.

Long Thọ thâu hết vào một mối những khuynh hướng khác nhau như thế, thì đại thừa phật giáo thời ấy cũng chưa phân phái ra.

Từ Long Thọ cho chí thời đại của Vô Trước Thế Thân hai nguồn luận hữu không, chẳng qua là một cách thuyết minh thật tướng (le réel) mà thôi, cũng còn chưa có chia ra giáo phái giáo hệ gì. Mãi cho đến thời đại Hộ Pháp, (đệ tử của Thế Thân), lối một ngàn một trăm năm sau khi Phật nhập diệp, nghĩa là vào lối thế kỷ thứ năm hay thứ sáu, các tông mới phân ra, chuyên khải phát mỗi tông mỗi phương diện riêng. Đại thừa phật giáo bấy giờ đã phân phái ra thì cùng nhau tranh luận không dừng.

Long Thọ gồm thâu về một mối thị phật giáo được một thời mạnh mẽ. Sau rồi cũng lần lần yếu đi. Qua đến thế kỷ thứ tư, tức là tám trăm năm sau khi Phật nhập diệt có hai anh em Vô Trước và Thế Thân ra đời, làm cho đại thừa phật giáo lại sáng tỏ lên.

Thế Thân bồ tát trước học theo hữu bộ trong tiểu thừa, viết ra bộ Câu Xá Luận. Đồng thời với Thế Thân, mà ở về không bộ trong tiểu thừa, có Ha Lê Bạt Ma, viết ra bộ Thành Thật Luận. Hai bộ Câu Xá LuậnThành Thật Luận, giãi bày hai thuyết hữu và không, người ta gọi nó là « tiểu thừa song bích. » Bên đại thừa thì không luận có Bát Nhã, hữu luận có Hoa Nghiêm.

Thế Thân rồi sau lại ngã theo thuyết của Vô Trước (Asangha) mới cải nhập đại thừa. Hai anh em nhân thật tại luận và duyên khởi luận trong đại thừa phật giáo thuở trước mình, mà đi tới một bước nữa, nghiên cứu nhận thức luận, tìm chỗ quan hệ của chủ quan với khách quan trong nhận thức. Sau rồi khuynh về chủ quan luận, là cái tư tưởng căn bổn của xứ Ấn độ. Về phương diện tôn giáo hai anh em xướng đạo phép du-già (Yôga) tức là phép minh tưởng để cầu được thần lực bí mật, mà tìm cách giải thoát.

Chủ quan luận nầy về các đời sau, đến thời Hộ Pháp và Giới Hiền, thành ra duy tâm luận, mà nhận thức luận trở nên phiền toái quá lẽ. Môn đồ của Hộ Pháp khuynh hướng về đa nguyên duy thức (pluralisme) và đối với chủ quan luận họ chủ trương cực đoan duy tâm luận (idéalisme absolu), mà khai sáng ra tuyệt đối thật tại luận (réalisme). Bề trong vẫn còn nhị nguyên luận, tức là dung nạp phiếm thần luận.

Lại còn có môn đồ của Long Thọ, về phái Đề Bà cực đoan chủ trương rằng nhứt thiết điều gì cũng không thể nhận thức được. Nối dõi theo thuyết nầy có Thanh Biện và Trí Quang chủ trương không luận. Phái nầy tức là phái đối trĩ với phái hữu bộ của hai ông Hộ Pháp và Giới Hiền. Đại thừa phật giáo, với hai phái nầy, hiển nhiên phân ra hai giáo hệ hữu với không, cùng nhau chống chọi. (Trên kia đã nói Hộ Pháp tạo ra Duy Thức Thích Luận để bác Không tông, và Thanh Biện tạo ra Đại Thừa Chưởng Trân Luận để đáp lại Hộ Pháp.)

Thời ấy lại có môn đệ của Thế Thân là Trần Na (Jina) cải chánh Nhân Minh Luận. Còn môn đệ của Long Thọ có phái của Long Trí rất gần gũi với ấn-độ-giáo (hindouisme), tổ thành mật giáo khuynh về thần bí (mysticisme ésotérique).

Một phía khác, nhân vì từ xưa xứ Ấn-độ, theo tư tưởng của kinh Veda, tin rằng khi chết sẽ trở về Brahma hưởng khoái lạc, cho nên xích qua một chút là phật giáo đi tới chỗ thiền định, và tới chỗ niệm Phật cầu vãng sanh nơi tịnh thổ.

Trước khi nghiên cứu về triết học trong phật giáo, đã nhắc lại cuộc chuyển biến trong tư tưởng giới như thế nào Nay hãy dở lại những vấn đề triết học mà Phật giáo có đá động đến.