Quốc văn trích diễm/68

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
68. — Bổn-phận con gái của Nguyễn Trãi

68. — BỔN-PHẬN CON GÁI

Phận con gái ở cùng cha mẹ,
Lòng phải chăm học khéo học khôn.
Một mai xuất giá hồi môn,
Phận bồ-liễu giá trong như ngọc.
Khéo là khéo bánh trong bánh lọc,
Lại ngoan nghề dệt vóc may mền.
Khôn là khôn lẽ phải đường tin,
Lại trọn đạo nâng khăn sửa túi.
Khôn chẳng tưởng mưu lừa chước dối,
Khéo chẳng khoe vẻ lịch chiều trai.
Xưa nay hầu dễ mấy người,
Miệng khôn tay khéo cho ai được nhờ.
Phận làm gái này nhời giáo khuyến,
Lắng tai nghe cổ-truyện mới nên.
Hãy xem xưa những bực dâu hiền,
Kiêm tứ-đức: dong, công, ngôn, hạnh.
Công, là đủ mùi sôi thức bánh,
Nhiệm nhặt thay đường chỉ mũi kim.
Dong, là nét mặt ngọc trang nghiêm,
Không tha-thướt không chiều lả-tả.
Ngôn, là dạy trình, thưa, vâng, dạ.

Hạnh, là đường ngay thảo kính tín.
Xưa nay mấy kẻ dâu hiền,
Dong, công, ngôn, hạnh là tiên phàm-trần.
Phận con gái ở nhà thi-lễ,
Lắng tai nghe truyện kể tam-cương,
Dẫu ái ân cùng chiếu cùng giường,
Đạo chồng sánh quân-thân chi đạo.
Làm tôi con chỉ trung chỉ hiếu,
Làm dâu thời chỉ kính mới nên.
Chớ khoe-khoang mình bạc mình tiền,
Đừng đỏng-đảnh cạy khôn cạy khéo.
Bề thiếp phụ thuận tòng là điệu,
Cũng như bên thờ chúa thờ cha.
Muôn nghìn đừng thói điêu ngoa,
Mắng ta không giận, yêu ta không nhờn[1].

CÂU HỎI. — I. Ý tưởng. — Bài này chia ra làm mấy đoạn và có những ý gì? Sách ta có những chữ gì để tóm tắt các bổn-phận của một người con gái? Cắt nghĩa những chữ ấy. — Về đạo vợ chồng trong sách ta có những chữ gì thường nói đến?

II. Lời văn. — 1. Xuất-giá hồi-môn: nghĩa. — Bồ-liễu: nghĩa đen, nghĩa bóng. — Ngoan: nghĩa ở đây; nghĩa thường. — Nâng khăn sửa túi: ý nói gì? — Nhiệm-nhặt, Trang-nghiêm, Thướt-tha, Lơi-lả: nghĩa những chữ ấy. — Trình, thưa, vâng, dạ: bốn chữ ấy nghĩa khác nhau thế nào? — Tiên phàm-trần: nghĩa đen, nghĩa bóng. — Nhà thi lễ là gì? — Thế nào là Quân-thân chi đạo? — Tam-cương là những gì? — Chỉ trung chỉ hiếu: nghĩa chữ chỉ. — Thế nào là đỏng-đảnh? — Chữ thuận-tòng nghĩa là gì?

2. Nhặt (lặt) các chữ lắp đi lắp lại trong bài này và nói hiệu-lực cách đặt chữ ấy. — Nói rõ đoạn này tại sao có giọng thấm-thiết. — Nhặt trong bài những câu nào đối nhau.

Hãy xét về số chữ trong các câu bài này và cách sắp đặt ra làm sao? Lối văn ấy có cái gì khác thường không? Có thông dụng không?

   




Chú thích

  1. Lờn.