Bước tới nội dung

Phật giáo triết học/II-3

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Ngũ uẩn. — Ngũ uẩn là năm cái thuộc tánh của vật có tri thức. Nó là sắc (rûpa), tức là sắc tướng (la forme); thọ (vêdanâ), tức là tri giác (la perception); tưởng (sanjnâ), tức là ý thức (la conscience); hành (karma, hay samskârâs). tức là hành động (l'action) và thức (vijnâna), tức là nhận thức (la connaissance)

Vật nào có tri thức là có năm thuộc tánh trên đó. Như con người. Một khi đã chết rồi, thì năm thuộc tánh ấy tiêu tan đi. Nhưng vì bởi cái nghiệp đã tạo khi còn sống, cho nên khi chết rồi ngũ uẩn kết hiệp lại cách khác, vãng sanh ở thế giới khác. Bây giờ tuy ngũ uẩn có khác, tuy sắc tướng có khác, kỳ thật người đã chết rồi với người mới, chỉ là một mà thôi, vì cái nghiệp có một. Nghiệp cũng như là sợi kinh giữ vật có tri thức còn đồng nhứt mãi trong khi nó biến chuyển luôn ở kiếp luân hồi. Vì thế cho nên, mặc dầu, nơi vật có tri thức, ngũ uẩn tiêu tan đi, khi vật đã chết, nhưng không phải có chỗ nào gián đoạn trong kiếp luân hồi của nó. Chỉ thoát được luân hồi là khi nào tu hành được đến bực la hán (arhat), diệt được nghiệp. Một vị la hán, khi đã chết rồi, chẳng những ngũ uẩn tiêu tan, mà cái đời cũng dứt hẳn. (Người thường, thì còn phải luân hồi mãi.)

Ngũ uẩn như thế, nó không ở mãi nơi một vật có tri thức, mà vật có tri thức dẫu chết rồi cũng không khác mình kiếp vừa qua, vì bởi ngũ uẩn tuy hiệp lại cách khác, nhưng cái nghiệp còn nối theo.

Thuyết luân hồi ấy làm cho ta thêm rõ vì sao ở đoạn trước Nâgasena bảo rằng không có gì là Nâgasena cả! Bởi cái ngũ uẩn của Nâgasena là giả hiệp mà thôi.