Bước tới nội dung

Phật lục/I-2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Phật lục của Trần Trọng Kim
I-2. Thập-đại đệ-tử

THẬP ĐẠI ĐỆ-TỬ

十 大 弟 子

Khi đức Thích-ca còn tại thế, các đệ-tử có đến hàng mấy vạn người, nhưng cái số thật giỏi có thể trao-truyền được tâm pháp, tuyên-dương[1] được giáo lý của Phật, thì có mười người, gọi là thập đại đệ-tử của Phật. Mười người ấy đều là những bậc thông-minh trí-tuệ, gồm hết mọi học-vấn, có đủ các đức-hạnh và đã chứng A-la-hán quả, tức là đã thoát-ly được luân-hồi.

Nay tham-khảo[2] các kinh truyện, đem danh-hiệu và lịch-sử của từng người lần lượt kể qua ra sau này:

1· — Xá-lị-phất 舍 利 弗 (Sariputra). Khi đức Thích-ca đến thuyết-pháp ở Vương-xá thành, ở đấy có hai người dòng-dõi bà-la-môn: một người tên là Xá-lị-phất, một người tên là Mục-kiện-liên (Maudgalyayana). Hai người rất thông minh và có trí-tuệ rất lớn, trong nước ai cũng kính trọng, và mỗi người có hơn một trăm học-trò. Hai người kết bạn với nhau rất thân, nhưng chưa cho cái đạo bà-la-môn của mình học là đạo cứu-cánh, cho nên hẹn với nhau rằng: Hễ ai biết được chính-pháp trước, thì cùng bảo cho nhau biết.

Một hôm Xá-lị-phất đi chơi, bỗng gặp một thầy tỉ-khâu tên là A-xả-bà-kỳ 阿 捨 婆 耆, đệ-tử của Phật, đi khất thực[3] ở trong làng. Xá-lị-phất trông thấy dung nghi thầy tỉ-khâu ấy rất là chỉnh-túc[4], bèn đến hỏi rằng: « Tôi xem thầy giống như người mới xuất gia, sao mà đã có cái phong-độ[5] ung-dung trang-nghiêm như thế? Tôn-sư của thầy là ai và dạy những phép gì ? » Thầy tỉ-khâu đáp rằng: « Thầy tôi vốn dòng họ Cam-giá, là bậc thầy cả cõi người và cõi trời. Tôi đây còn trẻ tuổi, mới theo học đạo, đã tuyên thuyết thế nào được cái đạo-pháp mầu-nhiệm của thầy tôi. Song cứ cái chỗ tôi đã hiểu, thì xin nói để ông nghe ». Nói đoạn, đọc bài kệ rằng:

Nhất thiết chư pháp bản,
一 切 諸 法 本
Nhân duyên sinh vô chủ.
因 緣 生 無 主
Nhược năng giải thử giả,
若 能 解 此 者
Tắc đắc chân thực đạo.
則 得 眞 實 道

DỊCH NÔM

Sinh ra hết thảy mọi phép nọ,
Đều do nhân-duyên không có chủ.
Hễ mà hiểu được nghĩa ấy,
Thì đạo chân-thực mới hiểu rõ.

Xá-lị-phất nghe mấy câu kệ ấy, trong lòng lấy làm thỏa-thích, thấy ngay cái chỗ của đạo. Nhân nghĩ rằng: « Hết thảy chúng sinh đều bám lấy cái ngã, cho nên cứ luân-hồi ở trong vòng sinh tử. Nếu trừ được cái ngã-tưởng, thì ở chỗ « ngã sở » cũng đều là bỏ được. Ví như ánh sáng mặt trời có thể phá được mọi sự mờ tối; cái tưởng vô-ngã cũng vậy, có thể phá được hết thảy mọi cái ám-chướng[6] của cái ngã-kiến[7]. Xưa nay ta tu-hành học đạo đều là tà-kiến cả, thật nay mới thấy rõ cái đạo chân-chính ». Nghĩ thế rồi, trở về tìm Mục-kiện-liên, đọc bài kệ ấy cho bạn nghe. Hai người cũng đồng một ý, định đi đến chỗ Phật ở, xin qui-y. Các đệ-tử của hai người cùng xin đi cả.

Xá-lị-phất theo đức Thích-ca học đạo, chứng được A-la-hán quả, thành một bậc trí-tuệ đệ-nhất trong các đệ-tử, được truyền đạo-pháp nói ở trong kinh Bát-nhã ba-la-mật.

Sách của ông có bộ Xá-lị-phất tập-dị-môn-túc luận 舍 利 弗 集 異 門 足 論 20 quyển, và A-tỉ đàm-luận 阿 毗 曇 論 30 quyển.

2· — Mục-kiện-liên 目 犍 連 (Maudgalyayana), Mục-kiện-liên cùng với bạn là Xá-lị-phất theo làm đệ-tử-phật, có tiếng là bậc thần-thông đệ-nhất. Ông tài giỏi, lừng-lẫy thuở đương thời, cho nên những người theo ngoại đạo rất ghét. Một hôm ông vào thành đi khất-thực, bị bọn phạm chí đánh chết

Sách Tỉ-nại-gia-tạp-sự 毘 奈 耶 雜 事 chép rằng: « Có người hỏi đức Thế-tôn: Một bậc thánh như Mục-kiện-liên mà bị bọn ngoại đạo đánh chết, thế là nghiệp gì ? — Đức Thế-tôn đáp rằng: « Kiếp xưa Mục-kiện-liên là con một họ Bà-la-môn quá yêu vợ mà bất hiếu với mẹ. Mẹ giận quá có rủa: « Sao những đứa hung-ác không đánh chết mày đi! » Nay tuy chứng cõi thánh làm một bậc thần-thông đệ-nhất, mà vẫn phải chịu cái nghiệp bị đánh chết. »

Sách của ông ở trong tạng Kinh có bộ Mục-kiên-liên pháp-uẩn-túc-luận 目 犍 連 法 蘊 足 論 12 quyển

Xá-lị-phất và Mục-kiện-liên đều chứng cõi nát-bàn trước đức Thích-ca mầu-ni.

3· — Đại Ca-diếp 大 迦 葉 (Maha Kaçyapa) — Đại Ca-diếp vốn là giòng bà-la-môn, học đạo Bà-la-môn rất giỏi, tinh thông cả các kinh truyện của đạo ấy. Nhà rất giàu, hay làm việc bố-thí, nhưng vì ông trông thấy cảnh đời có nhiều sự khổ-não, muốn tìm đạo chính để cứu đời, cho nên ông mới trút bỏ hết cả danh lợi, vào rừng tìm thầy học đạo.

Sách Thủ-hoa 手 華 chép rằng: Đại Ca-diếp cùng 500 đệ-tử trụ ở cái đền thờ vua Đế-Thích tại núi Vi-đề-ka, tu phép đầu-đà (đhuta)[8], đi xin cơm ăn, nhặt dẻ chắp làm áo mặc. Sau nghe đức Thích-ca thành đạo, đang thuyết-pháp ở Trúc-viên, gần Vương-xá-thành, ông bèn đến đó xin qui-y. Sách Phó-pháp-tạng 付 法 藏 chép rằng: « Lúc Đại Ca-diếp tìm đến ra mắt đức Thích-ca, thì mặc áo làm bằng mụn dẻ chắp lại. Ông cúi đầu kính-lễ, rồi chắp tay bạch Phật rằng: « Tôi xin qui-y về đạo của Thế-tôn là đạo rất trong sạch, xin Thế-tôn thương mà nhận cho được đứng vào cuối hàng đệ-tử ». Phật liền cho ông ngồi lên trên cả mọi người.

Trong các đệ-tử của đức Thích-ca, Đại Ca-diếp là bậc đầu-đà đệ-nhất, nghĩa là làm đủ mười-hai phép rất khổ-hạnh, không ai bằng, và lại hiểu thấu đạo lý của Phật hơn cả mọi người. Kinh Đại Phạm-thiên-vương vấn Phật quyết-nghi 大 梵 天 王 問 佛 決 疑 經 nói rằng: « Một hôm đức Thích-ca hội cả đại chúng ở núi Linh-thứu-sơn 靈 鷲 山, Ngài ngồi cầm hoa mà không nói gì, để xem có ai hiểu ý gì không, thì chẳng ai hiểu gì cả. Chỉ có Đại Ca-diếp tủm-tỉm cười. Đức Thích-ca liền bảo ông rằng: « Ngô hữu chính-pháp nhãn tàng, nát-bàn diệu tâm, phó chúc Ma-ha Ca-diếp 吾 有 正 法 眼 藏 湼 槃 妙 心,付 囑 摩 訶 迦 葉. Ta có phép chính-pháp-nhãn, trông rõ hết thảy vạn pháp và cái diệu-tâm về nát-bàn, truyền lại cho Đại Ca-diếp ». Sách Tây-vực ký 西 域 記 nói rằng: Khi đức Thích-ca sắp viên-tịch có dặn Đại Ca-diếp rằng; « Ta tu-hành khổ-hạnh đã bao nhiêu kiếp, là chỉ vì chúng sinh mà cầu lấy phép vô-thượng. Nay ta đã mãn quả rồi, và chẳng bao lâu ta sẽ vào cõi nát-bàn, ta đem hết pháp-tạng trao lại cho ngươi, ngươi trụ-trì lại mà tuyên-truyền những phép chính ấy, chớ để sai lạc ». Nói đoạn, Phật trao cho Ca-diếp cái áo cà-sa và cái bát để làm biểu-hiệu sự truyền đạo-thống. Lệ truyền y bát khởi đầu từ đó.

Sau khi đức Thích-ca diệt-độ rồi Đại Ca-diếp hội 500 đệ-tử của Phật đã tu đến bậc a-la-hán ở núi Tỉ-bà-la 毗 婆 羅 ngoài thành Vương-xá để kết-tập những luật-qui và những lời Phật đã thuyết-pháp. Đại Ca-diếp cử Ưu-bà-li (Upali) làm bộ Luật-tạng, cử A-nan-đà (Ananda) san-định bộ Kinh-tạng, còn ông thì nhận làm bộ Luận-tạng.

Việc kết-tập ấy hoàn-thành rồi, Đại Ca-diếp truyền y bát cho A-nan-đà, và vào trong núi Kê-túc 雞 足 ở nước Ma-yết, ngồi làm phép thiền-định mà chứng quả nát-bàn.

Đại Ca-diếp là đệ-nhất tổ trong phái Thiền-tôn 禪 宗.

4. — Tu-bồ-đề 須 菩 提 (Subhuti) — Tu-bồ-đề là con một người trưởng-giả ở thành Xá-vệ qui-y Phật học đạo, được chứng a-la-hán quả, và nổi tiếng là bậc giải không 解 空 đệ-nhất trong các đệ-tử của Phật. Giải không nghĩa là hiểu rõ cái không lý của đạo Phật.

Kinh Tăng-nhất A-hàm 增 一 阿 含 經, về phẩm thứ mười-ba, có phép những lời của Tu-bồ-đề như là: « Pháp pháp tự sinh, pháp pháp tự diệt, pháp pháp tương động, pháp pháp tự tức... Pháp pháp tương loạn, pháp pháp tự tức, pháp năng sinh pháp,... Như thị nhất thiết sở hữu, giai qui ư không: vô ngã, vô nhân, vô mệnh, vô sĩ, vô phu, vô hình, vô tượng, vô nam, vô nữ... 法 法 自 生,法 法 自 滅,法 法 相 動,法 法 自 息... 法 法 相 亂,法 法 自 息,法 能 生 法... 如 是 一 切 所 有,皆 歸 於 空:無 我,無 人,無 命,無 士,無 夫,無 形,無 像,無 男,無 女..., Các pháp tự sinh, các pháp tự diệt, các pháp làm động lẫn nhau, các pháp tự nghỉ... Các pháp làm loạn lẫn nhau, các pháp tự nghỉ, pháp sinh ra pháp... Như thế là hết thảy cái có, đều về cả cái không: không có ta, không có người, không có mệnh, không có người hơn, không có người kém, không có hình, không có tượng, không có trai, không có gái,... » Sách Tây-vực-ký 西 域 記 quyển thứ tư, cũng chép lời ông nói rằng: « Thường nghe Phật nói mà biết được cái không của chư pháp, ví-dụ như cái tính của chư pháp là không cả. Thế là lấy tuệ-nhỡn mà xem pháp-thân vậy ».

Về sau Long-thụ Bồ-tát xướng lên cái luận « chư pháp giai không » và lập thành một phái chuyên học về thuyết Bát-nhã, có lẽ bởi Tu-bồ-đề đã khởi ra trước hết.

5. — A-na-luật 阿 那 律 (Anuruddha). A-na-luật là con vua Cam-lộ-phạn-vương và em vua Bạch-tĩnh vương. Khi đức Thích-ca về thăm quê ở Ca-bỉ-la, A-na-luật được nghe Phật thuyết-pháp, bèn xin cha mẹ cho theo Phật đi tu, chứng được a-la-hán quả.

Kinh Lăng nghiêm 楞 嚴 nói rằng: « A-na-luật trông xem cõi Diêm-phù-đề như xem quả « Am-ma-la » để trong bàn tay ». Nghĩa là xem cả một cõi đất mà biết rõ như xem một quả cầm trong tay. Bởi vậy ông có tiếng là bậc thiên-nhỡn đệ nhất trong các đệ-tử của Phật.

Ông thường hay thuyết-pháp về « tứ-thiền » và phép « lậu-tận » để khai ngộ[9] cho các đệ-tử khác. Đến khi đức Thích-ca nhập diệt, ông cùng với A-nan-đà hết sức hộ-trì.

6. — Phú-lâu-na 富 樓 那 (Purna). Phú-lâu-na người xứ Ba-la-nại đi tu tiên đã đắc-đạo, sau được nghe Phật thuyết-pháp ở vườn Lộc-uyển, liền xin qui-y Phật và chứng được a-la-hán quả, có tài về đường thuyết-pháp, được Phật khen là thuyết-pháp đệ-nhất.

Về hồi cuối đời Phật, Phú-lâu-na đem đạo Phật truyền sang nước Du-lư-na là một nước rất hung-tợn lúc bấy giờ. Được ít lâu ông vào cõi Nát-bàn ở nước ấy.

7. — Ca-chiên-diên 迦 㫋 延 (Kotyayana). Ca-chiên-diên vốn là dòng-dõi bà-la-môn, và là cháu ngoại ông tiên A-tư-đà, là vị tiên đã xem tướng cho đức Thích-ca khi Ngài mới giáng sinh.

Khi Phật về ở nước Ba-la-nại, tiếp-độ và giáo-hóa chúng sinh, Ca-chiên-diên được nghe Phật thuyết-pháp, liền xin qui-y Phật, chẳng bao lâu được a-a-hán quả, nổi tiếng là bậc luận-nghị đệ nhất.

Sách của ông làm ra có bộ Thi-thiết túc-luận 施 設 足 論 có một vạn tám nghìn câu tụng, và bộ Ca-chiên diên kinh 迦 㫋 延 經 nói về nghĩa thoát ly cả không, để phá trừ cái « ngã-mạn 我 慢 », tức là lòng chấp có ngã mà kiêu-mạn vậy.

8. — Ưu-ba-li 優 波 離 (Upali). Ưu-ba-li là dòng dõi con nhà giai cấp hèn, làm nghề thợ cạo, thường vào cạo râu cho họ Thích-ca. Khi Phật về Ca-bỉ-la, Ưu-ba-li xin xuất gia qui-y Phật. Lúc ấy có nhiều người đệ-tử bạch Phật rằng: « Ưu-ba-li là dòng dõi hèn-hạ, sao Phật lại cho được ngang hàng với những người quí phái. Phật nói rằng: « Bốn dòng sông lớn chảy vào biển đều thành nước mặn, người bốn họ xuất-gia đều là họ Thích-ca cả ».

Ưu-ba-li ở trong tăng chúng, giữ giới-luật rất kính-cẩn, được Phật khen là trì luật kiên-cố đệ-nhất. Sau khi Phật diệt-độ rồi, Đại Ca-diếp tôn-giả cử ông kết-tập bộ luật, gọi là Tỉ-ni 毘 尼 (Vinaya), tức là bộ Luật-tạng.

9. — Ra-hầu-la 囉 喉 羅 (Rahula). Ra-hầu-la là con Phật. Khi Phật thành đạo rồi về thăm quê nhà, cho Ra-hầu-la đi làm sa-di[10]. Đến năm 20 tuổi, Ra-hầu-la theo Xá-lị-phất thụ giới làm sa-môn. Ở trong tăng chúng thuở ấy, Ra-hầu-la là bậc trẻ tuổi mà chứng được a-la-hán quả và có tiếng là bậc tu « mật hạnh » đệ nhất, nghĩa là làm những việc vi-mật không ai biết được.

10. — A-nan-đà 阿 難 陀 (Ananda). A-nan-đà là em họ đức Thích-ca. Sách chép rằng ông sinh vào ngày đức Thích-ca thành đạo, rồi đến năm 20 tuổi, thì xuất gia theo Phật. Ông thường chầu-chực luôn ở cạnh Phật, cho nên trong các đệ-tử, ông là bậc đa-văn[11] đệ nhất.

Đến khi đức Thích-ca vào cõi Nát-bàn rồi, Đại Ca-diếp tôn-giả chờ cho ông chứng được a-la-hán quả, mới cử ông chủ việc kết-tập bộ Kinh-tạng. Ở đầu các mục kinh đều để câu khai mào là « Như thị ngã văn 如 是 我 聞: Ta nghe như thế này ». Việc kết-tập ở Vương-xá thành, là ông có công lớn.

Sau ông được Đại Ca-diếp truyền y bát cho làm tổ thứ nhì bên phái Thiền-tôn. Ông giáo-hóa được nhiều người ở vùng sông Hằng-hà, cho nên khi ông nhập diệt, vua hai nước đến tranh lấy thi-hài đem về thờ-phụng. Ấy đủ biết cái đức-vọng của ông thịnh lắm vậy.

  1. Tuyên-dương: Tuyên-truyền tán-dương
  2. Tham-khảo: Tra-xét so-sánh
  3. Khất thực: Xin ăn.
  4. Chỉnh-túc: Đứng-đắn nghiêm-trang.
  5. Phong-độ: Đáng vẻ.
  6. Ám chướng: Tối-tăm che-lấp.
  7. Ngã-kiến: Cái tư-tưởng về sự có cái ngã.
  8. Đầu-đà: Phép tu khổ-hạnh.
  9. Khai ngộ: mở trí ra để hiểu biết.
  10. Sa di: Chú tiểu.
  11. Đa-văn: Nghe nhiều.