Bước tới nội dung

Quốc văn trích diễm/77

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
77 — Kiều gẩy đàn cho Kim-Trọng nghe của Nguyễn Du

77 — KIỀU GẨY ĐÀN[1] CHO KIM-TRỌNG NGHE

TIỂU DẪN. — Từ khi Kiều đi chơi Thanh-minh gặp chàng Kim-Trọng, về nhà hai bên tơ-tưởng nhau; sau Kim đến tìm Kiều, hai bên đã mấy lần gặp nhau. Lần này sau khi hai người đã thề nguyền gắn bó cùng nhau, Kim mới bảo Kiều gẩy đàn cho nghe. Trong các đoạn văn tả tài đàn của nàng Kiều, đoạn này là dài nhất và hay nhất.

Rằng: « Nghe nổi tiếng cầm-đài,
Nước non luống những lắng tai Chung-Kỳ 1. »
Thưa rằng: « Tiện-kỹ 2 sá chi?
Đã lòng dạy đến, dạy thì phải vâng. »
Hiên sau treo sẵn cầm-trăng 3,
Vội-vàng, Sinh đã tay nâng ngang mày.
Nàng rằng: « Nghề mọn riêng tay,
Làm chi cho bận lòng này lắm thân 4? »
So dần dây dây văn 5,
Bốn dây to nhỏ theo vần cung, thương 6.
Khúc đâu Hán, Sở chiến tràng 7,
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng xen nhau!

Khúc đâu Tư-mã Phượng-cầu 8,
Nghe ra như oán như sầu phải chăng!
Kê-khang này khúc Quảng-lăng 9,
Một rằng Lưu-thủy, hai rằng Hành-vân.
Quá-quan 10 này khúc Chiêu-quân,
Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia.
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như nước suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm-sập như trời đổ mưa.
Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,
Khiến người ngồi đấy mà ngơ-ngẩn sầu.
Khi tựa gối, khi cúi đầu,
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày.
Rằng: « Hay thì thật là hay;
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!
Lựa chi những khúc tiêu-tao 11,
Thiệt lòng mình, cũng nao-nao lòng người. »
Rằng: « Quen mất nết đi rồi,
Tẻ vui, âu cũng tính trời biết sao!
Lời vàng, 12 vâng lĩnh ý cao,
Họa dần dần bớt chút nào được không! »

CHÚ THÍCH. — 1. Chung-Kỳ tức là Chung-tử-Kỳ người sành nghe đàn có tiếng ở đời Xuân-thu bên Tàu. Ý câu này nói xưa nay vẫn ao-ước muốn nghe giọng đàn của nàng. — 2. Nghề khéo hèn mọn. — 3. Tức là đàn nguyệt. — 4. Lắm thân: tiếng Trung-kỳ như: lắm thay! — 5. Dây là dây to, dây văn là dây nhỏ. — 6. Cung, thương là hai thứ tiếng trong ngũ âm (đã chú-thích ở trên, tr. 79). — 7. Tên một khúc đàn; nghĩa đen là chỗ đánh nhau của nước Hán nước Sở (bên Tàu). — 8. Tức là phượng cầu kỳ hoàng (chim phượng tìm chim hoàng), tên khúc đàn của Tư-mã Tương-như đời nhà Hán gẩy, giọng não-nùng ai-oán đến nỗi nàng Trác-văn-Quân nghe thấy phải mê. — 9. Tên một khúc đàn thần dạy cho Kê-khang đời nhà Tấn gẩy. — 10. Là qua cửa ải: Bà Chiêu-Quân là cung-nữ vua Hán phải ép gả cho chúa Hung-nô, nên lúc qua cửa ải nhớ nước nhớ nhà gẩy một khúc đàn giọng bi-ai lắm. — 11. Là buồn, tẻ. — 12. Là lời nói đáng quý như vàng.

   




Chú thích

  1. Đờn.