Phật lục/I-1

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

I

THÍCH-CA MẦU-NI PHẬT

釋 迦 牟 尼 佛

Đức Thích-ca mầu-ni Phật (Çakyamuni) là tị-tổ[1] Phật-giáo ở thế-gian này. Ngài giáng thế từ năm nào? Xưa kia ta theo các kinh Đại-thặng ở bên Tàu, thường cho là Ngài sinh vào ngày mồng 8 tháng tư năm thứ 26 đời vua Chiêu-vương nhà Chu, là vào năm 1027 trước Tây-lịch kỷ-nguyên. Song xem các kinh truyện ở Tây-tạng, thì thấy chép rằng. Phật nhập diệt năm 544 trước Tây-lịch; ở đảo Tích-lan (Cey-lan), thì chép là năm 546; ở Diến-điện, thì chép là vào năm 481. Theo những năm ấy mà tính lên 80 năm về trước, thì Ngài sinh vào quãng năm 624, hay năm 626, hay năm 561 trước Tây-lịch. Đến ngày nay, các nhà khảo-cứu bên Âu-tây và bên Nhật-bản đều công-nhận là Ngài sinh vào khoảng năm 560 trước Tây-lịch, tức là vào đời vua Linh-vương nhà Chu bên Tàu. Còn ngày Phật giáng đản[2], thì thường nhận là ngày mồng tám tháng tư.

Sách Phật-bản-hạnh 佛 本 行 chép rằng: « Trước khi đức Thích-ca giáng sinh xuống cõi Sa-bà (Sabaloka) là cõi thế-giới ta ở đây, Ngài là Hộ-minh Bồ-tát 護 明 菩 薩 ở trên tầng trời Đâu-suất, là tầng trời thứ tư trong thế-giới. Vì Ngài thấy chúng sinh ở cõi trần, đời đời mắc phải nghiệp-báo luân-hồi, cứ chìm đắm trong bể khổ, Ngài bèn phát nguyện[3] giáng sinh mà độ thế »: Ngài giáng sinh vào đất trung Ấn-độ làm con vua Tinh-phạn (Suddhodana) ở nước Ca-bỉ-la (Kapila-vastu), họ là Cồ-đàm (Gautama), tên là Tất-đạt-đa (Siddharta). Ngài sinh được bảy ngày thì bà thân-mẫu là Ma-gia phu-nhân (Mâvâ) mất. Tĩnh phạn-vương giao cho bà dì ruột là Ba-xa-ba-đề (Pradjapati) nuôi Ngài.

Sách chép rằng: khi đức Thích-ca sinh ra, trong thế-giới có nhiều điềm lạ, như: cả trên trời dưới đất đều rung động và có ánh sáng chiếu khắp mười phương, cùng là những chuyện như có chín con rồng xuống phun nước tắm cho Ngài, và các vị thiên thần hòa nhạc tung hoa, vân vân. Ngài lại có 32 tướng lạ, đại khái như là ở trên đỉnh đầu có thịt gồ lên, mặt tròn như vành nguyệt, ở dưới trán, chỗ hai lông mày giao với nhau, có nốt thịt gọi là bạch-ngọc-hào, mũi cao, mắt xanh và sáng quắc, miệng rộng, tay dày và dài, ngực đầy-đặn có ngấn chữ vạn 卍, vân vân…

Vua Tĩnh-phạn triệu một vị tiên đến xem tướng cho Ngài, vị ấy nói rằng: « Ngày sau nếu Ngài không xuất gia đi tu, thì làm một đấng thánh vương cả thiên-hạ, mà nếu xuất gia thì thành Phật ».

Ngài lớn lên, thiên-tư rất là dĩnh-ngộ[4], học gì cũng hiểu hết thảy và lại có sức khỏe khác thường, hàng phục được những kẻ rất mạnh. Vua phong làm Thái-tử và cưới nàng Gia-du-đà-ra 耶 輸 陀 囉 (Yasodhara) cho Ngài, sau sinh ra được người con tên là Ra-hầu-la 囉 侯 羅 (Rahula).

Thiên tính Ngài vốn nhân từ, hay thương xót hết thảy mọi loài vật. Khi Ngài mới mười tuổi, một hôm đi theo phụ-vương xem dân làm ruộng, Ngài thấy người nông-phu khó-nhọc vất-vả, con trâu kéo cầy khổ-sở, chỗ đất ruộng cày lên, sâu bọ ngổn-ngang, chim-chóc tranh nhau mổ ăn. Ngài thấy cái cảnh khổ của chúng sinh như thế, lấy làm thương-xót lắm, đi tìm chỗ ngồi một mình mà nghĩ-ngợi. Về sau, khi Ngài đã lớn lên, vào quãng mười chín, hai-mươi tuổi, mấy lần đi ra chơi ngoài cửa thành, lần thì gặp người ốm lọm-khọm, lần thì gặp người có bệnh-tật đau-đớn rền-rĩ, lần thì gặp người chết, thân thích đem đi chôn, kêu gào khóc-lóc. Ngài trông thấy những cảnh khổ của người ta ở đời, rất lấy làm buồn rầu. Lần sau cùng Ngài đi chơi ra ngoài cửa thành gặp người đi tu, hình đáng đoan-trang. Ngài hiểu là chỉ có sự tu-hành mới giải-thoát được mọi sự ưu-bi khổ-não[5] ở trong thế-gian. Từ đó đêm ngày Ngài nghĩ cách xuất gia đi tu đạo.

Vua Tĩnh-phạn biết ý ấy, can ngăn mãi không được, bèn một mặt thì bày ra các trò vui chơi để Ngài khuây-khỏa đi, không nghĩ đến sự đi tu; một mặt thì xuống lệnh bắt quân lính canh phòng nghiêm-nhặt không cho Ngài đi. Nhưng việc Ngài xuất gia tu đạo là một việc nhân-duyên lớn, đến ngày giờ là Ngài phải đi. Một hôm ở trong cung mở tiệc yến, đàn-địch hát múa đến quá nửa đêm. Mọi người đều đằm-thắm say-sưa, duy chỉ có Ngài là hững-hờ như không. Đến khi tan cuộc, ai nấy về phòng riêng. Ngài đi qua trông thấy những ca-nhi mỹ-nữ khi nãy hương thơm nồng-nàn, sắc đẹp rực-rỡ, bây giờ thấy nằm ngổn-ngang, đầu tóc rũ-rợi, bồ-hôi bồ-hám nhễ-nhại, mùi hôi tanh xông lên, khác nào như một đống thây người chết. Ngài trông thấy thế, thở dài mà than rằng: « Có khác gì một đống thịt thối không! Sự ảo-vọng vô-thường ghê gớm thay! » Nói đoạn, đi gọi tên hầu ngựa thân-cận là Xa-nặc 車 匿 (Channa) bảo đóng ngựa để trốn đi. Khi sắp ra đi, Ngài ghé qua vào phòng bà Gia-du-đà-ra, mở hé cửa buồng, trông thấy vợ và con đang ngủ, Ngài thở dài mà khép cửa lại, rồi lên ngựa cùng với tên hầu ngựa đi ra ngoài thành. Nhân vì đêm hôm ấy lính canh cửa ngủ say cả, cho nên Ngài mở cửa đi không ai biết. Ra khỏi cửa thành, Ngài phát thệ[6] rằng: « Nếu ta không dứt được sự ưu-bi khổ-não và không được cái đạo vô-thượng chính-đẳng chính-giác[7] thì ta không về qua cửa này nữa ».

Ngài đi lên phía bắc, về miền núi Tuyết-sơn đến rừng khổ-hạnh, là nơi có những người đi tu ở đó. Ngài vào đó rồi cho tên hầu ngựa giắt ngựa về, và lấy gươm cắt tóc, cởi áo đổi cho người đi săn, một mình đi tìm các danh-sư tu ở vùng ấy mà hỏi đạo. Bấy giờ Ngài vừa 29 tuổi và từ đó người ta gọi Ngài là Cồ-đàm sa-môn (Çramana Cautama) và sách thì thường chép là Bồ-tát, chứ không gọi tên nữa.

Khi vua Tĩnh-phạn biết Thái-tử đã xuất gia đi tu, liền sai các quan đại-thần đi khuyên Ngài về. Ngài nhất-quyết không về. Vua biết chí Ngài đã không đổi, cho nên không nài ép nữa, bèn sai ngầm bọn Kiều-trần-như 憍 陳 如 (Kaundinya) năm người đi tu để theo hộ-trì Ngài trong sự tu-hành.

Ngài vào rừng đi tìm những bậc tiên để hỏi đạo. Trước hết Ngài đến hỏi đạo một vị tiên, tên là Bạt-ca-bà 跋 迦 婆 (Bhargava) tu phép khổ-hạnh, sau Ngài đến hỏi hai vị tiên tên là A-la-ra 阿 羅 囉 (Alara) và Ca-lam 迦 藍 (Kalâma), tu theo học-phái Tăng-kia 僧 佉 (Samkhya), sau cùng Ngài đến hỏi đạo vị tiên tên là Uất-đà-ca 鬰 陀 伽 (Udraka tu theo học phái Du-ca 瑜 伽 (Yoga), tức là tu phép thiền-na (Dhyana) của đạo Bà-la-môn. Các vị tiên ấy, ai cũng nói tu để sinh lên cõi trời. Ngài cho những người tu lên cõi trời rồi hết kiếp lại phải luân-hồi, như thế vẫn còn ở trong vòng sinh, bệnh, lão, tử, chưa thật là đạo cứu-cánh[8] giải-thoát. Ngài cùng với bọn Kiều-trần-như đi đến chỗ gần sông Ni-liên-thiền-na 尼 連 禪 那 河 (Nairandhana), ngồi tu phép khổ-hạnh, giữ giới nhịn ăn, nhịn mặc, cứ mỗi ngày chỉ ăn cầm hơi một hạt gạo và một hạt kê. Ngài tu như thế trong sáu năm giòng mà vẫn không thấy được đạo. Ngài nghĩ rằng: « Ta tu khổ-hạnh như thế này, mà không thấy rõ đạo, thì cách tu của ta vẫn chưa phải. Ta nên theo con đường giữa, cứ ăn uống như thường, không say mê việc đời mà cũng không khắc khổ hại thân, rồi mới thành được đạo ». « Ngài nghĩ thế, rồi đứng dậy đi xuống sông tắm. Khi ấy có người đàn-bà chăn bò đem bát sữa dâng Ngài. Ngài ăn xong, thấy trong mình khoan-khoái dễ chịu. Bọn Kiều-trần-như thấy Ngài không giữ khổ-hạnh, tưởng Ngài đã thoái chí không tu nữa, đều rủ nhau bỏ đi tu chỗ khác.

Ngài một mình đi đến chỗ có cây ba-la, lấy cỏ làm chiếu mà ngồi, rồi phát nguyện rằng: « Nếu ngồi đây mà không giác-ngộ được đạo chính-đẳng chính-giác, thì quyết không đứng dậy nữa ». Ngài ngồi dưới gốc cây ba-la bốn mươi chín ngày, suy nghĩ các lẽ về sự khổ của chúng sinh và cái căn-do sự biến-hóa vô-thường trong thế-gian.

Kinh chép rằng: « Khi Bồ-tát gần đắc đạo, hào-quang chiếu lên các tầng trời. Ở tầng trời thứ sáu có Ba-tuần Ma-vương (Mara) tức là Tha-hóa Tự-tại-thiên, xưa nay vốn lấy ảo-hóa[9] mà làm mê-hoặc[10] chúng sinh, bỗng thấy hào-quang chiếu lên, biết rằng Bồ-tát sắp thành Phật, tất đem chính-đạo truyền ra ở đời, phá tan mất cái lưới mờ-tối của mình, liền sai yêu-nữ xuống cám-dỗ. Ma-vương thấy bọn yêu nữ không làm gì được, tự mình đem binh tướng xuống dùng hết pháp-lực[11] mà đánh phá, cũng không lay chuyển được. Sau cùng Ma-vương đến gần chỗ Bồ-tát ngồi, dùng lời nói ngọt mà dụ rằng: « Nếu Bồ-tát không muốn ở thế-gian, thì lên trên trời, tôi xin nhường ngôi cho Ngài ». — Bồ-tát đáp rằng: « Nhà ngươi kiếp trước có gây được cái nhân tốt, cho nên mới được làm Tự-tại thiên-vương. Song phúc ấy có hạn, hễ hết hạn, thì lại luân-hồi chịu mọi điều khổ-não ». — Ma-vương nói: « Bồ-tát đã biết rõ cái quả-báo của tôi. Vậy cái quả-báo của Bồ-tát thì ai biết? » — Bồ-tát xòe tay phải ra, trỏ xuống đất mà nói rằng: « Có đất này biết ». Bồ-tát vừa nói xong, thì đất rung động rất mạnh, rồi thần đất hiện lên tung hoa khắp mọi nơi để kính lễ Bồ-tát và quát mắng Ma vương rằng: « Bồ-tát làm việc bố thí trong bao nhiêu kiếp, bây giờ mới sắp được chính quả. Sao ngươi dám đến quấy nhiễu? » Ma-vương nghe thần đất nói thế sợ hãi mà lui về.

Bồ-tát đã hàng phục được Ma-vương rồi, ngồi nhập định[12] đến sáng ngày rằm tháng hai, lúc rạng đông, sao mai mới mọc, nghĩa là biết rõ cái đạo chính-đẳng chính-giác tức là thành Phật. Từ đó các kinh gọi Ngài là Thích-ca mầu-ni Phật.

Đạo của đức Thích-ca mầu-ni Phật lúc đầu cốt-yếu ở Tứ thánh-đế 四 聖 諦 và Thập-nhị nhân-duyên 十 二 因 縁. Tứ Thánh-đế là Khổ-đế 苦 諦 là sự xét rõ cái khổ ở trần gian như: sinh, bệnh, lão, tử, v.v... Tập-đế 集 諦 là sự xét rõ bởi đâu mà thành ra cái khổ; Diệt đế 滅 諦 là sự xét rõ cách dứt hết cái khổ; Đạo đế 道 諦 là con đường phải noi theo mà giải-thoát ra khỏi luân-hồi khổ não.

Cái khổ mà có mãi không thôi, là bởi có sự sinh hóa. Sự sinh hóa ấy gốc ở thập-nhị nhân-duyên, là mười hai cái nhân, cái nọ làm duyên cho cái kia mà thành ra vạn vật ở trong thế-gian. Mười hai nhân-duyên ấy là: Vô-minh 無 明 duyên Hành; Hành 行 duyên Thức; Thức 識 duyên Danh sắc; Danh sắc 名 色 duyên Lục-nhập; Lục-nhập 六 入 duyên Xúc; Xúc 觸 duyên Thụ; 受 duyên Ái; Ái 愛 duyên Thủ; Thủ 取 duyên Hữu; Hữu 有 duyên Sinh; Sinh 生 duyên Lão tử 老 死. Hễ muốn không có lão tử, thì dứt cái duyên Sinh; muốn không có Sinh thì dứt cái duyên Hữu;

Tượng đức Thích-ca mầu-ni lúc mới thành Phật chỉ xuống đất mà bảo Ma-vương

cứ thế mà dứt cho đến duyên Thức, duyên Hành và duyên Vô-minh, thì được giải-thoát ra ngoài luân-hồi.

Sự giải-thoát ra ngoài luân-hồi, không có sinh tử nữa, là cái mục đích lớn của đạo Phật. Muốn tới cái mục-đích ấy, thì phải theo tám con đường chính, gọi là Bát chính đạo 八 正 道: Chính kiến 正 見 là theo con đường ngay chính mà trông nghe; Chính tư-duy 正 思 惟 là theo con đường ngay chính mà suy nghĩ; Chính ngữ 正 語 là theo con đường ngay chính mà nói; Chính nghiệp 正 業 là theo con đường ngay chính mà làm; Chính mệnh 正 命 là theo con đường ngay chính mà sống; Chính tinh-tiến 正 精 進 là theo con đường ngay chính mà cố-gắng. Chính niệm 正 念 là theo con đường ngay chính mà tưởng nhớ. Chính định 正 定 là theo con đường ngay chính mà thu-liệm tâm thần vào đạo-lý.

Ấy lúc đầu đạo Phật chỉ cốt lấy bấy nhiêu điều mà dạy người. Về sau đạo-lý mở rộng ra, mới lập thành nhiều thuyết khác nhau, nhưng đại ý vẫn phải lấy những điều ấy làm trọng yếu.

Khi đức Thích-ca đã đắc đạo rồi, Ngài còn ngồi ở dưới cây ba-la bảy ngày, nghĩ bụng rằng: « Ta nay đã thành chính-quả, bản nguyện đã được viên-mãn. Nhưng cái đạo-pháp của ta rất mầu-nhiệm khó hiểu, chỉ có Phật với Phật mới biết được. Còn hết thảy chúng sinh ở trong đời ngũ-trọc[13] này, vì tham-dục[14], sân-khuể[15], ngu-si, tà-kiến[16], kiêu-mãn[17] che lấp, làm thế nào mà hiểu được cái đạo-pháp của ta. Nếu ta đem đạo-pháp ấy mà truyền ra, chúng sinh tất mê-hoặc, không tin theo và lại buông lời phỉ-báng[18], thành ra phải phải tội. Chi bằng ta cứ im lặng mà vào Nát-bàn. » Nhưng sau Ngài nghĩ lại rằng: « Ta đã phát nguyện tu thành Phật để cứu chúng sinh lẽ nào lại tự giác mà không giác tha, để chúng sinh chìm-đắm ở chỗ sinh tử ». Ngài nghĩ như thế, rồi đứng dậy định đi thuyết-pháp. Chỗ này có sách chép là Phạm-thiên và Đế-thích thấy Ngài đã đắc đạo mà không muốn đi thuyết-pháp, bèn xuống kêu nài, Phật mới ưng chịu.

Phật đã định đi thuyết-pháp, nhưng chưa biết đi đâu trước. Lúc đầu Ngài nghĩ đến mấy người tiên đã dạy Ngài lúc mới xuất gia, nhưng sau biết là những vị ấy đã mất rồi, Ngài lại nghĩ đến bọn Kiều-trần-như (Kaundinya) là những người đã cùng Ngài tu luyện lâu năm, bèn đi tìm đến vườn Lộc-uyển để thuyết-pháp cho bọn ấy nghe.

Năm người ấy trông thấy Phật đến, trước còn ngờ Ngài đã bỏ lòng tu đạo, có ý khinh nhờn; sau thấy dung-quang của Ngài, ai nấy đều kính phục. Phật bèn thuyết-pháp về tứ Thánh-đế. Năm người dần dần nghe ra, đều cắt tóc mặc áo cà-sa, xin làm đệ-tử. Ấy từ đó trong thế-gian mới có Tam-bảo 三 寶: Phật là Phật-bảo 佛 寶, đạo của Phật dạy là Pháp-bảo 法 寶 và những người sa-môn theo làm đồ-đệ Phật là Tăng-bảo 僧 寶.

Phật cùng năm người sa-môn đi thuyết-pháp các nơi, lấy đạo từ-bi bác-ái mà dạy người và dùng phương-tiện[19] mà độ chúng sinh. Đi đến đâu thì vua quan cùng dân chúng tranh nhau đón rước. Những người theo đạo qui Phật, mỗi lúc hàng trăm hàng nghìn người. Phật không phân-biệt người sang kẻ hèn gì cả, hễ ai phát tâm qui-y là Phật độ hết cả. Phật lại về cố-quốc là Ca-bỉ-la độ cho phụ-vương Tĩnh-phạn, cho bà dì và vợ con cùng các thân-thích.

Bấy giờ những tín-đồ nhà Phật chia ra làm bốn hạng, gọi là tứ chúng 四 衆. Hạng đàn-ông xuất gia tu hành, gọi là tỉ-khâu (bhikshu); hạng đàn-bà xuất gia tu hành, gọi

Tượng đức Thích-ca mầu-ni Phật
thuyết pháp

là tỉ-khâu-ni (bhikshuni); hạng đàn-ông theo đạo mà không xuất-gia, gọi là ưu-bà-tắc (Upasaka); hạng đàn-bà theo đạo mà không xuất gia, gọi là ưu-bà-di (Upasaki). Những tỉ-khâu và tỉ-khâu-ni lập thành các Tăng-hội, có nhà tinh-xá, tức là nhà chùa, để ở mà tu-hành học đạo.

Phật không có định-sở ở hẳn chỗ nào. Khi ở Ba-la-nại (Bénarès), khi ở Xá-vệ thành (Savasthi), khi ở Vương-xá thành (Radjagriha). Khi ở Trúc-viên tinh-xá (Vénounana), hoặc ở Linh-thứu-sơn (Gridhakouta). Lệ cứ đến mùa hè là mùa nhiều mưa, thì các đệ-tử tụ hội ở một nơi nào, để học đạo; đến mùa khô ráo thì lại đi thuyết-pháp khắp trong vùng trung-lưu sông Hằng-hà (Le Gange).

Phật đi thuyết-pháp như thế trong bốn-mươi-nhăm năm. Đến năm 80 tuổi, một hôm Ngài đi đến cái rừng gần thành Câu-thi-na (Koucinagara), thấy trong mình phát bệnh nặng, biết là sắp vào nát-bàn, bèn nghỉ lại ở chỗ có hai cây sa-la, và ngỏ ý cho các đệ-tử biết. Khi ấy các tỉ-khâu nghe nói Phật sắp diệt-độ, ai nấy đều kêu khóc, xin Phật hãy ở lại trần-gian mà độ chúng sinh. Phật nói rằng: « Trời, đất, người, vật, phàm cái gì ở trong tạo-hóa đã có sinh, tất là có tử. Muốn trái lẽ ấy sao được. Ta nay vào nát-bàn là chỉ bỏ cái hình-hài vô-thường mà thôi, chứ Phật, Pháp và Tăng vẫn thường trụ ở thế-gian để tế-độ chúng sinh ». Các đệ-tử nghe lời thuyết-pháp của Phật đều được an-ủy.

Ngày Phật viên-tịch là ngày rằm tháng hai, vào quãng năm 480 trước Tây-lịch, tức là vào năm thứ 34 đời vua Kính-vương nhà Chu bên Tàu.

Phật diệt-độ rồi, các đệ-tử đem hỏa táng, chia xá-lị[20] (Çarira) ra làm tám phần, vua các nước rước về xây tháp để thờ. Về sau vua A-dục (Açoka) lại chia làm tám vạn bốn nghìn phần để thờ trong tám vạn bốn nghìn cái tháp, khắp cả các nước ở xứ Ấn-độ.

Sau khi Phật đã diệt-độ, các đệ-tử vâng theo ý-chỉ của Phật, tôn Ca-diếp tôn-giả lên làm chủ-tọa để chủ trương làm mọi việc trong các Tăng-hội. Ca-diếp tôn-giả họp các vị đã tu đến bậc A-la-hán mà san-định[21] những qui-tắc của Phật đã định, làm thành bộ luật-giới, và sưu-tập[22] những lời Phật đã thuyết pháp làm thành các bộ kinh.

Từ đó đạo Phật dần dần truyền rộng ra các nước ở Á-đông. Hiện nay những nước như Ni-ba-la (Népal) Tây-tạng, Mông-cổ, Trung-hoa, Cao-ly, Nhật-bản và Việt-nam, theo phái Đại-thặng, gọi là Bắc-tôn; những nước như Tích-lan, Diến-điện, Xiêm-la, Cao-mên và Ai-lao theo phái Tiểu-thặng, gọi là Nam-tôn. Dù là Bắc-tôn hay Nam-tôn, phái nào cũng thờ đức Thích-ca mầu-ni Phật làm giáo-chủ.


  1. Tị-tổ: Ông tổ đầu tiên lập ra một học-thuyết hay một tôn-giáo.
  2. Giáng đản: Giáng sinh.
  3. Phát-nguyện: Phát lời cầu nguyện.
  4. Dĩnh-ngộ: thông minh chóng hiểu biết.
  5. Ưu-bi khổ-não: lo buồn khổ-sở.
  6. Phát thệ: Phát lời thề.
  7. Vô-thượng chính đảng chính giáo: Đạo chân-thực của Phật.
  8. Cứu-cánh: Cùng tột sau hết.
  9. Ảo-hóa: Sự biến-hóa không chân-thực.
  10. Mê-hoặc: Mờ tối sai lầm.
  11. Pháp-lực: Sức mạnh của phép mầu.
  12. Nhập-định: Pháp tu, thu-liêm tâm thần làm một, không để tán loạn.
  13. Ngũ-trọc: Năm cái dơ đục là: kiếp-trọc, kiến-trọc, phiền-não-trọc, chúng-sinh-trọc và mệnh-trọc.
  14. Tham-dục: Tham muốn.
  15. Sân-khuể: Tức giận.
  16. Tà-kiến: Tư-tưởng không ngay chính.
  17. Kiêu-mãn: Kiêu-ngạo tự-đắc.
  18. Phỉ-báng: Báng-bổ.
  19. Phương-tiện: Cách-thức tùy tiện cho người ta dễ theo, dễ hiểu.
  20. Xá-lị: Hài cốt còn lại.
  21. San-định: Xếp đặt thành sách.
  22. Sưu-tập: Nhặt-nhạnh.