Phật giáo triết học/IV-9
Thiền tông.
Thiền tông do Đạt-Ma (Bôdhidharma) truyền lại. Nguyên buổi đầu nó thuộc về Không Bộ.
Thiền tông xướng lên cái thuyết « bất lập văn tự ». Cho nên không có luận về thế giới, cùng nhân sanh. Tông nầy chủ ở sự giải thoát mà thôi.
Một ngày tọa thiền, là một ngày phật. Một đời tọa thiền, là một đời phật. Cái ý giải thoát như thế. Nhưng mà nói đến Niết bàn, chẳng qua là một thái độ tiêu cực, phủ định cái hiện tại bất hoàn toàn nầy, phủ định cái tiểu ngã bất hoàn toàn nầy.
Đã chủ trương không lập văn tự, thì Thiền tông không có đạo nào khác hơn là « lấy tâm truyền tâm ». Thật tướng của vũ trụ, thuộc về trực quan giới (intuition). Nếu lấy văn tự mà giải thích thì ắt sa vào hiện tượ g giới, không thể đạt đến thật tướng.
Thật tướng như thế nào? Chỉ có tọa thiền trực giác biết được mà thôi.
Về nhân sanh, Thiền tông có cái tư tưởng như sau: Tiên thiên bổn lai là không. Chỉ vì ta cứ ở sự thật hậu thiên ta mới chấp hữu. Không, ấy là bình đẳng. Hữu, ấy là sai biệt. Sai biệt sanh ra bởi vọng lự. Vọng lự hết, thì bình đẳng tuyệt đối.
Nhân sanh quan của Thiền tông, rốt lại là phủ định sự chấp trước. Từ vô ngã phát ra đại ngã, từ vô vi phát ra đại vi, gọi rằng: « không » ấy là căn bổn của đại hữu.
Nhưng mà đại ngã, đại vi, không phải bài xích tiểu ngã, tiểu vi.