Phật lục/III-5

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

VĂN-THÙ BỒ-TÁT

文 殊 菩 薩

Văn-thù là tiếng gọi tắt chữ Văn-thù sư-lỵ 文 殊 師 利 dịch theo âm tiếng phạm Manjuçri. Chữ phạm này có sách

Tượng đức Văn-thù Bồ-tát ngồi trên con Thanh-sư

dịch là Mãn-thù thi-lị 滿 殊 尸 利 hay là Man-thù thất-lị 曼 殊 室 利 và cắt nghĩa là Diệu-đức 妙 德, Diệu-âm 妙 音 hay là 妙 吉 祥. Đại ý là nói một vị Bồ-tát biết rõ Phật tính và có đủ ba đức là pháp-thân, bát-nhã và giải-thoát, và đem ba đức ấy tuyên-truyền ra để giáo-hóa chúng sinh.

Trong kinh nhà Phật có chỗ nói rằng Văn-thù là một vị đại Bồ-tát ở cõi Phật trong một thế-giới rất xa, có khi đức Thích-ca mầu-ni phóng hào quang triệu đến cõi Sa-bà-thế-giới này để thuyết-pháp cho các đệ-tử nghe những phép mầu-nhiệm của Phật. Có chỗ thì lại nói Văn-thù Bồ-tát hiện xuống-làm một vị tỉ-khâu đứng đầu hết thảy các đệ-tử và rất thân-cận đức Thích-ca mầu-ni.

Văn-thù Bồ-tát hiểu thấu đến chỗ sâu xa của Phật pháp, cho nên có tên gọi là Pháp-vương-tử 法 王 子. Sách Hoa-nghiêm sớ 華 嚴 疏 nói rằng: « Sau khi đức Thích-ca mầu-ni vào nát-bàn rồi, Văn-thù Bồ-tát cùng với A-nan-đà tôn-giả làm ra bộ kinh Hoa-nghiêm. Khi kinh ấy làm xong, Long-thần đem xuống để dưới Long-cung. Sáu bảy trăm năm về sau, Long-thụ Bồ-tát (Nagarjuna) xuống Long-cung thấy bộ kinh ấy có ba bản, là thượng-bản, trung-bản và hạ-bản. Ông thấy hai bản trên nghĩa-lý cao quá và khó quá, cho nên ông chỉ chép lấy hạ-bản đem lên truyền ra ở đời. Những đạo lý ở trong kinh ấy là do ba đấng thánh là đức Thích-ca mầu-ni Phật, đức Văn-thù Bồ-tát và đức Phổ-hiền Bồ-tát nói ra, cho nên mới gọi là Hoa-nghiêm tam thánh 華 嚴 三 聖.

Song xét theo cái ý nghĩa nói ở trong các kinh, thì Văn-thù-sư-lị tức là trí-tuệ. Xem như trong kinh Phóng-bát 放 鉢 經, đức Thích-ca mầu-ni nói rằng: « Nay ta thành Phật là nhờ cái ơn của Văn-thù-sư-lị. Về đời quá-khứ vô-số chư Phật đã trải qua làm đệ-tử của Văn-thù sư-lị, mà chư Phật sau này ra đời cũng sẽ phải nhờ uy-thần của Văn-thù-sư-lị cả. Ví như ở thế-gian đứa tiểu-nhi phải có cha mẹ, Văn-thù-sư-lị là cha mẹ của đạo Phật ». Lấy cái nghĩa câu ấy mà suy, thì thấy rõ cái ý của đức Thích-ca lấy Văn-thù-sư-lị mà biểu-thị trí-tuệ vậy ».

Vì có cái ý nghĩa ấy, cho nên các tượng của Văn-thù Bồ-tát làm trên đầu có năm búi tóc để biểu-thị năm cái trí của Phật, tay cầm thanh gươm để biểu-thị cái lợi-khí của trí-tuệ, mình cưỡi con sư-tử xanh để biểu-thị cái sức mạnh của trí-tuệ. Lại cũng bởi cái ý nghĩa ấy mà có khi người ta làm tượng Văn-thù Bồ-tát hình-dung một đứa đồng-tử để biểu-thị cái nghĩa còn nguyên thiên-tính. Ở các chùa bên Tàu lại hay làm tượng ngài hình-dung một tăng-nhân để thờ ở nơi tăng đường hoặc ở nơi giới-đàn, cốt để tỏ ý phải có trí-tuệ mới tu được đạo.

Ở bên Tàu và bên Nhật-bản, người ta rất sùng-bái Văn-thù Bồ-tát mà nhất là phái Mật-tôn Chân-ngôn thờ ngài làm một vị Bồ-tát rất trọng-yếu, và nói rằng Ngài có câu thần-chú tám chữ: Úm ác vĩ ra hồng khứ tá lạc 唵 惡 尾 囉 吽 佉 佐 𠸪, cho là linh-ứng lắm.

Ở các chùa khi có tượng Thích-ca mầu-ni ngồi cầm ấn lối thuyết-pháp, thì bên tả có tượng đức Văn-thù Bồ-tát chủ về đường trí-tuệ, và bên hữu có tượng đức Phổ-hiền Bồ-tát chủ về đường chân-lý. Cái thâm ý trong sự bày-đặt như thế, là cốt tỏ ra rằng có trí-tuệ và có chân-lý thì mới có Phật; mà Phật sở dĩ thành được chính-quả viên-mãn là nhờ có trí-tuệ và chân-lý vậy.