Phật lục/III-7

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

ĐỊA-TẠNG BỒ-TÁT

地 藏 菩 薩

Địa-tạng là dịch theo nghĩa tiếng phạm Khất-xoa-để-nghiệt-sa 乞 叉 底 孽 沙 (Ksutigarbha). Địa-tạng là nói cái nghĩa yên-nhẫn[1], bất-động như đất lớn, nghĩ-ngợi sâu-xa kín-đáo như cái kho kín chứa đồ báu.

Địa-tạng Bồ-tát ở trên tầng trời Điêu-lị là tầng trời thứ ba và Ngài cũng như các vị Đại Bồ-tát khác lấy từ-bi cứu-khổ làm đầu việc bản nguyện của mình, cho nên Ngài có câu phát nguyện rằng: « Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật. Chúng sinh tận độ, phương chứng bồ-đề: 地 獄 未 空, 誓 不 成 佛 衆 生 盡 度 方 證 菩 提: Địa-ngục chưa sạch không, thề không thành Phật. Chúng sinh độ hết, mới chứng đạo bồ-đề ».

Kinh Địa-tạng bản nguyện 地 藏 本 願 chép rằng: Khi đức Thích-ca mầu-ni lên tầng trời Điêu-lị để thuyết pháp cho Thánh-mẫu nghe, giữa chốn đại-hội đủ hết thảy chư Phật, chư Bồ-tát và các vị thánh chúng. Ngài ân-cần phó-chúc[2] cho Địa-tạng Bồ-tát rằng: « Ta đem việc chúng sinh ở cõi trời và cõi người chưa thoát khỏi tam giới, lục đạo[3], còn vị ở trong nhà lửa, nhờ cậy ở Bồ-tát. Bồ-tát đừng để cho chúng sinh ấy đầy đọa trong mọi nơi ác đạo ». Kinh ấy có chỗ chép rằng: « Ở vào khoảng sau khi đức Thích-ca mầu-ni diệt độ rồi, mà đức Di-lặc chưa ra đời thì đức Địa-tạng Bồ-tát thường hiện thân vào cõi nhân-gian, cõi thiên-giới và cõi địa-ngục để cứu khổ cho các chúng sinh ».

Bởi có lời phó chúc của Phật và lại có thần-thông rất lớn, cho nên Địa-tạng thường hay biến hiện lên xuống trong lục đạo để hóa-độ chúng sinh.

Tượng của Địa-tạng Bồ-tát thường làm đầu tròn, một tay cầm bảo-châu và một tay cầm gậy tích-trượng. Nhưng vì ngài có nhiều phép ứng-hóa cho nên ngài có sáu danh-hiệu gọi là lục Địa-tạng như sau này:

1.— Đàn-đà Địa-tạng 檀 陀 地 藏, tay cầm cái tràng-phan có hình đầu người để đi hóa-độ nơi địa-ngục.

2.— Bảo-châu Địa-tạng 寳 珠 地 藏, tay cầm bảo-châu để đi hóa-độ loài ngã-quỷ

3.— Bảo-ấn Địa-tạng 寶 印 地 藏, tay cầm như-ý bảo-ấn để đi hóa-độ loài súc-sinh.

4.— Trì-địa Địa-tạng 持 地 地 藏, tay cầm cõi đại-địa để đi hóa-độ loài A-tu-la.

5.— Trừ-cái-chướng Địa-tạng 除 蓋 障 地 藏, đi hóa-độ loài người và trừ bỏ mọi sự che lấp ngại trở.

6.— Nhật-quang Địa-tạng 日 光 地 藏, đi hóa-độ ở cõi trời, trừ bỏ mọi điều khổ-não.

Kinh Liên-hoa tam-muội 蓮 花 三 昧 經, lại chép rằng: « Địa-tạng Bồ-tát có hiệu là Thắng-quân Địa-tạng 勝 軍 地 藏, đầu đội mũ trụ, mặc áo giáp « đà-la-ni », đeo con giao lớn « kim-cương-trì », vác cành phướn « phát tâm tu hành » cầm thanh gươm « trảm ác-nghiệp phiền-não quân ». Hai bên tả hữu có hai đồng-tử tên là Chướng-thiện 掌 善, và Chướng-ác 掌 惡, đứng hầu ». Đó là hình-dung cái tướng của Địa-tạng rất dũng-mãnh về sự đánh phá những điều tàn-ác làm cho những sự quang-minh từ-thiện được thắng lợi vậy. Kinh Địa-tạng bản nguyên còn chép nhiều chuyện như nói: Ngài thường hiện ra người nhi-nữ để cứu cho cha mẹ thoát khỏi nơi địa-ngục, mà sinh về cõi cực-lạc. Bởi vậy người ta gọi kinh ấy là sách Hiếu-kinh của nhà Phật. Trong kinh ấy có chỗ nói rõ: Khi người ta chết rồi, cứ bảy ngày vong-nhân bị một lần xét hỏi về cái nghiệp-quả của mình, đến ngày thứ bốn-mươi-chín là ngày bảy lần bảy, thì định xong: ai có cái nghiệp-báo thế nào phải chịu như thế. Kinh ấy lại tả rất tường các thứ địa-ngục ở âm-phủ. Vậy nên người ta theo đó mà làm ra các động Thập-điện ở trong chùa để trừng-giới những kẻ gian-ác.

  1. Yên-nhẫn: Yên lặng và chịu-đựng chắc-chắn.
  2. Phó chúc: Dặn-dò.
  3. Lục đạo: Sáu cõi là cõi trời, cõi người, cõi A-tu-la, cõi ngã-quỉ, cõi súc-sinh và cõi địa-ngục.