Quốc văn trích diễm/75

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm
75. — Tài sắc hai chị em Thúy-Kiều của Nguyễn Du

TÀI SẮC HAI CHỊ EM THÚY-KIỀU

Đầu lòng hai ả tố-nga,
Thúy-Kiều là chị, em là Thúy-Vân.
Mai cốt-cách, tuyết tinh-thần;
Một người một vẻ, mười phân vẹn mười.
Vân xem trang-trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy-đặn, nét ngài nở-nang.
Hoa cười, ngọc thốt đoan-trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Kiều càng sắc-sảo mặn-mà;
So bề tài sắc lại là phần hơn.
Làn thu-thủy, nét xuân-sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành;
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.

Thông-minh vốn sẵn tư (tính) trời,
Pha nghề thi-họa, đủ mùi ca-ngâm;
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt Hồ-cầm một trương;
Khúc nhà tay lựa nên xoang (chương),
Một thiên bạc-mệnh lại càng não nhân!
Phong-lưu rất mực hồng-quần,
Xuân-xanh xấp-xỉ tới tuần cập-kê.
Êm-đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.

GIẢNG NGHĨA. — Đoạn này ở ngay đầu truyện Kiều. Trước khi kể tình-tiết truyện ấy, tác-giả cho ta được biết hai người chủ-động thế nào (présentation des personnages). Thuộc về lối văn tả người (portrait) cốt tả tài sắc hai chị em Thúy-Kiều.

Thoạt-tiên (4 câu trên) nói chung cả hai người, rồi tả riêng từng người: nàng Vân (4 câu trước), nàng Kiều (12 câu sau); sau cùng (4 câu cuối) nói cái phong-thái của hai người.

1. — Đoạn nói chung. — Đọc hai chữ tố-nga cũng đủ biết hai người là đẹp.

Mai cốt-cách, tuyết tinh-thần,
Một người một vẻ mười phân vẹn mười.

Rõ tả ra cái đẹp của hai người: vừa đẹp về hình thức (mai cốt-cách là nói dáng-điệu người đẹp tựa cây mai) vừa đẹp về tinh-thần (tuyết tinh-thần là nói tinh-thần trong như tuyết), hai người đều hoàn-toàn, mà mỗi người lại có một vẻ đặc-sắc riêng.

II. Nói về Thúy-Vân thì trang-trọng, đầy-đặn, nở-nang, đoan-trang, cười như hoa, nói như ngọc, tóc mây da tuyết: thật là một bức tranh đẹp rực-rỡ, nhưng rõ ra đẹp về hình-thức hơn đẹp về tinh-thần, suốt trong đoạn ấy chỉ tả cái sắc mà không nói đến tài. Khuôn trăng là nói hình mặt đầy-đặn như hình mặt trăng tròn, nét ngài là nói nét lông mày nở-nang như con ngài nằm. — Hoa cười ngọc thốt: ý nói cười tươi như hoa, nói hay như ngọc (phun châu, nhả ngọc cũng ý ấy). Mây thua nước tóc, tuyết nhường mầu da: ý nói tóc mượt đến mây cũng không bằng mà da trắng đến tuyết cũng phải kém.

III. Nói về Thúy-Kiều thì lại sắc-sảo hơn nhiều.

a) Nào sắc (câu 11 đến 14) thì thu thủy, xuân sơn, hoa thắm, liễu xanh, nghiêng nước nghiêng thành: thật là đẹp đậm-đà, có sắc có tình. Làn thu thủy nói mắt trong như nước mùa thu; nét xuân-sơn nói lông mày xanh như núi mùa xuân. — Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh là đối lại với câu: mây thua nước tóc, tuyết nhường mầu da; ghen với hờn vốn là tính-tình của người ta mà đem gán cho hoa liễu tức ví cây cũng như người vậy: đó cũng là một bút-pháp riêng (personnification). Nghiêng nước nghiêng thành: đẹp mà đến cười một tiếng nghiêng thành, cười hai tiếng nghiêng nước (theo câu thơ ông Lý-diên-niên) thật đã là đẹp lắm.

b) Đến tài (câu 15 đến 20) thì đủ cả cầm, ca, thi, họa, mà đặc-sắc nhất thì nghề đàn. Đàn giỏi đến làu cả các bậc ngũ-âm, mà ăn đứt hơn người là một trương Hồ-cầm, lại tự soạn lấy một điệu riêng là thiên bạc-mệnh. Con người thật là tài-hoa, nhưng cái tài-hoa ấy không phải là của một người chuộng sự vui chơi cho thỏa-thích, mà là của một người đa sầu đa cảm, vì vậy đàn lại hay gẩy khúc bạc-mệnh, hình như cái số-phận nàng Kiều sau này đã hiện ra ở cái khóe tài ấy rồi. Ngũ-âm là 5 thứ tiếng cao thấp khác nhau: cung, thương, giốc, chủy, vũ. — Hồ-cầm là lối đàn cầm của người Hồ đặt ra. Xoang là điệu đàn. — Bạc-mệnh là mệnh mỏng, không gặp may, không ra gì.

Trong hai đoạn tả người này, đoạn tả Thúy-Kiều dài hơn đoạn tả Thúy-Vân nhiều, vì nàng Kiều là vai chính trong truyện cần phải tả rõ hơn; vả nàng ấy sắc-sảo mặn-mà hơn, nên tả nàng Vân trong 4 câu đã đủ, mà tả nàng Kiều muốn cho đủ phải dài hơn, lại tả Vân trước rồi tả Kiều sau để nẩy ra ý Vân kém Kiều. Coi đó cũng đủ biết cái tài kết-cấu (composition) của tác-giả.

IV. Nói về phong-thái hai người thì rất mực phong-lưu đoan-chính: dù đã đến thì (cập-kê: tới kỳ cài-trâm; lệ bên Tàu con gái tới 15 tuổi thì cài trâm là tới kỳ sắp lấy chồng) mà vẫn kín-đáo (êm-đềm trướng rủ màn che), không thèm học cái thói hoa-nguyệt như ai (tường đông ong bướm đi về mặc ai: tường đông ong bướm là nói những tin đi mối lại bên ngoài: bên Tàu làm nhà thường xoay cửa về hướng đông, nên nói tường đông.)

Coi đoạn này đủ biết tài tả người của tác-giả thật khéo; nhất là đoạn tả Thúy-Kiều thật là một bức tranh đẹp đủ mọi vẻ, vừa đẹp về hình-thức vừa đẹp về tinh-thần, xứng với vai chính trong truyện. Có hai điều ta nên chú ý: 1º) bài này tức là cái mẫu văn tả người trong các truyện ta (nên so sánh với đoạn tả nàng cung-phi trong khúc Cung-oán) tả một cách bóng-bẩy (style imagé), thường mượn các vật ngoài mà hoặc ám-chỉ vào các vẻ trong người (métaphores) như khuôn trăng, nét ngài, làn thu-thủy, nét xuân-sơn; hoặc so sánh với các cái trong người (comparaisons) như hoa cười, ngọc thốt, mây thua nước tóc, tuyết nhường mầu da. 2º) Muốn cho nẩy tài sắc Thúy-Kiều thì tác-giả trước hãy tả Thúy-Vân rồi mới tả Thúy-Kiều để sóng vào đấy, khác nào như đem một bức tranh tuyệt đẹp mà để sóng với một bức đẹp vừa thì cái hơn kém thật rõ-rệt lắm.