Phật giáo triết học/II-2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Vấn đề tâm và vật. — Phật giáo vốn phân thừa chia phái ra nhiều như trên đã thuật, thì về bất kỳ vấn đề triết học nào tất cũng có nhiều kiến giải. Rằng có, rằng không, phía nào trong phật giáo cũng đều có chủ trương cả. Nguyên thỉ phật giáo, với phật giáo mấy thế kỷ sau khi Phật nhập diệp có khác nhau xa. Đến như Phật giáo ở Ấn-độ với Phật giáo các nước khác, như nước Tàu, nước Nhựt, chẳng hạn, cũng chẳng hề đồng nhau. Nhân thời gian xa cách, nhân không gian trở đương, nhân tập tục xã hội mỗi nơi mỗi khác, mà phật giáo vào mỗi cảnh mỗi có đổi sắc thể.

Về vấn đề tâm và vật, nguyên thỉ phật giáo chủ trương như sẽ thuật sau đây.

Vấn đề tâm và vật, cũng gọi là vấn đề linh hồn và thể phách. Đối với Phật giáo, linh hồn và thể phách là hai nguồn hiện tượng, hai nguồn cảm giác, hai nguồn biến chuyển tương thừa, tương tiếp nhau vô cùng, làm ra sanh thành bất tận. Nhận thức là cái môi giới giữa tâm và vật. Nhận thức ấy cũng lưu động biến chuyển. Đặc sắc của phật giáo triết học là có những cái cảm giác có khách (đối tượng, objet) mà không có chủ. Xem như truyện sau nầy:

Vào khoảng thế kỷ thứ nhứt trước chúa Jésus giáng sanh, có một ông vua người Hy-lạp, tên là Milinda, đến viếng vị la-hán Nâgasena. Sau khi vái chào vị la-hán Nâgasena rồi, vua ngồi một bên la-hán: La hán đáp lễ lại. Xong rồi lễ nghĩa hai bên ông vua Milinda mới hỏi vị la-hán Nâgasena. « Bạch ngài, ngài danh hiệu là gì? — Tâu bệ hạ, bạn đồng đạo tôi gọi tôi là Nâgasena. Nhưng đó chỉ là một cái dấu hiệu, một tiếng gọi. Nâgasena chỉ là một cái tiếng mà thôi. Chớ ở đây không có người Nâgasena.» Vua Milinda ngạc nhiên, hỏi kẻ tùy tùng, có thể nào nhận được việc quái lạ như thế không? Rồi vua lại hỏi: Nếu không có người Nâgasena thì tóc kia phải của Nâgasena không? Trả lời không. — Lông kia phải của Nâgasena không? Cũng trả lời không. Da, thịt, xương, gân, gan, ruột, kia có phải là Nâgasena không? Cũng một mực trả lời rằng không. Vua Milinda hỏi phăn tới: hình sắc kia có phải Nâgasena không? — Tâu vua không — Cảm giác kia có phải Nâgasena không? — Tâu vua không. — Nhận thức kia có phải Nâgasena không? — Tâu vua cũng không. — Trí tuệ kia có phải Nâgasena không? — Tâu vua không. — Thế thì không có cái chi là Nâgasena cả, vậy Nâgasena là gì? — Tâu vua, là không gì cả. — Thế thì Nâgasena chỉ là một cái tiếng không không vậy thôi sao? Tôi e ngài nói dối, khi ngài nói không có Nâgasena, không có gì là Nâgasena cả.

Nhưng Nâgasena hỏi lại vua Milinda: « Tâu vua, vua đến đây đi bộ hay đi xe? — Vua đáp đi xe. — Vua bảo rằng vua đi xe mà đến, vậy xin hỏi vua: Xe là gì? Phải cây gọng là xe không? — Không. — Phải cây ví là xe không? — Không. — Phải bánh xe là xe không? — Không. — Phải cây ách là xe không? — Không. — Phải cái thùng xe là xe không? — Không. — Phải dây cương là xe không? — Không.» — Hỏi mãi như thế cũng không có chi mà vua Milinda chỉ được là xe. Nâgasena bèn nói: « Tâu vua, tôi cạn lời hỏi, mà vua không đáp được cái gì là xe. Vậy thì tiếng « xe » của vua chẳng là một cái tiếng không không vậy thôi sao? Tôi e vua nói dối khi vua nói không có gì là xe cả.

Bấy giờ vua Milinda hiểu rằng chỉ có cái tiếng không không, chớ không có chủ (il n’y a pas de sujet). Bao nhiêu những bộ phận của một cái xe, hiệp lại gọi là xe. Như thế, theo thường tục, hễ có nguyên tố là có vật. Nghĩa là có sắc tướng là có bổn thể. Nhưng sắc tướng ấy không phải là bổn thể.

Chủ trương như thế, là chủ trương cực để duy tâm. Xem như bảy chỗ hỏi « tâm » trong kinh Lăng Nghiêm, thì đủ rõ cái duy tâm ấy nó như thế nào. Tâm không phải ở trong ta, cũng không phải ở ngoài ta, nó không ở đâu cả.