Quốc văn trích diễm/Nguyễn Du
NGUYỄN-DU 阮 攸 (1765 - 1820)
Ông người làng Tiên-điền, huyện Nghi-xuân, tỉnh Hà-tĩnh. Tổ-tiên nhà ông đời đời làm quan với nhà Lê. Ông có khí-tiết, gặp loạn Tây-sơn, không chịu ra làm quan. Năm Gia-Long nguyên-niên (1802), ngài vời mãi mới ra làm Tri-phủ Thường-tín (Hà-đông). Năm thứ 8 ra làm cai-bạ Quảng-bình. Năm thứ 12, thăng lên Cần-chính-điện học-sĩ sung làm chánh-sứ sang cống bên Tàu. Đến khi về thăng Lễ-bộ hữu-tham-tri. Năm Minh-Mệnh nguyên-niên (1820) lại có mệnh sang sứ Tàu, nhưng chưa đi thì ông mất.
Ông giỏi nghề văn-chương mà quốc-văn lại hay lắm. Hồi gặp loạn Tây-sơn, ông không ra làm quan, chỉ lấy chơi bời săn bắn lám vui, trong 99 ngọn núi Hồng-sơn không chỗ nào chân ông không đi đến. Khi đi sứ Tàu về, ông có soạn một bộ Bắc-hành thi-tập và quyển truyện Thúy-Kiều (nguyên nhan là Đoạn-trường tân-thanh).
TRUYỆN THÚY-KIỀU
Truyện Thúy-Kiều nguyên ông Nguyễn-Du phỏng theo một bản tiểu-thuyết Tàu mà làm ra. Song không phải ông dịch y như nguyên-văn; ông chỉ phỏng theo cái cốt truyện của Tàu mà cách bố-cục, cách kết-cấu, cách thuật các tình-tiết, tả các người chủ-động trong truyện đều thay đổi châm-chước cho hợp với tâm-lý người Nam và phong-tục nước Nam.
Coi thân-thế ông cũng là một người có tài-đức mà không gặp thời, nên ông mượn truyện một người con gái có tài sắc có tiết-hạnh mà gặp nhiều cảnh gian-truân để bộc-bạch cái tâm-sự của ông; trong truyện ông lại khéo mô-tả thế-thái nhân-tình rạch-ròi chí lý, lời lời thấm-thiết, giọng điệu âm-thầm, đọc lên não-nùng ai-oán.
Lời văn thì thật là điêu-luyện: từ đầu chí cuối không câu nào non, không chữ nào ngượng mà đủ cả các lối văn: tả cảnh, tả tình, vẽ người, kể việc, lối nào cũng hay cả; thật là một áng văn tuyệt-bút trong nền quốc-âm ta, kể cả các truyện nôm của ta, không quyển nào được hoàn-toàn như quyển ấy.
Bởi vậy nên truyện Kiều phổ-thông nhất trong nước ta, trên từ các bậc văn-nhân, người khuê-các, dưới đến các hạng bình-dân, kẻ phụ-nhụ ai cũng ham đọc truyện này, ai cũng thuộc được ít nhiều câu trong truyện, rồi nhân đấy mà sinh ra bói Kiều, vịnh Kiều, làm bài tập Kiều, làm bài án Kiều: thật là một quyển sách rất có ảnh-hưởng về đường văn-học, đường phong-tục ở nước nhà.