Phật lục/IV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

IV

THẾ-GIAN VÀ THẾ-GIỚI

Đạo Phật, nói chung về toàn-thể là đạo bao-quát cả không-gian và thời-gian nghĩa là gồm hết vũ-trụ viên-mãn tuyệt-đối, không có gì sót ra ngoài cả. Nhưng xét riêng về từng phương-diện, thì đạo ấy có phần thế-gian và phần xuất-thế-gian.

Phần xuất-thế-gian là nói cõi của chư Phật, chư Bồ-tát cùng những bậc đã tu đắc đạo, chứng được A-la-hán quả[1] ra ngoài cõi đời ở nơi yên-lặng, trong-sạch, chân-thực, bình-đẳng, thường-định, không biến hóa. Phần thế-gian là nói cõi đời có vạn tượng sâm-nhiên[2] sinh sinh hóa hóa, vô-thường vô-định.

Phật, Bồ-tát, Duyên-giác, Thanh-văn, gọi là tứ thánh 四 聖 hay là bốn bậc thánh, tức là những bậc bất sinh bất diệt, thường-trụ tự-tại, phổ-biến[3] khắp cả. Những bậc ấy tuy là xuất-thế-gian, nhưng thường vẫn ra vào ở thế-gian, để tế-độ chúng sinh, mà không mắc vào cuộc luân-hồi biến-hóa nữa. Những hữu-tình ở cõi trời hay cõi người, đều gọi là lục phàm 六 凡 hay là sáu bậc phàm, tức là những loài có sinh có hóa, cứ luân-chuyển bất-thường và phải chịu mọi điều khổ-não. Những hữu-tình ấy phải ở trong không-gian và thời-gian nghĩa là có giới-hạn lớn nhỏ nhiều ít và có thọ-mệnh[4] dài ngắn, thọ yểu, không nhất-định.


THẾ-GIAN

Ở thế-gian, các loài hữu-tình chúng sinh biến-hóa trong lục đạo 六 道 và tam giới 三 界. Do lục đạo mà thành ra có lục phàm. Lục đạo là sáu con đường tương thông với nhau trong cuộc luân-hồi sinh tử. Sáu con đường ấy là:

1.— Thiên đạo 天 道, cõi trời.

2.— Nhân đạo 人 道, cõi người.

3.— A-tu-la đạo 阿 修 羅 道, cõi những loài hữu-tình không phải là thần mà cũng không phải là quỉ, thường ở những nơi bờ biển, hoặc hang núi hay có tính nghi-kị, hay tức giận và hay chiến đấu.

4.— Ngã-quỉ-đạo 餓 鬼 道, cõi quỉ đói, hình dáng hoặc giống như người, hoặc giống như loài thú, ở những nơi rừng núi, hoặc bờ sông bãi biển, không được ăn uống.

5.— Súc-sinh đạo 畜 生 道, cõi cầm thú có lông có vảy thường hay ăn lẫn nhau.

6.— Địa-ngục đạo 地 獄 道, cõi tối-tăm dưới đất thường phải chịu sự đau-đớn khổ-sở.

Tam giới là ba cõi có giới-hạn phân-biệt là: dục-giới, sắc-giới và vô-sắc-giới.

Dục-giới.—: Dục-giới là cõi đời mà các hữu-tình chúng sinh có đủ các tình dục như ăn uống, thức ngủ, trai gái, dâm-dục vân vân. Trừ cõi người trở xuống, Dục-giới còn có sáu cõi trời, gọi là Lục-dục-thiên 六 欲 天. Sáu cõi trời ấy là:

1.— Tứ Thiên-vương thiên 四 天 王 天, tức là cõi trời có bốn vị Thiên-vương giúp vua Đế-Thích ở lưng chừng núi Tu-di.

Phương đông có Đông-phương Trì-quốc Thiên-vương 東 方 持 國 天 王, là một vị Thiên-vương hộ-trì quốc-thổ.

Phương nam có Nam-phương Tăng-trưởng Thiên-vương 南 方 增 長 天 王, là một vị Thiên-vương làm cho thiện căn của chúng sinh tăng trưởng lên.

Phương tây có Tây-phương Quảng-mục Thiên-vương 西 方 廣 目 天 王, là một vị Thiên-vương lấy thiên-nhãn trong sạch, mà xem xét ủng-hộ chúng sinh.

Phương bắc có Bắc-phương Đa-văn Thiên-vương 北 方 多 聞 天 王, là một vị Thiên-vương có tiếng phúc-đức nghe khắp bốn phương.

2.— Điêu-lợi thiên 忉 利 天 là cõi trời có vua Đế-Thích cùng với ba-mươi-hai vị thần khác cùng ở trên đỉnh núi Tu-di. Bởi có tất cả là ba-mươi-ba vị thần ở cõi ấy, cho nên gọi là Tam-thập-tam thiên 三 十 三 天.

3.— Dạ-ma thiên 夜 摩 天 là cõi trời lúc nào cũng có hát-xướng vui-vẻ.

4.— Đâu-suất thiên 兜 率 天 là cõi trời đối với cái cảnh ngũ dục[5], thì lấy tri túc[6] làm vui.

5.— Hóa-lạc thiên 化 樂 天 là cõi trời tự hóa ngũ trần[7] ra làm vui thú.

6.— Tha-hóa thiên 他 化 天 là cõi trời có Ma-vương Tự-tại-thiên, tên là Ba-tuần 波 旬, tức là Mara, làm chủ-tế cả Dục-giới. Ở cõi trời ấy, lấy sự biến-hóa của kẻ khác làm vui.

Sắc-giới.— Sắc-giới là cõi trời tuy đã lìa bỏ hết cái sắc chất dơ-bẩn xấu-xa của Dục-giới, nhưng còn có cái sắc chất trong sạch, do ngũ uẩn mà thành ra. Ngũ uẩn là năm cái tích-tập là: sắc, thụ, tưởng, hành, thức. Trong Sắc-giới tuy có sắc chất, nhưng các hữu-tình không có nữ hình và không có các thứ dục-nhiễm[8] nữa.

Sắc-giới chia làm tứ Thiền-thiên, gồm có 18 cõi trời. Thiền-thiên là cõi trời có những hữu-tình tu phép thiền-định. Tứ Thiền-thiên là:

I. Sơ-Thiền-thiên

初 禪 天

1.— Phạm-chúng-thiên 梵 眾 天 là cõi trời có dân chúng của Sơ-thiền Thiên-chủ.
2.— Phạm-phụ-thiên 梵 輔 天 là cõi trời có những thần liêu[9] của Sơ-thiền Thiên-chủ.
3.— Đại-phạm-thiên 大 梵 天 là cõi trời của Sơ-thiền Thiên-chủ. Sơ-thiền Thiên-chủ tức là Brahmâ làm chủ-tế cả vạn vật ở trong thế-giới.

II. Nhị Thiền-thiên

二 禪 天

1.— Thiểu-quang-thiên 少 光 天 là cõi trời ít có quang-minh.
2.— Vô-lượng-quang-thiên 無 量 光 天 là cõi trời có nhiều quang-minh.
3.— Quang-âm thiên 光 音 天 là cõi trời lấy quang-minh làm tiếng nói.
III. Tam Thiền-thiên

三 禪 天

1.— Thiểu-tĩnh thiên 少 淨 天 là cõi trời có ít thanh-tĩnh.
2.— Vô-lượng-tĩnh thiên 無 量 淨 天 là cõi trời có nhiều thanh-tĩnh.
3.— Biến-tĩnh thiên 徧 淨 天 là cõi trời có thanh tĩnh khắp cả mọi nơi.
IV. Tứ Thiền-thiên

四 禪 天

1.— Vô-vân thiên 無 雲 天 là cõi trời không có mây.
2.— Phúc-sinh thiên 福 生 天 là cõi trời để những người tu có nhiều phúc được sinh lên đó.
3.— Quảng-quả thiên 廣 果 天 là cõi trời có nhiều quả báo lớn.
4.— Vô-tưởng thiên 無 想 天 là cõi trời đã sinh ra đó là chung thân không có tưởng niệm nào khác.
5.— Vô-phiền thiên 無 煩 天 là cõi trời không có phiền-não.
6.— Vô-nhiệt thiên 無 熱 天 là cõi trời thanh lương tự tại không có nhiệt não.
7.— Thiện-kiến thiên 善 見 天 là cõi trời thấy rõ thập phương thế-giới.
8.— Thiện-hiện thiên 善 現 天 là cõi trời không có ngại chướng, cái gì cũng hiện rõ ra.
9.— Sắc-cứu-cánh thiên 色 究 竟 天 là cõi trời đến đó là không có sắc tính nữa.

Vô-sắc-giới.— Vô-sắc giới là những cõi trời cùng tột trong thế-gian, các hữu-tình ở cõi ấy chỉ có tâm-thức mà không có sắc-chất. Tâm-thức là nói có thụ, tưởng, hành, thức, tức là không có hình sắc nữa, nhưng vẫn có cảm-xúc, tư-tưởng, hành-động và trí-thức. Những hữu-tình ở các cõi trời ấy phải nương vào cái cảnh của tâm đã sở chứng và nhờ cái cảnh-pháp giữ cho cái tâm không phân-tán ra, mà vui-thú ở trong cảnh-giới của tứ Không-thiền-định.

Vô-sắc-giới chia ra làm tứ Không-thiền thiên, là:

1.— Không-vô-biên-xứ thiên 空 無 邊 處 天 Ở cõi trời này không có các thứ sắc-chất nữa, chỉ có chỗ hư-không. Tâm với hư-không-pháp tương ứng với nhau mà có.

2.— Thức-vô-biên-xứ thiên 識 無 邊 處 天. Ở cõi trời này không có hư-không xứ nữa. Tâm với thức-pháp tương ứng với nhau mà có.

3.— Vô-sở-hữu-xứ thiên 無 所 有 處 天. Ở cõi trời này không có thức-xứ nữa. Tâm không nương vào đâu cả, chỉ tương ứng với vô-sở-hữu-pháp mà có.

4.— Phi-tưởng phi phi-tưởng-xứ thiên 非 想 非 非 想 處 天. Ở cõi trời này không có thức-xứ, tức là không có hữu-tưởng, và không có vô-sở-hữu-xứ, tức là không có vô-tưởng, nghĩa là không có cái định ở vô-tưởng, gọi là phi-phi-tưởng. Tâm tự đối với tâm mà thấy rõ cái chân-thực thanh-tĩnh, vô-vi, ở cõi cùng-cực trong vô-sắc vậy.

Các cõi trời từ Lục-dục thiên lên đến Phi-tưởng phi phi-tưởng-xứ thiên, cộng tất cả là hai-mươi-tám cõi, gọi là tam-giới nhị-thập-bát thiên 三 界 二 十 八 天.

Những hữu-tình chúng sinh ở trong hai-mươi-tám cõi ấy, càng lên cao bao nhiêu, thì thọ-mệnh càng lâu dài bấy nhiêu. Song vì hãy còn lậu-nghiệp[10] và ái-hoặc[11], cho nên chưa thoát khỏi được luân-hồi ở trong thế-gian. Bởi vậy trong các kinh thường nói rằng những bậc làm chủ-tể trên trời, như Phạm-thiên, Đế-thích, vẫn phải tu-luyện để được giải-thoát.

THẾ-GIỚI

Nay ta theo cái tư-tưởng của Phật-giáo mà xét các thế-giới ở trong không-gian và thời-gian là thế nào.

Ở trong không-gian.— Ở trong không gian có Hằng-hà sa-số thế-giới, nghĩa là không biết bao nhiêu mà kể cho xiết được. Nhưng trong các kinh nhà Phật thường gọi làm tam thiên đại-thiên thế-giới 三 千 大 千 世 界. Theo cái nghĩa chú-thích ở trong các kinh, thì tam thiên đại-thiên thế-giới là nói gồm cả Đại-thiên thế-giới 大 千 世 界, Trung-thiên thế-giới 中 千 世 界 và Tiểu-thiên thế-giới 小 千 世 界. Vậy sau này ta xét xem thế nào là một thế-giới và tam thiên đại-thiên thế-giới là bao nhiêu thế-giới.

Đạo Phật cho mỗi một thế-giới có một quả núi Tu-di 須 彌 山. Tu-di-sơn là phần đất rất cao, chung-quanh có mặt trời mặt trăng và tứ thiên-hạ, tức là một cách nói như ngày nay gọi là một quả địa-cầu vậy. Ở dưới núi Tu-di là địa-ngục và ở bốn phía chung quanh núi là chỗ ở của người, a-tu-la, ngã-quỉ và súc-sinh, gọi là tứ thiên-hạ. Ở lưng chừng núi có cõi trời thứ nhất là Tứ-thiên-vương thiên, có bốn vị Thiên-vương ở, và ở trên đỉnh núi, có cõi trời thứ hai là Điêu-lợi-thiên, là cõi trời vua Đế-Thích và 32 vị thần khác ở.

Lên quá núi Tu-di, ở trên không, cõi trời thứ ba là Dạ-ma-thiên, rồi đến cõi trời thứ tư là Đâu-suất-thiên, cõi trời thứ năm là Hóa-lạc-thiên và cõi trời thứ sáu là Tha-hóa-thiên. Cõi thứ sáu này là cõi trời cùng tột trong Dục-giới, có Ma-vương Tự-tại-thiên làm chủ.

Hết Dục-giới lên đến Sắc-giới vào cõi Sơ-thiền Phạm-thế-thiên, gồm có ba cõi trời là: Phạm-chúng-thiên, Phạm-phụ-thiên, và Đại-Phạm-thiên. Ở cõi trời Đại-Phạm-thiên có đấng Phạm-thiên, tiếng phạm gọi là Brahmâ, làm chủ-tể cả vạn vật ở trong thế-giới.

Vậy, một thế-giới, kể từ địa-ngục lên đến Đại-Phạm-thiên chia làm mấy tầng, có trời thánh, quỉ thần, nhân dân, cầm thú, thảo mộc, sơn hà, đại địa, ở trong Dục-giới và trong Sơ-thiền-thiên, thuộc về Sắc-giới. Chỗ cùng tột làm giới-hạn cho một thế-giới là cõi trời Sơ-thiền Phạm-thế-thiên che phủ khắp cả.

Song ở trong không-gian, không phải là chỉ có một thế-giới mà thôi. Cả một thế-giới như vừa nói đây, chỉ là một phần rất nhỏ ở trong vũ-trụ. Đạo Phật lấy tuệ-nhãn mà thấy rõ chỗ ấy, cho nên mới chia ra làm Tiểu-thiên thế-giới, Trung-thiên thế-giới và Đại-thiên thế-giới.

Tiểu-thiên thế-giới.— Tiểu-thiên thế-giới có nghìn thế-giới và một đệ-nhị Thiền-thiên che phủ chung-quanh. Đệ-nhị Thiền-thiên có ba cõi trời là Thiểu-quang-thiên, Vô-lượng-quang-thiên, và Quang-âm-thiên, thuộc về Sắc-giới.

Trung-thiên thế-giới.— Trên Tiểu-thiên thế-giới có Trung-thiên thế-giới. Mỗi Trung-thiên thế-giới có một nghìn Tiểu-thiên thế-giới, tức là một triệu thế-giới, một nghìn đệ nhị Thiền-thiên và một đệ tam Thiền-thiên. Đệ tam Thiền-thiên che phủ chung-quanh Trung-thiên thế-giới và có ba cõi trời là Thiểu-tĩnh thiên, Vô-lượng-tĩnh-thiên và Biến-tĩnh-thiên, thuộc về Sắc-giới.

Đại-thiên thế-giới.— Trên Trung-thiên thế-giới có Đại-thiên thế-giới. Mỗi Đại-thiên thế-giới có một nghìn Trung-thiên thế-giới, tức là một nghìn triệu thế-giới, một triệu đệ nhị Thiền-thiên, một nghìn đệ tam Thiền-thiên và một đệ tứ Thiền-thiên. Đệ tứ Thiền-thiên che phủ chung quanh Đại-thiên thế-giới và có chín cõi trời là: Vô-vân-thiên, Phúc-sinh-thiên, Quảng-quả-thiên, Vô-tướng-thiên, Vô-phiền-thiên, Vô-nhiệt-thiên, Thiện-kiến-thiên, Thiện-hiện-thiên và Sắc-cứu-cánh-thiên, thuộc về tầng cùng tột của Sắc-giới. Ở cõi trời Sắc-cứu-cánh-thiên có đấng Tự-tại-thiên làm chủ cả tam-thiên Đại-thiên thế-giới.

Xem như thế, thì ta hiểu những chữ « vô-lượng », « vô biên » nói ở trong các kinh, có cái nghĩa rộng lớn bao-la là thế nào. Nay muốn cho ai xem cũng dễ hiểu biết ngay, chúng tôi kê rõ cái số các thế-giới ra ở cái biểu sau này:

Một thế-giới 1 Tu-di sơn.
1 Mặt trời.
1 Mặt trăng.
1 Tứ thiên-hạ ở chung quanh núi Tu-di.
1 Tứ Thiên-vương-thiên ở lưng chừng núi Tu-di.
1 Điêu-lợi-thiên ở trên đỉnh núi Tu-di, cõi trời của vua Đế-Thích.
1 Dạ-ma-thiên.
1 Đâu-suất-thiên.
1 Hóa-lạc-thiên.
1 Tha-hóa-thiên, cõi trời của Ma-vương Tự-tại thiên.
1 Sơ-thiền Phạm-thế-thiên, cõi trời của Đại-Phạm-thiên.
Tiểu-thiên thế-giới
(1000 thế-giới)
1000  Tu-di sơn.
1000  Mặt trời.
1000  Mặt trăng.
1000  Tứ thiên-hạ.
1000  Tứ Thiên-vương-thiên.
1000  Điêu-lợi-thiên.
1000  Dạ-ma-thiên.
1000  Đâu-suất-thiên.
1000  Hóa-lạc-thiên.
1000  Tha-hóa-thiên.
1000  Sơ-thiền Phạm-thế-thiên.
Đệ nhị Thiền-thiên.
Trung-thiên thế-giới
(1.000.000 thế-giới)
1.000.000  Tu-di sơn.
1.000.000  Mặt trời.
1.000.000  Mặt trăng.
1.000.000  Tứ thiên-hạ.
1.000.000  Tứ Thiên-vương-thiên.
1.000.000  Điêu-lợi-thiên.
1.000.000  Dạ-ma-thiên.
1.000.000  Đâu-suất-thiên.
1.000.000  Hóa-lạc-thiên.
1.000.000  Tha-hóa-thiên.
1.000.000  Sơ-thiền Phạm-thế-thiên.
1.000  Đệ-nhị Thiền-thiên.
Đệ tam Thiền-thiên.
Đại-thiên thế-giới
(1.000.000.000 thế-giới)
1.000.000.000  Tu-di sơn.
1.000.000.000  Mặt trời.
1.000.000.000  Mặt trăng.
1.000.000.000  Tứ thiên-hạ.
1.000.000.000  Tứ Thiên-vương-thiên.
1.000.000.000  Điêu-lợi-thiên.
1.000.000.000  Dạ-ma-thiên.
1.000.000.000  Đâu-suất-thiên.
1.000.000.000  Hóa-lạc-thiên.
1.000.000.000  Tha-hóa-thiên.
1.000.000.000  Sơ-thiền Phạm-thế-thiên.
1.000.000  Đệ nhị Thiền-thiên.
1.000  Đệ tam Thiền-thiên.
Đệ tứ Thiền-thiên.

Cõi Sa-bà thế-giới ta ở đây là cõi gồm có cả tam thiên Đại-thiên thế-giới ấy, tức là một nghìn triệu thế-giới. Những vị thần lớn ở các cõi trời trong một thế-giới, có Ma-vương Tự-tại-thiên ở cõi trời thứ sáu, là thường vẫn lấy sự ảo-vọng mà bắt chúng sinh phải luân-hồi biến-hóa, để làm sự vui sướng của mình, cho nên cứ phản-đối đạo Phật, là đạo đem chân-lý mà làm cho mất những sự mê-hoặc, lấy ánh sáng của trí-tuệ mà phá tan những sự mờ-mịt tối-tăm. Còn các thần lớn khác như Đại-Phạm-thiên, Đế-Thích và tứ Thiên-vương đều hết sức ủng-hộ đạo Phật, để cầu sự giải-thoát. Bởi vậy ở trong chùa thờ Phật, chùa nào cũng có tượng thờ Đại-Phạm-thiên, Đế-Thích và tứ Thiên-vương.

Ở trong thời-gian.— Ở trong thời-gian, những thế-giới ấy không phải là cứ trường-cửu mãi mãi. Theo cái thuyết nói trong sách Trí-độ-luận 智 度 論 và sách Phật-tổ thống-ký 佛 祖 統 記, thì các thế-giới cũng theo sự tuần-hoàn của tạo-hóa có thời thành 成, thời trụ 住, thời hoại 壞, thời không 空. Những thời ấy tiếng nhà Phật gọi là kiếp 劫. Do chữ kiếp-ba 圬 波 (Kalpa) gọi tắt mà thành ra.

Kiếp có ba thứ: đại-kiếp, trung-kiếp và tiểu-kiếp. Mỗi đại-kiếp có bốn trung-kiếp là: thành-kiếp, trụ-kiếp, hoại-kiếp, và không-kiếp, và mỗi trung-kiếp có hai-mươi tiểu kiếp. Vậy một đại-kiếp có bốn trung-kiếp và tám-mươi tiểu-kiếp.

Cái số-lượng[12] của các kiếp tính theo cái số-lượng của trụ-kiếp, là kiếp đã có người sinh ra ở trần-gian. Cái số-lượng ấy định như thế này: Mỗi tiểu-kiếp có hai thời là thời giảm và thời tăng. Thời giảm khởi đầu từ thọ-mệnh của người ta lâu được 84.000 năm, rồi cứ mỗi một trăm năm giảm đi một năm, giảm mãi đến khi thọ-mệnh của người ta chỉ còn có mười năm. Hết cái khoảng một trăm năm mà người ta chỉ sống có mười năm, thì sang thời tăng, nghĩa là từ đó trở đi lại cứ mỗi một trăm năm lại tăng lên một năm, tăng mãi đến khi thọ-mệnh của người ta lại lâu được 84.000 năm như lúc đầu.

Theo cái số-lượng ấy mà tính, thì:

Mỗi thời giảm hay thời tăng có: (84.000−10) × 100 = 8.399.000 năm.

Mỗi tiểu-kiếp (gồm cả thời giảm và thời tăng) có: 8.399.000 × 2 = 16.798.000 năm.

Mỗi trung-kiếp có: 16.798.000 × 20 = 335.960.000 năm.

Mỗi đại-kiếp có: 335.960.000 × 4 = 1.343.840.000 năm.

Hết một đại-kiếp là hết một tam thiên Đại-thiên thế-giới. Nhưng tam thiên Đại-thiên thế-giới này hết, thì tam thiên Đại-thiên thế-giới khác lại thành ra, cứ luân-chuyển mãi mãi như thế ở trong thời-gian.

Trong thời-kỳ thuộc về không-kiếp của đại-kiếp trước, thì thế-gian từ Sơ-Thiền Phạm-thế-thiên trở xuống là hư-không cả, sang đến thành-kiếp của Đại-kiếp sau thì các thế-giới khác lại thành-lập, khí-thế-gian 器 世 間 thành lập trước, rồi hữu-tình thế-gian 有 情 世 間 thành lập sau.

Khí-thế-gian là nói riêng về phần sơn hà, đại địa ở trong thế-gian, tức là núi sông đất đai, mà hữu-tình thế-gian là nói riêng về các sinh vật như người và các loài cầm thú, côn trùng, vân vân.

Sách Phật-tổ thống-ký nói rõ bốn thời thành, trụ, hoại, không trong một đại-kiếp như thế này.

Thành-kiếp.— Trong đệ nhất tiểu-kiếp của thành-kiếp ở trong tầng trời Quang-âm thiên là tầng trời thứ ba của đệ-nhị Thiền-thiên, thuộc về Sắc-giới, có mây vàng che phủ, rồi đổ cơn mưa lớn xuống, nước mưa tích lại ở trên cái phong-luân, nghĩa là trên luồng gió quay. Sau có gió lớn thổi mạnh làm cho nước thành ra có bọt; bọt ấy thành ra núi Tu-di. Ấy thế là khởi đầu có khí-thế-gian. Khi ấy hết thảy các giống hữu-tình ở cả trên tầng trời Quang-âm-thiên chen chúc đông-đúc lắm. Trong những hữu-tình ấy có ai đã kém phúc rồi, thì phải sinh xuống cõi dưới, thoạt đầu tiên có một vị người trời chết ở trên tầng trời Quang-âm rồi sinh xuống cõi trời Đại-phạm thiên làm Phạm-vương thọ được 60 tiểu-kiếp.

Sang tiểu-kiếp thứ ba các vị người trời ở cõi Quang-âm thiên lại xuống sinh ra ở Sơ-thiền Phạm-thế-thiên làm Phạm-chúng thiên, mỗi người thọ được 20 tiểu-kiếp. Rồi sau cứ dần dần sinh xuống các tầng trong Dục-giới. Sau rốt những bậc người trời ở trên cõi Quang âm thiên, có ai hết phúc xuống trần thế, hóa sinh làm người ta ở cõi đời. Lúc đầu người ta hoặc bay, hoặc đi, tùy ý và không có hình tướng đàn ông đàn bà gì cả. Bấy giờ ở đất có suối ngọt, chảy ra những chất có vị ngọt như sữa, như mật, người ta mới nếm quen, thành ra cái tính ưa vị ngọt, rồi mất cả thần-thông và cái sáng ở thân mình. Dần dần thế-gian mờ tối, gió đen thổi xuống biển, làm cho mặt trời mặt trăng nổi lên ở lưng chừng núi Tu-di, chiếu khắp bốn thiên-hạ, sinh ra có ngày có đêm. Chúng sinh lúc ấy do sự ham-mến các vị ở đất mà nhan sắc xấu kém đi, và lại ăn lúa gạo mà có tàn uế[13] ở trong mình. Vì có cái lòng dục cứ muốn kén chọn, mới sinh ra hai đạo là có trai và có gái; vì có cái sức tập quen lâu ngày, mới sinh ra dâm-dục mà có vợ chồng ở với nhau. Từ đó những người ở tầng trời Quang-âm thiên giáng sinh, thì phải đầu thai ở trong bụng mẹ, thành ra có thai sinh.

Trụ-kiếp.— Qua sang trụ-kiếp là thời-kỳ các thế-giới đã yên trụ rồi, đến tiểu-kiếp thứ tám, tức là Trung-nghiêm kiếp có ba vị Phật ra đời, là Tì-bà-thi Phật, Thi-khí Phật và Tì-xá-phù Phật. Đến tiểu-kiếp thứ chín là Hiền-kiếp bây giờ, vào thời giảm, khi thọ-mệnh của người ta giảm đến 50.000 năm, thì có Câu-lưu-tôn Phật ra đời; giảm đến 40.000 năm, thì có Câu-na-hàm Phật; giảm đến 20.000 năm thì có Ca-diếp Phật; giảm đến 100 năm thì có Thích-ca-mâu-ni Phật. Đến tiểu-kiếp thứ mười, khi thọ mệnh của người ta giảm đến 80.000 năm, thì có Di-lặc Phật sẽ ra đời. Từ tiểu-kiếp thứ mười-lăm đến tiểu-kiếp thứ hai-mươi còn có 992 vị Phật nữa ra đời, cộng tất cả là 1.000 vị ra đời trong trụ-kiếp.

Hoại-kiếp.— Hoại-kiếp là thời-kỳ các thế-giới tan nát hết. Từ tiểu-kiếp thứ nhất đến tiểu-kiếp thứ 19 trong trung-kiếp này, hóa tai khởi từ địa-ngục lên đến Sơ-thiền Phạm-thế-thiên trong Sắc-giới, các loài hữu-tình mất hết, chỉ còn trơ cái khí-thế-gian bỏ không. Đến tiểu-kiếp thứ 20 có bảy mặt trời ở đáy biển mọc lên, biển lớn cạn khô, núi Tu-di lở nát, gió thổi lửa bốc lên mạnh, cháy đến cõi Phạm-thế thiên. Ấy thế là tam thiên Đại-thiên thế-giới đều thành ra tro hết.

Không-kiếp.— Không-kiếp là thời-kỳ sau hoại-kiếp, từ cõi Sơ-thiền Phạm-thế-thiên trở xuống các thế-giới đều không có nữa. Trong khoảng 20 tiểu-kiếp về thời-kỳ ấy, thế-gian bỏ trống không như cái hang tối, không có mặt trời mặt trăng, không có ngày đêm gì cả, chỉ là tối tăm mờ mịt. Song hết không-kiếp ấy lại khởi đầu có thành-kiếp khác.

Đó là nói đại khái cái tư-tưởng của Phật-giáo về thế-gian ở trong vũ-trụ. Nguyên lúc đầu đạo Phật chỉ chú lấy sự hiểu đạo để cầu giải-thoát mà thôi, sau dần dần các nhà Phật-học mới đem đạo lý bàn rộng ra và lập ra các thuyết. Từ đó cái tư-tưởng về thế-gian mới thành ra phổ-thông ở trong Phật-giáo. Cái tư-tưởng ấy huyền-diệu bao-la, ta không thể lấy cái trí phàm trần nhỏ hẹp mà xét đoán được. Nhưng ta cần phải biết rõ mọi thuyết, để mà so sánh với sự học-thức của ta ở đời nay vậy.

  1. A-la-hán quả: Cái kết-quả của sự tu-luyện đến bậc bất sinh bất diệt, không phải học gì nữa.
  2. Vạn-tượng sâm-nhiên: Muôn tượng đông-đúc.
  3. Phổ-biến: Rộng khắp hết mọi nơi.
  4. Thọ-mệnh: Sự sống lâu.
  5. Ngũ dục: Năm lòng dục là: Sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị dục và xúc-dục.
  6. Tri túc: Biết lấy làm đủ.
  7. Ngũ trần: Năm cái trần-tục là: Sắc-trần, thanh-trần, hương trần, vị-trần và xúc-trần.
  8. Dục-nhiễm: Thấm quen các trần-dục.
  9. Thần-liêu: Thần-thuộc quan-liêu.
  10. Lậu-nghiệp: Cái nghiệp còn sót lại.
  11. Ái-hoặc: Sự mê, sự lầm của lòng ái.
  12. Số-lượng: Cách lường tính theo số.
  13. Tàn-uế: Bã bẩn.