Phật giáo triết học/IV-8
Chân Ngôn tông.
Chân Ngôn tông căn cứ nơi Đại Nhựt Kinh. Tông nầy lấy bí mật chân ngôn làm tông chỉ cho nên gọi là Chân ngôn tông, hoặc cũng gọi là Mật Tông.
Đại Nhựt như lai truyền tông nầy cho Kim-Cương Toát Đoá. Kim Cương Toát đoá truyền cho Long Thọ. Long Thọ truyền cho Long Trí, Long Trí truyền lại cho Kim Cương Trí.
Đời Đường Kim Cương Trí cùng với Bất Không sang nước Tàu. Bất Không thạo tiếng tàu, hai người cùng dịch kinh luận truyền nhập nước Tàu.
Thế giới quan. — Chân ngôn tông chủ trương lục đại. Lục đại là: địa, thủy, hỏa, phong, không, thức. Lục đại là chân thật thể của vũ trụ. Nó là bổn nguyên của các tánh năng sanh, năng lưu. Xét về phương diện vũ trụ, thì lục đại gọi là thể đại (lục đại của thật thể của vũ trụ)
Lục đại ấy hiện ra hình hài của ta gọi là tướng đại. Hiện ra ngôn ngữ động tác thì gọi là dụng đại.
Thể đại, tướng đại, dụng đại, ba loại ấy, lấy một là rõ cả ba. Ngoài thể đại, tướng, dụng không có được. Ngoài tướng đại thì thể, dụng không có chỗ nào nắm giữ được.
Vũ trụ vạn hữu không có gì là ra khỏi thể đại, tướng đại, dụng đại.
Gọi là chân như, chẳng qua đó là lý tánh nhân lục đại mà trừu tượng ra. Chân như rời lục đại không cầu đâu mà được, chân như ra ngoài tướng dụng không thể tồn tại.
Lục đại, rốt lại, chỉ là tâm vật nhị nguyên (Địa, thủy, hỏa, phong là vật; không, thức, là tâm.) Lục đại thật là vật thường thức.
Thế giới quan của Chân ngôn tông thật là thường thức. Nó phủ định nguyên tố nguyên tử của khoa học. Tuy nó chủ trương lục đại, xem như là đa nguyên, kỳ thật nó là vật tâm nhị nguyên luận.
Vật tâm nhị nguyên ấy, lại chỉ là trí lự của ta phân biệt ra như thế. Nếu theo phương diện sai biệt mà quan sát nó, thì uyển nhiên có phân biệt như thế.
Nếu theo phương diện bình đẳng mà quan sát nó, thì nó là bình đẳng, là nhứt như.
Gọi rằng vật, gọi rằng tâm, gọi rằng khách quan, gọi rằng chủ quan, kết cuộc chỉ là thật tại nhứt-như mà thôi.
Như thế, một mảy lông, một hột bụi, cũng là cái tướng của thật tại, có gì là không phải lục đại sở sanh.
Tóm lại, do sự tượng mà trừu tượng ra cái đó là lý tánh. Lý tánh chỉ tồn tại nơi sự tượng. Chân ngôn tông chủ thuyết bấy nhiêu ấy.
Nhân sanh quan.— Con người, hoặc nữa là xã hội, tất có thiện, ác, hai mặt. Cái đó gọi là « các các tự kiến lập. » Phàm, thánh, phân ra; là do nơi trình độ chấp trước, nghĩa là cố giữ quan điểm của mình. Ấy gọi là « các các thủ tự tánh.»
Thánh nhân cũng có tam độc, là tham, sân, si, như chúng phàm chớ khác gì. Nhưng mà chỗ đặc sắc của thánh nhân là tam độc không phải bởi tiểu ngã (jîvâtman) hành sử mà có, nhưng hành sử bởi xã hội, bởi vạn chúng.
Thế cho nên đại tham, đại si, ấy là tịnh bồ đề tâm. (Bồ đề: bôdhi, là chánh giác.) Ấy gọi là tam-ma-địa (Samâdhi: cái thể tịch tịnh, hay là chánh định.)
Thánh nhân biết cái quả ở vị lai, nên chú ý đến cái nhân ở hiện tại. Thế là quan-thế chủ nghĩa, rất là lạc thiên (optimiste).
Phật pháp không xa, nó ở tại lòng ta. Như thế toan xá thân để cầu gì?
Giải thoát luận. — Chủ chỉ của giải thoát luận, nơi Chân ngôn tông, là ở nơi « tức thân thành phật », cho nên nó bỏ chấp trước mà theo hoạt động của đại ngã (paramâtman).
Phương thức giải thoát của tông nầy là tam mật.
Tam mật tức là thân, khẩu, ý.